Câu cá ở Quảng Trị không chỉ là thú vui tao nhã mà còn là một môn thể thao rèn luyện sức khỏe, tính kiên trì, đặc biệt là tạo cho mình một không gian riêng, gạt bỏ những ưu phiền của cuộc sống.
Được hòa mình vào thiên nhiên, ngắm sông nước mênh mang, tạm xa lánh sự xô bồ của cuộc sống, hẳn ai cũng cảm thấy lòng nhẹ nhàng, thanh thản. Người câu cá thong thả, đợi cá cắn câu và chờ trăng lên, tâm hồn thư thái còn gì tuyệt vời hơn…
Mùa hè câu cá bờ đê
Tháng Giêng, khi trời còn lạnh giá nhưng cũng là thời điểm cá ở các cửa sông, bãi đá thích đi kiếm ăn. Mùa này cá săn chắc, mỡ màng, thịt béo ngậy nên nhiều người háo hức đi câu. Được dầm mình trong cơn gió se lạnh, đợi cá cắn câu là thú vui của không ít người.
Ai có điều kiện thì chuẩn bị chiếc thuyền câu nhỏ, nhẹ, cơ động, cần câu dài để câu cá hanh. Cũng có người chọn bãi biển, khe, suối, nơi con nước đổ ra biển để câu cá đục, cá ong, cá kìm…
Đơn giản hơn, có người chỉ chuẩn bị một chiếc cần câu, một chiếc vợt, một chiếc nón và áo mưa, hướng tới các rạn đá ven biển lên đường.
Nhưng chuộng nhất là vào mùa hè đi câu cá nục, cá trích, bạc má… tại đê chắn sóng ở các cửa sông. Cái cảm giác cá cắn câu theo đàn, câu nhiều con trong một lần buông câu khiến cho người đi câu thích thú vô cùng. Mùa nào loại đó, tất cả tạo ra muôn nẻo đường mà người đi câu có thể lựa chọn.
Gần 20 năm nay ở sông Cửa Việt, Cửa Tùng (tỉnh Quảng Trị) đã có hệ thống đê chắn sóng nhân tạo bảo vệ luồng lạch có độ sâu từ 1 - 5 m, mỗi đê dài hàng trăm mét vươn từ bờ ra biển.
Thân đê được kết cấu bằng đá và các khối bê tông tetrapod trở thành rạn thích hợp cho các loại thủy sản cư trú. Các cửa sông này có chế độ thủy triều lên xuống hằng ngày, lượng phù sa đổ ra biển dồi dào nên các loại cá lưu lại lâu hơn.
Câu cá ở đê chắn sóng ở ven biển tỉnh Quảng Trị -Ảnh: V.C
Mỗi mùa một loại cá. Mùa hè cho đến giữa thu cá nục, cá trích, bạc má, chỉ vàng… hết đàn này đến đàn khác đến đây kiếm ăn. Chẳng cần tìm đến vực sâu ở các con sông hay những đầm, hồ, chỉ cần đến các đê chắn sóng là tìm được thú vui.
Vào mùa hè, cá quần cư ở đây chủ yếu là tầng mặt. Câu cá tầng mặt không cần mồi sống, chỉ cần làm bộ câu khoảng 10 - 12 lưỡi câu bằng mồi giả kết thành vàng câu.
Những chiếc lưỡi câu được tóm (buộc) loại lông vàng mơ hoặc màu nõn chuối là cá thích nhất. Phía cuối là một hòn đòi (hòn chì) nặng khoảng 150 gr dìm bộ câu xuống nước. Một ống cước, một cần câu, đơn giản là thế nhưng cũng đủ vui hàng giờ.
Thời gian cá đi kiếm mồi nhiều nhất vào buổi sáng lúc con nước bắt đầu lên (triều lên). Cá vui đùa chạy quanh khu vực cửa sông, các bãi đá ngầm, chân đê chắn sóng tìm mồi. Nhiều khi chúng đi thành bầy sủi tăm trên mặt nước, hết con này đến con khác thay nhau búng lên cao thật vui mắt. Đó là hiện tượng “cá nhô” mà người dân địa phương thường gọi.
Người đi câu có kinh nghiệm nắm bắt thời điểm chuyển con nước để buông câu. Người chịu khó hơn thì chọn vào lúc mặt trời gần ló rạng, cứ việc thả câu xuống là cá đớp mồi ngay. Không gì thú vị hơn khi thả câu xuống nước, vừa nhấp nhấp là cá xô vào cắn mồi.
Thường thì được một vài con mỗi lần buông câu, nhưng gặp những hôm cá ăn dày, chúng kéo chúi cần, mỗi lần nhấc lên được 4 - 5 con, thậm chí những chú cua đá “vui tính” cũng bám theo. Cá trắng như bạc, nhảy đành đạch rất thích mắt. Người đi câu dù có tâm trạng gì cũng trôi theo con nước.
Bình minh là thời điểm cá ăn mồi -Ảnh: V.C
Kỹ thuật câu cá ở các vỉa rạn đá ven bờ và các đê chắn sóng không khác với câu khơi. Duy có khác là đứng trên đê thoải mái hơn nhiều so với lắc lư trên thuyền dễ bị say sóng. Tuy vậy, cá ven bờ thường nhỏ hơn và mật độ ăn câu không thể so với câu cá ngoài khơi, nhưng chỉ cần bấy nhiêu thôi cũng đủ hấp dẫn người đi câu.
Vả lại, người đi câu không quá coi trọng về số lượng, chỉ đơn thuần là giải trí. Điều này cũng lý giải tại sao có một số người sinh sống ở thành phố Đông Hà và các địa phương khác lại thường xuyên chạy xe máy về Cửa Tùng, Cửa Việt để ngồi hàng giờ câu cá.
Đối với người thích câu cá ban đêm, họ thường chọn những đêm hè khi trăng lên. Đối tượng câu là các loại cá tầng đáy như: mú, đém, hồng rạn, chai… Khác với câu cá tầng nổi, câu cá tầng đáy phải dùng mồi. Loại mồi thích hợp nhất là tôm sống và mực tươi. Ban ngày cá thường ẩn nấp trong hang đá, chỉ đi ăn vào ban đêm.
Chúng chẳng đi xa, thường loanh quanh hang đá kiếm ăn, vì vậy người đi câu phán đoán chỗ cá có thể ẩn nấp. Câu cá ban đêm chỉ dành cho những người có tính nhẫn nại, kiên trì, không sốt ruột, không kể thời gian. Bởi vậy, tiếng sóng vỗ rì rào dưới ánh trăng là khoảng khắc bình yên của họ…
Ông Hồ Ngọc Tình ở Phường 5, thành phố Đông Hà cho biết: “Câu cá cửa biển hay sông, hồ tôi đều thích, chỉ không thích câu cá ở các hồ dịch vụ. Cứ nhìn thấy chủ hồ câu thả các loại cá to xuống để phục vụ dân câu là không hấp dẫn rồi. Dù khó hơn, mất nhiều thời gian hơn nhưng tự tay câu được cá ngoài tự nhiên, cảm giác được chinh phục khiến tôi vui hơn…”.
Cuối thu, sang đông câu cá đá
Cuối thu, sang đông, kéo dài đến tháng Giêng tiết trời chớm lạnh, sóng lớn đánh vào bờ. Đây là khoảng thời gian một số loại cá có tập tính di cư vào bờ kiếm ăn ngay dưới chân con sóng vỗ. Sống trong môi trường tự nhiên, mùa này cá dìa, cá hanh, móm bạc, chè ne… chắc thịt, béo ngậy nên nhiều người háo hức đi câu.
Người đi câu phải đứng trên những mỏm đá cheo leo, dưới chân từng con sóng vỗ và dĩ nhiên cũng tiềm ẩn một số rủi ro.
Nếu người đi câu không có kinh nghiệm, gặp đá rêu trơn có thể bị trượt chân. Tuy vậy, những ai từng trải muốn được thử thách, thích cảm giác mạnh sẽ chọn kiểu câu này. Chỉ cần một chiếc cần câu, chiếc vợt để vừa đựng mồi, vừa đựng cá, mặc đủ ấm là có thể đứng hàng giờ…
Chiến lợi phẩm là những con cá tươi rói mà các cần thủ thu được -Ảnh: V.C
Nghề câu cá đá hoàn toàn khác với câu cá ở sông, hồ. Mặt nước sông, hồ thường tĩnh lặng nên phải có phao, chuông báo hiệu cá ăn câu.
Người đi câu cá sông, hồ thoải mái ngồi trên ghế chờ cá đớp mồi. Thế nhưng, câu cá nơi vách đá sát chân sóng có khá nhiều khác biệt. Sợi cước được chọn tương đối nhỏ tạo sự thanh thoát cho miếng mồi trôi tự nhiên trong nước nhưng phải đảm bảo độ bền chắc.
Người xưa đã dạy “cước thoáng con no, cước to con đói” là vậy. Thông qua sợi cước, các giác quan của người đi câu như căng lên, tập trung cao để cảm nhận sự truyền động của sợi cước trước những cú đớp mồi…
Những chú cá dìa, chè ne, cá hanh to chừng bàn tay cắn câu rất mạnh, nếu không khéo léo, nhanh tay, sợi dây vướng vào rạn đá sẽ bị đứt. Mỗi lần cá ăn câu là một lần trải nghiệm thú vị, khó quên. Sức hấp dẫn của nó làm mê hoặc người câu quên cả thời gian…
Thật vui khi tóm được chú cá to hoặc mớ cá ngon nhưng cũng có những ngày không thuận trăng nước, câu chẳng được bao nhiêu.
“Đi buôn bữa lỗ bữa lời, ra câu giữa vời bữa có bữa không” âu cũng là chuyện bình thường. Ông Hồ Ngọc Tình chia sẻ: Cá câu về không bán, phần để ăn, phần để biếu bạn bè… Món quà tuy giản dị, người được nhận quà đã vui nhưng người đi biếu lại càng vui hơn. Thú vui câu cá khiến tôi quên mình sắp đến tuổi 70…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.