Cuối tháng 4 vừa qua, tại xã Tà Hine (huyện Đức Trọng) chính quyền địa phương cùng người dân đã long trọng tổ chức tái hiện Lễ Uốt pơh bơdai bơrhau (Lễ hội Mừng lúa mới) của đồng bào dân tộc Chu Ru. Lễ tái hiện này được các nghệ nhân người dân tộc Chu Ru cùng người dân tại xã Tà Hine thực hiện.
Clip: Tái hiện Lễ hội Mừng lúa mới của người Chu Ru ở xã Tà Hine, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng.
Theo người Chu Ru tại địa phương, Mừng lúa mới là phong tục lâu đời của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên (trong đó có người Chu Ru tại huyện Đức Trọng) theo chu kỳ canh tác của cây lúa, sau khi thu hoạch xong, đồng bào Tây Nguyên thường tổ chức nghi lễ mừng lúa mới, vừa để tạ ơn các vị thần linh đã ban cho mùa màng tốt tươi, cuộc sống no đủ, đồng thời cũng là dịp bà con dân làng chung vui hưởng thành quả công sức lao động… Đây là nghi lễ mang đậm tín ngưỡng vạn vật hữu linh, là bản sắc văn hóa độc đáo.
Với cách tổ chức truyền thống của người Chu Ru nhiều năm qua, mở đầu nghi lễ Mừng lúa mới là bài khấn xin các vị thần cho dân làng tổ chức lễ hội của thầy cúng. Thầy cúng khấn rằng:
"Pơ Trai... ông thần, ông ngồi dậy để chứng giám. Kơi Pở tao Hồ (Bác Hồ) về với buôn làng để tạ ơn Giàng và các thần linh đã cho buôn làng một năm mưa thuận, gió hòa, cho cái nương, cái rẫy tốt tươi, lúa trên nương trĩu hạt, cho đàn heo nhiều như con kiến đen, cho đàn trâu nhiều như con ốc dưới suối. Hỡi lũ làng! Chúng ta cùng về đây mở hội" Ơi Giàng!.....;
- Này đây, dâng lễ vật cho các thần, 37 Bơ mung, 37 đình quanh vùng từ trên xuống dưới.
- Này đây lên tới thần Asur-Aly mình nhé! Quyền hơn cả thần Pơtơnah, mình nhé!...
- Thần dựng nêu anh, thần dựng nêu em đứng chứng kiến khắp vùng này nhé!
- Xin Giàng cho buôn làng được tổ chức Lễ hội Uốt pơh bơdai bơrhau "Mừng lúa mới" và xin cho được hạ dàn chiêng xuống để buôn làng đánh chiêng trong ngày lễ hội".
Sau đó, thầy cầm ché rượu cần chỉ ra phía dàn chiêng, già làng gõ chiêng báo hiệu thần linh đã cho phép tổ chức lễ hội lần này.
Theo các già làng người Chu Ru tại huyện Đức Trọng, khi xưa Lễ hội Mừng lúa mới được làm ở một nhà đại diện cho cả dòng họ và diễn ra trong vòng một ngày một đêm. Do tính chất và quy mô của lễ hội nên 10 đến 12 năm dân làng mới tổ chức lễ một lần.
Theo đó, các lễ vật chuẩn bị cho lễ gồm: 1 con trâu trưởng thành, 2 con gà, 5 nải chuối, 2 ché rượu, 4 quả trứng gà (2 quả chín, 2 quả sống), 1 bát gạo, 1 đĩa trầu, 1 bát than và 1 cây nêu dùng để cột trâu. Trong quá trình tổ chức lễ còn có đánh cồng chiêng, chơi kèn và múa Arya (số người tham gia phải từ 8 đến 20 người, cả nam và nữ đều có thể múa điệu múa này).
Trong toàn bộ quy trình thực hiện nghi thức, thầy cúng là người đóng vai trò chính, người trực tiếp liên hệ với các vị thần linh, bên cạnh thầy cúng, trong suốt quá trình lễ còn có các già làng, những người đại diện cho toàn thể dân làng cũng ngồi xung quanh mâm cúng và tham gia vào tiến trình buổi lễ.
Đặc biệt, lễ hội Mừng lúa mới còn có nghi lễ đâm trâu (được thực hiện mô phỏng theo cách làm truyền thống). Với nghi lễ này, trâu hiến sinh được cột vào gốc cây nêu, 1 con gà và các thứ đồ lễ khác được mang ra cây nêu nơi buộc trâu để chuẩn bị cúng.
Cuối cùng của Lễ Mừng lúa mới là nghi thức cúng dâng vật hiến sinh (cúng chín). Nghi thức này được thầy cúng khấn mời thần núi, thần rừng, kể cá các vị thầy cúng đã mất của dân tộc được mời về dự lễ. Lễ cúng chín được tiến hành ngay sau khi lấy đầy đủ mỗi bộ phận của các vật hiến sinh bày trên mâm cúng. Trên mâm còn có bát cơm, bát nước luộc gà, bầu rượu và bát nước.
Thầy cúng tay cầm bát rượu, người phụ cúng bưng mâm lễ bên cạnh trong khi thầy cúng khấn mời các vị thần linh về hưởng các thành quả lao động của con người. Thầy cúng lần lượt khấn mời thần núi, thần rừng, kể cá các vị thầy cúng đã mất của dân tộc cũng được mời về dự lễ.
Thầy cúng mời các vị thần linh hưởng lễ vật bằng cách cho các vật dâng cúng (mỗi thứ một ít) vào bát nến sáp ong. Sau khi làm lễ cúng tế thần xong, mọi người trong làng tổ chức ăn uống, múa hát với điệu múa Arya.
Nói về Lễ hội Mừng lúa mới của người dân tộc Chu Ru, già làng Thiên Jiong, xã Tà Hine cho biết: "Đây là lễ hội truyền thống, vừa là lễ, vừa là hội. Theo phong tục của người Chu Ru, đây là lễ hội lâu đời rồi, mong rằng những nội dung, cách làm trong buổi lễ tái hiện này sẽ được giữ gìn, bảo tồn. Và thời gian tới chính quyền địa phương sẽ hỗ trợ để phục hồi, giữ lại những truyền thống cách làm của người dân tộc Chu Ru.
Người Chu Ru tại Tây Nguyên chúng tôi luôn tự hào về truyền thống văn hóa rất phong phú, đa dạng và giàu bản sắc của dân tộc mình. Sự phong phú, đa dạng ấy được thể hiện qua mọi khía cạnh của đời sống, từ văn hóa vật thể cũng như văn hóa phi vật thể, từ những làn điệu cồng chiêng, những bài hát Hari, điệu múa Xoan, múa Arya đến những trang phục truyền thống, lễ hội dân gian...".
Trực tiếp có mặt tại buổi tái hiện Lễ hội Mừng lúa mới của người Chu Ru tại đức Trọng, bà Đoàn Bích Ngọ - Nguyên Phó giám đốc Bảo tàng tỉnh Lâm Đồng, người nhiều năm làm công tác nghiên cứu, sưu tầm bảo tồn văn hóa dân tộc thiểu số tại Lâm Đồng bày tỏ: "Buổi lễ được thực hiện rất trang trọng với trang phục truyền thống và các vật dụng nghi lễ của người Chu Ru, tái hiện được đầy đủ nghi thức trong các bước cả phần lễ lẫn phần hội. Bà con được thực hành một cách tự nhiên không gượng ép khiên cưỡng, đây cũng là một thành công đáng được ghi nhận trong việc phục dựng tái hiện lại lễ hội. Tuy nhiên, thời gian gần đây, các địa phương chuyển đổi cây trồng nên các lễ hội như trên đang dần bị mai một. Vì vậy, những người nghiên cứu như chúng tôi mong muốn các địa phương tạo điều kiện để người dân tái hiện, bảo tồn và phát huy các lễ hội truyền thống".
Trong khi đó, bà Ma Vương Nai Huyền – Phó Chủ tịch UBND xã Tà Hine cho biết, trên địa bàn xã hiện nay người dân tộc thiểu số Chu Ru là chiếm đa số. Trong những năm qua, được sự quan tâm của chính quyền địa phương thì các phong tục truyền thống của người dân, trong đó có Lễ hội Mừng lúa mới của người Chu Ru đã được tái hiện. Đây là cơ hội để người dân Chu Ru tại địa phương thể hiện phong tục truyền thống của mình, đồng thời gặp gỡ, vui chơi, cùng nhau xây dựng, bảo tồn nền văn hóa của ông cha để lại.