Mùa thu hoạch hồ tiêu ở nước ta đã kết thúc, với sản lượng ước đạt 200.000 tấn, tăng khoảng 9% so với vụ trước. Thông thường, khi sản lượng tăng lên vào cuối vụ giá tiêu sẽ sụt giảm, nhưng điều ngạc nhiên là giá tiêu tại thị trường nội địa vẫn đang có xu hướng đi lên.
Tại các tỉnh trọng điểm, giá tiêu hôm nay có 2 nơi tăng thêm 500 đồng/kg so với tuần trước, 3 nơi giảm 500 đồng/kg. Tuy nhiên tính từ đầu tháng 5 đến nay, giá tiêu đã tăng khoảng 6.500 đồng/kg so với cuối tháng 4/2023.
Cụ thể, giá tiêu hôm nay tại Đắk Lắk, Đắk Nông đạt 74.500 đồng/kg, cùng tăng thêm 500 đồng/kg so với hôm qua. Giá tiêu tại Bà Rịa - Vũng Tàu giảm 500 đồng/kg, còn 76.00 đồng/kg.
Giá tiêu hôm nay tại Bình Phước đạt 75.500 đồng/kg, tại Đồng Nai ở mức 73.500 đồng/kg, cùng giảm 500 đồng/kg. Trong khi đó, giá tiêu thấp nhất ghi nhận tại Gia Lai, đạt mức 73.000 đồng/kg.
Giá hạt tiêu trắng ở mức 108.000 đồng/kg, tăng 7.000 đồng/kg so với cuối tháng 4/2023, nhưng thấp hơn so với mức 114.000 đồng/kg cùng kỳ năm ngoái.
Năm nay, người trồng tiêu ở Đắk Lắk vừa trúng sản lượng lẫn chất lượng nhờ bà con đã áp dụng các biện pháp giảm giá thành như áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, tự làm phân hữu cơ để bón cho cây tiêu, tưới nhỏ giọt... Trong đó, huyện Cư Kuin là vùng trọng điểm trồng hồ tiêu của tỉnh với diện tích gần 4.700 ha. Vụ tiêu năm 2023, năng suất toàn huyện đạt cao hơn năm ngoái, ước khoảng 3,4 tấn/ha (cao hơn khoảng 2 tạ/ha). Vì thế, khi giá tiêu tăng từ đầu vụ tới cuối vụ, bà con rất phấn khởi.
Theo thông tin của Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA), Trân Châu hiện đang là doanh nghiệp dẫn đầu về xuất khẩu hồ tiêu của nước ta trong quý I/2023, với khối lượng đạt 5.393 tấn, tuy nhiên so với cùng kỳ năm ngoái lượng xuất khẩu ghi nhận giảm 29,2%.
Ngoài ra, xuất khẩu của Nedspice Việt Nam cũng giảm 19,1%, đạt mức 4.214 tấn; Công ty Olam xuất khẩu 3.851 tấn, giảm 41,8%. Tính chung khối các doanh nghiệp trong VPSA xuất khẩu chiếm 56,8%, giảm 8,5% so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý là các doanh nghiệp ngoài Hiệp hội lại có sự bứt phá về xuất khẩu hồ tiêu, với mức tăng 374% và đạt 33.172 tấn do xuất khẩu đi Trung Quốc tăng đột biến. Một số thông tin cho biết, hiện có 2 doanh nghiệp lớn đang tích cực mua hàng về "găm" trong kho để xuất khẩu đi Trung Quốc.
Trước đó có thông tin, do giá tiêu ở mức thấp nên người dân vẫn tích trữ trong kho, đến nay, thị trường mới tiêu thụ gần hết lượng hồ tiêu dự trữ. Khi hàng trong kho được tiêu thụ hết, thị trường có nhu cầu, nguồn cung giảm thì giá hồ tiêu sẽ tăng lên.
Bên cạnh đó, sau 3 năm đóng cửa vì Covid-19, các doanh nghiệp Trung Quốc đang đẩy mạnh nhập khẩu hồ tiêu và gia vị từ Việt Nam, khiến kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này tăng đột biến. Theo số liệu thống kê từ Cơ quan Hải quan Trung Quốc, tháng 3/2023, Trung Quốc nhập khẩu hơn 1.000 tấn hạt tiêu, trị giá 4,18 triệu USD, tăng 207,7% về lượng và tăng 157,3% về trị giá so với tháng 2/2023, so với tháng 3/2022 tăng 21,8% về lượng và tăng 14,1% về trị giá.
Điều đáng chú ý là mặc dù tăng lượng nhập khẩu nhưng giá nhập từ thị trường này lại giảm, đạt mức 4.175 USD/tấn trong tháng 3 – mức thấp nhất kể từ tháng 7/2021, giảm 16,4% so với tháng 2/2023 và giảm 6,3% so với tháng 3/2022.
Tính chung quý I/2023, giá nhập khẩu bình quân hạt tiêu của Trung Quốc đạt mức 4.570 USD/tấn, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, giá nhập khẩu bình quân hạt tiêu của Trung Quốc từ các thị trường Indonesia, Việt Nam, Malaysia, Brazil giảm, nhưng giá nhập khẩu từ các nguồn cung khác lại tăng.