Một thứ cây ở Bình Phước, dân đào bật lên toàn củ là củ đỏ, cám cảnh là xanh mắt tìm người mua

Thứ hai, ngày 22/05/2023 10:38 AM (GMT+7)
Tại xã An Khương, huyện Hớn Quản, (tỉnh Bình Phước) một số nông hộ trồng nghệ đỏ đã quá vụ thu hoạch nhưng vẫn không có người thu mua. Hàng chục tấn nghệ đỏ đã được đào lên và còn dưới mặt đất vẫn “nằm chờ” thương lái
Bình luận 0

Thời điểm này, nhiều cây trồng, hoa màu ngắn ngày trên địa bàn tỉnh Bình Phước bước vào vụ thu hoạch. Tuy nhiên, nông dân đang gặp khó về đầu ra cho nông sản. 

Tại xã An Khương, huyện Hớn Quản, một số nông hộ trồng nghệ đỏ đã quá vụ thu hoạch nhưng vẫn không có người thu mua. Hàng chục tấn nghệ đỏ đã được đào lên và còn dưới mặt đất vẫn “nằm chờ” thương lái.

Tính “Lấy ngắn nuôi dài" nhưng bất thành

Đây là năm thứ 2 bà Lê Thị Hạnh ở tổ 6, ấp 2, xã An Khương trồng nghệ đỏ. Với phương châm “lấy ngắn, nuôi dài”, bà Hạnh trồng xen các loại cây hoa màu ngắn ngày trong vườn cao su mới trồng để có nguồn thu. Tuy nhiên, đã quá vụ thu hoạch mà bà vẫn không bán được nông sản.

Một thứ cây ở Bình Phước, dân đào bật lên toàn củ là củ đỏ, cám cảnh là xanh mắt tìm người mua - Ảnh 1.

Vườn trồng nghệ đỏ của gia đình bà Lê Thị Hạnh ở tổ 6, ấp 2, xã An Khương, huyện Hớn Quảng, tỉnh Bình Phước đạt năng suất cao nhưng đang khó đầu ra.

Năm 2021, bà Hạnh trồng 0,1 ha nghệ đỏ thu được gần 5 tấn củ, với giá bán 6.000 đồng/kg. Thấy nghệ đỏ dễ trồng, vốn đầu tư ít lại cho năng suất cao nên năm 2022, bà tiếp tục trồng 3 tạ nghệ giống cho vụ thứ 2. 

Theo bà Hạnh, nghệ thường được trồng vào tháng 5, 6 và thu hoạch vào tháng 12 hằng năm. Tuy nhiên, do đầu ra khó khăn nên hiện gia đình bà vẫn chưa dám thu hoạch nghệ, dù đã quá lứa. Bà Hạnh cho biết, năm nay nghệ đỏ tươi mua tại vườn có giá khoảng 5.000 đồng/kg, nhưng vẫn không có người mua.

“Vụ nghệ trước, thương lái vào tận vườn thu mua, còn năm nay nghệ vẫn chưa bán được. Cây nghệ khó đầu ra, khi thương lái vào mua có đặt vấn đề ký hợp đồng, nhưng người nông dân không biết số lượng thu được bao nhiêu để ký.

Nếu ký mà không đủ số lượng cung cấp thì phải đền hợp đồng. Củ nghệ nằm dưới đất mà thương lái lại mua trên giấy tờ… nên nông dân không dám ký hợp đồng mua bán. Cơ hội đến tay không dám nắm bắt. Rồi khi biết sản lượng vượt trội lại không có người thu mua. Tôi mong các cơ quan chức năng có giải pháp hỗ trợ nông dân về đầu ra cho nghệ đỏ” - bà Hạnh kiến nghị.

Mong được hỗ trợ tiêu thụ củ nghệ đỏ

Theo các nông hộ, nghệ là một trong những cây ngắn ngày dễ trồng, chi phí đầu tư thấp, tuy nhiên cần nhiều công chăm sóc, làm cỏ, vun luống… 

Đặc biệt, người trồng phải thường xuyên cắt tỉa lá ở gần gốc cây để dưỡng chất tập trung nuôi củ. Nghệ thường bị bệnh nấm củ, nếu làm tốt phòng và trị bệnh thì sẽ đạt năng suất cao, ước đạt 7 tấn/sào.

Hơn 1 tấn nghệ đỏ đang chờ xuống giống cho vụ trồng mới vào đầu mùa mưa năm nay, tuy nhiên gia đình bà Vũ Thị Liên ở tổ 6, ấp 2, xã An Khương vẫn bỏ ngỏ chưa dám trồng vì lo không có đầu ra. Hiện gia đình bà Liên cũng còn khoảng 4-5 tấn nghệ chưa bán được.

Cũng gặp khó khăn trong tìm đầu ra cho 5-7 tấn nghệ của gia đình, anh Đinh Văn Hoàng ở xã An Khương cho biết: Năm nay, giá bán nghệ rẻ hơn so với năm ngoái. Nghệ đã nhổ chất đống nhưng vẫn chưa bán được. 

Những năm trước, nhiều người thu mua, họ tự làm rễ, làm đất nhưng năm nay, không có người mua nên các nông hộ phải tự cắt rễ. Nếu đầu ra ổn định, gia đình tôi mới tiếp tục trồng nghệ đỏ, còn không sẽ đổi sang trồng cây khác.

Chủ tịch Hội Nông dân xã An Khương (huyện Hớn Quảng, tỉnh Bình Phước) Phan Lê Trung Thông: Hội Nông dân mong muốn ký kết với các đơn vị chuyên thu mua, chế biến sâu sản phẩm nghệ để bao tiêu đầu ra sản phẩm cho người nông dân. Hội Nông dân cũng khuyến cáo người dân không trồng tràn lan các cây trồng mới không theo định hướng của địa phương, vì sẽ gặp khó khăn trong việc bán ra thị trường.

Nghệ là loài cây quen thuộc trong đời sống hằng ngày. Củ nghệ không chỉ được dùng làm gia vị trong các món ăn mà còn được biết đến như một loại “thần dược” chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp. 

Củ nghệ thường được sử dụng tươi và chế biến tinh bột nghệ hoặc được sản xuất thành dạng nghệ viên. Cây nghệ dễ trồng, tuy nhiên người dân cần chú ý không trồng tràn lan tránh tình trạng cung vượt cầu, không tìm được đầu ra cho sản phẩm.

Chủ tịch Hội Nông dân xã An Khương Phan Lê Trung Thông cho biết: Thời gian qua, trên địa bàn xã An Khương có một số hộ nông dân đã chuyển đổi qua trồng cây nghệ đỏ. Nghệ là cây trồng mới trên địa bàn nên khi thu hoạch các nông hộ gặp tình trạng thị trường bão hòa do nhiều nơi trồng đã có thương hiệu dễ bán; mặt khác bị thương lái ép giá. Đối với cây nghệ, hiện địa phương chưa quy hoạch, chưa định hướng người nông dân trồng. 

Trước tình trạng các nông hộ trồng, không có đầu mối tiêu thụ, các cấp chính quyền, đặc biệt hội cũng đã cố gắng tìm, liên kết với những đơn vị thu mua và các công ty chuyên sản xuất sâu về sản phẩm nghệ để hỗ trợ đầu ra. Tuy nhiên, sản phẩm còn mới nên khó tiếp cận.

Ngọc Quế (Báo Bình Phước)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem