Việc Phần Lan gia nhập khối được nhiều nhà quan sát coi là một đòn ngoại giao đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin, người đã tuyên bố rằng một trong những mục tiêu của ông trong chiến dịch ở Ukraine là ngăn chặn sự mở rộng của NATO.
Hiện tại, các thành viên NATO là Na Uy, Latvia, Estonia, Litva và Ba Lan có biên giới với Nga hoặc vùng Kaliningrad của Nga. 5 quốc gia đó chiếm khoảng hơn 1.200km đường biên giới chung với Nga. Trong khi đó, Phần Lan chia sẻ hơn 1.300km đường biên giới dọc theo tây bắc nước Nga. Nếu Phần Lan gia nhập, NATO sẽ chính thức có tổng cộng hơn 2.500km đường biên giới chung với Nga.
Phần Lan đã giành được sự chấp thuận để gia nhập NATO vào hôm 30/3 sau khi Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ bỏ lá phiếu cuối cùng để nước này gia nhập. Sau tin tức về cuộc bỏ phiếu của Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Phần Lan Sauli Niinistö hứa rằng đất nước của ông sẽ "là một đồng minh mạnh mẽ và có năng lực, cam kết đảm bảo an ninh cho liên minh".
Văn phòng của ông Niinistö cho biết trong một tuyên bố hôm 3/4 rằng Tổng thống và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phần Lan Pekka Haavisto sẽ có mặt tại buổi lễ gia nhập tại trụ sở của NATO ở Brussels.
Trong những nhận xét được đưa ra tại cuộc họp báo hôm 3/4, ông Stoltenberg gọi hồ sơ của Phần Lan là "quá trình phê chuẩn nhanh nhất trong lịch sử hiện đại của NATO".
Ông nói: "Đây là một tuần lễ lịch sử. Ngày mai, chúng ta sẽ chào mừng Phần Lan với tư cách là thành viên thứ 31 của NATO...Chúng ta sẽ giương cao lá cờ Phần Lan lần đầu tiên tại đây, tại trụ sở NATO. Đây sẽ là một ngày tốt lành cho an ninh của Phần Lan, cho an ninh của Bắc Âu và cho NATO nói chung".
Trong khi đó, Nga tuyên bố sẽ tăng cường hiện diện quân sự ở các khu vực gần biên giới với Phần Lan.
Phát biểu với hãng tin RIA Novosti, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko cho biết "sẽ công bố các biện pháp đối phó" khi Phần Lan gia nhập NATO.
"Chúng tôi sẽ tăng cường khả năng quân sự của mình ở hướng Tây và Tây Bắc. Nếu lực lượng và phương tiện của các thành viên NATO khác được triển khai trên lãnh thổ Phần Lan, chúng tôi sẽ thực hiện các bước bổ sung để đảm bảo an ninh quân sự của Nga", ông Grushko nói.
Trong khi Phần Lan sẽ gia nhập NATO trong tuần này, nỗ lực trở thành thành viên của Thụy Điển - nước đã nộp đơn đăng ký chung với Phần Lan sau khi xung đột Ukraine bắt đầu vào tháng 2 năm ngoái - vẫn đang bị trì hoãn do sự phản đối của Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary. Tuy nhiên, ông Stoltenberg nói với các phóng viên rằng ông tin lá cờ của Thụy Điển cũng sẽ sớm tung bay trên trụ sở của NATO.
"Tôi hoàn toàn tin tưởng rằng Thụy Điển sẽ trở thành thành viên liên minh", ông nói hôm 3/4. "Đó là ưu tiên của NATO, tôi sẽ đảm bảo điều đó xảy ra càng sớm càng tốt".