Ông An khẳng định, hiện phụ tải điện cả nước có ngày cao nhất lên đến 900 triệu kWh, trong khi đó điện tái tạo công suất cao nhất là 106 triệu kWh/ngày. Trong trường hợp điện tái tạo công suất cực đại, EVN sẽ điều tiết, phối trộn điện tái tạo, giảm điện than, khí để cân đối đường dây đảm bảo an toàn kỹ thuật.
Trả lời hàng loạt vấn đề nóng về điện tái tạo, tình hình cung ứng điện mới đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đăng Hoàng An, có 16 dự án đang hòa lưới thử nghiệm chờ các chứng chỉ để vận hành thương mại, tổng công suất khả dụng hơn 780MW, trong đó có 5 dự án đã hoàn thành mọi thủ tục pháp lý, chờ vận hành thương mại trong vài ngày tới.
Theo thông tin, đến ngày 27/5 đã có 52/85 dự án điện tái tạo chuyển tiếp, với công suất 3.552 MW đã chuyển hồ sơ đến EVN để đàm phán, còn 33 dự án chưa nộp hồ sơ.
Trong 52 dự án, có 39 dự án với công suất khả dụng 2.363 MW đề xuất của EVN ký sớm với mức giá 50% khung giá. Ông An khẳng định, về phía Bộ Công Thương đã chỉ đạo EVN gấp rút hoàn tất cả thủ tục, còn các chủ đầu tư cũng phải cố gắng hoàn tất các thủ tục pháp lý.
Đề cập đến lo ngại đường dây truyền tải Bắc - Nam khó có thể đáp ứng được công suất điện mặt trời, Thứ trưởng Bộ Công Thương khẳng định, EVN điều tiết, phối trộn, về cơ bản là đáp ứng được.
"Nếu các dự án có đầy đủ pháp lý thì EVN huy động hết", ông Đặng Hoàng An nói. "Một ngày sản lượng của điện tái tạo phát ra trên 106 triệu kWh, trong khi đó phụ tải hệ thống bình quân cao nhất là trên 900 triệu kWh (sản lượng tiêu thụ)/ngày, "về cơ bản là dùng hết".
Thứ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh: Đường dây truyền tải Bắc Nam 500kV hiện có 4 mạch, điểm tiếp nhận điện ra miền Bắc là ở địa bàn Vũng Áng - Hà Tĩnh. Đối với năng lượng tái tạo, điện mặt trời sẽ có từ 10 giờ đến 14 giờ, thời điểm bức xạ cao nhất. Sau đó giảm dần, vào lúc đó năng lượng tái tạo tối đa thì giảm công suất các loại điện khác, để phối trộn, duy trì mức truyền tải mức phù hợp 2.400MW trên đường dây 500kV điểm miền Bắc nhận điện truyền tải.
Lãnh đạo Bộ khẳng định: "Về kỹ thuật truyền tải, không thể truyền tải vượt công suất để bảo vệ đường dây, cần đảm bảo về mặt kỹ thuật".
Cũng theo ông An, ngành điện cần điều tiết, phối trộn điện tái tạo và nhiệt điện trong bối cảnh hiện nay. Khi điện gió, điện mặt trời tối đa, sẽ cần cắt giảm các loại điện than, khí để sử dụng triệt để điện đưa lên đường dây 500kV đúng yêu cầu kỹ thuật.
"Huy động năng lượng tái tạo, tôi khẳng định trừ những chỗ không có đường dây hoặc đường dây quá tải, còn những nơi nào có nguồn truyền tải, EVN đã huy động hết!", lãnh đạo Bộ Công Thương thông tin.
Ông An cho rằng, dự án nào đúng pháp luật, Bộ Công Thương tạo điều kiện huy động hết. "EVN báo cáo hết trưa ngày 27/5 có 5 dự án điện tái tạo, công suất 303MW sẽ được nối lưới vài ngày tới, tôi hỏi có tồn chỗ nào không, anh em bảo không tồn!", ông An thông tin.
Liên quan đến số lỗ lớn của EVN khi tỷ lệ nguồn điện của EVN chỉ chiếm ít trong cơ cấu nguồn điện cả nước, các nhà đầu tư nguồn điện khác vẫn đảm bảo chi phí, không lỗ, ông An phân tích: "EVN là người mua duy nhất, khi thị trường phát điện cạnh tranh, mà thị trường bán lẻ điện vẫn theo sự điều tiết của Nhà nước".
Về nguyên tắc thị trường phát điện cạnh tranh, EVN mua điện sẽ phải mua từ giá thấp đến cao, tổ nào chào thấp huy động trước, cao huy động sau.
"Ở thị trường bán lẻ cạnh tranh, theo thiết kế, lúc đấy các nhà mua điện được chọn nơi mua điện, lúc ấy ông mua điện chạy dầu phải tự bỏ tiền, không ai mua hộ. Bây giờ EVN là người mua duy nhất (single buyer), mua giá đắt như này thì chả dồn vào EVN thì dồn vào đâu? Giá bán lẻ cuối cùng cho khách hàng lại do Nhà nước điều tiết", ông An nhấn mạnh.