"Phản ứng" của Phó Thống đốc khi doanh nghiệp "khóc ròng" vì lãi suất cao
Doanh nghiệp "khóc ròng" vì lãi cao, Phó Thống đốc "tiết lộ" về lộ trình giảm lãi suất
Huyền Anh
Thứ năm, ngày 30/03/2023 16:38 PM (GMT+7)
Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành các ngân hàng thương mại tiết giảm mọi chi phí để giảm lãi suất, sắp tới dự kiến sẽ vận động các ngân hàng giảm tiếp, tuy nhiên giảm nhiều hay ít tùy theo năng lực tài chính của từng ngân hàng.
Doanh nghiệp cần được hỗ trợ giảm lãi suất, mở rộng điều kiện cho vay
Ông Lê Mai Hữu Lâm - Tổng Giám đốc Công ty CP sản xuất thiết bị điện công nghiệp Cát Vạn Lợi cho biết, thời gian vừa qua lãi suất ngân hàng ở mức cao, trong khi đó với các doanh nghiệp sản xuất nếu quản lý tốt mức lãi ròng đạt được chỉ vào khoảng 6-7%.
Do đó, theo ông Lâm, để có thể phát triển được nền công nghiệp phụ trợ, không để doanh nghiệp "tự bơi", nhà nước phải là "bà đỡ",
Cụ thể, doanh nghiệp cần được hỗ trợ về lãi suất, cũng như mở rộng điều kiện cho vay. Chẳng hạn, bên cạnh cho vay dựa vào tài sản thế chấp là nhà xưởng, ông Lâm cho rằng, các ngân hàng cân nhắc cho vay dựa trên hợp đồng doanh nghiệp thuê đất dài hạn 50 năm ở các khu công nghiệp để xây nhà xưởng và sản xuất kinh doanh.
Trong lĩnh vực cơ khí, ông Nguyễn Văn Trí - Giám đốc Công ty TNHH Lập Phúc cũng khẳng định, ngành cơ khí để có lời trả lãi trên 10% là không thể.
Ông chia sẻ, hơn 30 năm làm việc trong ngành cơ khí, doanh nghiệp phát triển nhờ vốn vay ngân hàng, thông qua chương trình hỗ trợ lãi suất, kích cầu phát triển ngành công nghiệp phụ trợ của TP.HCM.
Tuy nhiên, quá trình vận hành doanh nghiệp, nguồn vốn vay ngân hàng phải "chia năm sẻ bảy" vào nhiều đầu việc như đóng thuế, trả lương, mua máy móc thiết bị,…
"Trong khi đối với ngành sản xuất, để làm ra được đồng tiền để trả lãi ngân hàng là rất khó. Đặc biệt, để kiếm ra được đồng lãi trả lãi 10% trở lên là điều không thể. Vì doanh nghiệp không làm ra sản phẩm bán lời tới 20-30%. Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn bị áp lực trong việc cạnh tranh với thị trường Trung Quốc", vị giám đốc này cho hay.
Còn theo ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA), cần có giải pháp kéo lãi suất xuống dưới 10% thì doanh nghiệp mới dám vay.
Bên cạnh đó, cần phải tính lại thế chấp tài sản, định giá tài sản. Cần có sự chia sẻ, kéo giảm lãi suất, phải "mềm hóa" việc thế chấp, định giá tài sản. Hiện doanh nghiệp có đất đai nhưng thủ tục pháp lý kéo dài nên cũng khó thế chấp.
Thông điệp "nóng" về lãi suất của Ngân hàng Nhà nước
Lãi suất cao quá sức chịu đựng của doanh nghiệp, khó tiếp cận vốn – đây là những câu chuyện không mới và diễn ra tại không ít doanh nghiệp.
Trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp nhiều hiệp hội cũng đã nhiều lần phản ánh về tình trạng lãi vay lên tới (13 – 16%/năm) khiến doanh nghiệp khó có cơ hội sinh tồn và phát triển trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế.
Tuy nhiên trên thực tế, ngành ngân hàng cũng đã rất nỗ lực đồng hành, chia sẻ cùng doanh nghiệp. Biểu hiện ở việc, các ngân hàng liên tiếp tung ra các gói vay cực khủng với lãi suất ưu đãi cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.
Chẳng hạn như tại Techcombank, chia sẻ tại toạ đàm "Khơi thông dòng vốn vào sản xuất kinh doanh" do báo Tuổi trẻ tổ chức, ông Hoàng Trọng Hiếu, giám đốc cao cấp kinh doanh Ngân hàng Techcombank cho biết, nhà băng này ngay từ đầu năm ngân hàng đã có giải pháp, có chương trình cụ thể là gói tín dụng 30.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi lãi suất tới 2% hỗ trợ khách hàng doanh nghiệp.
Không những về lãi suất mà Techcombank phải điều chỉnh các thủ tục, giảm thiểu thời gian để doanh nghiệp tiếp cận vốn. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể tiếp cận vốn thông qua đăng ký sử dụng các hạn mức trên nền tảng số.
Với khách hàng doanh nghiệp lớn hơn, Techcombank cấu trúc giải pháp dựa trên đặc thù "may đo" của từng ngành, chúng tôi đi đầu trong giải pháp này.
"Chúng tôi tìm kiếm những chuyên gia từng ngành để am hiểu ngành, hiểu khó khăn nội tại, vướng mắc của quy trình vận hành của từng doanh nghiệp, ngành hàng để thiết kế, cấu trúc giải pháp "may đo" theo từng ngành.Vì am hiểu đặc thù đó nên cấu trúc giải pháp về hồ sơ thủ tục, chúng tôi thiết kế tối ưu, thời gian rút ngắn", ông Hiếu cho hay.
Trước những trăn trở của các doanh nghiệp kể trên, về phía cơ quan điều hành nhà nước về tiền tệ, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú nhấn mạnh, không riêng gì tại TP.HCM mà hầu hết các lĩnh vực đều đang gặp khó khăn.
Theo Phó Thống đốc, khó khăn này đến từ nhiều phía, trong đó phải kể tới các nguyên nhân khách quan do tác động của dịch Covid-19 và những biến động phức tạp, khó lường của tình hình thế giới.
Việt Nam là đất nước có độ mở cửa lớn, chịu ảnh hưởng nhiều của tình hình thế giới. Bối cảnh lạm phát cao, vấn đề tăng lãi suất, thắt chặt tiền tệ... đều tác động đến điều hành chính sách tiền tệ của NHNN.
Cũng theo ông Tú, mục tiêu cao nhất của điều hành chính sách tiền tệ là ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát, hỗ trợ cho nền kinh tế tăng trưởng.
Thời gian qua, dưới sự chỉ đạo chặt chẽ, sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, NHNN đã có các chính sách linh hoạt về lãi suất, tỷ giá, cung ứng tiền, giãn, hoãn, cơ cấu lại khoản nợ để hỗ trợ doanh nghiệp cũng như tạo điều kiện cải cách thủ tục hành chính…
Chính sách điều hành của NHNN đã giải quyết được mục tiêu quan trọng là kiểm soát lạm phát, ổn định giá trị đồng tiền và đang có xu hướng tiếp tục duy trì giá trị đồng tiền, tỷ giá đang có xu hướng tiếp tục ổn định.
Phó Thống đốc khẳng định, hiện nay, thanh khoản của các NHTM rất dồi dào, không thiếu vốn. "Chỉ đạo điều hành của Chính phủ, của NHNN với việc giảm lãi suất chính là thông điệp gửi đến doanh nghiệp rằng chúng tôi đã và đang giảm lãi suất. Quan điểm của NHNN lúc này là phải tiếp tục giảm lãi suất hỗ trợ nền kinh tế. NHNN đã điều hành các NHTM tiết giảm mọi chi phí để giảm lãi suất, sắp tới dự kiến sẽ vận động các NHTM giảm tiếp, giảm nhiều hay ít còn tùy theo năng lực tài chính của từng ngân hàng", Phó Thống đốc khẳng định.
Bên cạnh đó, Phó Thống đốc cũng cho rằng, đề xuất triển khai giãn, hoãn nợ là cần thiết, tuy nhiên, còn phải xem xét ngành nghề nào, đối tượng nào được ưu đãi, cơ cấu giãn hoãn ở mức độ nào là phù hợp.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.