Một danh nhân kỳ lạ đất Quảng Trị, thời nhà Tây Sơn giữ chức Thị Lang, thời nhà Nguyễn làm tới Thượng thư

Thứ hai, ngày 24/04/2023 19:16 PM (GMT+7)
Nguyễn Hữu Thận, danh nhân đất Quảng Trị sinh năm 1757 mất năm 1831. Sinh thời dưới triều Tây Sơn, ông được thăng đến chức Thị Lang; thời Gia Long, ông được cất nhắc chức Thượng thư Bộ Lại, đứng đầu lục bộ, sau chuyển sang làm Thượng thư Bộ Hộ tận tụy với công việc...
Bình luận 0

Quê hương Quảng Trị tự hào vì tạo dựng nhiều làng mạc nổi tiếng và sinh ra nhiều người con ưu tú. Một trong những tài năng đó có danh nhân Nguyễn Hữu Thận ở làng Đại Hòa, xã Triệu Đại, huyện Triệu Phong.

Một danh nhân kỳ lạ đất Quảng Trị, thời nhà Tây Sơn giữ chức Thị Lang, thời nhà Nguyễn làm tới Thượng thư - Ảnh 1.

Lăng mộ danh nhân Nguyễn Hữu Thận ở làng Đại Hòa, xã Triệu Đại, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Ảnh: P.X.D

Nguyễn Hữu Thận sinh năm 1757 mất năm 1831. Sinh thời dưới triều Tây Sơn, ông được thăng đến chức Thị Lang; thời Gia Long, ông được cất nhắc chức Thượng thư Bộ Lại, đứng đầu lục bộ, sau chuyển sang làm Thượng thư Bộ Hộ tận tụy với công việc. Ông nổi tiếng là một nhà toán pháp, một nhà lịch pháp thời cận đại.

Học giả Dương Văn An đã nhận xét về ông: “Nhân tài do khí đúc nên, địa khí nhờ nhân tài mà lộ rõ”. Vào thời cận đại, danh nhân Nguyễn Hữu Thận nhờ đọc sách, xem thời tiết, quán thiên tượng mà ứng dụng để viết thành lịch, tiên đoán được hiện tượng thiên nhiên trong trời đất, vũ trụ.

Thật quả đúng là “có trời đất rồi muôn vật mới nảy nở” và từ đấy con người mới đặt ra kỷ cương, lễ nghĩa”. Như thế ngoài việc giữ các trọng trách triều chính, Nguyễn Hữu Thận còn là một nhà khoa học tài năng, đóng góp nhiều cho quốc gia.

Làng và cũng là thôn Đại Hòa nằm ở phía Đông Nam huyện Triệu Phong (tỉnh Quảng Trị), thuộc vùng đồng bằng, nơi có nhiều danh hương địa linh nhân kiệt. 

Đây là nơi sinh thành và cũng là nơi ông được triều đình cho về hồi hương trí sĩ khi tuổi đã ngoài bảy mươi. Về quê nhưng ông không chịu nghỉ ngơi mà vẫn làm việc, chỉnh lý, hoàn thiện các tác phẩm toán pháp và lịch pháp của mình.

Về làng Đại Hòa vào đúng ngày mồng 1 âm lịch, chúng tôi gặp được những hậu duệ của danh nhân Nguyễn Hữu Thận và dân làng Đại Hòa ra thăm lăng mộ một người có công với dân, với nước, được tôn vinh thờ phượng ở ngay đình làng. Con cháu đời sau cho đến hôm nay vẫn luôn nhớ về tổ tiên của mình bằng một tình yêu kính ngưỡng sâu xa.

Ông Nguyễn Văn Sính, hậu duệ danh nhân Nguyễn Hữu Thận vui vẻ nói: “Cháu con cũng như bà con làng Đại Hòa rất phấn khởi và tự hào vì đây là quê hương của cụ Nguyễn Hữu Thận, một đại thần, một nhà khoa học có nhiều đóng góp cho quê hương đất nước”.

Mặc dù ông khuất bóng đã gần hai trăm năm nhưng tên tuổi của ông vẫn không phai mờ trong ký ức con người, vẫn sống trong lòng những người dân quê mộc mạc, chất phác, một nắng hai sương.

Cách làng Đại Hòa không xa, chưa đến hai cây số, cũng thuộc xã Triệu Đại có một ngôi trường khang trang tọa lạc trên một khuôn viên bằng phẳng, đó là Trường THPT Nguyễn Hữu Thận. Con em của các xã đồng bằng Triệu Đại, Triệu Độ, Triệu Thuận đã về đây học chữ, rèn người, đặng trở thành những chủ nhân tương lai vững vàng của quê hương, đất nước.

Các em dưới sự dạy bảo của các thầy, cô giáo đang từng bước chiếm lĩnh tri thức, nâng cao hiểu biết, rèn luyện kỹ năng, trau dồi đạo đức để mai này trở thành người có ích, không phụ lòng cha mẹ, thầy cô, làng xóm quê nhà.

Thầy và trò đang cố gắng từng ngày qua, luôn mong mỏi tiếp bước, tạo nền nếp và tinh thần học tập, đạt những kết quả tốt hơn ngay từ đầu năm học mới. Đó cũng là tâm huyết của bao người nặng lòng với quê hương và sự nghiệp trồng người.

Thầy giáo Lê Văn Thanh, Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Thận chia sẻ: “Trường vinh dự mang tên một danh nhân có nhiều cống hiến cho dân, cho nước. Thầy trò chúng tôi luôn nỗ lực phấn đấu dạy tốt và học tốt để xứng đáng với tiền nhân”.

Thời gian vẫn mải miết trôi qua trên quê hương của quan trọng thần, nhà khoa học Nguyễn Hữu Thận. Mấy thế kỷ đã qua, vật đổi sao dời, bể dâu thế sự và cả những binh đao tao loạn, nay thanh bình đã về từ lâu, hiền như mây trời, đất đai, cây cỏ, ruộng vườn.

Rất nhiều điều rồi sẽ bị lãng quên, bị thời gian phủ bụi mờ, kể cả những tượng đài hoành tráng. Nhưng những người có công với dân, với nước thì sẽ trường tồn trong lòng người, lòng đất quê hương.

Phạm Xuân Dũng (Báo Quảng Trị)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem