Anh Nông Văn Minh (xóm Nà Ngà, xã Vĩnh Quang, huyện Bảo Lâm) là một trong những nông dân phát huy hiệu quả nguồn vốn vay Ngân hàng CSXH. Anh Minh chia sẻ: Gia đình anh gặp nhiều khó khăn do thiếu vốn, kinh nghiệm sản xuất. Năm 2019, được Hội ND xã giới thiệu, gia đình đã được Ngân hàng CSXH cho vay vốn để thực hiện mô hình VAC.
Từ những kiến thức học được trong các buổi tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, gia đình anh đã đầu tư mô hình VAC hiệu quả và mang lại thu nhập ổn định gần 100 triệu đồng/năm.
Gia đình anh Ma Thế Giáp (xóm Tổng Phường, xã Nam Quang, huyện Bảo Lâm) cũng có của ăn của để nhờ sử dụng hiệu quả vốn vay Ngân hàng CSXH. Anh Giáp chia sẻ: "Trước đây, gia đình tôi là hộ nghèo. Năm 2019, tôi vay 130 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH huyện, đầu tư xây chuồng trại, mua trâu về nuôi vỗ béo và chuyển đổi diện tích đất trồng ngô kém hiệu quả sang trồng cỏ voi tạo nguồn thức ăn cho chăn nuôi. Đến nay, tôi thường xuyên nuôi 15 con trâu vỗ béo, cho thu nhập gần 100 triệu đồng/năm".
Ông Mông Hải Châu - Phó Chủ tịch Hội ND huyện Bảo Lâm cho biết: Bảo Lâm là huyện vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn của tỉnh Cao Bằng, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 98%. Đến nay, Hội ND huyện có 9.148 hội viên, sinh hoạt tại 153 chi hội thuộc 13 cơ sở hội, chiếm trên 90% tổng số hộ sản xuất nông nghiệp.
Nhằm giúp hội viên nông dân có nguồn lực phát triển kinh tế, Hội ND huyện đã nhận ủy thác với Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Bảo Lâm tạo điều kiện cho 2.769 hội viên vay trên 139,5 tỷ đồng. Song song với cho vay vốn, Hội thường xuyên củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ tiết kiệm và vay vốn. Các cấp Hội chú trọng tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho hội viên chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thâm canh tăng năng suất, áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt, phát triển các mô hình kinh tế mới phù hợp với điều kiện thực tiễn địa phương…
"Nguồn vốn vay Ngân hàng CSXH đã trở thành đòn bẩy giúp nhiều hội viên, nông dân trên địa bàn huyện Bảo Lâm vươn lên thoát nghèo và từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống" - lãnh đạo Hội ND huyện Bảo Lâm khẳng định.
Theo báo cáo Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Bảo Lâm, hiện nay, nguồn vốn tín dụng chính sách hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đã phủ kín 100% xóm, xã, đây là động lực để người dân, đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là hộ nghèo, hộ cận nghèo tìm được hướng đi cải thiện đời sống. Hiện nay, Phòng Giao dịch duy trì thực hiện lịch giao dịch cố định hằng tháng đúng ngày, giờ thông báo (kể cả thứ Bảy, Chủ nhật) tại 13/13 xã, thị trấn, chất lượng giao dịch ngày càng nâng lên. Các điểm giao dịch công khai các chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ, niêm yết đầy đủ danh sách hộ vay...
Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Bảo Lâm - Nguyễn Hữu Điệp cho biết: Để bảo đảm nguồn vốn đến đúng đối tượng, phát huy hiệu quả vốn vay, Phòng thường xuyên phối hợp với các đoàn thể chính trị - xã hội nhận ủy thác, chính quyền các xã, thị trấn rà soát, tổng hợp nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách; giao chỉ tiêu, kế hoạch cho các xã, thị trấn chủ động giao nguồn vốn đến xóm, khu phố; kiện toàn tổ tiết kiệm và vay vốn; rà soát, bình xét các đối tượng thuộc diện được vay vốn, từ đó lập danh sách vay vốn ưu đãi.
Năm 2023, Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện tiếp tục tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện tốt Chỉ thị số 40, Kết luận số 06 ngày 10/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng CSXH; tiếp tục phối hợp với các cấp, các ngành trong việc quản lý, nâng cao hiệu quả tín dụng CSXH, góp phần thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới.