Kỳ thi đánh giá năng lực ĐHQG TP.HCM: Những thay đổi nhỏ giúp thí sinh thuận tiện hơn

Mỹ Quỳnh Thứ hai, ngày 09/01/2023 13:34 PM (GMT+7)
Kỳ thi đánh giá năng lực năm 2023 do Đại học Quốc gia (ĐHQG) TP.HCM tổ chức cơ bản giữ nguyên như năm 2022, chỉ có một vài thay đổi nhỏ nhằm hỗ trợ thí sinh thuận tiện hơn.
Bình luận 0

Thông tin từ TS Nguyễn Quốc Chính - Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo (ĐHQG TP.HCM) cho biết, kỳ thi đánh giá năng lực (ĐGNL) năm 2023 sẽ được tổ chức theo nguyên tắc giữ ổn định như năm 2022. Như vậy, về cấu trúc đề thi, độ khó đều không thay đổi.

Xét tuyển mang tính toàn diện

Tuy nhiên, TS Nguyễn Quốc Chính cho biết thêm, kỳ thi sẽ có một số điểm thay đổi nhỏ để giúp thí sinh thuận lợi hơn khi tham gia. Trong đó, kỳ thi sẽ tăng thêm 4 địa điểm gồm Lâm Đồng, Tiền Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp. Như vậy, năm 2034 sẽ có 21 tỉnh thành phố tổ chức kỳ thi ĐGNL, trải dài từ Đà Nẵng đến Kiên Giang.

Kỳ thi đánh giá năng lực ĐHQG TP.HCM: Những thay đổi nhỏ giúp thí sinh thuận tiện hơn - Ảnh 1.

Kỳ thi ĐGNL do ĐHQG TP.HCM tổ chức sẽ giữ ổn định về cấu trúc, độ khó như năm 2022. Ảnh: MQ

Bên cạnh đó, năm nay thí sinh đăng ký dự thi sẽ dễ dàng hơn khi hệ thống đăng ký đều được nâng cấp, thí sinh dễ dàng thao tác đăng ký, chuyển khoản trực tuyến.

Về ngày thi, kỳ thi ĐGNL sẽ giữ ổn định với hai đợt, đợt một thi vào ngày 26/3 và đợt hai vào ngày 28/5. Thí sinh có thể đăng ký thi thi 1 đợt, hoặc cả 2 đợt. Trường hợp thi cả hai đợt, kết quả đợt thi cao nhất được sử dụng để xét tuyển.

TS Chính chia sẻ thêm, năm 2022, có hơn 100 trường cao đẳng, đại học sử dụng kết quả ĐGNL để tuyển sinh. Đây là một lợi thế lớn dành cho thí sinh, khi chỉ phải dự thi 1 lần nhưng có thể đăng ký vào nhiều trường, nhiều ngành - đặc biệt là các trường có nhiều thí sinh đăng ký xét tuyển (hay còn gọi là tỷ lệ chọi cao).

"Chúng tôi cho rằng đây là kỳ thi quan trọng thứ hai mà thí sinh quan tâm, bởi đây là cơ hội để thí sinh có thể tăng thêm cơ hội để xét tuyển vào các ngành, các trường có độ cạnh tranh cao", ông Chính đánh giá.

Kỳ thi đánh giá năng lực ĐHQG TP.HCM: Những thay đổi nhỏ giúp thí sinh thuận tiện hơn - Ảnh 3.

ĐH Bách khoa - ĐHQG TP.HCM sẽ áp dụng cách xét tuyển toàn diện. Ảnh: MQ

"Trong hệ thống của ĐHQG TP.HCM, năm nay Trường ĐH Bách Khoa bắt đầu sử dụng phương pháp xét tuyển mang tính toàn diện, tổng hợp. Trường sẽ không sử dụng một điểm thi duy nhất để làm tiêu chí xét tuyển mà sẽ dùng điểm thi ĐGNL, điểm thi tốt nghiệp THPT, dùng kết quả tham gia các cuộc thi khoa học kĩ thuật, văn hóa, thể thao hay những hoạt động xã hội... của thí sinh. Đáng nói, trong cách xét tuyển này, trọng số điểm thi ĐGNL chiếm tỷ lệ rất cao, tới 70 %. Như vậy, nếu thí sinh muốn dễ dàng vào được Trường ĐH Bách Khoa - ĐHQG TP.HCM thì chắc chắn phải thi ĐGNL", ông Chính nói.

Được biết, một số đơn vị thành viên trong hệ thống ĐHQG TP.HCM cũng sẽ phát triển phương thức xét tuyển mang tính toàn diện như trên.

Hai Đại học Quốc gia công nhận kết quả của nhau

TS Nguyễn Quốc Chính cho biết, ĐGNL là kỳ thi có phạm vi lớn. Trong đó, năm 2022, kỳ thi ĐGNL của ĐHQG TP.HCM có hơn 120.000 lượt thí sinh dự thi, ĐHQG Hà Nội có hơn 60.000 thí sinh dự thi. Vùng tuyển sinh của ĐHQG TP.HCM là từ Đà Nẵng trở vào, còn ĐHQG Hà Nội tổ chức thi từ Huế trở ra. Đây là cách để hai ĐHQG tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các thí sinh.

Hiện nay, hai ĐHQG đã thống nhất sẽ công nhận điểm thi của nhau. Điều này có nghĩa, thí sinh dự kỳ thi ĐGNL của ĐHQG Hà Nội có thể dùng điểm thi đó để xét tuyển vào ĐHQG TP.HCM và ngược lại.


Kỳ thi đánh giá năng lực ĐHQG TP.HCM: Những thay đổi nhỏ giúp thí sinh thuận tiện hơn - Ảnh 4.

Hai ĐHQG công nhận kết quả thi ĐGNL của nhau để thuận tiện cho thí sinh. Ảnh: MQ

"Với sự thỏa thuận này, hy vọng các trường đại học đang dùng kết quả thi ĐGNL của hai ĐHQG có thể sử dụng kết quả tương tự giúp thí sinh chỉ phải thi một kỳ thi nhưng vẫn có thể đăng ký xét tuyển vào các trường", ông Chính nói.

Theo ông Chính, để làm được điều này, trung tâm khảo thí của hai ĐHQG đã làm việc với nhau suốt một năm vừa qua để tạo ra thang quy đổi điểm. Bởi hiện tại, thang điểm tối đa của ĐHQG Hà Nội là 150 điểm, còn điểm thi tối đa của ĐHQG TP.HCM là 1.200 điểm.

Về ngân hàng đề thi, ông Chính cho biết, hai ĐHQG không dùng chung đề thi của nhau. Nguyên nhân là vì mỗi đơn vị tổ chức thi theo đặc thù riêng. ĐHQG TP.HCM tổ chức thi trên giấy, trong khi đó, ĐHQG Hà Nội tổ chức thi trên máy tính. Đồng thời, trong bài thi của ĐHQG TP.HCM có phần thi ngoại ngữ (tiếng Anh), trong khi ở Hà Nội không có.

Dù vậy, ông Chính khẳng định, cấu trúc thi có hơi khác nhau nhưng về mục tiêu là để ĐGNL đại học của thí sinh thì cả hai bài thi đều tương đương với nhau.


TS Nguyễn Quốc Chính nhắn nhủ, một bài thi ĐGNL do ĐHQG TP.HCM tổ chức chỉ có 120 câu hỏi trắc nghiệm với bốn lựa chọn và thời gian làm bài trong 150 phút... nhưng sẽ giúp thí sinh có cơ hội xét tuyển vào các trường mà mình mong muốn.

Thông tin của kỳ thi sẽ được công bố rộng rãi trên trang web của trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo ĐHQG TP.HCM cũng như các cơ quan truyền thông.

Hiện nay, các bài thi mẫu của các năm trước và năm 2023 đã được đăng tải. Thí sinh nên tham khảo để có định hướng ôn tập. "Để học và thi ĐGNL đạt được kết quả cao, thí sinh chỉ cần tiếp cận kiến thức một cách nhẹ nhàng nhưng khoa học. Đây là điểm khác biệt của kỳ thi ĐGNL so với các kỳ thi khác", TS Chính nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem