Bộ Công Thương thông tin “nóng” về việc nhập điện từ Trung Quốc, Lào
Bộ Công Thương thông tin “nóng” về việc nhập điện từ Trung Quốc, Lào
An Linh
Thứ sáu, ngày 26/05/2023 14:28 PM (GMT+7)
Bộ Công Thương vừa phát đi thông báo về tình hình đàm phán giá điện từ các dự án điện chuyển tiếp và việc nhập khẩu điện từ Trung Quốc và Lào về Việt Nam.
52/85 dự án tái tạo đã nộp hồ sơ đàm phán giá điện
Tính đến thời điểm ngày 26/5, có 52/85 nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp với tổng công suất 3.155 MW (chiếm tỉ lệ 67%) đã gửi hồ sơ cho Công ty Mua bán điện (thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam) để đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện.
Trong đó, 42 nhà máy với tổng công suất 2.258,9 MW đã đang tiến hành thỏa thuận giá điện với EVN; 36 nhà máy với tổng công suất 2.063,7 MW đề xuất giá điện tạm bằng 50% khung giá để làm cơ sơ huy động. Hiện vẫn còn 33 nhà máy điện với tổng công suất 1.581 MW chưa gửi hồ sơ đàm phán (chiếm tỉ lệ khoảng 33%).
Bên cạnh đó, có nhiều chủ đầu tư vi phạm các các quy định pháp luật về quy hoạch, đất đai, đầu tư xây dựng… nên còn chưa đáp ứng các thủ tục pháp lý, chưa thể đàm phán giá với EVN. Một số chủ đầu tư đã được yêu cầu bổ sung hồ sơ từ cuối tháng 3/2023 nhưng sau 2 tháng vẫn không bổ sung được.
Bộ Công Thương nhấn mạnh: "Đây là lúc các chủ đầu tư cần gấp rút hoàn chỉnh thủ tục và nộp hồ sơ để việc thoả thuận giá điện không bị kéo dài, rút ngắn thời gian đưa các dự án này vào vận hành, từng bước giải quyết bài toán kinh doanh của doanh nghiệp".
Bộ Công Thương cho hay, đã phê duyệt giá tạm thời cho 19 nhà đầu tư đề xuất về việc áp dụng mức giá tạm trong thời gian đàm phán với tổng công suất 1.346,82 MW và hiện có thêm 17 nhà máy điện chuyển tiếp đang được EVN hoàn thiện thủ tục để trình Bộ Công Thương phê duyệt trong tháng 5/2023.
"Sau khi các dự án điện này đáp ứng đầy đủ quy định, các nhà máy này sẽ được huy động điện lên lưới điện quốc gia", Bộ Công Thương nêu rõ.
Đối với các nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp còn vướng mắc thủ tục pháp lý, Bộ Công Thương cho biết đã chỉ đạo các đơn vị chức trực thuộc cũng như đề nghị UBND các tỉnh chỉ đạo Sở Công Thương phối hợp với các chủ đầu tư khẩn trương thực hiện công tác thẩm định thiết kế, thiết kế điều chỉnh (nếu có) và kiểm tra công tác nghiệm thu theo thẩm quyền.
Đồng thời, yêu cầu Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo hướng dẫn các chủ đầu tư vướng mắc về quy hoạch trong quá trình điều chỉnh chủ trương đầu tư.
Trong quá trình triển khai dự án, các chủ đầu tư phải chấp hành đầy đủ các quy định pháp luật về đất đai, xây dựng, điện lực, quy hoạch, môi trường, phòng cháy chữa cháy… Theo thống kê, tính đến 23/5/2023 mới chỉ có 18/85 nhà máy điện năng lượng tái tạo chuyển tiếp (chiếm khoảng 18,8%) đã được cấp giấy phép hoạt động điện lực.
Đối với 19 nhà máy điện đã thống nhất giá tạm thời thì đã có 13 nhà máy điện đã được cấp giấy phép hoạt động điện lực trong đó 12 nhà máy điện được cấp với toàn bộ công suất theo quy hoạch, 1 nhà máy điện gió mới được cấp giấy phép một phần. Tuy vậy, có đến 12 dự án chuyển tiếp đã nộp hồ sơ đàm phán giá nhưng chưa nộp hồ sơ cấp phép (gồm 11 dự án điện gió, 1 dự án điện mặt trời).
Tỷ trọng nhập khẩu điện nhỏ, đảm bảo an ninh năng lượng
"Từ số liệu về giấy phép hoạt động điện lực đã được cấp nêu trên, có thể thấy việc hoàn thiện hồ sơ pháp lý để cấp giấy phép hoạt động điện lực còn chưa được các chủ đầu tư quan tâm đúng mức, dẫn tới việc chậm trễ trong khâu chuẩn bị và nộp hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền", Bộ Công Thương chỉ ra.
Bộ Công Thương cho biết, hiện hệ thống điện quốc gia, đặc biệt là hệ thống điện miền Bắc đang trong cao điểm mùa khô, vận hành trong tình trạng hết sức khó khăn, do phụ tải hệ thống tăng cao, lưu lượng nước về của các nhà máy thủy điện tiếp tục kém, tình hình nhiên liệu cho các nhà máy nhiệt điện than có nhiều khó khăn.
Bộ Công Thương đã chỉ đạo EVN phải tăng cường huy động các nguồn điện sẵn có để bổ sung cho hệ thống điện quốc gia, đồng thời khẩn trương đàm phán và huy động các nhà máy điện năng lượng tái tạo chuyển tiếp nhằm tăng công suất cho hệ thống điện.
Theo cơ quan này, việc nhập khẩu điện là chiến lược dài hạn dựa trên các mối quan hệ chính trị - kinh tế của Việt Nam nhằm đảm bảo an ninh năng lượng dài hạn của quốc gia và được xác định trong quy hoạch phát triển điện lực quốc gia từng thời kỳ.
"Việc nhập khẩu điện được tính toán kỹ lưỡng các kịch bản nhằm đảm bảo việc nhập khẩu tỉ trọng nhỏ, đảm bảo tự chủ, an ninh năng lượng quốc gia và phù hợp với các điều kiện quan hệ chính trị - kinh tế - thương mại với các nước trong khu vực", Bộ Công Thương nêu rõ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.