Đối thoại Shangri-La, do Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế tổ chức năm nay là lần thứ 20 với hàng loạt các cuộc họp song phương và đa phương bên lề chương trình chính. Thủ tướng Úc Anthony Albanese sẽ có bài phát biểu quan trọng vào lễ khai mạc tối nay.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc đều đã tới Singapore hôm nay để tham dự diễn đàn.
Cả Tướng Li và ông Austin đều là những diễn giả chính tại Đối thoại Shangri-La năm nay. Theo dự kiến, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ sẽ có bài phát biểu ngày 3/6 về vai trò lãnh đạo của Mỹ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, trong khi Tướng Li sẽ phát biểu tại phiên đầu tiên vào ngày 4/6 về các sáng kiến an ninh mới của Trung Quốc.
Từ chối gặp nhau
Một trong những trọng tâm chú ý lần này là quan hệ căng thẳng giữa Mỹ - Trung với việc Trung Quốc đã từ chối đề nghị của Mỹ về một cuộc gặp bộ trưởng quốc phòng song phương.
Mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington xuống mức rất thấp sau chuyến thăm Đài Loan tháng 8/2022 của bà Nancy Pelosi, Chủ tịch Hạ viện Mỹ vào thời điểm đó, cho dù Trung Quốc đã cảnh báo Mỹ về việc tôn trọng cam kết của họ đối với nguyên tắc “một Trung Quốc”.
Đầu năm nay, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã hoãn chuyến công du tới Bắc Kinh sau khi Washington bắn hạ thứ mà họ mô tả là một khinh khí cầu giám sát khả dĩ ngoài khơi bờ biển Nam Carolina. Trung Quốc khẳng định khinh khí cầu không nhằm mục đích do thám.
Ngoài ra, ông Lý Thượng Phúc đã bị chính quyền Donald Trump trừng phạt vì vai trò của ông trong việc mua vũ khí Nga cho quân đội Trung Quốc.
Drew Thompson, cựu quan chức quốc phòng Mỹ, nghiên cứu viên cao cấp của Trường Chính sách công Lý Quang Diệu cho biết: “Tôi không ngạc nhiên khi không có cuộc gặp nào, xét đến mối quan hệ căng thẳng hiện nay. Bất kỳ cuộc gặp nào giữa các vị Austin và Li sẽ trấn an các quốc gia khác trong khu vực, nhưng tôi không nghĩ rằng nó sẽ thay đổi động lực an ninh hoặc khả năng gây bất ổn”.
Gần đây, những lo ngại của khu vực đã được nhấn mạnh khi Lầu Năm Góc cáo buộc một máy bay chiến đấu của Trung Quốc đã thực hiện một “hành động gây hấn không cần thiết” đối với một máy bay trinh sát của Mỹ ở Biển Đông vào cuối tuần trước.
Tại một cuộc họp báo thường kỳ vào ngày 19/5, khi được hỏi về chính sách đối ngoại của Mỹ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Văn Bân cho biết Trung Quốc không thích “ép buộc và bắt nạt”. “Chúng tôi luôn có lập trường rõ ràng chống lại chủ nghĩa bá quyền, chủ nghĩa đơn phương và ngoại giao cưỡng ép” - ông Vương nói.
Trung Quốc dự kiến sẽ tăng chi tiêu quốc phòng trong năm nay thêm 7,2% lên 1,56 nghìn tỷ Nhân dân tệ (220 tỷ USD) - tốc độ tăng hàng năm nhanh nhất trong 4 năm.
Dù không gặp nhau, song Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và Trung Quốc đều đã có kế hoạch cho hàng loạt cuộc gặp đối tác từ các nước khác. Sáng nay, cả hai người đã có những cuộc gặp riêng với ãnh đạo Singapore.
Quyền Thủ tướng Singapore Lawrence Wong đã tiếp Ủy viên Quốc vụ kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc.
Phó Thủ tướng Wong đảm nhiệm vai trò thay ông Lý Hiển Long, bởi Thủ tướng Lý Hiển Long đã có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19 và đang hồi phục sức khỏe.
Bộ Quốc phòng (Mindef) cho biết trong một tuyên bố, ông Wong và tướng Li cũng đã trao đổi quan điểm về các diễn biến an ninh toàn cầu và khu vực tại cuộc họp.
Trong một diễn biến khác, Bộ trưởng Quốc phòng Ng Eng Hen đã gặp Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin. Hai bên thảo luận về những diễn biến địa chính trị ở châu Á-Thái Bình Dương và nhất trí về tầm quan trọng của việc Mỹ tiếp tục can dự vào khu vực.
Lầu Năm Góc cho biết, ông Lloyd Austin có thể sẽ gặp “các nhà lãnh đạo chủ chốt để thúc đẩy quan hệ đối tác quốc phòng của Hoa Kỳ trong khu vực” , đặc biệt là từ ASEAN. Singapore là điểm dừng chân thứ hai của ông Austin trong chuyến đi cấp tốc, bao gồm các điểm dừng khác là Nhật Bản, Ấn Độ và Pháp.
Cách tiếp cận khác biệt
CNBC dẫn lời các nhà quan sát cho rằng, mối quan hệ băng giá giữa Trung Quốc và Mỹ có thể sẽ cần một cuộc gặp giữa Chủ tịch Tập và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden trước khi có thể thiết lập lại các kết nối.
Các cơ hội sắp tới cho hai nhà lãnh đạo bao gồm cuộc họp thượng đỉnh G20 tại New Delhi vào tháng 9 và cuộc họp của các nhà lãnh đạo Hợp tác Kinh tế Châu Á Thái Bình Dương APEC tại San Francisco vào tháng 11.
Cho đến lúc đó, quan hệ xấu giữa hai quốc gia có thể sẽ phủ bóng đen lên tất cả các quốc gia khác.
Chin-Hao Huang, tác giả cuốn “Quyền lực và sự kiềm chế trong sự trỗi dậy của Trung Quốc” và là phó giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Yale-NUS ở Singapore nói: “Mỹ sẽ cố gắng nâng cao vai trò và ảnh hưởng của mình, với sự phụ thuộc ngày càng tăng vào các lợi thế và khả năng quân sự vì lo ngại mất đi vị thế siêu cường của mình”.
“Tuy nhiên, từ châu Á, các ưu tiên có thể hơi khác,” ông nói thêm. “Thay vì tham gia vào một cuộc chạy đua vũ trang toàn diện, các quốc gia trong khu vực phản ứng và đối phó với Trung Quốc một cách thực tế vì họ ở gần nhau về mặt địa lý…”. Cách tiếp cận này, theo ông, không phải những phát ngôn cứng rắn hoặc nhấn mạnh đến khả năng quân sự.
Ông cho biết điều quan trọng nhất đối với sự ổn định khu vực là đảm bảo tiếp tục tiếp cận thương mại và phát triển kinh tế.
“Vì vậy, có một chút khác biệt với các cách tiếp cận chính sách đối ngoại của Mỹ có xu hướng quá nhấn mạnh đến sự răn đe quân sự hoặc an ninh như là phản ứng mặc định đối với sự trỗi dậy của Trung Quốc” - Huang nói thêm.
Từ phía EU là "một phái đoàn cấp cao chưa từng có của châu Âu" sẽ tới Shangri-La, theo bình luận của tờ Politico. Phái đoàn bao gồm Thủ tướng Estonia Kaja Kallas, người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU Josep Borrell, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksiy Reznikov,.Bộ trưởng Quốc phòng Vương quốc Anh Ben Wallace dự kiến cũng sẽ đích thân tham dự - cũng như các bộ trưởng quốc phòng Đức Boris Pistorius, BTQP Hà Lan Kajsa Ollongren và BTQP Thụy Điển Pål Jonson. Mục tiêu của họ là nhấn mạnh vấn đề Ukraine, trong đó bao gồm cả việc thúc đẩy sự tham gia của Trung Quốc và người ta có thể trông đơi cuộc gặp của các quan chức Châu Âu với Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc.