Ngày 4/6, sau 7 giờ đàm phán, OPEC+ đã đạt được một thỏa thuận rộng hơn về chính sách sản lượng. Theo đó, OPEC+ gia hạn việc cắt giảm sản lượng dầu cho đến cuối năm 2024. Điều này đã thúc đẩy giá dầu tăng vọt trong phiên giao dịch sáng nay.
Giá dầu thế giới được ghi nhận vào sáng ngày 5/6 (7h38 giờ Việt Nam) cụ thể như sau: Dầu thô WTI của Mỹ ở mức 73,009 USD/thùng, tăng 1,77% trong phiên, trong khi giá dầu Brent đứng ở mức 77,522 USD/thùng, tăng 1,83% trong phiên.
Giá dầu hôm nay tăng vọt sau khi nhà xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới - Arab Saudi cam kết giảm sản lượng thêm 1 triệu thùng/ngày trong tháng 7.
Bộ năng lượng Arab Saudi cho biết sản lượng của nước này sẽ giảm xuống 9 triệu thùng/ngày trong tháng 7 từ khoảng 10 triệu thùng/ngày trong tháng 5, mức giảm lớn nhất trong nhiều năm.
Cam kết giảm tự nguyện của Arab Saudi cùng với một thỏa thuận lớn hơn của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh gồm cả Nga nhằm hạn chế nguồn cung vào năm 2024 khi tổ chức này tìm cách thúc đẩy giá dầu đang giảm.
Nhóm liên minh, còn được gọi là OPEC+, đã bơm khoảng 40% lượng dầu thô của thế giới và đã giảm 3,66 triệu thùng/ngày, chiếm 3,6% nhu cầu toàn cầu.
Thực tế, OPEC+ đã cắt giảm 3,6 triệu thùng/ngày, chiếm 3,6% nhu cầu toàn cầu, bao gồm việc cắt giảm 2 triệu thùng/ngày hồi cuối năm ngoái và cắt giảm tự nguyện 1,6 triệu thùng/ngày tại cuộc họp hồi tháng 4. Những cắt giảm này có hiệu lực cho đến cuối năm 2023. Ngày 4/6, sau 7 giờ đàm phán, OPEC+ đã đạt được một thỏa thuận rộng hơn về chính sách sản lượng. Theo đó, OPEC+ gia hạn việc cắt giảm cho đến cuối năm 2024.
Các nhà phân tích cho biết quyết định của OPEC+ đã gửi một tín hiệu rõ ràng rằng nhóm này sẵn sàng hỗ trợ giá và cố gắng ngăn chặn các nhà đầu cơ.
Các nhà sản xuất dầu mỏ đang phải nỗ lực ứng phó với tình hình giá cả "lao dốc" và biến động thị trường trong bối cảnh xung đột ở Ukraine, vốn đã ảnh hưởng đến các nền kinh tế trên toàn thế giới.
Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) gồm 13 thành viên đã tham vấn với 10 quốc gia sản xuất dầu mỏ khác, bao gồm cả Nga (OPEC+) để xem xét chính sách về sản lượng dầu trong tương lai của tổ chức này.
Tại thị trường trong nước, ngày 1/6, liên Bộ Công Thương – Tài chính đã công bố giá cơ sở đối với các mặt hàng xăng dầu cho kỳ điều hành từ ngày 1/6.
Ở kỳ điều chỉnh ngày 1/6, giá xăng dầu trái chiều, xăng tăng 390 - 516 đồng/lít, dầu giảm 11 - 275 đồng/lít, kg.
Tại kỳ điều hành giá xăng dầu này, liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định trích lập Quỹ BOG: Thực hiện trích lập Quỹ BOG đối với mặt hàng xăng E5 RON 92 ở mức 300 đồng/lít (như kỳ trước), xăng RON 95 ở mức 300 đồng/lít (như kỳ trước); dầu điêzen ở mức 300 đồng/lít (như kỳ trước); dầu hỏa ở mức 300 đồng/lít (như kỳ trước); dầu mazut ở mức 300 đồng/kg (như kỳ trước). Chi sử dụng Quỹ BOG xăng dầu: Không chi Quỹ BOG đối với tất cả các mặt hàng xăng, dầu.
Sau khi thực hiện trích lập và không chi sử dụng Quỹ BOG giá xăng dầu, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường ngày 5/6 như sau: Xăng E5 RON 92: không cao hơn 20.878 đồng/lít (tăng 390 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành), thấp hơn xăng RON95-III 1,137 đồng/lít; Xăng RON95-III: không cao hơn 22.015 đồng/lít (tăng 516 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành); Dầu điêzen 0.05S: không cao hơn 17.943 đồng/lít (giảm 11 đồng/lít so với mức bán lẻ hiện hành); Dầu hỏa: không cao hơn 17.771 đồng/lít (giảm 198 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành); Dầu mazut 180CST 3.5S: không cao hơn 14.883 đồng/kg (giảm 275 đồng/kg so với giá bán lẻ hiện hành).
Theo liên Bộ Công Thương - Tài chính, thị trường xăng dầu thế giới kỳ điều hành lần này (từ ngày 22/5/2023-01/6/2023) chịu ảnh hưởng của các yếu tố như ảnh hưởng từ các động thái cắt giảm sản lượng của OPEC+; những lo ngại về vấn đề trần nợ công của Mỹ; hoạt động công nghiệp bị đình trệ và lãi suất cao hơn làm gia tăng nguy cơ suy thoái kinh tế… các yếu tố này tác động làm giá xăng dầu có diễn biến tăng giảm đan xen.
Bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa kỳ điều hành giá ngày 22/5/2023 và kỳ điều hành ngày 01/6/2023 là: 87,438 USD/thùng xăng RON92 dùng để pha chế xăng E5RON92 (tăng 2,292 USD/thùng, tương đương tăng 2,69% so với kỳ trước); 92,433 USD/thùng xăng RON95 (tăng 2,800 USD/thùng, tương đương tăng 3,12% so với kỳ trước); 87,903 USD/thùng dầu hỏa (giảm 1,285 USD/thùng, tương đương giảm 1,44% so với kỳ trước); 89,059 USD/thùng dầu điêzen (giảm 0,126 USD/thùng, tương đương giảm 0,14% so với kỳ trước); 424,785 USD/tấn dầu mazut 180CST 3,5S (giảm 10,792 USD/tấn, tương đương giảm 2,48% so với kỳ trước).
Tình hình dịch bệnh Covid-19 trong nước đang được kiểm soát, các hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp đã phục hồi trở lại.
Kỳ điều hành này, trước diễn biến giá xăng dầu thế giới nêu trên và các quy định hiện hành, liên Bộ Công Thương – Tài chính quyết định: giữ nguyên mức trích lập Quỹ BOG đối với tất cả các mặt hàng xăng dầu như kỳ trước và tiếp tục không chi Quỹ BOG đối với tất cả các mặt hàng xăng dầu.
Phương án điều hành giá xăng dầu nêu trên nhằm góp phần bảo đảm biến động giá xăng dầu trong nước cơ bản phù hợp với biến động của giá xăng dầu thế giới; tiếp tục duy trì mức chênh lệch giá giữa xăng sinh học E5 RON 92 và xăng khoáng RON 95 ở mức hợp lý để khuyến khích sử dụng xăng sinh học nhằm bảo vệ môi trường theo chủ trương của Chính phủ; bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường, giúp hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu duy trì, cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước; hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế xã hội, hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân.
Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát việc thực hiện trách nhiệm bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường của các thương nhân kinh doanh xăng dầu và sẽ xử lý nghiêm các hành vi vi phạm (nếu có).
Tính từ đầu năm 2023 đến nay, giá xăng đã có 16 đợt điều chỉnh, trong đó có 9 đợt tăng, 6 đợt giảm và 1 đợt giữ nguyên.
Tại cuộc họp về bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước vừa qua, cho rằng nguồn cung trong nước vẫn còn bị động, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên yêu cầu các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối cần thực hiện nghiêm túc, đầy đủ tổng nguồn tối thiểu đã được Bộ Công Thương phân giao từ đầu năm (cả về số lượng và chủng loại) để đảm bảo cung cấp liên tục xăng dầu cho khách hàng; phải chủ động nguồn hàng trong mọi tình huống (cả nguồn trong nước và nhập khẩu).
Bộ trưởng cũng lưu ý, các doanh nghiệp đầu mối cần có sự trao đổi thống nhất, phối hợp thường xuyên, chặt chẽ với thương nhân phân phối và doanh nghiệp bán lẻ để có được tiếng nói chung và hài hòa về lợi ích.
Theo báo cáo của Vụ Dầu khí và Than (Bộ Công Thương) 4 tháng đầu năm, Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn sản xuất hơn 2,2 triệu tấn xăng dầu các loại, chiếm tới 35-40% tổng nguồn cung xăng dầu.
Tính đến giữa tháng 5, tình hình hoạt động của các nhà máy vẫn ổn định. Trong tháng 6 và quý III, quý IV, Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn dự kiến vận hành sản xuất như sản lượng đã đăng ký với Bộ Công Thương.
Điểm khó khăn nhất là Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn chiếm 35-40% thị phần, nhưng thường xuyên không ổn định, trong khi chúng ta phải ưu tiên sử dụng sản phẩm của nhà máy này.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng giải pháp lúc này là cần có phương án dự phòng nếu nhà máy tiếp tục bị trục trặc, làm thế nào để các đầu mối khác kịp nhập khẩu, nhất là trong bối cảnh địa chính trị có nhiều bất ổn, giá cả thất thường.