Dân Việt

NHNN tiếp tục giảm lãi suất điều hành, lãi suất tiết kiệm cao nhất kỳ hạn dưới 6 tháng về 5,5%/năm

Huyền Anh 31/03/2023 20:55 GMT+7
Ngân hàng Nhà nước vừa thông báo giảm lãi suất điều hành kể từ ngày 3/4/2023, với mức giảm từ 0,3 – 0,5%/năm. Sau lần điều chỉnh này, người dân khi gửi tiết kiệm kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng, lãi suất cao nhất chỉ còn 5,5%/năm.

Cụ thể, kể từ ngày 3/4/2023, Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh giảm lãi suất tái cấp vốn thêm 0,5%/năm, từ 6%/năm xuống còn 5,5%/năm.

Cùng với đó, trần lãi suất cho vay ngắn hạn VND đối với lĩnh vực ưu tiên cũng giảm thêm 0,5%/năm, xuống còn 4,5%/năm.

Trong lần điều chỉnh này, lãi suất đối với tiền gửi bằng VND tại Ngân hàng Nhà nước (Kho bạc Nhà nước, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ TDND, Tổ chức tài chính vi mô tại) giảm 0,3%/năm.

Trong khi đó, lãi suất tối đa tiền gửi bằng VND không kỳ hạn và kỳ hạn dưới 1 tháng và kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng cũng được điều chỉnh giảm 0,5%/năm. Như vậy, lãi suất tiết kiệm cao nhất đối với các khoản tiền gửi từ 1 đến dưới 6 tháng sẽ về mức 5,5%/năm.

Tiếp tục giảm lãi suất điều hành, lãi suất tiết kiệm cao nhất kỳ hạn dưới 6 tháng về 5,5%/năm - Ảnh 1.

Ngân hàng Nhà nước vừa thông báo hạ lãi suất điều hành kể từ ngày 3/4/2023, với mức giảm từ 0,3 – 0,5%/năm.

Theo Ngân hàng Nhà nước, việc tiếp tục điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành nêu trên là giải pháp linh hoạt, phù hợp với điều kiện thị trường hiện nay để thực hiện mục tiêu phục hồi tăng trưởng kinh tế của Quốc hội và Chính phủ, qua đó tiếp tục định hướng giảm mặt bằng lãi suất thị trường, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và nền kinh tế.

Đồng thời, việc điều chỉnh giảm trần lãi suất tiền gửi bằng VND các kỳ hạn dưới 6 tháng để các tổ chức tín dụng (TCTD) giảm chi phí đầu vào, trên cơ sở đó có điều kiện giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng giảm chi phí tài chính; tiếp tục điều chỉnh giảm trần lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với các lĩnh vực ưu tiên xuống 4,5%/năm tạo điều kiện để doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn vay với chi phí thấp hơn trong các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ.

"Việc tiếp tục giảm lãi suất điều hành tái khẳng định định hướng về xu hướng giảm lãi suất cho thị trường trong thời gian tới, qua đó định hướng TCTD giảm lãi suất cho vay, đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế", Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh.

Mặc dù vậy, cơ quan quản lý nhà nước về tiền tệ không chủ quan với áp lực lạm phát vẫn ở mức sát với mục tiêu 4,5% ngay trong quý I/2023, lạm phát toàn cầu được dự báo tiếp tục duy trì ở mức cao; các NHTW lớn tiếp tục tiến trình thắt chặt chính sách tiền tệ, điều chỉnh tăng và neo giữ lãi suất ở mức cao.

Ngân hàng Nhà nước cho biết, sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến tiền tệ trong nước, quốc tế, dự báo lạm phát và lãi suất thị trường để tiếp tục chỉ đạo các TCTD có các giải pháp tiết giảm chi phí để ổn định mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.

Tiếp tục giảm lãi suất điều hành, lãi suất tiết kiệm cao nhất kỳ hạn dưới 6 tháng về 5,5%/năm - Ảnh 2.

Sau lần điều chỉnh này, người dân khi gửi tiết kiệm kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng, lãi suất cao nhất chỉ còn 5,5%/năm.

Trước đó, phát biểu tại lễ kỷ niệm 60 năm thành lập và đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động của Vietcombank sáng nay (31/3), Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo ngành Ngân hàng rà soát, tiết giảm chi phí để giảm lãi suất, chi phí cho vay; đồng thời rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng khả năng tiếp cận tín dụng kịp thời, hiệu quả cho doanh nghiệp, người dân.

Đồng thời, bảo đảm tăng trưởng tín dụng kịp thời, hợp lý, hiệu quả gắn với bảo đảm chất lượng tín dụng, tập trung cho các lĩnh vực ưu tiên, thúc đẩy các động lực tăng trưởng kinh tế (tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu), góp phần tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội (nhất là lĩnh vực nhà ở xã hội, nhà ở công nhân).

Cũng trong ngày hôm nay (31/3), liên quan đến điều hành lãi suất ông Phạm Chí Quang – Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, giảm lãi suất là mong mỏi của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và trong điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước trong suốt thời gian qua.

Ông Quang cho hay, tính đến nay đã có tối thiểu có 24 ngân hàng thương mại giảm lãi suất huy động để giảm lãi suất cho vay. Việc giảm lãi suất đang là xu hướng. Lãi suất liên ngân hàng giảm sâu, như cho vay qua đêm còn 0,7-1,2%/năm.

"Trong thời gian dài qua, Ngân hàng Nhà nước luôn điều hành làm sao cắt giảm hạ mặt bằng lãi suất đề nghị tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay. Trong bối cảnh kinh tế khá thuận lợi, lạm phát được kiểm soát. Đồng thời, các NHTW lớn như Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có xu hướng giảm tốc thắt chặt tiền tệ. Đây sẽ là điều kiện thuận lợi cho Ngân hàng Nhà nước xem xét, có thể tiến tới giảm tiếp các mặt bằng lãi suất điều hành, kể cả mặt bằng lãi suất thương mại, như trần lãi suất huy động, trần lãi suất cho vay", ông Quang thông tin.