Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Em tên Lài, da trắng, mắt sáng, em cao1m64, mặc jeans bó chân dài thẳng tắp, giọng em nhẹ và ngọt.
Hồi đó em đến nhà tôi 3 ngày một lần, 1 tiếng buổi sáng để tắm và massage trị liệu cho cô con gái bé xíu của tôi.
Con tôi nhỏ đến độ cả nhà sợ không ai dám bế. Lài ôm nó chỉ trong lòng bàn tay mình, xoa vuốt bằng những động tác nhanh gọn, chính xác nhưng cực kỳ nhẹ nhàng. Và em hát vào tai bé những bài hát thiếu nhi, rất khẽ, rất lâu.
Cả nhà tôi ai cũng quý Lài, khi biết em đã 29, ai cũng nghĩ em có gia đình rồi, vì làm sao có một cô gái trẻ chưa từng nuôi con lại có thể chăm trẻ khéo đến thế, dịu dàng đến thế.
Ngoài Lài ra, theo thứ tự phân công của bà y tá trưởng cái bệnh viện tư nhỏ nhỏ mà tôi chọn để sinh con, còn 2 cô gái nữa là Mai và Hiện, cũng đến nhà tôi vào các buổi sáng khác để làm công việc y như Lài. Bà y tá trưởng muốn có sự công bằng tuyệt đối cho các cô gái của mình, không chỉ về việc làm thêm tăng thu nhập, mà còn là cơ hội để ra ngoài, giao tiếp xã hội và... biết đâu, gặp được "ai đó".
Mai 28 và Hiện, trẻ nhất, 26 tuổi. Họ có một vẻ xinh xắn và nhân hậu giống nhau, có lẽ do môi trường làm việc, và có một nét thiên lương chung khó tả mà có lẽ chỉ những người mẹ mới nhận ra khi quan sát một người lạ chăm sóc con mình.
Có một lần Mai vắng mặt đột xuất và nhắn tin xin lỗi: Em đi Bình Dương có việc gấp, xin lỗi chị.
Hôm sau Hiện bảo: "Nó đi cho người ta coi mặt đó chị". "Sao ở Sài Gòn mà phải lên tận Bình Dương cho người ta coi mặt? Sao người ta không xuống đây coi? Cô Mai xinh thế cơ mà". "Trời, có người muốn coi là tốt lắm rồi chị, người nhà nó đi làm ăn trên đó làm mai cho một đám, thấy noó được lắm. Khoẻ mạnh siêng năng không có rượu chè cờ bạc gì hết. Chớ tụi em ở bệnh viện quanh năm toàn gặp sản phụ với em bé thì quen được ai". "Thì quen bác sỹ, hộ lý, y tá nam. Quen người nhà bệnh nhân..." . "Trời ơi, không có đâu chị. Bác sỹ có bao giờ nhìn đến tụi em. Ổng vô mổ chỉ nhìn bệnh nhân thôi à. Y tá với điều dưỡng viên cô nào cũng như cô nào hết. Còn khoá điều dưỡng viên của em có gần 100 người mà có 3 nam thôi á, tha hồ... chảnh".
Tôi hỏi Lài: Các em đều xinh đẹp, nghề nghiệp rất ổn, thu nhập khá, mà sao nói đến chuyện gia đình thì có vẻ khó khăn quá vậy? Hay các em đặt tiêu chuẩn cao quá?
Lài cười buồn xo: Không có đâu chị. Tại tụi em không có đủ thời gian, và không có cơ hội. Thật đó. Em trực tuần 3 ngày. Là từ 7g sáng hôm trước tới 7g sáng hôm sau, ca nào cũng có chừng 5-10 bé sơ sinh nuôi lồng kính, không được sơ sẩy một phút. Sáng giao ca xong chạy xe 1 tiếng qua nhà các sản phụ đã book như chị nè, tắm bé xong là hết buổi sáng. Về ngủ một giấc đến chiều. Tối còn cơm nước, đứa nào chăm thì còn đi học . Người nhà bệnh nhân thì cũng toàn phụ nữ đi chăm đẻ, đàn ông duy nhất lại là... chồng sản phụ rồi còn đâu
Mấy năm sau, tôi vẫn đưa con đi khám ở bệnh viện nhỏ ấy, Lài vẫn nhận ra em bé và chạy ra nắm tay nắm chân con tôi âu yếm. Em vẫn chưa lập gia đình.
Lài, Mai, Hiện... làm tôi nhớ bác sỹ Hà, cô bạn gái thân thiết của mình, mẹ đỡ đầu của con trai tôi. Bác sỹ Hà xinh đẹp và dịu dàng đến độ tất cả lũ bạn trai mà tôi giới thiệu đến gặp để nhờ đỡ đẻ cho vợ chúng nó đều choáng váng, và đều nhắn tin cho tôi, trăm tin như một: "Người như thế mà sao giờ tôi/tao/anh /em mới được gặp???"
Bác sỹ Hà cũng không có cơ hội cho hạnh phúc của mình, dù "số lượng con nuôi của tớ nếu xếp hàng chắc phải dài từ cửa bệnh viện Bạch Mai đến ngã tư Chùa Bộc". Lúc nào cũng là những gương mặt sản phụ xanh xao, những tiếng rên la đau đớn, là tiếng khóc chửi chồng, và đàn ông chỉ xuất hiện cùng những cặp lồng cháo hay bó hoa đón vợ con.
Bác sỹ Hà thuộc type phụ nữ Hà Nội gia giáo kinh điển, nhưng đôi khi tự cho phép mình giải trí bằng cách hát "tình ca ngành" siêu nhảm, nhảm mà đúng cực: "Từ bên anh đưa sang bên nơi em, những tinh trùng nối nhau sang vòi trứng..." .Tất cả mọi ngày lễ lạt trên đời, từ ngày Quốc khánh đến Hàn thực, từ 8-3 đến Trung thu, bác sỹ Hà đều có hoa và quà, phần nhiều từ đàn ông, nhưng đàn ông ấy đều là chồng sản phụ!
Vào những dịp thế này, trên báo chí lan toả mạnh mẽ những tấm gương phụ nữ giỏi việc nước đảm việc nhà, những nhà khoa học xinh đẹp và các nữ doanh nhân thành đạt. Ở một khía cạnh khác, trên các mạng xã hội, có lẽ để chống lại hội chứng "mị phụ nữ", người ta hay đăng những tấm hình chị quét rác tần ngần trước tấm biển quảng cáo Túi Hermes , cô đồng nát lầm lũi đi ngang tiệm bán hoa tươi, hay bé gái vùng cao quần rách chân đất má lấm lem đến trường với caption: "Những người phụ nữ này không biết đến 8-3" hoặc "Nữ quyền với họ thật xa lạ"...
Nhưng thực ra, cơ hội hạnh phúc của nữ doanh nhân thành đạt, nữ tiến sỹ U40 duyên dáng, chị lao công, cô đồng nát hay thiếu nữ ở bản cheo leo hẻo lánh nào đó, liệu có thấp hơn hay cao hơn một nữ nhân viên công sở hay một cô người mẫu? Cốt lõi của hạnh phúc hình như ở chỗ người ta có cơ hội tiếp xúc và lựa chọn cái gì vừa vặn với mình.
Chứ không buồn như những người phụ nữ xinh đẹp dịu dàng thiên lương mà tôi biết, như Lài như Mai như Hiện... những người hình như có rất nhiều, cả quà 8-3 lẫn nữ quyền tự xác lập, nhưng quá ít, ít đến mức gần bằng không, cơ hội chạm vào hạnh phúc của mình.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.