Hồi nhỏ tôi là một người rất mê thể thao. Vì vậy, những câu chuyện ba tôi kể về thể thao là tôi nhớ như in. Ví dụ câu chuyện hồi năm 1958, khi đội tuyển bóng bàn Việt Nam cộng hòa với những tay vợt lừng danh như Mai Văn Hòa, Lê Văn Tiết, Trần Cảnh Được hạ đội chủ nhà Nhật Bản ngay tại Tokyo ở ASIAD là tôi nhớ như in.
Tay vợt Tanaka khi đó là số 1 thế giới, khi thua Mai Văn Hòa khiến NHật Bản mất HCV đồng đội, đã đập gãy vợt và chạy lên khán đài ôm mẹ khóc ròng. Người Nhật đã có niềm tin tuyệt đối rằng họ chiến thắng trận này, khi đội chủ nhà quy tụ toàn những ngôi sao hàng đầu thế giới như Tanaka, Ogimura, Sunoda. Họ tự tin đến độ không chuẩn bị cả quốc ca đối thủ. Và họ thất vọng đến độ Hoàng thái tử dự khán trận này và theo kịch bản là trao huy chương vàng cho các tay vợt chủ nhà, nhưng sau khi thua thì ông đã bỏ ra về…
Lớn lên đi làm phóng viên thể thao, tôi có viết lại hồ sơ về chuyện này, có đi tìm lại những nhân vật cũ ngày ấy như Lê Văn Tiết, Trần Cảnh Được và cả "kỳ nữ" Kim Cương – khi ấy 18 tuổi, được giao nhiệm vụ quàng vòng hoa cho những người chiến thắng trở về.
Hồi ấy, khi nghe kể câu chuyện ấy, tôi đã nghĩ rằng sao chủ nhà Nhật lại nhỏ nhen thế, không thượng võ thế…Với tôi, thể thao là phải trong veo, là phải fair play, tinh thần thượng võ phải là tối thượng! Nhưng khi vào nghề viết thể thao, thầy tôi – Cố nhà báo Tường Vy đã cầm một chiếc huy chương và nói với tôi rằng: Em thấy mặt phải của tấm huy chương đẹp không? Rất đẹp. Nhưng mặt trái của nó là gì? Chả ai chăm chút, quan tâm nên nó xù xì, nham nhở. Và thể thao đỉnh cao là thế, đừng mơ mộng nhiều!
Nhờ bài học ấy, tôi không sốc khi nghe và thấy những câu chuyện đại loại như: Trên sân bóng đá, một cầu thủ đội B bị ngã, cầu thủ đội A bước đến tính xốc nách thì các đồng đội của cầu thủ đội B liền chạy tới xua đuổi đi! Sao thế? Hóa ra, họ chẳng phải tới để nâng nhau, mà lợi dụng xốc nách dậy thì dùng hai ngón tay cái bấm vào nách đau điếng! Chính các cầu thủ, HLV đã kể cho nghe như thế.
Nhưng, dù có được "tiêm" vaccine để miễn nhiễm với những trò mèo trong thể thao đỉnh cao, thì tôi cũng vẫn cười ra nước mắt với nhiều câu chuyện ở SEA Games.
Ai có thể lý giải một cách thuyết phục về việc cứ quốc gia nào làm chủ nhà SEA Games thì số lượng HCV đoạt được cao ngất, nhưng đi qua nước khác thì tụt xuống kinh ngạc? Tinh thần VĐV tăng cao nhờ thi đấu sân nhà, sự đầu tư lớn để xứng đáng với vị thế chủ nhà – tất cả đều có nhưng không đủ để giúp số lượng HCV tăng dựng đúng.
Vậy thì cái gì giúp chủ nhà tăng vọt HCV? Có 1001 chiêu trò.
Đầu tiên là đẩy tối đa các môn mà mình có ưu thế. Thậm chí là những môn mà không mấy ai chơi. Trên tinh thần phê và tự phê, tôi xin nói thẳng chúng ta là nạn nhân của nhiều vụ, nhưng bù lại cũng không thua ai khi tổ chức SEA Games trên sân nhà.
Ví dụ nhé: Chúng ta là quốc gia mạnh nhất trong khu vực Đông Nam Á ở môn Wushu, nhờ ông Hoàng Vĩnh Giang đã sớm du nhập món này từ Trung Quốc. Khi làm chủ nhà SEA Games 2003, chúng ta đẩy số nội dung thi đấu ở môn Wushu lên đến mức nhiều hơn cả giải vô địch Wushu Trung Quốc, và từ đó tha hồ mà gặt hái.
Dĩ nhiên, theo điều lệ của SEA Games, đó là chỉ tổ chức thi đấu những nỗi dung có ít nhất 3 quốc gia tham dự, nên muốn thì phải trổ tài ngoại giao. Nghĩa là phải làm thuyết khách, thuyết phục thêm ít nhất hai quốc gia đồng ý chơi thì mới tổ chức được. Chuyện này thật ra cũng không khó, có qua có lại cả thôi.
Cái chiêu này ở kỳ SEA Games nào cũng thấy, nên khi ở Philipines thì có võ gậy Anis, sang Thái thì có Muay, đến Indonesia thì xuất hiện Pencat Silat, về Campuchia thì cờ ốc…
Chưa hết, nào là bố trí sân tập xấu, đi xa…nhằm gây mệt mỏi cho đối thủ. Nào là quà cáp cho trọng tài, để ép uổng đối phương, thế nên mới những cảnh dở cười dở mếu là người bị đánh te tua thì lại đoạt vàng, còn kẻ không dính đòn nào thì chỉ Bạc trên sàn võ. Đặc biệt, những môn mang tính biểu diễn còn dễ hơn, khi việc cho điểm rất dễ bị cảm tính dẫn dắt, và không có một thước đo nào thật cụ thể để phân định.
Nhiều cái còn tinh vi hơn, ở những môn tưởng rằng không thể ăn gian. Ví dụ như bắn súng, đừng tưởng ai bắn vào tâm bia trúng hồng tâm nhiều thì thắng, và như thế không thể chơi chiêu bẩn! Như năm 1997, các xạ thủ bắn súng Việt Nam kêu trời vì được bố trí ở những khách sạn sang và cao ngất ngưởng. Khi đi thi đấu thì xe chủ nhà đón sát giờ. Xạ thủ bắn súng chỉ cần có một chút gì đó sai lệch, bất thường là ảnh hưởng nghiêm trọng đến thành tích.
Vậy nên, từ tầng cao đi thang máy tốc độ nhanh tụt xuống tầng trệt, rồi lên xe đi đến sân thi đấu chưa kịp ổn định đầu óc thì vào thi đấu bắn trật lất là bình thường! Hồi 1997, đối với người Việt, nên nhớ đi thang máy vài chục tầng còn là chuyện chưa quen nhé!
Nước nào rồi cũng vậy, chỉ khác ở mức ít nhiều, hoặc tinh vi hay thô thiển mà thôi.
Ở một khu vực mà thành tích thể thao vốn được tính bằng số lượng huy chương, vừa giải quyết khâu tiền thưởng cho thầy lẫn trò VĐV, và đặc biệt đổ bê tông cho chắc các chân ghế của các sếp ngành thể thao, thì chuyện ăn gian sẽ còn là căn bệnh nan y.
Nhiều người hy vọng Liên đoàn thể thao Đông Nam Á vừa họp trước SEA Games 32, tuyên bố từ đại hội này lần tới, kiên quyết chỉ cho chủ nhà tổ chức không quá ba môn sở trường, khi ấy nạn ăn gian sẽ hết. Thật khó tin! vì người ta sẽ có 1001 chiêu trò để đối phó.
Tôi chỉ tin rằng khi nào thể thao được xem là một trò chơi đúng nghĩa, mang lại niềm vui và hạnh phúc cho con người ở khu vực này, khi ấy "ao làng" mới mong thành "biển cả"!