Giá dầu thế giới được ghi nhận vào sáng ngày 22/5 (8h42 giờ Việt Nam) cụ thể như sau: Dầu thô WTI của Mỹ ở mức 71,305 USD/thùng, giảm 0,54% trong phiên, trong khi giá dầu Brent đứng ở mức 75,207 USD/thùng, giảm 0,49% trong phiên.
Tuần trước, cả hai chuẩn dầu Brent và dầu WTI đã ghi nhận mức tăng hàng tuần đầu tiên trong một tháng, với mức tăng khoảng 2%.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết, cơ quan này không kỳ vọng các động thái của nhóm G7 trong việc đưa ra mức giá trần đối với năng lượng của Nga sẽ làm thay đổi tình hình cung cấp dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ.
G7, Liên minh châu Âu (EU) và Australia đã đồng ý áp mức trần giá 60 USD/thùng đối với dầu thô vận chuyển bằng đường biển của Nga, đồng thời đặt ra giới hạn giá cao hơn đối với các sản phẩm dầu mỏ của Nga nhằm hạn chế nguồn thu của Nga cho cuộc xung đột với Ukraine.
Được biết, G7 cũng đã đưa ra thông cáo chung về việc hỗ trợ đầu tư khí đốt trở lại vào cuối tuần vừa qua. Theo đó, nhóm này cho rằng đây là giải pháp tạm thời để giải quyết tình trạng thiếu hụt thị trường tiềm năng và khi các quốc gia đang cố gắng tách khỏi năng lượng của Nga.
Động thái này đã báo động cho các nhà hoạt động khí hậu, những người đã cảnh báo rằng nhóm có thể không đạt được mục tiêu đạt được lượng khí thải carbon bằng không vào năm 2050 và hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C.
Hiện các nhà giao dịch đang theo dõi các cuộc đàm phán về trần nợ tại Quốc hội Mỹ để xem liệu bế tắc có được giải quyết cũng như khả năng Fed có tiếp tục tăng lãi suất hay không.
Các nhà phân tích thị trường cho rằng giá dầu tăng trong tuần qua nhờ sự lạc quan về việc Mỹ sẽ tránh được nguy cơ vỡ nợ. Giá dầu WTI tăng tuần đầu tiên kể từ giữa tháng 4, nhưng còn nhiều trở ngại để có thể quay về mức 80 USD/thùng. Đà tăng của giá dầu có thể bị hạn chế cho đến khi các thị trường không còn lo ngại về nguy cơ suy thoái, đặc biệt là khi kinh tế Trung Quốc có thể cho thấy dấu hiệu về sự phục hồi mạnh hơn.
Trong khi đó, các quan chức Fed lo ngại liệu lạm phát có đang giảm đủ nhanh và số liệu kinh tế không ủng hộ việc dừng tăng lãi suất. Chủ tịch Fed, Jerome Powell cho biết số liệu kinh tế tiếp tục ủng hộ quan điểm của Fed là cần thời gian để hạ nhiệt lạm phát. Chủ tịch Fed cũng xác nhận việc Fed chưa quyết định về hành động trong tháng 6.
Tại thị trường trong nước, ngày 11/5, liên Bộ Công Thương – Tài chính đã công bố giá cơ sở đối với các mặt hàng xăng dầu cho kỳ điều hành từ ngày 11/5.
Ở kỳ điều chỉnh ngày 11/5, giá các mặt hàng xăng giảm hơn 1.300 đồng/lít, RON 95 còn 21.000 đồng/lít, E5 RON 92 ở mức 20.131 đồng/lít.
Tại kỳ điều hành giá xăng dầu này, liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định trích lập Quỹ BOG: Thực hiện trích lập Quỹ BOG đối với mặt hàng xăng E5RON92 ở mức 300 đồng/lít (kỳ trước 500 đồng/lít), xăng RON95 ở mức 300 đồng/lít (kỳ trước 500 đồng/lít); dầu điêzen ở mức 300 đồng/lít (như kỳ trước); dầu hỏa ở mức 300 đồng/lít (như kỳ trước); dầu mazut ở mức 300 đồng/kg (như kỳ trước). Chi sử dụng Quỹ BOG xăng dầu: Không chi Quỹ BOG đối với tất cả các mặt hàng xăng, dầu.
Sau khi thực hiện trích lập và không chi sử dụng Quỹ BOG giá xăng dầu, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường ngày 22/5 như sau: Xăng E5 RON 92 không cao hơn 20.131 đồng/lít (giảm 1.306 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành), thấp hơn xăng RON95-III 869 đồng/lít; Xăng RON 95-III không cao hơn 21.000 đồng/lít (giảm 1.320 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành); Dầu điêzen 0.05S không cao hơn 17.653 đồng/lít (giảm 601 đồng/lít so với mức bán lẻ hiện hành); Dầu hỏa không cao hơn 17.972 đồng/lít (giảm 556 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành); Dầu mazut 180CST 3.5S không cao hơn 14.862 đồng/kg (giảm 647 đồng/kg so với giá bán lẻ hiện hành).
Theo liên Bộ Công Thương - Tài chính, thị trường xăng dầu thế giới kỳ điều hành lần này (từ ngày 04/5/2023-11/5/2023) chịu ảnh hưởng của các yếu tố như: Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các nhà sản xuất lớn (nhóm OPEC+) đã bắt đầu cắt giảm sản lượng tự nguyện khoảng 1,16 triệu thùng mỗi ngày vào đầu tháng này; lo ngại cuộc khủng hoảng ngân hàng tại Hoa Kỳ chưa chấm dứt và áp lực từ việc đồng USD lên giá sau khi Fed tăng lãi suất lần thứ 10 liên tiếp, thêm 0,25 điểm phần trăm; thông tin về việc nhập khẩu dầu thô trong tháng 4 của Trung Quốc giảm… Các yếu tố này tác động làm giá xăng dầu có diễn biến tăng giảm đan xen nhưng nhìn chung là giảm.
Bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa kỳ điều hành giá ngày 04/5/2023 và kỳ điều hành ngày 11/5/2023 là: 83,016 USD/thùng xăng RON92 dùng để pha chế xăng E5 RON 92 (giảm 6,376 USD/thùng, tương đương giảm 7,13% so với kỳ trước); 87,366 USD/thùng xăng RON 95 (giảm 5,970 USD/thùng, tương đương giảm 6,40% so với kỳ trước); 88,538 USD/thùng dầu hỏa (giảm 3,396 USD/thùng, tương đương giảm 3,69% so với kỳ trước); 87,264 USD/thùng dầu điêzen (giảm 3,654 USD/thùng, tương đương giảm 4,02% so với kỳ trước); 422,606 USD/tấn dầu mazut 180CST 3,5S (giảm 24,546 USD/tấn, tương đương giảm 5,49% so với kỳ trước).
Tình hình dịch bệnh Covid-19 trong nước đang được kiểm soát, các hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp đã phục hồi trở lại.
Kỳ điều hành này, trước diễn biến giá xăng dầu thế giới nêu trên và các quy định hiện hành, liên Bộ Công Thương – Tài chính quyết định: đưa mức trích lập quỹ BOG đối với mặt hàng xăng E5 RON 92 và xăng RON 95 về mức 300 đồng/lít (kỳ trước 500 đồng/lít); giữ nguyên mức trích lập quỹ BOG đối với các mặt hàng dầu điêzen, dầu hỏa và dầu mazut; tiếp tục không chi Quỹ BOG đối với tất cả các mặt hàng xăng dầu.
Phương án điều hành giá xăng dầu nêu trên nhằm góp phần bảo đảm biến động giá xăng dầu trong nước cơ bản phù hợp với biến động của giá xăng dầu thế giới; tiếp tục duy trì mức chênh lệch giá giữa xăng sinh học E5 RON 92 và xăng khoáng RON 95 ở mức hợp lý để khuyến khích sử dụng xăng sinh học nhằm bảo vệ môi trường theo chủ trương của Chính phủ; bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường, giúp hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu duy trì, cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước; hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế xã hội, hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân.
Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát việc thực hiện trách nhiệm bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường của các thương nhân kinh doanh xăng dầu và sẽ xử lý nghiêm các hành vi vi phạm (nếu có).
Tính từ đầu năm 2023 đến nay, giá xăng đã có 14 đợt điều chỉnh, trong đó có 7 đợt tăng, 6 đợt giảm và 1 đợt giữ nguyên.
Trong nước, cập nhật giá các sản phẩm xăng dầu thành phẩm trên thị trường Singapore tính đến ngày 19/5 cho thấy, tất cả các mặt hàng đều tăng nhẹ tại đợt điều chỉnh giá kỳ này.
Ở kỳ điều hành ngày mai, giá xăng bán lẻ được đang dự báo sẽ tăng nhẹ. Theo quy định, kỳ điều hành giá xăng dầu tới sẽ là ngày 21/5. Tuy nhiên, do rơi vào ngày chủ nhật nên cơ quan điều hành sẽ dời ngày công bố giá xăng dầu mới sang hôm nay, thứ 2 (22/5).
Đến thời điểm này, một số dự báo cho thấy, giá xăng có thể sẽ tăng nhẹ trở lại sau 3 phiên giảm liên tiếp. Tuy nhiên, việc điều chỉnh còn phụ thuộc vào biến động của giá xăng dầu thế giới cuối tuần này và phụ thuộc vào việc trích lập Quỹ BOG xăng dầu và các loại phí điều chỉnh khác nếu có.
Doanh nghiệp đầu mối phía Nam dự báo nhiều khả năng giá xăng chiều nay có thể tăng khoảng 250-450 đồng/lít, dầu diesel tăng nhẹ hơn khoảng 250-350 đồng/lít. Tuy nhiên, mức điều chỉnh còn phụ thuộc vào quyết định sử dụng quỹ bình ổn của cơ quan điều hành.
Tương tự, doanh nghiệp phân phối xăng dầu tại miền Bắc cũng cho biết giá xăng có thể tăng nhẹ trong kỳ điều hành ngày 22/5 ở mức 350-450 đồng/lít. Mức chiết khấu xăng dầu nhiều kho đang giảm, ngày 3/5 đang về mức 450-600 đồng/lít.
Tại cuộc họp về bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước vừa qua, cho rằng nguồn cung trong nước vẫn còn bị động, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên yêu cầu các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối cần thực hiện nghiêm túc, đầy đủ tổng nguồn tối thiểu đã được Bộ Công Thương phân giao từ đầu năm (cả về số lượng và chủng loại) để đảm bảo cung cấp liên tục xăng dầu cho khách hàng; phải chủ động nguồn hàng trong mọi tình huống (cả nguồn trong nước và nhập khẩu).
Bộ trưởng cũng lưu ý, các doanh nghiệp đầu mối cần có sự trao đổi thống nhất, phối hợp thường xuyên, chặt chẽ với thương nhân phân phối và doanh nghiệp bán lẻ để có được tiếng nói chung và hài hòa về lợi ích.
Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhận định hoạt động kinh doanh xăng dầu trong quý I tương đối khá ổn định, tuy nhiên một số doanh nghiệp đầu mối vẫn chưa thực hiện nhập đủ lượng xăng dầu được phân giao do khó khăn trong việc tiếp cận vốn tín dụng.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị ngành ngân hàng hỗ trợ các doanh nghiệp đầu mối và cả hệ thống phân phối kinh doanh xăng dầu trong việc tiếp cận vốn, cả về hạn mức tín dụng và điều kiện vay vốn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp để nhập hàng.
Để bảo đảm nguồn cung xăng dầu trong nước năm 2023, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc tổng nguồn tối thiểu đã được Bộ Công Thương phân giao từ đầu năm.