Giá gia cầm hôm nay 22/5: Gà, vịt chững giá; không khí lạnh đang về, cần làm gì để bảo vệ đàn gà, vịt?

Thứ hai, ngày 22/05/2023 14:01 PM (GMT+7)
Khảo sát giá gia cầm hôm nay 22/5 tại một số vùng cho thấy, giá gà, giá vịt thịt có dấu hiệu chững lại. Theo các chuyên gia chăn nuôi, khi thời tiết giao mùa, người nuôi cần phải che chắn chuồng trại cẩn thận, kiên cố và điều chỉnh chế độ ăn uống cho gia cầm phù hợp mới giúp đàn vật nuôi an toàn, khỏe mạnh.
Bình luận 0
Giá gia cầm hôm nay 22/5: Gà, vịt chững giá, thời tiết giao mùa, cần làm gì để bảo vệ gia cầm? - Ảnh 1.

Khảo sát giá gia cầm hôm nay, chúng tôi thấy giá vịt thịt không có biến động. Ảnh: HĐ

Vịt thịt chững giá

Theo các thương lái, giá vịt hôm nay tại các vùng miền Bắc không có biến động, việc tiêu thụ vịt tại các trại khá chậm. Theo đó, giá vịt cánh trắng loại đẹp giao dịch tại các vùng miền Bắc khoảng trên dưới 35.000 đồng/kg.

Giá vịt bơ nướng khá thấp dao động trên dưới 30.000 đồng/kg.

Giá vịt thịt tại các vùng phía Nam vẫn chững ở mức khoảng trên dưới 35.000 đồng/kg, có trại bán vịt Cherry loại trên 3,4kg/con bán tốt mới được 37.000 đồng/kg.

Giá vịt xiêm bán cao nhất đạt gần 70.000 đồng/kg. Giá vịt trời bán tốt đạt trên 90.000 đồng/con.

Giá vịt thải loại có giá từ 65.000 đồng đến 75.000 đồng/con.

Giá ngan thịt (ngan hơi) có trại bán được trên 70.000 đồng/kg ngan trống trên 4,5kg/con.

Giá gà công nghiệp phía Nam vẫn ở mức thấp

Ghi nhận giá gia cầm hôm nay, chúng tôi thấy giá gà lông trắng bán tại các vùng miền Bắc cao nhất mới được 27.000 đồng/kg.

Giá gà trắng bán tại các vùng Đồng Nai, Bình Phước... dao động trên dưới 20.000 đồng/kg.

Giá gà lông màu tại các tỉnh Đông Nam Bộ vẫn giữ ở mức thấp có nơi dưới 35.000 đồng/kg.

Giá gà ta thả đồi bán ở các vùng Bắc Giang, Phú Thọ... bán tốt mới được trên 70.000 đồng/kg. Giá gà mía lai bán tại các trại ở Hà Nội, Hòa Bình... trên dưới 65.000 đồng/kg loại trên 4,5 tháng tuổi.

Giá gia cầm hôm nay 22/5: Gà, vịt chững giá, thời tiết giao mùa, cần làm gì để bảo vệ gia cầm? - Ảnh 3.

Giá gà công nghiệp lông trắng hôm nay tại các tỉnh vẫn giữ ở mức thấp, có nơi bán dưới 20.000 đồng/kg. Ảnh: HĐ

Chăm sóc đàn gia cầm khi thời tiết chuyển mùa

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, một bộ phận không khí lạnh yếu từ phương Bắc đang di chuyển xuống phương Nam.

Do ảnh hưởng của rãnh áp thấp bị nén bởi không khí lạnh, kết hợp với hội tụ gió trên mực 1500m nên từ đêm 22 đến ngày 23/5, Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa rào và rải rác có dông, cục bộ có mưa to với lượng mưa từ 20-40mm/24h, có nơi trên 60mm/24h

Theo đó, từ tối ngày 22/5 có đợt không khí lạnh đi vào các tỉnh miền núi phía Bắc. Các cơn mưa rào bắt đầu xảy ra từ miền núi phía Bắc từ đêm 22/5. Mưa dịch chuyển dần về trung du miền núi phía Bắc, đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trong ngày 23/5. Mưa không kéo dài nhưng mưa lớn kèm dông gió nên dễ làm đổ ngã cây cối, ảnh hưởng mùa màng.

Theo bác sỹ thú y Phạm Vũ (Hà Nội, thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi thất thường như sáng trời nắng chiều chuyển mưa, hay thời tiết nắng nóng vài ngày chuyển sang mưa và nền nhiệt độ hạ thấp đột ngột làm cho gia cầm không kịp thích nghi, sức đề kháng giảm. 

Vì vậy để đảm bảo sức khỏe và nâng cao sức đề kháng cho đàn vật nuôi vào thời điểm giao mùa, người chăn nuôi cần phải áp dụng nhiều biện pháp như che chắn chuồng trại; điều chỉnh chế độ dinh dưỡng hợp lý...

Đối với chuồng trại, ông Vũ khuyến cáo bà con cần che chắn chuồng trại, tránh mưa tạt, gió lùa bằng hệ thống bạt dễ thao tác và tháo lắp khi thời tiết thay đổi đột ngột; khi nhiệt độ môi trường giảm hoặc xuống thấp cần chuẩn bị thiết bị sưởi như bóng điện, chụp sưởi…, chuẩn bị chất độn chuồng như trấu, mùn cưa…để giữ ấm cho đàn vật nuôi (nhất là gia cầm còn non).

Tăng cường thu gom chất thải, quét dọn chuồng nuôi, hàng ngày rửa sạch máng ăn, máng uống. Định kỳ phun sát trùng chuồng nuôi và khu vực xung quanh chuồng bằng các loại hóa chất như vôi bột, Iodine,Vikol…(khu vực xung quanh chuồng nuôi ít nhất tháng 1 lần, trong chuồng nuôi ít nhất tháng 2 lần. Đồng thời, phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh để hạn chế nơi trú ẩn của các vật trung gian truyền bệnh như ruồi, muỗi, bọ chuột...

Đối với chế độ dinh dưỡng cho gia cầm, ông Phạm Vũ lưu ý người nuôi cần cung cấp thức ăn, nước uống sạch sẽ, dễ tiêu, phù hợp với lứa tuổi của vật nuôi. Đồng thời bổ sung điện giải Bcomplex, vitamin, men tiêu hóa nhằm nâng cao sức đề kháng cho con vật.

Đối với gà con ở giai đoạn úm tốt nhất nên sử dụng thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh để đảm bảo đủ dinh dưỡng. Những ngày nhiệt độ xuống thấp, trời lạnh cần cho con vật uống nước ấm, thực hiện tốt quy trình úm cho gia cầm giai đoạn nhỏ. 

Bên cạnh đó, bà con chăn nuôi cần tiêm vaccine phòng bệnh đầy đủ, đúng lịch cho gia cầm theo hướng dẫn của cơ quan thú y.

Ngoài ra, các trại cũng có thể sử dụng các loại thảo mộc có thành phần kháng sinh như tỏi, gừng, nghệ… trộn vào thức ăn hoặc nước uống của vật nuôi để phòng một số bệnh thường gặp khi thời tiết thay đổi đột ngột như hen suyễn, tiêu chảy...


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem