Tham quan mô hình nuôi con lươn trên tổng diện 3.600 m2, anh Trần Văn Quang (xóm Phụ Cấp, xã Kim Mỹ, huyện Kim Sơn) thiết kế thành các khu vực chuyên biệt khác nhau, từ khu xử lý nước đến khu sinh sản, và khu nuôi con lươn thương phẩm.
Clip: Mô hình nuôi lươn kiểu lạ mắt của hộ anh Trần Văn Quang (xã Kim Mỹ, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình). Mô hình nuôi lươn của anh Quang được nhiều nông dân đến xem.
Anh Trần Văn Quang chia sẻ: "Nhiều năm lao động bên Hàn Quốc, sau khi về nước, tôi tiếp tục đi làm phiên dịch cho một công ty Hàn Quốc tại Việt Nam. Năm 2021, tôi bắt đầu tìm hiểu và tiến hành nuôi con lươn không bùn, với mô hình này không đòi hỏi diện tích lớn, kỹ thuật đơn giản, đầu ra ổn định".
Đoàn cán bộ Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình tham quan mô hình nuôi lươn hộ anh Trần Văn Quang (xã Kim Mỹ, huyện Kim Sơn). Ảnh: Vũ Thượng
"Tôi nhận thấy con lươn ngoài tự nhiên đang khan hiếm dần, trong khi đó giá trị dinh dưỡng thịt lươn cao, giàu protein, các loại vitamin và khoáng chất…Thịt lươn còn được sử dụng để chế biến nhiều món ăn ngon, bồi bổ sức khỏe cho mọi lứa tuổi. Chính vì thế, tôi quyết tâm xây dựng mô hình nuôi lươn trên quê hương Việt Nam", anh Quang chia sẻ thêm.
Khu vực nuôi con lươn bố mẹ để tạo giống. Ảnh: Vũ Thượng
Được biết, để phát triển mô hình nuôi lươn, anh Quang đầu tư hơn 3 tỉ đồng xây bể, làm mái che, mua sắm các thiết bị nuôi lươn…Đặc biệt, tất cả việc sản xuất đều được lắp đặt thiết bị theo dõi, điều khiển từ xa vô cùng tiên tiến.
Để tiện quản lý các bể lươn, anh Quang lắp đặt nhiều mắt Camera quan sát. Ảnh: Vũ Thượng
Các bể nuôi nuôi lươn được làm bằng xi măng, lát gạch men dễ vệ sinh, dễ thay nước. Để tạo môi trường cho con lươn sinh sống, bám trú, anh Quang cho thêm một lượng lớn rong, rêu, vừa để điều hòa nhiệt độ và môi trường nước.
Hệ thống phun nước tạo mưa tự động tại mô hình nuôi lươn tại gia đình anh Quang (xã Kim Mỹ, huyện Kim Sơn). Ảnh: Vũ Thượng
Ngoài ra, để giảm thiểu rủi ro trong quá trình đầu tư, phát triển mô hình nuôi con lươn, anh Quang còn liên kết, mua công nghệ từ một cơ sở sản xuất lươn có kinh nghiệm lâu năm tại tỉnh Nam Định.
Theo anh Quang, lứa lươn đầu tiên được thả nuôi vào năm 2021, với số lượng 1 vạn con lươn giống. Từ việc áp dụng đúng quy trình kỹ thuật nên năm sau, gia đình đã thu hoạch được 1 tấn lươn thương phẩm và 5 vạn con giống. Sau khi trừ chi phí gia đình thu lãi hơn 100 triệu đồng.
Bảng biểu ghi lịch cụ thể ngày, tháng cho con lươn ăn và chăm sóc con lươn tại hộ anh Quang. Ảnh: Vũ Thượng
Thời gian cho con lươn ăn thường vào buổi sáng 6-7 giờ, chiều từ 17-18 giờ. Thức ăn chủ yếu cám công nghiệp, và tùy vào từng thời điểm để bổ sung thêm con trùn chỉ (một giống giun nước, thân nhỏ), và các loại thức ăn khác nhằm tăng sức đề kháng cho con lươn.
Con lươn nuôi thương phẩm khoảng 6 tháng là có thể bắt bán, hiện anh Quang đang bán lươn thương phẩm với giá khoảng 140.000-145.000 đồng/kg, lươn giống loại 500-600 con/kg bán giá 5.500-6.000 đồng/con.
Lươn thương phẩm anh Quang bán giá gần 150.000 đồng/kg. Ảnh: Vũ Thượng
Ngoài bán lươn thương phẩm, cơ sở của anh Trần Văn Quang còn là địa chỉ cung cấp nguồn lươn giống uy tín, đảm bảo chất lượng cho bà con nông dân. Nhiều người dân đã đến học hỏi và được anh tận tình hướng dẫn chia sẻ kinh nghiệm của mình.
Anh Trần Văn Quang (xã Kim Mỹ, huyện Kim Sơn) bật mí: "Trong quá trình nuôi con lươn ở miền Bắc gặp nhiều bất lợi do ảnh hưởng bởi thời tiết. Để nuôi lươn thành công phải đảm bảo không bị hao hụt đầu con, lươn sinh sản đều, lớn nhanh bán mới có giá".
Anh Quang sử dụng các giá thể để con lươn ẩn nấp. Ảnh: Vũ Thượng
"Đối với khu vực nuôi lươn bố mẹ, lươn thương phẩm cần thiết kế thông thoáng về mùa hè, có hệ thống xử lý, cũng như cấp nước vào bể nuôi thường xuyên. Về mùa đông, cần đảm bảo kín gió, nguồn nước cấp vào bể nuôi lươn trên 10 độ C", anh Quang mách.
Anh Quang hướng đến việc sơ chế con lươn, gắn tem...cung cấp vào các cửa hàng, siêu thị. Ảnh: Vũ Thượng
Dự tính với kinh nghiệm tích lũy được, năm 2023, trại nuôi lươn hộ anh Trần Văn Quang có thể tăng lên 15 vạn con giống và 5 tấn lươn thương phẩm. Trừ chi phí gia đình dự kiến thu lời khoảng 500 triệu đồng.
Anh Quang cho biết, nuôi con lươn muốn đạt hiệu quả cao phải tập trung hoàn chỉnh 4 yếu tố quan trọng nhất: Một là phải có con giống khỏe mạnh, xuất xứ rõ ràng.
Nguồn nước cấp vào các bể nuôi con lươn không bùn đảm bảo vệ sinh. Ảnh: Vũ Thượng
Hai là nguồn nước phải đảm bảo hợp vệ sinh, mỗi ngày phải thay nước ít nhất là 4 lần, trước và sau mỗi lượt cho ăn. Đây là công đoạn mất rất nhiều thời gian, kinh phí và nhân công.
Ba là phải bố trí thức ăn phù hợp với độ tăng trưởng của lươn. Ngoài cám công nghiệp cần bổ sung thêm thức ăn là trùn quế, các loại vitamin, và khoáng chất.
Bốn là xây dựng bể nuôi phù hợp với từng loại: Lươn bố mẹ, lươn giống, lươn thịt, không nên sử dụng lẫn lộn các bể nuôi.
Ông Đinh Hồng Thái-Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình (thứ 2 phải qua) tham quan mô hình nuôi lượn hộ anh Trần Văn Quang (xã Kim Mỹ, huyện Kim Sơn). Ảnh: Vũ Thượng
Ông Nguyễn Văn Thắng-Chủ tịch UBND xã Kim Mỹ cho biết: "Sau khi đi Hàn Quốc về hộ anh Quang với diện tích đang có đã đầu tư xây nhà, máy móc…để tiến hành nuôi con lươn không bùn. Mô hình nuôi lươn này qua đánh giá đang tạo thu nhập cao cho gia đình, không tốn nhiều diện tích, không ảnh hưởng đến môi trường xung quanh".
Mô hình nuôi lươn hộ anh Trần Văn Quang đang mở ra một hướng đi mới trong phát triển kinh tế của địa phương. Ảnh: Vũ Thượng
"Mô hình nuôi con lươn không bùn hộ anh Quang đang mở ra một hướng đi mới trong phát triển kinh tế của địa phương. Đồng thời, khích lệ tinh thần khởi nghiệp, làm giàu cho nhiều người dân khác trong xã, huyện Kim Sơn", ông Thắng cho biết thêm.