Dân Việt

"Ngàn người bán, chỉ một người mua"- đúng là "điện gió"?

Phan Văn Lâm 03/04/2023 19:28 GMT+7
Chính sách pháp luật là để khơi thông, khởi tạo và phát triển và tạo ra thu nhập và lợi nhuận, làm giàu cho nhân dân cho đất nước thì chính sách đó mới thực sự phù hợp và ưu việt.

Khi đặt bút viết bài này tôi vô cùng băn khoăn có nên viết hay không? Vì nếu nhìn qua mọi người có thể nghĩ ngay tác giả chắc chắn đang được các công ty điện năng lượng tái tạo " nhờ vả" nên chỉ nhìn một chiều. Tuy nhiên với lương tâm, trách nhiệm, vì đam mê nên xin độc giả khách quan để có góc nhìn đa chiều và thấu đáo hơn…

Vài năm trở lại đây nhiều nhà đầu tư liên tục làm đơn kiến nghị gửi các cơ quan quản lý Nhà nước để "giải cứu" lĩnh vực hoạt động đầu tư, kinh doanh của mình như bất động sản, trái phiếu, y tế… Và mới đây, các nhà đầu tư điện năng lượng tái tạo cũng không ngoại lệ xin giải cứu. 

Từ đây đặt ra nhiều câu hỏi cho vai trò quản lý, điều hành của Nhà nước cần sớm tìm ra giải pháp phù hợp hơn, không thể để lãng phí tài sản của người dân và doanh nghiệp trong bối cảnh đất nước còn nghèo khó. 

Trở lại vấn đề điện năng lượng tái tạo hiên nay, theo kiến nghị của các doanh nghiệp, do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, đến nay có 84 dự án năng lượng tái tạo với tổng công suất trên 4.676MW chậm tiến độ vận hành thương mại nên không kịp hưởng giá điện cố định (FIT), phải thực hiện theo cơ chế chuyển tiếp. Trong đó, có 34 dự án với hơn 2.090MW (gồm 28 dự án điện gió và 6 dự án điện mặt trời) đã hoàn tất thi công, thử nghiệm đảm bảo đủ điều kiện huy động. 

Mặt khác các doanh nghiệp cho hay chỉ tính riêng 34 dự án đã hoàn thành đầu tư xây dựng với tổng vốn đầu tư 85.000 tỉ đồng thì trên 58.000 tỉ đồng hình thành từ vốn vay ngân hàng. Nói như vậy để thấy sô tiền các doanh nghiệp bỏ ra và chịu trách nhiệm với ngân hàng là vô cùng lớn. 

Tuy nhiên, điều đặc biệt chúng ta quan tâm đây là sản phẩm đặc thù và khách hàng rất đặc thù, nó không giống như các mặt hàng khác mua bán tự do trên thị trường kiểu trăm người bán vạn người mua. Mà ở đây là ngàn người bán duy nhất chỉ một người mua, đó là tập đoàn Điện lực Việt Nam (một tập đoàn của Nhà nước), do đó việc hình thành mối quan hệ kinh doanh thị trường hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí của Nhà nước. 

Bên cạnh đó chúng ta biết rằng muốn đầu tư xây dựng điện gió, điện năng lượng mặt trời phải qua rất nhiều thủ tục "xin" với quy trình phê duyệt khắt khe, phù hợp với quy hoạch, được ký thỏa thuận mua bán điện… mới được đầu tư xây dựng. Song đến nay, hàng chục dự án đã đủ điều kiện phát điện ("in ra tiền") nhưng vì vướng cơ chế mà lãng phí hàng nghìn tỷ đồng trong thời gian kéo dài 1 đến 2 năm. 

Cùng lúc, chúng ta đang quyết liệt phòng chống tham nhũng, tiêu cực chỉ bắt đầu từ con số hàng triệu đồng. Nên chăng cần xem xét trách nhiệm của các cá nhân, đơn vị tham mưu khi để xảy ra tình trạng này. Chính sách pháp luật là để khơi thông, khởi tạo và phát triển và tạo ra thu nhập và lợi nhuận, làm giàu cho nhân dân cho đất nước thì chính sách đó mới thực sự phù hợp và ưu việt. 

Ngược lại chính sách mà làm trì hoãn bế tắc thì chính sách đó phải chăng là lạc hậu, chậm tiến. Tôi cho rằng tiền từ ngân sách cũng do nhân dân đóng thuế xây dựng đất nước, tiền của các doanh nghiệp cũng gần giống như tiền Nhà nước, chúng ta phải đứng khách quan, độc lập để nhìn nhận, để hành động linh hoạt và hiệu quả, không cứng nhắc máy móc dẫn đến cản trở phát triển nền kinh tế và an ninh năng lượng quốc gia.

Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là bước đột phá trong phát triển năng lượng quốc gia và là chìa khóa mở ra sự thuận lợi cho khu vực tư nhân tham gia đầu tư trong lĩnh vực điện năng. 

Nghị quyết 55 khuyến khích phát triển năng lượng sạch, ưu tiên điện gió và điện mặt trời, các chính sách khuyến khích vẫn còn hiệu lực, nhưng quy định mới ban hành khung giá điện lại bãi bỏ ba nội dung quan trọng: Thời hạn áp dụng giá mua điện trong 20 năm, điều khoản chuyển đổi tiền mua điện sang USD, điều khoản về trách nhiệm mua toàn bộ sản lượng từ dự án điện gió nối lưới tại điểm giao nhận. 

Như vậy trong cách hiểu và áp dụng giữa người làm chính sách, người mua và người bán còn xa rời nhau, chưa tìm được điểm chung. Nhưng những thiệt hại xảy ra là có thật: có thể tạm tính nếu lãi suất ngân hàng 8% năm thì sau 2 năm các doanh nghiệp đã phải chi trả gần 13 ngàn tỷ đồng tiền lãi, nếu được đấu nối và mua bán điện tạo ra khoảng 20 ngàn tỷ đồng. Đây là những con số không hề nhỏ với nền kinh tế của đất nước ta hiện nay. 

Vậy doanh nghiệp kiến nghị gì? Nhiều doanh nghiệp kiến nghị cần tính toán lại khung giá điện, trên cơ sở thuê đơn vị tư vấn độc lập. Trong thời gian đàm phán giá, cần huy động nguồn từ các dự án đã hoàn thành (tổng công suất hơn 2.090 MW). Mức giá tạm tính có thể bằng 90% giá điện nhập khẩu (6,95 cent/kWh) và áp dụng hồi tố. 

Việc ban hành khung giá điện cho các dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp... được đánh giá có nhiều bất cập và chưa đảm bảo nguyên tắc tỉ suất lợi nhuận sau thuế đạt 12%. Tôi cho rằng đây là một trong những kiến nghị có thể nói là khá hợp lý để tránh lãng phí nguồn điện sẵn có, lãng phí nguồn thu của doanh nghiệp và lãng phí nguồn thu của Nhà nước, đặc biệt  nên thuê đơn vị tư vấn độc lập về giá điện  để thể hiện tính khách quan hướng tới một thị trường hàng hóa lành mạnh.

Về phía cơ quan quản lý nhà nước, ông Phạm Nguyên Hùng - phó cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) cho biết đã đề nghị EVN hướng dẫn nhà đầu tư quy trình. Trường hợp tài liệu còn thiếu, cho phép nhà đầu tư tiếp tục bổ sung, tuân thủ đúng quy định pháp luật". 

Mặt khác, phòng giá điện và phí Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) - cho biết sau khi ban hành khung giá, Bộ Công Thương đã giao EVN việc thỏa thuận giá điện, xác định giá phát điện của các nhà máy điện gió, mặt trời chuyển tiếp.

Tuy nhiên, đến nay kết quả là "nút thắt" này vẫn chưa được tháo gỡ, việc cần là ai tham mưu, ai chỉ đạo, ai quyết định để khơi thông nguồn lực lớn lao này? Không thể để  người ta ví điện gió, điện mặt trời là công việc của gió, của trời…và tài sản của doanh nghiệp thì doanh nghiệp phải tự lo lắng, tự chịu trách nhiệm.