Dân Việt

Nuôi dê, bò kiểu "gây nghiện", bà chủ ở Quảng Trị thả lên đồi đi làm việc khác, dê, bò tự mò về

Ngọc Vũ 30/04/2023 13:00 GMT+7
Ở huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị có nhiều vợ chồng trẻ đã thoát nghèo, vươn lên hộ khá giả nhờ trồng cây ăn quả, chăn nuôi. Để đạt được điều đáng mừng đó có sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, hội đoàn thể với người dân.

Thoát nghèo nhờ nuôi dê, bò

Một buổi trưa cuối tháng 4, chúng tôi có mặt tại nhà của vợ chồng chị Hồ Thị Nhật (SN 1986, trú thôn Trường Thành, xã Linh Trường, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị). Dẫn chúng tôi vào thăm chuồng nuôi dê của mình, chị Nhật tươi cười cho biết, gia đình đã bán hơn 20 con, mỗi con dê có giá trên 2 triệu đồng. Nay trong chuồng chị Nhật nuôi 19 con dê, khi nào cần tiền sẽ bán.

Trồng cây ăn quả, chăn nuôi để thoát nghèo - Ảnh 1.

Chị Nhật chia sẻ về việc chăn nuôi thoát nghèo của gia đình mình. Ảnh: Ngọc Vũ.

Chị Nhật cho biết, đất đai không có nhiều, trước đây vợ chồng chỉ biết làm thuê kiếm tiền công đong gạo. Khi lỡ đau ốm, không làm là hết tiền, nghèo khó cứ bám riết không buông.

Sau đó, được sự động viên, hướng dẫn của chính quyền xã và các hội, đoàn thể, chị Nhật vay vốn ngân hàng để mua 2 cặp dê sinh sản và 1 con bò về nuôi.

Nhờ chăm sóc tốt, dê và bò của chị Nhật sinh sản, gây đàn nhanh. Sau khi bán bớt dê, bò, vợ chồng chị Nhật có thêm thu nhập, cuộc sống dần tốt hơn. Đến nay, gia đình chị Nhật đang nuôi 19 con dê và 5 con bò. Năm 2020, gia đình chị Nhật thoát nghèo trong niềm vui của xóm giềng, chính quyền địa phương.

Chị Nhật cho biết, để có thể vừa đi làm thuê vừa chăm sóc được đàn dê, bò, gia đình chị áp dụng bí quyết chăn nuôi "gây nghiện". 

Theo đó, thời gian đầu, sau mỗi buổi chăn dê, bò về nhà, chị Nhật cho dê, bò uống nước muối. Dần dần, dê, bò quen rồi "nghiện" uống nước muối. Về sau, chị Nhật chỉ việc thả dê, bò đến bãi cỏ. Ăn no, đàn dê, bò nhớ nước muối tự khắc về.

"2 giờ chiều mình thả dê cho ăn, đúng 4 giờ chiều sẽ tự về. Bò cũng vậy. Nhờ đó vợ chồng mình có thể đi làm thuê kiếm thêm thu nhập. Khi cần tiền, vợ chồng mình bán dê, bò, chỉ một lúc là khách hàng mua hết, bởi vì dê, bò chăn nuôi tự nhiên, sạch sẽ nên được ưa chuộng, đắt khách" – chị Nhật chia sẻ.

Đa dạng cây ăn quả

Ở thôn An Nha, xã Gio An, huyện Gio Linh, không ai không biết độ chịu khó, siêng năng của vợ chồng anh Nguyễn Tiến Dũng (SN 1987). Khởi nghiệp cách nhà chỉ khoảng 1km nhưng lúc chúng tôi đến thăm đã là ngày thứ 14 anh Dũng ở gia trại của mình.

"Việc nhiều quá, đặc biệt là tưới cây, bón phân liên tục nên phải thường trực ở trại. Việc làng, xã, chăm sóc con nhờ cậy vào vợ và người thân" – anh Dũng chia sẻ.

Trồng cây ăn quả, chăn nuôi để thoát nghèo - Ảnh 2.

Gia đình anh Dũng có cuộc sống tốt hơn nhờ chịu khó trồng, chăm sóc cây ăn quả. Ảnh: Ngọc Vũ.

Dẫn chúng tôi đi thăm vườn cây ăn quả của gia đình, anh Dũng cho biết, trên diện tích 4ha, năm 2019 anh vay vốn ngân hàng cải tạo đất, trồng 4.000 gốc ổi, chôm chôm, cam, mảng cầu, xoài…, và nuôi thêm bò. Riêng ổi anh Dũng trồng khoảng 1.000 gốc.

Năm 2022, anh Dũng bắt đầu thu hoạch ổi, bán được 100 triệu đồng. Năm 2023 này, ngoài ổi, anh Dũng thu bói các loại khác như cam, xoài… thu được trên 100 triệu đồng. Đến nay đàn bò của Dũng đã lên 7 con.

Trồng cây ăn quả, chăn nuôi để thoát nghèo - Ảnh 3.

Vườn ổi của gia đình anh Dũng. Ảnh: N.V

Theo anh Dũng, từ năm 2024 trở về sau, khi cây đã trưởng thành, trái nhiều gia đình sẽ có nguồn thu khá lớn. Bên cạnh đó, anh Dũng có dự định nuôi thêm nhiều loại cá ở hồ nước gần gia trại để tăng thu nhập.

Để phù hợp với nhu cầu thị trường cần sản phẩm sản xuất theo hướng hữu cơ, an toàn vệ sinh thực phẩm nên cây ăn quả anh Dũng chỉ bón phân chuồng và phân vi sinh, hoàn toàn không sử dụng phân, thuốc hoá học. Sản phẩm làm ra không đủ bán. Ngoài quảng bá, bán hàng trực tiếp, vợ chồng anh Dũng ứng dụng công nghệ, bán hàng qua mạng để đạt hiệu quả cao.

"Bây giờ vẫn còn vay ngân hàng, còn vất vả nhưng so với trước đây thì cuộc sống gia đình mình đã khá hơn trước rất nhiều. Hi vọng thời gian tới, thời tiết, giá cả, thị trường, tình hình kinh tế chung của đất nước phát triển hơn nữa nhằm tăng sức mua, giúp nông dân như mình yên tâm hơn về đầu ra nông sản" – anh Dũng tâm sự.