Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Từ lâu, miến dong Cao Bằng đã nổi tiếng bởi chất lượng tốt, có độ dai, ngon bậc nhất cả nước, có tác dụng tốt đối với hệ tiêu hóa, tim mạch…
Chính vì thế, số lượng miến dong Cao Bằng sản xuất ra chưa bao giờ đủ cung cấp cho thị trường. Với giá trị sản xuất trên 150 triệu đồng/ha đất nương rẫy, dong riềng là một trong những loại cây mang lại giá trị kinh tế cao cho nông dân. Tuy nhiên, giá trị của loại cây này vẫn chưa được khai thác hiệu quả như tiềm năng.
Tại khu vực Án Lại, xã Nguyễn Huệ (huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng), bà con nông dân trồng, chăm sóc, thu hoạch, xuất bán củ dong riềng.
Anh Long Văn Cương cho biết: Ở khu vực này, hầu như nhà nào cũng trồng cây dong riềng. Nhà tôi trồng cây dong riềng từ xưa nhưng sau đó không trồng nữa vì giá dong xuống thấp. Khoảng 5 năm trở lại đây, tôi trồng lại cây này.
Ở đây, cây dong riềng rất dễ trồng, có thể trồng được tại những nương rẫy cao trên lưng núi. Nếu giá bán 13 nghìn đồng/kg bột dong thì giá trị cây trồng đạt tới hơn 150 triệu đồng/ha, cao gấp 3 - 4 lần so với cây ngô mà công chăm sóc, đầu tư lại ít hơn.
Theo số liệu từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cao Bằng, năm 2022, cả tỉnh có 475 ha trồng cây dong riềng, tổng sản lượng trên 25.000 tấn củ, năng suất bình quân đạt 53,6 tấn củ/ha.
Cả tỉnh có gần 300 hộ sản xuất miến dong, tập trung nhiều ở xã Nguyễn Huệ (Hòa An) với hơn 100 hộ tại các xóm: Canh Biện A, Canh Biện B, Án Lại; khu vực xóm Phja Đén, xã Thành Công, khu vực thị trấn Tĩnh Túc (huyện Nguyên Bình). Ngoài ra, ở khu vực Thành phố Cao Bằng và một số nơi cũng có một số lượng nhỏ hộ dân làm nghề sản xuất miến dong.
Người nông dân trồng cây dong riềng tỉnh Cao Bằng phấn khởi thu hoạch củ dong riềng.
Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại, Sở Công thương tỉnh Cao Bằng-Phạm Đức Minh cho biết: Sản phẩm miến dong của tỉnh có chỗ đứng rất tốt trên thị trường miến dong cả nước. Miến Cao Bằng có chất lượng nổi trội so với các sản phầm cùng loại của tỉnh khác nên có uy tín, chất lượng và giá bán cũng cao hơn các sản phẩm cùng loại của tỉnh khác.
Có thể nói, mặt hàng miến dong của tỉnh Cao Bằng còn rất nhiều tiềm năng để phát triển. Tuy vậy, sản xuất miến dong của tỉnh hiện nay vẫn ở quy mô nhỏ lẻ, chủ yếu là các hộ dân tự sản xuất, còn ít sự liên kết và đặc biệt là chưa có sự dẫn dắt của các nhà doanh nghiệp.
Xác định hiệu quả, tiềm năng từ trồng dong, sản xuất miến, tỉnh đưa miến dong vào danh sách những sản phẩm ưu tiên hỗ trợ phát triển, đồng thời giao cho Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại nghiên cứu, xét duyệt, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp sản xuất, tiêu thụ, xây dựng thương hiệu cho miến dong Cao Bằng.
Nhờ đó, nhiều người dân, hợp tác xã và doanh nghiệp được hỗ trợ máy móc, công nghệ sản xuất miến, hướng dẫn xây dựng nhãn hiệu hàng hóa…
Tuy vậy, sự hỗ trợ vẫn còn rất ít bởi các hộ sản xuất nhỏ lẻ không đáp ứng được các tiêu chí để hỗ trợ. Hiện nay, chỉ có một số doanh nghiệp nhỏ và hợp tác xã đầu tư sản xuất miến dong như: Hợp tác xã nông sản Tân Việt Á, Công ty TNHH sản xuất và thương mại Phan Hoàng, Doanh nghiệp tư nhân Hoa LyLi, Hợp tác xã chế biến miến dong Phja Đén... Tỉnh đang khuyến khích thương nhân, doanh nghiệp đầu mối thu gom, tiêu thụ sản phẩm cho người dân.
Ông Trần Đức Hiếu, Giám đốc Hợp tác xã nông sản Tân Việt Á cho rằng: Tiềm năng sản xuất, tiêu thụ miến dong của Cao Bằng còn rất lớn. Tuy nhiên, năng lực sản xuất còn rất hạn chế. Với tình trạng sản xuất và tiêu thụ kiểu truyền thống như hiện nay thì ngành miến của tỉnh sẽ rất khó phát triển.
Nếu muốn có thương hiệu, chúng ta phải đưa sản phẩm vào siêu thị và các chuỗi tiêu thụ chất lượng cao. Điều này rất khó đối với bà con bởi các hệ thống tiêu thụ này ngoài việc đòi hỏi chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, sản lượng lớn mà siêu thị họ đòi chiết khấu cao. Nếu chỉ sản xuất thủ công theo kiểu “lấy công làm lãi” như hiện nay thì chúng ta không thể làm được.
Mặt khác, nếu không xây dựng được thương hiệu, bà con sẽ đứng trước nguy cơ “thua trên sân nhà”, bởi hiện nay, nhiều thương lái ở tỉnh khác dùng hàng kém chất lượng, đóng gói bao bì, nhãn mác ghi tên miến Cao Bằng để bán sản phẩm.
Khi khách hàng dùng sản phẩm không bảo đảm chất lượng, họ sẽ tẩy chay sản phẩm miến Cao Bằng và như thế cả một hệ thống người làm miến và người trồng dong riềng sẽ đối mặt nguy cơ thất nghiệp.
Tại tỉnh Cao Bằng, khí hậu, thổ nhưỡng rất phù hợp cho cây dong riềng phát triển; chất lượng củ dong được đánh giá cao hơn ở những nơi khác. Do đó, không chỉ người làm miến Cao Bằng tiêu thụ mà rất nhiều thương lái từ các tỉnh khác cũng đến Cao Bằng thu mua củ dong riềng.
Điều đó cho thấy tiềm năng của loại cây dong riềng còn rất lớn. Để đưa nghề trồng dong riềng, làm miến phát triển tương xứng với tiềm năng của nó, bên cạnh tuyên truyền, vận động, hỗ trợ nông dân trồng dong, tỉnh Cao Bằng cần chú trọng hơn nữa đến việc hỗ trợ người dân nâng cao năng lực sản xuất, quản lý chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu và xúc tiến thương mại, đưa sản phẩm miến dong Cao Bằng vươn cao, vươn xa hơn nữa.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.