4 tháng đầu năm 2023, Việt Nam bất ngờ nhập khẩu lượng lớn sắn tươi từ Campuchia. Cụ thể, theo thống kê của Bộ Nông - Lâm và Ngư nghiệp Campuchia, xuất khẩu sắn và tinh bột sắn của Campuchia trong quý I/2023 đạt 285 triệu USD, tăng gần 30% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong quý I, tổng xuất khẩu sắn tươi của Campuchia là 155.210 tấn, trong đó có tới 131.710 tấn được xuất khẩu sang Việt Nam và 23.500 tấn sang Thái Lan. Như vậy, phần lớn lượng sắn tươi của Campuchia được xuất khẩu sang Việt Nam.
Trong số hơn 14.701 tấn tinh bột sắn xuất khẩu của Campuchia, có tổng cộng 14.642 tấn được xuất sang Trung Quốc, tiếp theo là Nhật Bản với hơn 25 tấn, Ý 17 tấn và Ấn Độ 17 tấn.
Đáng chú ý, trong quý I/2023, Campuchia xuất khẩu 38.252 tấn bã sắn, trong đó 30.500 tấn sang Việt Nam, 7.100 tấn sang Thái Lan và 652 tấn sang Trung Quốc.
Campuchia có chính sách quốc gia về sắn giai đoạn 2020-2025, được xây dựng dưới sự hợp tác liên bộ và hỗ trợ của các đối tác phát triển và được chính phủ phê duyệt vào ngày 14/8/2020.
Chính sách quốc gia nhằm đưa Campuchia trở thành nhà sản xuất và cung cấp các sản phẩm sắn đáng tin cậy để xúc tiến xuất khẩu ra thị trường thế giới, với ba mục tiêu chính: chuyển từ sản xuất sắn truyền thống hoặc sản xuất quy mô nhỏ dựa trên trang trại gia đình sang sản xuất sắn thương mại.
Mục tiêu thứ hai của chính sách là hỗ trợ các nhà chế biến sắn tiềm năng và thu hút đầu tư vào lĩnh vực chế biến các sản phẩm sắn có giá trị gia tăng cao để cung cấp cho thị trường.
Mục tiêu thứ ba là tăng khả năng cạnh tranh thương mại thông qua thâm nhập và chiếm lĩnh thị phần bằng cách liên kết với các ngành xuất khẩu khác.
Theo bản tin của Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp (Bộ NNPTNT), hiện nay, nguồn cung sắn nguyên liệu tồn kho ít, trong khi nhu cầu cho tiêu thụ trong nước dự báo tăng ổn định thời gian tới.
Cùng theo xu thế tăng giá trong nước, giá sắn lát xuất khẩu cũng được khách hàng Trung Quốc chấp nhận mua ở mức khá cao. Nhu cầu mua sắn lát của khách hàng Trung Quốc tăng dần do lượng hàng này về Trung Quốc đang giảm.
Điều này đã giúp giá sắn nguyên liệu (trữ bột 30%) tại các địa phương phần lớn ổn định trong tháng 4/2023, riêng Tây Ninh tăng. Cụ thể, giá sắn ở Tây Ninh đạt mức 3.800 đồng/kg, Đắk Lắk giữ ở mức 3.025 đồng/kg; Kon Tum ở mức 3.050 đồng/kg; Gia Lai ở mức 3.450 đồng/kg; tại miền Bắc 2.500 đồng/kg và tại miền Trung 2.825 đồng/kg.
Cuối tháng 4/2023, các nhà máy Việt Nam đang chào bán tinh bột sắn trong khoảng 525 - 545 USD/tấn FOB cảng Hồ Chí Minh do giá nguyên liệu vẫn duy trì ở mức cao và nguồn nguyên liệu khan hiếm dần vào cuối vụ.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, khối lượng xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn của Việt Nam trong tháng 4/2023 ước đạt 200.000 tấn với 79,9 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn 4 tháng đầu năm 2023 đạt 1,18 triệu tấn và 452,7 triệu USD, giảm 1% về khối lượng và giảm 12,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.
Giá xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn bình quân 4 tháng đầu năm 2023 ước đạt 384 USD/tấn, giảm 11,2% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong 3 tháng đầu năm 2023, Trung Quốc là thị trường chính tiêu thụ sắn và các sản phẩm từ sắn xuất khẩu của Việt Nam, chiếm 89% thị phần, tăng 0,4% về khối lượng nhưng giảm 12,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tháng 3/2023, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 225.670 tấn, trị giá 83,99 triệu USD, giảm 48,3% về lượng và giảm 48,1% về trị giá so với tháng 02/2023; so với tháng 3/2022 giảm 43,7% về lượng và giảm 53,1% về trị giá.
Lũy kế 3 tháng đầu năm 2023, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc 885.460 tấn sắn và các sản phẩm từ sắn, trị giá 331,87 triệu USD, tăng 0,4% về lượng, nhưng giảm 12,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Giá xuất khẩu bình quân sắn và các sản phẩm từ sắn sang thị trường Trung Quốc trong tháng 3/2023 ở mức 372,2 USD/tấn, tăng 0,4% so với tháng 02/2023, nhưng giảm 16,7% so với tháng 3/2022.
Các chủng loại sắn và các sản phẩm từ sắn của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc trong 3 tháng đầu năm 2023 chủ yếu vẫn là tinh bột sắn và sắn lát khô.
Trong đó, xuất khẩu tinh bột sắn sang Trung Quốc giảm cả về lượng và trị giá; trong khi xuất khẩu sắn lát tăng so với cùng kỳ năm 2022.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dự báo, trong thời gian tới, nhu cầu mua sắn lát và tinh bột sắn từ Trung Quốc vẫn cao do thị trường này tăng cường dự trữ lương thực, ngũ cốc cho tiêu dùng.
Ngoài ra, các ngành công nghiệp năng lượng và thức ăn chăn nuôi cũng chuyển sang nhập khẩu các sản phẩm từ sắn để thay thế, dẫn đến tăng nhu cầu đối với sắn.