Ngày 21/4, Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ GDĐT và Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (ĐH Quốc gia TP.HCM) tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề "Tự chủ đại học trong quá trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đại học: kết quả, bài học kinh nghiệm và những yêu cầu trong giai đoạn mới".
Theo thông tin từ ĐH Quốc gia TP.HCM, hội thảo có sự tham gia của hơn 250 đại biểu đến từ Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ GDĐT, ĐH Quốc gia TP.HCM, Ngân hàng Thế giới, Ủy ban Nhân dân TP.HCM, các nhà hoạch định chính sách giáo dục từ Trung ương, địa phương, các nhà quản lý, các nhà khoa học, chuyên gia…
Phát biểu tham luận tại hội thảo, TS Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, việc triển khai thực hiện cơ chế tự chủ đã giúp cải thiện, đổi mới hệ thống giáo dục đại học và đạt được một số kết quả tích cực.
Tuy nhiên, quan niệm, cách hiểu về tự chủ đại học ở Việt Nam vẫn còn có những nhầm lẫn đáng tiếc theo nghĩa tự chủ là "tự do" và "tự lo", dẫn tới cách hiểu, cách tiếp cận và vận dụng vào thực tiễn không thống nhất.
Thực tế, tự chủ đại học có nơi, có lúc được hiểu và đánh đồng với việc tự chủ về tài chính. Các trường đại học muốn thực hiện tự chủ toàn diện sẽ phải cân nhắc, đánh đổi giữa tự chủ với việc ngừng cấp ngân sách nhà nước cho nhà trường cả về chi thường xuyên lẫn chi đầu tư. Đồng thời, cũng có quan điểm cho rằng, thực hiện tự chủ nghĩa là cơ sở giáo dục đại học được hoàn toàn "tự do" quyết định mọi việc, và theo đó, phủ nhận vai trò của Nhà nước trong kiểm soát chất lượng, định hướng hoạt động của các trường.
Bà Hoa nhận định, tự chủ đại học dù ở mức độ nào vẫn luôn tồn tại vai trò của Nhà nước và luôn tồn tại mối quan hệ giữa kiểm soát chất lượng và tự chủ.
Bên cạnh đó, hiện mức đầu tư công cho giáo dục đại học của Việt Nam còn hạn chế, chỉ đạt từ 4,33% đến 4,74% tổng chi ngân sách dành cho lĩnh vực GDĐT. Nếu so sánh tỷ trọng chi ngân sách nhà nước cho giáo dục đại học Việt Nam/GDP giai đoạn năm 2018 – 2020, có thể thấy, tỷ trọng chi ngân sách nhà nước cho giáo dục đại học hiện mới chỉ đạt 0,27% GDP, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Chưa kể, phương thức và định mức phân bổ nguồn lực công cũng có nhiều bất cập, thiếu trọng tâm và trọng điểm, dựa chủ yếu trên các định mức truyền thống mà không căn cứ vào kết quả hoạt động dẫn đến dàn trải, không hiệu quả. Mức chi ngân sách cho hoạt động nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo trong các trường đại học nhìn chung còn thấp, có sự phân tán giữa hệ thống giáo dục đại học và các viện nghiên cứu.
Từ đó, bà Hoa đưa ra các khuyến nghị gồm: Nghiên cứu xác định mô hình tự chủ đại học phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam; phải đồng bộ và minh bạch hóa hệ thống quy phạm pháp luật về tự chủ đại học; phải đổi mới cơ chế tài chính và đầu tư cho giáo dục đại học. Bên cạnh đó là quá trình xây dựng chính sách cải cách tiền lương và đẩy mạnh quá trình tự chủ trong các trường đại học để tạo quyền chủ động cho các cơ sở giáo dục thu hút, giữ chân người tài, chuyên gia đầu ngành và nâng cao năng lực thực hiện tự chủ; đổi mới quản trị đại học, thực hiện tự chủ đại học gắn với trách nhiệm giải trình.
PGS.TS Ngô Thị Phương Lan, Trưởng ban Tuyên giáo Đảng ủy ĐH Quốc gia TP.HCM, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM chia sẻ, trong gần một thập kỷ qua, vấn đề tự chủ trong các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Trong đó, từ chỗ các cơ sở giáo dục chịu sự quản lý nhà nước chặt chẽ về mọi mặt thông qua Bộ GDĐT, đến nay, các trường đại học đã dần được trao quyền tự chủ, thể hiện qua các văn bản pháp quy của Nhà nước. Hiện nay, có 141/232 cơ sở giáo dục đại học đủ điều kiện tự chủ, 154/170 cơ sở giáo dục đại học đã thành lập Hội đồng trường theo Luật số 34 và Nghị định số 99/2019/NĐ-CP (đạt tỷ lệ 90,6%).
Về việc chậm thành lập Hội đồng trường, bà Lan cho rằng do cơ sở giáo dục thiếu nhân sự đủ tiêu chuẩn làm Chủ tịch Hội đồng trường; chưa đồng thuận trong tập thể lãnh đạo hoặc do cơ quan quản lý trực tiếp chưa phê duyệt...
Tại ĐH Quốc gia TP.HCM, việc thực hiện tự chủ được phân cấp quản lý theo hướng tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm xã hội cao trong các lĩnh vực hoạt động của các đơn vị thành viên và các đơn vị trực thuộc. ĐH Quốc gia TP.HCM đã ban hành các văn bản hướng dẫn phù hợp với năng lực, điều kiện và hiệu quả hoạt động của từng đơn vị thành viên, đồng thời đảm bảo sự chỉ đạo, điều phối, thống nhất và kiểm tra giám sát của Đh Quốc gia TP.HCM; thúc đẩy liên thông, liên kết toàn diện giữa các đơn vị, sử dụng hiệu quả các nguồn lực chung, tạo thêm giá trị gia tăng để nâng cao chất lượng, hiệu quả mọi hoạt động.
Để tăng cường tính tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học, bà Lan đưa ra 6 kiến nghị về tự chủ đại học. Trong đó, cần có sự đánh giá đầy đủ, toàn diện về những kết quả đạt được, những khó khăn vướng mắc của các cơ sở giáo dục khi thực hiện quyền tự chủ.
Cần xây dựng lộ trình tự chủ của cả hệ thống giáo dục đại học trong mối tương quan đối với hệ thống giáo dục đại học trên thế giới. Trong đó, cần tham khảo, học tập các kinh nghiệm, thực hành tốt về tự chủ đại học từ các quốc gia khác trên thế giới, và cả xem xét các thất bại (nếu có).
Quản lý nhà nước về giáo dục đại học nên thực hiện ở các nội dung có tầm vĩ mô (như có tính chiến lược, các khâu chỉ đạo, huy động, điều phối và giám sát), còn các khâu quản lý và tổ chức thực hiện nên giao cho các cơ sở GDĐH chủ động thực hiện.
Các quy định pháp lý, các chính sách quan trọng liên quan đến tự chủ cho cơ sở GDĐH nên được ban hành đầy đủ, đồng bộ; cần sớm sửa đổi những vấn đề còn bất cập để tạo tính thống nhất, nhất quán; tạo hành lang pháp lý rõ ràng để tránh chồng chéo, tạo thuận lợi cho các cơ sở GDĐH trong việc thực thi quyền tự chủ.
Cuối cùng là cần giao đồng bộ quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học, bao gồm tự chủ nguồn nhân lực, tự chủ trong các vấn đề liên quan đến tuyển sinh, quản lý sinh viên, tự chủ trong các hoạt động học thuật và chương trình giáo dục, tự chủ trong các chuẩn mực học thuật, tự chủ trong nghiên cứu và giảng dạy, tự chủ trong các vấn đề liên quan đến quản lý hành chính và tài chính, quản lý và sử dụng ngân sách, các nguồn tài chính của trường.