Dân Việt

Người thầy gieo chữ nơi đảo xa

Hà Vinh 28/04/2023 06:21 GMT+7
Ở những vùng khó khăn trên đất liền, để đem con chữ đến với học trò, các thầy cô trải qua bao vất vả. Nhiều người phải trèo đèo, lội suối đến trường. Nhưng với những thầy giáo tình nguyện ra Trường Sa công tác, vất vả đó nhân lên bội phần.
Gieo chữ nơi đảo xa - Ảnh 1.

Một lớp hai cấp học

Lớp học của thầy Bành Hữu Tình trên đảo Trường Sa khá đặc thù, lớp chỉ có 6 học sinh nhưng có đến hai cấp học, mầm non và tiểu học. Cháu nhỏ nhất khoảng 3-4 tuổi, lớn nhất là lớp 3. Để điều hòa dạy và học, thời gian đầu, thầy trò khá vất vả duy trì lớp học. Bình thường như độ tuổi các cháu, một cấp học đã khó, ở đây phải dạy cả hai cấp, càng thêm khó cho cả thầy và trò.

Khi mới từ đất liền ra đảo, thầy Tình khá bỡ ngỡ với lớp học ghép kiểu này. “Nhiều khi đang dạy, các cháu mầm non đòi đi vệ sinh, hoặc đòi nghỉ, có cháu nằm luôn xuống bàn… kêu con mệt, xin về nhà uống nước” - thầy Tình chia sẻ. Mặc dù đã được tập huấn, giới thiệu trước ngày ra đảo nhưng thầy cũng mất gần 3 tháng mới quen, lớp học mới đi vào khuôn khổ.

Suốt 3 tháng đầu, thầy dành nhiều tâm sức nghiên cứu, nắm đặc điểm tâm sinh lý, kể cả sở thích, thói quen của từng cháu để có cách hướng dẫn phù hợp. Các cháu mầm non phải có chế độ riêng, như ăn uống, sinh hoạt, vui chơi khác với các em tiểu học. Tùy từng buổi, có thể cho cháu tập viết, vẽ, xem truyện tranh trong thời gian phù hợp. Lớp học không gò bó, cứng nhắc, khi nào các trò cảm thấy chán là thầy thay đổi cách lên lớp, có thể cho các cháu chơi trò chơi trong giờ giải lao, cho ra ngoài lớp chơi giữa giờ để đỡ bí bách…

Gieo chữ nơi đảo xa - Ảnh 3.

Thầy giáo Bành Hữu Tình (thứ 2 bên trái) và các học trò nhận quà của Hội Khuyến học Việt Nam. Ảnh: Phạm Quý Trọng

Do lớp nhiều độ tuổi, cấp học nên khi giảng bài, thầy ít khi dùng bảng. Theo thầy Tình, nếu dùng bảng cho một đối tượng, sẽ làm phân tâm các cháu khác. Thầy phải đến từng bàn, từng học trò để hướng dẫn cụ thể, kèm một, kèm hai theo nhóm. Giảng bài mới cho nhóm này đến khi nào các em hiểu tự làm được, thầy lại sang hướng dẫn nhóm khác sửa bài tập… Cứ thế, thầy như con thoi qua lại giữa các trò. Vất vả là vậy, nhưng lớp học không bao giờ thiếu tiếng cười.

Ngoài giờ học, thầy có thể tổ chức các trò chơi chung cho các học trò, như chơi cá ngựa, xếp hình... Học trò lớn sẽ giúp thầy kèm học trò nhỏ. Thậm chí, thầy còn tổ chức thi tô màu giữa các nhóm để động viên, khuyến khích các em thêm yêu lớp, yêu trường.

“Sau gần 5 năm ra đảo, đã có 3 cháu lớp 5 ra trường vào đất liền học trung học cơ sở. Tôi rất vui khi các cháu về theo học tại đất liền đều đáp ứng được chương trình. Có cháu được vào lớp chọn của thị xã, học tập tốt. Thầy trò vẫn thường xuyên gọi điện cho nhau...” - thầy Tình tâm sự.

Gieo chữ nơi đảo xa - Ảnh 4.

Lấy nỗi buồn làm niềm vui mỗi ngày

Thầy Bành Hữu Tình, sinh năm 1983, quê huyện Cam Lâm (tỉnh Khánh Hòa), ra đảo đã gần 5 năm. Trước khi ra đảo, thầy có 3 năm dạy học tại huyện miền núi Khánh Vĩnh. Sau đó, thầy về Cam Lâm công tác thêm 10 năm thì làm đơn tình nguyện ra Trường Sa công tác.

Gieo chữ nơi đảo xa - Ảnh 6.

Thầy Tình và các phụ huynh, học sinh trong một ngày lễ ở đảo Trường Sa.

Thầy Tình tâm sự: “Từng ở vùng khó khăn miền núi, nhưng công tác ngoài đảo như Trường Sa có những điều đặc biệt hơn rất nhiều. Do ở xa đất liền, đi lại không thuận tiện, mỗi năm, tôi chỉ về nhà một lần vào dịp nghỉ hè. Hồi đầu ra đảo, rất nhớ vợ con, nhớ đến nỗi không làm được việc gì...”.

Nhưng rồi thầy xác định đã tình nguyện đi thì phải tập làm quen với hoàn cảnh. “Mỗi ngày, tôi thường mở cuốn lịch vạn niên ra xem những câu châm ngôn hay để động viên mình. Trong đó, có một câu tôi rất thích, đó là: Lấy nỗi buồn làm niềm vui mỗi ngày”, thầy Tình chia sẻ.

Và thầy đã tự tập luyện như vậy để vơi bớt nỗi nhớ nhà, nhớ vợ, nhớ con... Niềm động viên lớn nhất với thầy Tình là mỗi lần gọi điện về, đều được nghe câu “dặn dò”:  “Bố công tác tốt!” của con gái. Và thêm một niềm an ủi lớn, là vợ thầy cũng là giáo viên nên có thời gian chăm chút con gái, giúp thầy yên tâm hơn nơi đảo xa.

Còn nhớ, ngày thầy Tình ra đảo, con gái mới học lớp 3, nay cháu đã vào lớp 8. Không thể đếm được đã có bao nhiêu nỗi buồn được chuyển hóa thành niềm vui trong hơn 1.500 ngày trên đảo. Nhưng chắc hẳn là rất rất nhiều, có vậy, mới có thể giữ chân thầy ở lại đây lâu đến thế, và để gương mặt của thầy luôn tỏa nụ cười hiền hậu...

Gieo chữ nơi đảo xa - Ảnh 7.

Học sinh của thầy Tình biểu diễn văn nghệ trên đảo Trường Sa.

"Đến bây giờ, tôi vẫn không hối hận khi tình nguyện xin ra Trường Sa công tác. Tôi rất vinh dự, tự hào về những ngày được sống, được làm việc ở đây" - thầy Tình tâm sự.

Gần 5 năm trên đảo, khi vui, lúc buồn, có khó khăn và cả thuận lợi - những cung bậc thường ngày cuộc sống đến - đi như những con sóng giữa biển trời ngắt xanh trước mặt. Và thứ dịu êm nhất thầy Tình luôn nhận được chính là sự quan tâm của chính quyền thị trấn, bộ đội, các bậc phụ huynh và tình cảm của những lứa học trò lớn, bé. Đặc biệt, các đoàn công tác mỗi lần ra thăm đảo đều ghé thăm trường, động viên thầy trò, tiếp thêm động lực để thầy vững tâm gắn bó với đảo.

Qua câu chuyện với chúng tôi, thầy Tình rất tự hào về gần 5 năm sinh sống, công tác ở Trường Sa. Với thầy, đó là thời gian trải nghiệm vô cùng đặc biệt. “Đến bây giờ, tôi vẫn không hối hận khi tình nguyện xin ra Trường Sa công tác. Tôi rất vinh dự, tự hào về những ngày được sống, được làm việc ở đây. Vì vậy, với các học trò, tôi cố gắng truyền tải hết những gì tôi biết để bù đắp phần nào những thiếu thốn của các cháu so với học sinh ở đất liền”, thầy Tình tâm sự.

Gieo chữ nơi đảo xa - Ảnh 8.

Gieo chữ nơi đảo xa - Ảnh 9.

Tàu chúng tôi rời đảo... Người thầy và lớp học thật đặc biệt sau những phút chộn rộn với “đất liền” lại quay về với niềm vui sách, vở. Mỗi con chữ được gieo bên bờ sóng đâu chỉ có tình yêu, mà phía sau là rất nhiều những hi sinh niềm riêng, và lớn hơn, là sự gửi gắm về một sự nối tiếp: Những “chồi xanh” được thầy Tình gieo chữ hôm nay một ngày nào đó sẽ lại trở thành những người thầy thầm lặng gieo chữ cho những lớp đàn em mai sau trên những vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

*Bài có sự biên tập ở title và sapo.