Tại hội nghị khuyến nông toàn quốc năm 2023 tổ chức ở Khánh Hòa mới đây, báo cáo của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (KNQG) cho biết, năm 2022 KNQG triển khai xây dựng 466 mô hình trình diễn với quy mô trên 4.000ha cây trồng các loại; 20.320 con gia súc, gia cầm; 138ha và 8.473m3 mặt nước nuôi trồng thuỷ sản; lắp đặt hệ thống hầm bảo quản, nhật ký điện tử cho 24 tàu khai thác hải sản xa bờ; ứng dụng cơ giới hoá trong sản xuất lúa với quy mô trên 400ha…
Các mô hình nói trên có sự tham gia của 12.500 hộ nông dân, trên 28.800 lượt người được tập huấn kỹ thuật, 25.000 lượt người tham gia các hội nghị sơ kết, tổng kết, tham quan nhân rộng mô hình…
Điểm mới của các dự án khuyến nông T.Ư là tập trung vào một số đối tượng cây con chủ lực, vùng trọng điểm và sản xuất hàng hóa nhằm thực hiện mục tiêu phát triển của ngành nông nghiệp theo hướng tích hợp đa giá trị; tri thức hóa nông dân, chuyên nghiệp hóa nông nghiệp, góp phần thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xóa đói giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới. Góp phần triển khai đề án xây dựng vùng nguyên liệu cũng như đào tạo, quảng bá hình thức, cách thức làm nông nghiệp cho người dân thực hiện chuyển đổi nhận thức từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp…
Trong năm 2023, KNQG có kế hoạch tổ chức 20 sự kiện khuyến nông với các chủ đề thiết thực nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, xây dựng vùng nguyên liệu, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới, xây dựng thương hiệu và liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp...
Các dự án ngoài tác động tích cực đến môi trường, xã hội còn mang lại hiệu quả kinh tế cao, hầu hết đều trên 10% so với sản xuất đại trà, quy mô dự án được nhân rộng từ 20% trở lên. Các dự án đã dần khắc phục sự dàn trải, manh mún mà gắn với cây, con chủ lực, gắn với thị trường, chuỗi liên kết…
Một trong những nhiệm vụ thường xuyên của KNQG đã được Bộ NNPTNT giao trọng trách, đó là thông tin tuyên truyền lĩnh vực nông nghiệp. Triển khai nhiệm vụ này, năm 2022 KNQG được phê duyệt ngân sách hơn 30 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Cụ thể, năm 2022 KNQG đã thực hiện tuyên truyền 221 chương trình truyền hình; 387 chương trình phát thanh; 6.049 tin, bài, ảnh trên báo giấy với 1.117 chuyên trang; 5.650 tin, bài, ảnh trên báo điện tử… Điểm chung là nội dung, hình thức tuyên truyền liên tục được đổi mới, tăng cường tuyên truyền đến các vùng lõm, vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn…
Các hoạt động tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng đã bám sát các chủ trương, định hướng của ngành nông nghiệp; bám sát nhu cầu mùa vụ và vùng miền, tập trung vào các cây con chủ lực, phục vụ công cuộc tái cơ cấu ngành và đổi mới tư duy sản xuất.
Trong đó, Báo NTNN/Dân Việt đã phối hợp với KNQG triển khai hàng nghìn tin bài trên cả báo giấy và báo điện tử, với nhiều loạt bài, tuyến bài được bạn đọc và ngành chức năng đánh giá cao. Đặc biệt là ngay sau khi Bộ NNPTNT phê duyệt đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông lâm sản đạt chuẩn phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu; đề án xây dựng tổ khuyến nông cộng đồng, Báo NTNN đã tổ chức nhiều đề tài, tuyến bài phản ánh về vấn đề này.
Một số đề tài được bạn đọc và ngành chức năng đánh giá cao, như các loạt bài: Dấu ấn khuyến nông từ những mô hình "5 tăng"; Cơ giới hoá đồng bộ hướng tới nền nông nghiệp bền vững; giữ hay giảm diện tích đất lúa ở ĐBSCL; Người nông dân chuyên nghiệp…
Một số loạt bài ngay sau khi báo đăng tải đã nhận được phản hồi của cơ quan chức năng, như Siêu dự án thuỷ lợi Cái Lớn – Cái Bé sau 1 năm vận hành; Vụ bảo hộ giống thanh long ruột đỏ LD1…
Theo đánh giá của Trung tâm KNQG, các chương trình tuyên truyền trên báo, đài đã giúp hàng triệu hộ nông dân nắm bắt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn; tiếp cận được các tiến bộ khoa học công nghệ mới, thông tin về thị trường, giá cả, học hỏi kinh nghiệm và các điển hình sản xuất kinh doanh giỏi để tiếp tục nhân rộng…
Nhiều tin bài, loạt bài đã nắm bắt được "hơi thở" của thực tiễn sản xuất, đã "đánh thức" các mô hình bị lãng quên, tạo nên sự lan tỏa rộng khắp cả nước.
Đặc biệt, các cơ quan truyền thông đã sáng tạo, linh hoạt áp dụng đa dạng hình thức truyền thông như qua các ấn phẩm khuyến nông, trang web và tổ chức các sự kiện như tọa đàm, diễn đàn, video clip, chuyên trang... Đơn cử, năm 2022 Báo NTNN/Dân Việt đã phối hợp Trung tâm KNQG tổ chức 3 tọa đàm trực tuyến gắn với các vấn đề thời sự của ngành nông nghiệp và vai trò, nhiệm vụ của hệ thống khuyến nông, thu hút đông đảo lượng người quan tâm theo dõi, đặt câu hỏi; được các chuyên gia nông nghiệp, cơ quan báo chí đánh giá cao.
Lãnh đạo Trung tâm KNQG cũng cho biết, trong năm 2022 đơn vị tiếp tục phát hành 12 kỳ bản tin Khuyến nông Việt Nam; tổ chức thành công 49 sự kiện, tăng 15 sự kiện so với kế hoạch, trong đó có 34 diễn đàn, tọa đàm; 10 hội nghị, hội thảo chuyên đề; 2 hội chợ triển lãm; 3 hội thi khuyến nông…
Phát huy hiệu quả đạt được, trong năm nay Trung tâm KNQG tiếp tục phối hợp với các đơn vị truyền thông đại chúng có diện phủ sóng, phát sóng, phát hành lớn, những đơn vị truyền thông chuyên ngành để nâng cao hiệu quả tuyên truyền. Trung tâm sẽ đặt hàng các phương tiện thông tin đại chúng tổ chức tuyên truyền 1.080 chuyên trang, chuyên mục với 9.000 tin, bài, ảnh…