Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Tôi viết bài này không phải để nói ra thông điệp bênh vực cho cái xấu vốn dĩ đang tồn tại trong xã hội chúng ta, thứ xấu xa này không những đã làm cho đất nước chúng ta chậm tiến mà làm cho nhân dân ta giảm sút niềm tin với Đảng với Nhà nước. Vì vậy phòng chống tham nhũng là công cuộc không bao giờ được phép ngừng nghỉ. Tuy nhiên cách làm như thế nào, cán bộ, Đảng viên phải làm gì trước công cuộc này là câu chuyện tôi muốn đề cập tới để đất nước ta ngày càng thịnh vượng hơn, dân ta ngày càng hạnh phúc.
Phòng, chống tham nhũng có vai trò vô cùng quan trọng đối với tất cả các quốc gia. Đặc biệt trong công cuộc đổi mới ở nước ta hiện nay, nên trong các văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ XI và lần thứ XII đã đề ra một số chủ trương, quan điểm về phòng, chống tham nhũng.
Trong phần phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021-2025 của Văn kiện Đại hội XIII đã đưa ra nhiều chủ trương và giải pháp căn cơ quyết liệt về phòng, chống tham nhũng: Triển khai đồng bộ có hiệu quả quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng, bảo đảm đúng pháp luật.
Quan điểm, chủ trương của Đảng trong Đại hội XIII đã có những bước phát triển mới về phòng, chống tham nhũng, với nhiều biện pháp, như hoàn thiện pháp luật, chính sách, kê khai tài sản, kiên trì, kiên quyết và nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng, đặc biệt nhấn mạnh vấn đề phòng tham nhũng: Khẩn trương xây dựng cơ chế phòng ngừa, cơ chế răn đe để kiểm soát tham nhũng. Thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về thực hành tiết kiệm chống lãng phí. Tiếp tục thực hiện chặt chẽ có hiệu quả về kê khai, kiểm soát, kê khai tài sản, thu nhập của đội ngũ cán bộ, công viên chức, nhất là cán bộ lãnh đạo các cấp.
"Nâng cao vai trò phát huy tính tích cực, chủ động và phối hợp của Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị xã hội, nhân dân, doanh nghiệp, báo chí trong phát hiện, đấu tranh phòng, chống tham nhũng". Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII khẳng định: "Có cơ chế khuyến khích và bảo vệ người tố cáo hành vi tham nhũng, lãng phí. Nâng cao hiệu quả công tác giám sát thanh tra, kiểm tra, làm tốt chức năng hỗ trợ thúc đẩy phát triển".
Những con số đáng buồn cho chặng đường 10 năm của đất nước
Với tinh thần kiên quyết phòng, chống tham nhũng của Đảng trong giai đoạn 2012 - 2022, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 2.740 tổ chức Đảng, hơn 167.700 cán bộ, Đảng viên, trong đó có 7.390 Đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng; đã kỷ luật 170 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, trong đó có 4 Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị; 29 Ủy viên Trung ương, nguyên Uỷ viên Trung ương; 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang.
Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay đã thi hành kỷ luật 50 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý (cao hơn gấp 4 lần so với nhiệm kỳ khóa XI và bằng gần một nửa số cán bộ cấp cao bị xử lý của nhiệm kỳ khóa XII), trong đó có 8 Uỷ viên Trung ương, nguyên Ủy viên Trung ương, 20 sĩ quan cấp tướng.
Đây là một bước đột phá trong công tác kiểm tra, kỷ luật của Đảng. Từ năm 2012 đến 2022, qua công tác thanh tra, kiểm toán, đã xử lý, thu hồi được hơn 975 nghìn tỉ đồng, gần 76 nghìn ha đất; xử lý trách nhiệm gần 44.700 tập thể, cá nhân; chuyển cho cơ quan điều tra, xử lý gần 1.200 vụ việc có dấu hiệu phạm tội; kiến nghị sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, thay thế hơn 2.000 văn bản, trong đó có nhiều văn bản quy phạm pháp luật không còn phù hợp.
Qua kết quả này cho thấy tham nhũng không có dấu hiệu giảm mà ngày càng gia tăng với nhiều thủ đoạn tinh vi hơn, phức tạp hơn. Mặt khác cho thấy Đảng và Nhà nước ta rất kiên quyết đấu tranh phòng chống tham nhũng và không có vùng cấm hay cản trở từ bất cứ một ai, với cách làm này, chúng ta đang cố gắng làm trong sạch hơn bộ máy nhà nước, lấy lại niềm tin yêu của nhân dân dân với Đảng và Nhà nước.
Một thực tế không lấy gì vui…
Tuy nhiên có một thực tế đáng buồn là qua quá trình đi thực tế tới các cơ quan ban ngành Trung ương,địa phương cho thấy rất nhiều cán bộ đi làm việc với thái độ e dè, không dám làm, kiểm tra soi xét, bắt bẻ siêu chi tiết, không dám quyết vì quá lo sợ về chịu trách nhiệm, nhìn trước ngó xuôi…thiếu quyết liệt trong công việc nên các công việc bị ách tắc nhiều.
Mặt khác các doanh nghiệp đầu tư cũng ít tham gia đầu tư, chủ yếu nghe ngóng tình hình và lo nghĩ ông này ông kia có sai phạm, có bị bắt không…chỉ những doanh nghiệp sản xuất và dịch vụ là ít chịu tác động của suy nghĩ chờ đợi.
Thời gian qua chúng ta cũng không lạ lẫm gì việc các doanh nghiệp bất động sản kêu cứungân hàng, chính phủ, hàng nghìn quán karaoke kêu cứu vì bị đóng cửa ở Hà Nội, các doanh nghiệp khoáng sản chờ đợi thủ tục pháp lý dài hơi, xe đăng kiểm chậm…
Điển hình, là tình trạng thiếu thuốc, thiếu trang thiết bị, vật tư y tế trong ngành y tế hiện nay phần nào đến từ nhiều sai phạm, vi phạm pháp lật của những cán bộ có thẩm quyền liên quan đến lĩnh vực mua sắm những thứ ở trên.
Điều này cho thấy công tác quản lý của chúng ta trước đây quá lỏng lẻo và chưa có tầm nhìn dài hạn, chỉ một động tác thắt chặt quy định của pháp luật theo tiêu chuẩn đã bị tác động lớn cả một hệ thống kinh doanh dịch vụ. Điều này trên thế giới ít khi xảy ra vì mọi việc làm của họ đều tuân thủ pháp luật ngay từ lúc ban đầu và quá trình thực thi được giám sát chặt chẽ, do vậy không có hiện tượng "sốc nhiệt" như chúng ta.
Xin đừng gay gắt, xin đừng sợ hãi.
Đất nước phát triển hay không phụ thuộc vào chính sách, pháp luật và công tác cán bộ trong khu vực công. Đây là vấn đề cốt lõi của một quốc gia, hưng thịnh hay chậm tiến cũng bắt nguồn từ đó. Chúng ta phòng, chống tham nhũng là điều vô cùng cần thiết, nhưng phòng chống như thế nào lại càng cần thiết hơn. Nếu không xem xét kỹ càng vấn đề gốc rễ thì việc phòng chống tham nhũng sẽ là công việc cắt ngọn, tỉa cành, hay chỉ là một phong trào phòng chống tham nhũng quyết liệt làm lấn át các phong trào khác.
Một xã hội vận động có vô số phong trào cần xây dựng như phong trào xây dựng văn hóa con người Việt Nam, phong trào phát triển kinh tế công nghiệp hóa - hiện đại hóa, phong trào nông thôn mới, phong trào đổi mới giáo dục- đào tạo, phong trào nâng cao chất lượng y tế… Tại sao tôi gọi là phong trào vì nếu xã hội vận động chậm chúng ta sẽ bị bỏ lại phía sau, không theo kịp các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, nên khí thế phải luôn luôn sẵn sàng.
Tuy nhiên gần đây cho thấy phong trào phòng chống tham nhũng nổi lên hơn tất cả, tác động, lấn át các phong trào khác, đi đâu làm gì người ta cũng bàn đến chuyện tham nhũng, bắt bớ cán bộ. Từ khóa "lò đang rực cháy", "củi to" trở thành câu cửa miệng của nhiều người dân làm cho tâm lý sợ hãi đối với cán bộ công chức là luôn luôn thường trực.
Phải chăng chủ trương phòng chống tham nhũng rất đúng nhưng cách làm chúng ta gay gắt quá chăng, nhiều thành phần lợi dụng chủ trương để tìm cách soi mói, tố cáo lẫn nhau làm cho tình hình nội bộ thiếu đoàn kết, thậm chí lo lắng bảo vệ chính mình mà lãng quên, sao nhãng công việc được giao, công việc chung của cơ quan đơn vị. Nếu mọi thủ tục hành chính chậm lưu thông thì nền kinh tế sẽ chậm phát triển, người dân sẽ ít việc làm và tác động xấu đến vấn đề an sinh xã hội, vì vậy cần có những giải pháp kịp thời, cách làm phù hợp.
Để giải tỏa những tồn tại đảm bảo đưa đất nước ngày càng phát triển hơn cần làm một số biện pháp sau:
Thứ nhất, công tác phòng chống tham nhũng luôn xác định là thường xuyên, lâu dài và không đứt đoạn, không lấy chỉ tiêu, số lượng làm mục tiêu. Mặt khác phòng chống tham nhũng không nên quá gay gắt, ồn ào và tạo sóng làm ảnh hưởng tới tình hình chung của cơ quan đơn vị.
Thứ hai, để giảm tham nhũng, công việc đầu tiên và quan trọng nhất đó là công tác cán bộ, phải thi tuyển để tuyển chọn cán bộ tốt về mặt chuyên môn và đạo đức, dám nghĩ, dám làm, sẵn sàng chịu trách nhiệm cho bộ máy nhà nước. Tuyệt đối không để xin việc phải mất tiền, bổ nhiệm phải chạy bằng tiền hay hối lộ tình dục. Vì nguyên tắc kinh tế là bỏ vốn phải thu hồi vốn và có lãi, đây là một trong những nguyên nhân phổ biến của tham nhũng, tiêu cực .
Thứ ba, cần xây dựng hệ thống pháp luật dựa trên nguyên tắc điều chỉnh quan hệ xã hội đang diễn ra theo thời đại, theo thị trường, giảm tỷ lệ mệnh lệnh hành chính áp đặt. Điều chỉnh các quan hệ trong xã hội dựa trên nền văn hóa dân tộc và phù hợp với xu thế phát triển của các quốc gia nói chung. Pháp luật thiếu chặt chẽ, tùy nghi, không đồng bộ sẽ xảy ra tham nhũng tiêu cực, mặt khác phải giám sát nghiêm minh việc thực thi pháp luật trong đời sống xã hội, tránh tình trạng giải cứu, kêu cứu khẩn cấp trong nền kinh tế.
Thứ tư, giảm biên chế, phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của đảng viên, đặc biệt là tinh thần dám nghĩ, dám làm, sẵn sàng chịu trách nhiệm, nâng cao thu nhập cho cán bộ để đảm bảo sự liêm chính trong thực thi công vụ, đảm bảo cho cán bộ có một gia đình hạnh phúc tối thiểu trong xã hội mà không quá áp lực tiền bạc lên đời sống hàng ngày.
Như vậy công tác phòng, chống tham nhũng là một việc làm khó khăn và phức tạp, đòi hỏi người làm, cơ quan làm phải công tâm và trách nhiệm, không gay gắt, không sợ hãi mà bền bỉ, sâu sắc. Lấy sự phát triển của đất nước làm mục tiêu hành động, hạn chế, loại bỏ tối đa cán bộ có thói hư tật xấu đứng trong hàng ngũ bộ máy Đảng và Nhà nước để vơ vét của cải nhân dân, tìm ra nhân tố mới để củng cố, xây dựng niềm tin cho nhân dân, dẫn dắt nhân dân cùng đi lên phát triển bền vững và phồn thịnh.
Tôi vô cùng tâm đắc với câu nói của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng: "Phải bình tĩnh tĩnh táo, rất khôn ngoan, có con mắt chiến lược. Bác Hồ dạy rồi, cha ông ta dạy rồi, đánh con chuột đừng để vỡ bình, làm sao diệt được chuột mà bảo vệ được bình hoa. Tức là phải giữ cho được cái ổn định".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.