4.000 tấn chân gà nhập khẩu từ đầu năm, Cục Thú y nói gì về chất lượng?

Bình Minh Thứ hai, ngày 22/05/2023 09:37 AM (GMT+7)
Bà Nguyễn Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NNPTNT) cho rằng, Cục Thú y thẩm định các hồ sơ về dịch bệnh cũng như cả quá trình giám sát an toàn thực phẩm tại nước nhập khẩu. Vì vậy, nói là sản phẩm không đảm bảo chất lượng nhập khẩu vào Việt Nam là chưa phù hợp.
Bình luận 0

Thời gian gần đây, nhiều cơ quan thông tin đại chúng phản ánh tình trạng thịt gia cầm và các sản phẩm thịt ngoại, nội tạng động vật được cho phép nhập khẩu ồ ạt vào thị trường Việt Nam (cùng với đó là gia cầm lậu thải loại - gà sống từ Thái Lan vào miền Nam và miền Trung nước ta), dẫn đến giá heo, gà trong nước rớt mạnh, nông dân có nguy cơ phá sản. 

Trước thông tin trên, ngày 21/5, bà Nguyễn Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NNPTNT) đã có những thông tin chia sẻ với các cơ quan báo chí.

Trước đó, ngày 17/5, ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam (VIPA) cho biết Hiệp hội vừa có đơn kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng cùng các bộ, ngành liên quan về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành gia cầm.

4.000 tấn chân gà được nhập khẩu từ đầu năm, nói sản phẩm không đảm bảo chất lượng là chưa phù hợp - Ảnh 1.

Người dân chọn mua đùi gà nhập khẩu tại một siêu thị lớn ở Hà Nội. Ảnh: Trần Quang

Đáng chú ý, VIPA cho biết tình trạng vận chuyển, buôn bán trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới vào Việt Nam tiếp tục diễn biến phức tạp. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, mỗi tháng có hàng chục nghìn tấn gà sống thải loại được nhập lậu qua biên giới vào Việt Nam. Trong 5 năm gần đây, sản lượng thịt gà nhập khẩu vào Việt Nam tăng liên tục, theo ước tính chiếm 20-25% tổng sản lượng thịt gà tiêu thụ ở nước ta.

"Thời gian qua, có rất nhiều phụ phẩm chăn nuôi giá rất rẻ như chân, đầu, cổ, cánh, da, lòng mề gia cầm, đặc biệt gà đẻ loại thải đông lạnh đã bỏ đầu, bỏ chân và nội tạng, được nhập khẩu với khối lượng rất lớn vào thị trường Việt Nam làm thực phẩm cho người. Đáng nói là ở nhiều nước, họ không ăn các sản phẩm này", ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam cho biết.

Sau khi nhận được công văn của Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam, mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã trực tiếp ký Công điện số 426/CĐ-TTg ngày 18-5, yêu cầu các bộ liên quan ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới vào Việt Nam.

4.000 tấn chân gà được nhập khẩu từ đầu năm, nói sản phẩm không đảm bảo chất lượng là chưa phù hợp - Ảnh 3.

Bà Nguyễn Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Thú y cho biết, từ đầu năm chỉ có khoảng 4.000 tấn chân gà và hơn 400 tấn gà, vịt giống được nhập khẩu vào Việt Nam. Ảnh: PV

Liên quan đến thông tin để gà loại thải, không đảm bảo chất lượng tuồn vào Việt Nam, Phó Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Thu Thủy khẳng định, một sản phẩm thịt hoặc phụ phẩm nhập khẩu có mặt trên thị trường Việt Nam phải tuân thủ quy trình 5 bước và phải trải qua quá trình đàm phán tối thiểu từ 4 đến 5 năm.

Từ đầu năm đến nay, chỉ có khoảng 4.000 tấn chân gà và hơn 400 tấn gà, vịt giống được nhập khẩu vào Việt Nam.

Theo đại diện Cục Thú y, Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) nên việc đàm phán phải theo nguyên tắc không phân biệt đối xử bất cứ một sản phẩm nào khi được nhập khẩu vào Việt Nam.

“Cục Thú y thẩm định các hồ sơ về dịch bệnh cũng như cả quá trình giám sát an toàn thực phẩm tại nước nhập khẩu. Vì vậy, nói là sản phẩm không đảm bảo chất lượng nhập khẩu vào Việt Nam là chưa phù hợp”, bà Thủy nêu quan điểm.

Mặc dù vậy, đại diện Cục Thú y cũng khẳng định, sắp tới sẽ rà soát lại các tiêu chuẩn cũng như sản phẩm của các nước mà hiện nay Việt Nam nhập khẩu nhiều.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem