Cơ chế nào để cán bộ làm việc tốt hơn mà không phạm pháp?

Nguyễn Lân Hùng Chủ nhật, ngày 09/04/2023 19:00 PM (GMT+7)
21 cán bộ cao và trung cấp vừa bị công bố tội danh trong kết luận điều tra của cơ quan công an về vụ án điểm Những chuyến bay giải cứu đang làm dư luận bàng hoàng và căm phẫn.
Bình luận 0

Họ, với sứ mệnh thiêng liêng được Nhà nước và nhân dân giao phó là dùng mọi khả năng quyền hạn của các cơ quan chức năng thay mặt Chính phủ Việt Nam tìm mọi cách đưa đồng bào đang mắc kẹt trong đại dịch Covid ở tất cả các nước trên thế giới về quê hương, đã làm một việc hoàn toàn ngược lại!

Mỗi chuyến bay giải cứu là một lần họ cấu kết đòi tiền lớn. Mỗi vé lên máy bay về quê là một cơ hội để bất cứ ai trong số họ tuỳ địa vị mà ra giá tiền từ thấp đến cao Người ít nhất trong số họ khai nhận 600 triệu, người nhiều nhất 42 tỉ.

Gọi là táng tận lương tâm cũng không hề quá lời.

Vậy mà họ đều là những cán bộ được học hành bài bản, đào tạo chính quy, bằng cấp đầy đủ trong nước ngoài nước

Mới trước đó vài ngày, nguyên Chủ tịch TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung lại phải ra hầu toà lần thứ 3, trong khi còn đang thụ án của 2 vụ khác. Đó hình như là việc tất yếu vì Nguyễn Đức Chung vướng vào quá  nhiều vụ việc liên quan tới tiền nong.

Có người nói: "Làm quan thời nay dễ bị sa lưới lắm!" Câu nói ấy khiến ta day dứt, nó thật hay sai? Có bao nhiêu quan chức giống như Nguyễn Đức Chung? Như Thú trưởng ngoại giao Tô Anh Dũng...? 

Sáng sáng, tôi thường ghé qua câu lạc bộ "Thể Giao". Đó là một quán nước trên phố Thể Giao (Hà Nội) mà một nhóm cán bộ hưu trí thường tụ tập ở đây để trao đổi việc đời. Đa phần họ là cán bộ cao cấp của ngành nội chính (từ công an, thuế quan đến Văn phòng Thành uỷ…). Ở đây không phải công sở và có lẽ do không còn tại vị nên họ dễ nói thẳng, nói thật, nói đúng lòng mình. Qua câu chuyện của họ mới thấy, ta còn vô vàn công việc để chấn chỉnh lại đội ngũ cán bộ. Nói đa số có lẽ không phải nhưng rất nhiều cán bộ ở mọi cấp đều vướng vào những sai sót mà Đảng và Chính phủ không cho phép. "Tham nhũng" có lẽ là hành động phổ biến nhất. Có người bảo: "Việc này có từ ông trưởng thôn trở lên!" Chắc không đến nỗi thế, nhưng đa số cán bộ có chức, có quyền hình như đều vướng ít nhiều vào tham nhũng. Điều này thì có lẽ đúng!

Đã có thời hành động tham nhũng được coi là việc bình thường, ai cũng phải tuân thủ. Muốn xin chữ ký, xin con dấu, muốn có việc làm, muốn được lên chức… đều phải "có đi, có lại" với cấp trên. Nó như là việc tất yếu. Tưởng đó là việc bình thường nhưng thực chất là việc hối lộ, ăn tiền. Nguyễn Đức Chung là một ví dụ.

Chung là một chiến sĩ công an trẻ, năng động, thông minh. Chung đã làm được rất nhiều việc tốt cho thành phố. Anh đã tham gia phá hàng loạt trọng án, xử lý hàng trăm vụ việc phức tạp. Nhà nước đã phong danh hiệu anh hùng cho anh và thăng quân hàm lên tới thiếu tướng. Anh được cử làm giám đốc Sở Công an rồi vượt cấp lên làm chức chủ tịch TP.Hà Nội.

Nhìn vào quá trình đóng góp xuất sắc của Chung, ta thấy quá tiếc! Giá như anh không phạm vào các sai lầm thì chắc chắn bây giờ anh đã được ở một vị trí xứng đáng. Tuy nhiên, các tội lỗi của anh quá lớn. Nó bắt nguồn từ lòng tham, từ việc thiếu tu dưỡng, từ những xúi bẩy của những người không tốt… và cũng chính từ kỷ cương của chúng ta đã một thời không nghiêm. Chính cái thời buông thả ấy đã làm chúng ta mất biết bao cán bộ, trong đó có cả người tài, người có năng lực… Cả một giai đoạn rất dài sau chiến tranh, chúng ta đã buông lỏng kỷ luật của Đảng và của Nhà nước. 

Ở câu lạc bộ "Thể Giao", họ phân tích cho tôi rất rõ. Có biết bao sự việc gian dối đã diễn ra trong những năm qua. Nếu như không có sự kiên quyết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thì không biết nạn tham nhũng, tình trạng tha hoá của cán bộ còn đến mức độ nào?

Nhưng, hình như mọi sự răn đe vẫn chưa đủ lực để đẩy lùi tham nhũng. Sau Nguyễn Đức Chung vẫn có hàng loạt sự việc xảy ra. Mỗi lần Ủy ban Kiểm tra của Đảng họp là lại phải xử lý hàng loạt cán bộ. Đấy là chưa nói tới biết bao vụ việc ở địa phương nối tiếp nhau được đưa ra ánh sáng. Ta mất quá nhiều cán bộ!

Có lẽ các cấp lãnh đạo đã nhìn thấy hàng loạt nguyên nhân dẫn tới hiện trạng này. Chúng ta đã phải đưa ra khẩu hiệu: "Học và làm theo tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh" nhưng có mấy ai được như Bác. Có vị nào xuống tát nước với dân đâu!? Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa qua đã phê bình: quan chức đi trồng cây với dân mà ăn mặc như đi ăn cỗ, làm thì lớt phớt nhưng lại cầu kỳ: Phải đeo găng, phải rửa tay, phải quấn băng xanh đỏ quanh cán xẻng… Thật là quá xa dân!

Nhưng đó vẫn là việc nhỏ, việc đó có thể sửa được. Cái lớn hơn, nguy hiểm hơn là việc ăn tiền! Các vụ tham nhũng gần đây đều gắn với đồng tiền. Đồng tiền là động cơ chính đẩy các quan chức vào tham nhũng. Họ tìm mọi cách để vơ vét về cho mình. Thẳng thắn mà nói, trong thời bình mà mức lương của ta cho cán bộ thấp quá! Vì vậy, nhiều người tìm mọi cách để bù đắp cho lương tiền lương ít ỏi. Dần dần, lòng tham cứ nổi lên. Ăn no đủ rồi, lại nghĩ tới nhà cửa, xe cộ, đất đai, vàng bạc và hàng loạt yêu cầu hấp dẫn khác. Rất nhiều cán bộ cho con đi du học nước ngoài. Tôi cứ tính, nếu con cháu các vị mà không được bạn cấp học bổng, chúng đi học nước ngoài theo hình thức tự túc thì tốn kém lắm.

Tôi đã đi công tác qua nhiều nước. Sinh hoạt bên họ đắt đỏ vô cùng! Vậy, các quan của ta lấy tiền đâu để cho con cháu mình đi học nước ngoài ào ào? Chắc phải lấy từ sự "đóng góp" của các đối tác. Đó là cú huých để các vị ấy ép "bên dưới" cống nạp! Tham nhũng có lẽ là những việc tương tự.

Cấp trên đã thế thì cấp dưới cũng ra sức "noi theo". Khắp nơi hối hả cúng nạp. Việc làm ăn gian dối tràn lan để rút tiền của Nhà nước. Tệ nạn này công khai, trắng trợn. Những người thật thà, đức độ lại bị coi là "chậm hiểu", bị gạt ra khỏi hệ thống, bị đẩy đi chỗ khác.

Nguy hiểm nhất là những người tốt, người chân chính lại không nói được, họ phải làm theo cấp trên, dung túng cái sai. Cả xã hội bị cuốn vào cái guồng quái ác ấy…

Có một thực tế, người đi làm sống bằng đồng lương. Nhưng hiện nay lương của cán bộ Nhà nước quá thấp so với các cơ sở tư nhân. Một hiện tượng đáng lo đang diễn ra. Hàng loạt bác sĩ, giáo viên xin thôi việc ở các cơ sở Nhà nước để đến với các cơ sở tư nhân. Ở đó lương của họ sẽ cao hơn nhiều. Đấy là tín hiệu báo trước cho sự đổ vỡ của các cơ sở nhà nước. Nó là hồi chuông báo động để chúng ta suy nghĩ và phải tìm ra giải pháp hữu hiệu. 

Thực tế hiện nay chúng ta đều thấy đội ngũ cán bộ của ta phình ra quá lớn. Ở rất nhiều cơ quan, cán bộ làm việc lớt phớt, trà lá suốt ngày. Vấn đề cốt lõi là làm sao cán bộ đủ sống bằng lương. Đó có lẽ cũng là khâu đầu tiên để chúng ta chống tham nhũng. Khi cuộc sống của cán bộ ổn định, pháp luật lại hết sức nghiêm minh thì ý đồ tham nhũng sẽ bị đẩy lùi. Chúng ta phải xem xét lại công việc, tiến hành giảm biên chế triệt để. Ai không đủ năng lực, ai làm việc chểnh mảng, công việc nào có thể tinh giản, vị trí nào có thể kết hợp để một người có thể làm nhiều việc… thì chúng ta phải kiên quyết thực hiện ngay. Như vậy, đội ngũ cán bộ công chức sẽ giảm bớt, tiền lương cho những người làm việc sẽ được tăng lên.

Xin đừng quá tự hào về cách quản lý của ta. Hãy ngó sang các nước láng giềng như Thái Lan, Singapore, Malaysia, Hàn Quốc, Nhật Bản….Hệ thống quản lý của họ rất chặt. Kỷ luật làm việc rất nghiêm. Tôi đã đến và quan sát trực tiếp phong cách làm việc của bạn. Họ tự giác thực hiện nghiêm tốt các quy định của cơ quan. Vì vậy, hiệu quả làm việc của họ rất cao, lương của họ đủ nuôi sống gia đình. 
Ở đâu thì cũng có tham nhũng nhưng luật pháp của họ chặt chẽ hơn, nghiêm ngặt hơn, ý thức của người dân cũng cao hơn. Ở đất nước họ cũng có nhiều quan chức cao cấp, kể cả tổng thống đã từng bị đi tù vì tham nhũng. Họ kịp thời xử lý và mọi người nghiêm chỉnh chấp hành. Luật lệ của họ rất công bằng nên kỷ cương được tôn trọng.

Dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và ban lãnh đạo Đảng và Chính phủ ta, kỷ cương của đất nước đang ngày một chặt chẽ. Nạn tham nhũng đang bị đẩy lùi.

Hiện nay, cũng có nhiều đơn vị sản xuất hoạt động rất thành công. Tôi có dự lễ tổng kết 15 năm hoạt động của họ. Giải thưởng cho các đơn vị và cá nhân rất lớn, mỗi suất lên tới vài tỷ đồng. Thưởng như vậy mới thực sự động viên và thúc đẩy sản xuất (hơn hẳn việc chỉ trao cái giấy khen và ít đồng động viên!). Tôi thấy, chủ tịch và tổng giám đốc của của tập đoàn này khi phát biểu không ai nói về mình. Họ chỉ toàn tri ân tới anh chị em công nhân và các kỹ sư trên các công trình. Đó là cách làm thật xuất sắc mà các nơi cần học tập.

Vai trò của người lãnh đạo hết sức quan trọng. Trí thông minh, năng lực, cách tổ chức sản xuất và sự gương mẫu, công bằng trong thu nhập của lãnh đạo và của các thành viên có vai trò quyết định để đơn vị vươn lên.

Chúng ta có rất nhiều người có năng lực. Chính phủ chờ mong họ đóng góp công sức cho đất nước mà không vướng vào tham nhũng. Một cơ chế thoáng, hợp lý, một chế độ lương thỏa mãn cùng với việc thường xuyên giáo dục đạo đức cho đội ngũ cán bộ là việc rất nên làm và phải làm thường xuyên.

Những những người tài được trọng dụng trong một cơ chế hợp lý sẽ phát huy hết năng lực để phục vụ đất nước. Đây là việc chúng ta mong muốn.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem