Giá xăng dầu hôm nay 21/5: Giá xăng dầu trong nước sắp tăng trở lại?
Giá xăng dầu hôm nay 21/5: Giá xăng dầu trong nước sắp tăng trở lại?
Nguyễn Phương
Chủ nhật, ngày 21/05/2023 07:29 AM (GMT+7)
Giá xăng dầu hôm nay 21/5: Giá dầu ghi nhận tuần tăng đầu tiên trong 4 tuần, khi các nhà giao dịch tiếp tục theo dõi các cuộc đàm phán về trần nợ tại Mỹ cũng như triển vọng nhu cầu tại Trung Quốc. Trong nước, dự báo giá xăng dầu có thể sẽ tăng nhẹ trở lại trong kỳ điều hành ngày 22/5, sau 3 phiên giảm liên tiếp.
Tuần này, giá dầu chịu tác động lớn bởi những thay đổi quanh việc đàm phán tăng trần nợ 31,4 nghìn tỷ USD của Mỹ và cung thị trường dầu mỏ thắt chặt. Sau 4 tuần giảm giá liên tiếp, cả hai mặt hàng dầu Brent và WTI đều đã ghi nhận mức tăng hằng tuần, khoảng 2%.
Chốt phiên cuối tuần 19/5, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 6 giảm 0,31 USD, hay 0,43%, xuống 71,55 USD/thùng. Giá dầu Brent giao cùng kỳ hạn giảm 0,28 USD, hay 0,37%, xuống 75,58 USD/thùng.
Trước đó, giá dầu giảm khoảng 1% trong phiên 18/5 sau khi số liệu kinh tế Mỹ vừa công bố khiến đồng USD đạt mức cao nhất trong hai tháng, do thị trường kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể tăng lãi suất trở lại vào tháng 6/2023.
Giá dầu kỳ hạn tăng trong phiên 17/5, nhờ sự lạc quan về các cuộc đàm phán trong vấn đề nâng trần nợ công tại Mỹ.
Còn trong phiên giao dịch 16/5, giá dầu thế giới giao kỳ hạn giảm do số liệu kinh tế của Trung Quốc và Mỹ yếu hơn dự kiến lấn át dự báo nhu cầu toàn cầu tăng từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế.
Trước đó, giá dầu thế giới tăng 1 USD/thùng trong phiên 15/5 sau 3 phiên giảm giá liên tiếp, nhờ triển vọng nguồn cung thắt chặt tại Canada và các nước khác, dù cho những lo ngại về suy thoái vẫn gây sức ép lên thị trường.
Trong cả tuần, cả hai loại dầu cùng tăng khoảng 2%.
Các nhà giao dịch đang theo dõi các cuộc đàm phán về trần nợ tại Quốc hội Mỹ để xem liệu bế tắc có được giải quyết cũng như khả năng Fed có tiếp tục tăng lãi suất hay không (?).
Các nhà phân tích cho rằng giá dầu tăng trong tuần qua nhờ sự lạc quan về việc Mỹ sẽ tránh được nguy cơ vỡ nợ. Giá dầu WTI tăng tuần đầu tiên kể từ giữa tháng 4 nhưng vẫn còn nhiều trở ngại. Đà tăng của giá dầu có thể bị hạn chế cho đến khi các thị trường không còn lo ngại về nguy cơ suy thoái, đặc biệt là khi kinh tế Trung Quốc có thể cho thấy dấu hiệu về sự phục hồi mạnh hơn.
Trong khi đó, các quan chức Fed lo ngại liệu lạm phát có đang giảm đủ nhanh và cho rằng, số liệu kinh tế vẫn đang không ủng hộ việc dừng tăng lãi suất. Số liệu kinh tế tiếp tục ủng hộ quan điểm của Fed là cần thời gian để hạ nhiệt lạm phát. Fed chưa quyết định về hành động lãi suất của mình trong tháng 6.
Trước đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã tái khẳng định sức mạnh và sự phục hồi của hệ thống ngân hàng nước này trong cuộc họp với các CEO ngân hàng vào hôm 18/5.
Công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes Co (BKR.O) cho biết số lượng giàn khoan dầu của Mỹ đã giảm 11 giàn khoan xuống còn 575 giàn trong tuần này, mức giảm hàng tuần lớn nhất kể từ tháng 9 năm 2021.
Các nhà phân tích cho biết, trong khi khả năng tăng lãi suất bổ sung làm gia tăng mối lo ngại về nhu cầu về dầu ở Mỹ yếu, giá dầu trong thời gian tới có thể tăng do nhu cầu của Trung Quốc cao hơn trong suốt năm 2023.
Sản lượng lọc dầu của Trung Quốc trong tháng 4 đã tăng 18,9% so với một năm trước đó lên mức cao thứ hai được ghi nhận.
Các nhà máy lọc dầu của Trung Quốc duy trì hoạt động ở mức cao để đáp ứng nhu cầu nhiên liệu trong nước đang hồi phục và xây dựng kho dự trữ trước mùa du lịch hè.
Tại thị trường trong nước, ngày 11/5, liên Bộ Công Thương – Tài chính đã công bố giá cơ sở đối với các mặt hàng xăng dầu cho kỳ điều hành từ ngày 11/5.
Ở kỳ điều chỉnh ngày 11/5, giá các mặt hàng xăng giảm hơn 1.300 đồng/lít, RON 95 còn 21.000 đồng/lít, E5 RON 92 ở mức 20.131 đồng/lít.
Tại kỳ điều hành giá xăng dầu này, liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định trích lập Quỹ BOG: Thực hiện trích lập Quỹ BOG đối với mặt hàng xăng E5RON92 ở mức 300 đồng/lít (kỳ trước 500 đồng/lít), xăng RON95 ở mức 300 đồng/lít (kỳ trước 500 đồng/lít); dầu điêzen ở mức 300 đồng/lít (như kỳ trước); dầu hỏa ở mức 300 đồng/lít (như kỳ trước); dầu mazut ở mức 300 đồng/kg (như kỳ trước). Chi sử dụng Quỹ BOG xăng dầu: Không chi Quỹ BOG đối với tất cả các mặt hàng xăng, dầu.
Sau khi thực hiện trích lập và không chi sử dụng Quỹ BOG giá xăng dầu, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường ngày 21/5 như sau: Xăng E5 RON 92 không cao hơn 20.131 đồng/lít (giảm 1.306 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành), thấp hơn xăng RON95-III 869 đồng/lít; Xăng RON 95-III không cao hơn 21.000 đồng/lít (giảm 1.320 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành); Dầu điêzen 0.05S không cao hơn 17.653 đồng/lít (giảm 601 đồng/lít so với mức bán lẻ hiện hành); Dầu hỏa không cao hơn 17.972 đồng/lít (giảm 556 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành); Dầu mazut 180CST 3.5S không cao hơn 14.862 đồng/kg (giảm 647 đồng/kg so với giá bán lẻ hiện hành).
Theo liên Bộ Công Thương - Tài chính, thị trường xăng dầu thế giới kỳ điều hành lần này (từ ngày 04/5/2023-11/5/2023) chịu ảnh hưởng của các yếu tố như: Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các nhà sản xuất lớn (nhóm OPEC+) đã bắt đầu cắt giảm sản lượng tự nguyện khoảng 1,16 triệu thùng mỗi ngày vào đầu tháng này; lo ngại cuộc khủng hoảng ngân hàng tại Hoa Kỳ chưa chấm dứt và áp lực từ việc đồng USD lên giá sau khi Fed tăng lãi suất lần thứ 10 liên tiếp, thêm 0,25 điểm phần trăm; thông tin về việc nhập khẩu dầu thô trong tháng 4 của Trung Quốc giảm… Các yếu tố này tác động làm giá xăng dầu có diễn biến tăng giảm đan xen nhưng nhìn chung là giảm.
Bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa kỳ điều hành giá ngày 04/5/2023 và kỳ điều hành ngày 11/5/2023 là: 83,016 USD/thùng xăng RON92 dùng để pha chế xăng E5 RON 92 (giảm 6,376 USD/thùng, tương đương giảm 7,13% so với kỳ trước); 87,366 USD/thùng xăng RON 95 (giảm 5,970 USD/thùng, tương đương giảm 6,40% so với kỳ trước); 88,538 USD/thùng dầu hỏa (giảm 3,396 USD/thùng, tương đương giảm 3,69% so với kỳ trước); 87,264 USD/thùng dầu điêzen (giảm 3,654 USD/thùng, tương đương giảm 4,02% so với kỳ trước); 422,606 USD/tấn dầu mazut 180CST 3,5S (giảm 24,546 USD/tấn, tương đương giảm 5,49% so với kỳ trước).
Tình hình dịch bệnh Covid-19 trong nước đang được kiểm soát, các hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp đã phục hồi trở lại.
Kỳ điều hành này, trước diễn biến giá xăng dầu thế giới nêu trên và các quy định hiện hành, liên Bộ Công Thương – Tài chính quyết định: đưa mức trích lập quỹ BOG đối với mặt hàng xăng E5 RON 92 và xăng RON 95 về mức 300 đồng/lít (kỳ trước 500 đồng/lít); giữ nguyên mức trích lập quỹ BOG đối với các mặt hàng dầu điêzen, dầu hỏa và dầu mazut; tiếp tục không chi Quỹ BOG đối với tất cả các mặt hàng xăng dầu.
Phương án điều hành giá xăng dầu nêu trên nhằm góp phần bảo đảm biến động giá xăng dầu trong nước cơ bản phù hợp với biến động của giá xăng dầu thế giới; tiếp tục duy trì mức chênh lệch giá giữa xăng sinh học E5 RON 92 và xăng khoáng RON 95 ở mức hợp lý để khuyến khích sử dụng xăng sinh học nhằm bảo vệ môi trường theo chủ trương của Chính phủ; bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường, giúp hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu duy trì, cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước; hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế xã hội, hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân.
Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát việc thực hiện trách nhiệm bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường của các thương nhân kinh doanh xăng dầu và sẽ xử lý nghiêm các hành vi vi phạm (nếu có).
Tính từ đầu năm 2023 đến nay, giá xăng đã có 14 đợt điều chỉnh, trong đó có 7 đợt tăng, 6 đợt giảm và 1 đợt giữ nguyên.
Trong nước, cập nhật giá các sản phẩm xăng dầu thành phẩm trên thị trường Singapore tính đến ngày 19/5 cho thấy, tất cả các mặt hàng đều tăng nhẹ tại đợt điều chỉnh giá kỳ này.
Ở kỳ điều hành ngày mai, giá xăng bán lẻ được đang dự báo sẽ tăng nhẹ. Theo quy định, kỳ điều hành giá xăng dầu tới sẽ là ngày 21/5. Tuy nhiên, do rơi vào ngày chủ nhật nên cơ quan điều hành sẽ dời ngày công bố giá xăng dầu mới sang thứ 2 tuần sau (22/5).
Đến thời điểm này, một số dự báo cho thấy, giá xăng có thể sẽ tăng nhẹ trở lại sau 3 phiên giảm liên tiếp. Tuy nhiên, việc điều chỉnh còn phụ thuộc vào biến động của giá xăng dầu thế giới cuối tuần này và phụ thuộc vào việc trích lập Quỹ BOG xăng dầu và các loại phí điều chỉnh khác nếu có.
Tại cuộc họp về bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước vừa qua, cho rằng nguồn cung trong nước vẫn còn bị động, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên yêu cầu các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối cần thực hiện nghiêm túc, đầy đủ tổng nguồn tối thiểu đã được Bộ Công Thương phân giao từ đầu năm (cả về số lượng và chủng loại) để đảm bảo cung cấp liên tục xăng dầu cho khách hàng; phải chủ động nguồn hàng trong mọi tình huống (cả nguồn trong nước và nhập khẩu).
Bộ trưởng cũng lưu ý, các doanh nghiệp đầu mối cần có sự trao đổi thống nhất, phối hợp thường xuyên, chặt chẽ với thương nhân phân phối và doanh nghiệp bán lẻ để có được tiếng nói chung và hài hòa về lợi ích.
Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhận định hoạt động kinh doanh xăng dầu trong quý I tương đối khá ổn định, tuy nhiên một số doanh nghiệp đầu mối vẫn chưa thực hiện nhập đủ lượng xăng dầu được phân giao do khó khăn trong việc tiếp cận vốn tín dụng.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị ngành ngân hàng hỗ trợ các doanh nghiệp đầu mối và cả hệ thống phân phối kinh doanh xăng dầu trong việc tiếp cận vốn, cả về hạn mức tín dụng và điều kiện vay vốn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp để nhập hàng.
Để bảo đảm nguồn cung xăng dầu trong nước năm 2023, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc tổng nguồn tối thiểu đã được Bộ Công Thương phân giao từ đầu năm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.