Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Giá dầu hôm nay 1/6 tiếp tục kéo dài chuỗi ngày giảm điểm khi đồng USD mạnh lên, trong khi xu hướng thị trường không rõ ràng.
Giá dầu thế giới được ghi nhận vào sáng ngày 1/6 (8h19 giờ Việt Nam) cụ thể như sau: Dầu thô WTI của Mỹ ở mức 67,84 USD/thùng, giảm 0,36% trong phiên, trong khi giá dầu Brent đứng ở mức 72,5 USD/thùng, giảm 0,13% trong phiên.
Giá dầu thế giới giao kỳ hạn tiếp tục giảm trong phiên giao dịch 31/5 trong bối cảnh thị trường lo ngại về nhu cầu dầu mỏ. Dữ liệu kinh tế vĩ mô và thị trường lao động yếu đã đè nặng lên tâm lý của các nhà đầu tư.
Giá dầu tiếp tục suy yếu dưới sức ép từ đà tăng của đồng USD và còn do các số liệu kinh tế tiêu cực của Trung Quốc. Chỉ số Dollar Index đã hồi phục lên 104,33 điểm, lấy lại gần hết mức giảm của phiên trước đó. Công cụ theo dõi của CME cho thấy xác suất Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất vẫn đang áp đảo ở mức 60%.
Trong khi đó, Trung Quốc công bố các chỉ số Quản lý Thu mua của tháng 5 đều tiêu cực hơn so với dự báo. Cụ thể, chỉ số PMI sản xuất giảm về 48,8 điểm và là tháng thứ 2 liên tiếp dưới 50 điểm, phản ánh sự thu hẹp của lĩnh vực sản suất Trung Quốc. Chỉ số PMI phi sản xuất, đo lường mức độ tăng trưởng trong lĩnh vực xây dựng và dịch vụ, giảm tháng thứ 3 liên tiếp về mức 54,5 điểm. Số liệu kinh tế thể hiện rõ sự “hụt hơi” của nền kinh tế lớn thứ hai toàn cầu, đồng thời là nhà nhập khẩu lớn nhất thế giới.
Hiện các tin tức trên thị trường đều bất lợi đối với giá dầu thô. Chất xúc tác chính hiện nay là cuộc bỏ phiếu trần nợ tại Hạ viện Mỹ, nơi Đảng Cộng hòa đang chiếm đa số. Nếu dự luật được thông qua thuận lợi, giá dầu có thể sẽ hồi phục. Mức độ tăng giá sẽ phụ thuộc vào các yếu tố liên thị trường như sự suy yếu của đồng USD hay sự gia tăng của thị trường chứng khoán.
Trong kịch bản ngược lại, giá dầu có thể sẽ giảm về các mức thấp hơn, với giá dầu thô WTI về 65 USD và giá dầu thô Brent có thể rơi về mức 70 USD.
Trước đó, một cuộc thăm dò cho thấy giá dầu sẽ tăng so với mức hiện tại trong bối cảnh Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, hay còn gọi là OPEC+, duy trì các hạn chế đối với nguồn cung. Tuy nhiên, những số liệu kinh tế không mấy thuận lợi sẽ khiến giá dầu giao dịch dưới 90 USD/thùng trong năm nay.
Cuộc khảo sát trên có sự tham gia của 43 nhà kinh tế và nhà phân tích, trong đó dự báo giá dầu Brent Biển Bắc sẽ ở mức trung bình 84,73 USD/thùng trong năm 2023, giảm so với mức 87,1 USD/thùng đưa ra hồi tháng 4/2023 và mức hiện tại là khoảng 73 USD/thùng.
Hầu hết các nhà phân tích dự báo dầu sẽ giao dịch quanh mức 80 USD/thùng trong năm nay. Những lo ngại về kinh tế vĩ mô là động lực chính tác động đến giá dầu thô trong năm nay, làm lu mờ các nguyên tắc cơ bản.
Giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) dự kiến sẽ ở mức trung bình 79,2 USD/thùng trong năm 2023, giảm so với mức 82,23 USD/thùng đưa ra tháng trước.
Những lo ngại xung quanh chính sách tiền tệ thắt chặt, sự sụp đổ của ngân hàng ở Mỹ, nguy cơ vỡ nợ của Mỹ và hoạt động kinh tế không đồng đều của Trung Quốc đã làm hạn chế đà tăng của thị trường dù cho rơi vào tình trạng thiếu hụt nguồn cung trong nửa cuối năm.
Tuy nhiên, khả năng OPEC+ tiếp tục cắt giảm sản lượng tại cuộc họp ngày 4/6 tới tại Vienna, Áo có thể tạo ra một mức giá sàn.
Với những bất ổn mang tính vĩ mô và giá dầu giảm trong tháng 5/2023, OPEC có thể sẽ muốn điều chỉnh giảm mục tiêu sản lượng hơn nữa, nhưng có thể phải mạo hiểm nhường thị phần cho Nga.
Hiện có nhiều ý kiến chia rẽ về việc liệu OPEC+ có tiếp tục cắt giảm sản lượng nhiều hơn vào cuối tuần này hay không hay giữ nguyên các mục tiêu sản xuất để đánh giá tác động của các đợt cắt giảm trước đó.
Ngay cả khi OPEC+ không cắt giảm sản lượng trong tháng 6/2023, thì mối đe dọa cắt giảm sản lượng sẽ vẫn còn miễn là giá dầu vẫn ở mức dưới 80 USD/thùng.
Trong tháng 4/2023, OPEC+ đã gây bất ngờ cho thị trường khi cắt giảm sản lượng khiến giá dầu tăng trong thời gian ngắn.
Tại thị trường trong nước, ngày 22/5, liên Bộ Công Thương – Tài chính đã công bố giá cơ sở đối với các mặt hàng xăng dầu cho kỳ điều hành từ ngày 22/5.
Ở kỳ điều chỉnh ngày 22/5, giá xăng tăng 357-499 đồng/lít, lên 20.488 đồng/lít với RON 92 và 21.499 đồng/lít với RON 95.
Tại kỳ điều hành giá xăng dầu này, liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định trích lập Quỹ BOG: Thực hiện trích lập Quỹ BOG đối với mặt hàng xăng E5 RON 92 ở mức 300 đồng/lít (như kỳ trước), xăng RON 95 ở mức 300 đồng/lít (như kỳ trước); dầu điêzen ở mức 300 đồng/lít (như kỳ trước); dầu hỏa ở mức 300 đồng/lít (như kỳ trước); dầu mazut ở mức 300 đồng/kg (như kỳ trước). Chi sử dụng Quỹ BOG xăng dầu: Không chi Quỹ BOG đối với tất cả các mặt hàng xăng, dầu.
Sau khi thực hiện trích lập và không chi sử dụng Quỹ BOG giá xăng dầu, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường ngày 1/6 như sau: Xăng E5 RON 92 không cao hơn 20.488 đồng/lít (tăng 357 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành), thấp hơn xăng RON95-III 1,011 đồng/lít; Xăng RON 95-III không cao hơn 21.499 đồng/lít (tăng 499 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành); Dầu điêzen 0.05S không cao hơn 17.954 đồng/lít (tăng 301 đồng/lít so với mức bán lẻ hiện hành); Dầu hỏa không cao hơn 17.969 đồng/lít (giảm 3 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành); Dầu mazut 180CST 3.5S: không cao hơn 15.158 đồng/kg (tăng 296 đồng/kg so với giá bán lẻ hiện hành).
Theo liên Bộ Công Thương - Tài chính, thị trường xăng dầu thế giới kỳ điều hành lần này (từ ngày 11/5/2023-22/5/2023) chịu ảnh hưởng của các yếu tố như: dự báo nhu cầu dầu thô toàn cầu tiếp tục sẽ tăng trong năm nay do nhu cầu của Trung Quốc và ảnh hưởng từ các động thái cắt giảm sản lượng của OPEC+ ; những lo ngại về vấn đề trần nợ công của Mỹ, hoạt động công nghiệp bị đình trệ và lãi suất cao hơn làm gia tăng nguy cơ suy thoái kinh tế…các yếu tố này tác động làm giá xăng dầu có diễn biến tăng giảm đan xen nhưng nhìn chung là tăng.
Bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa kỳ điều hành giá ngày 11/5/2023 và kỳ điều hành ngày 22/5/2023 là: 85,146 USD/thùng xăng RON 92 dùng để pha chế xăng E5 RON 92 (tăng 2,130 USD/thùng, tương đương tăng 2,57% so với kỳ trước); 89,633 USD/thùng xăng RON 95 (tăng 2,267 USD/thùng, tương đương tăng 2,59% so với kỳ trước); 89,187 USD/thùng dầu hỏa (tăng 0,649 USD/thùng, tương đương tăng 0,73% so với kỳ trước); 89,184 USD/thùng dầu điêzen (tăng 1,920 USD/thùng, tương đương tăng 2,20% so với kỳ trước); 435,577 USD/tấn dầu mazut 180CST 3,5S (tăng 12,971 USD/tấn, tương đương tăng 3,07% so với kỳ trước).
Tình hình dịch bệnh Covid-19 trong nước đang được kiểm soát, các hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp đã phục hồi trở lại.
Kỳ điều hành này, trước diễn biến giá xăng dầu thế giới nêu trên và các quy định hiện hành, liên Bộ Công Thương – Tài chính quyết định: giữ nguyên mức trích lập Quỹ BOG đối với tất cả các mặt hàng xăng dầu như kỳ trước và tiếp tục không chi Quỹ BOG đối với tất cả các mặt hàng xăng dầu.
Phương án điều hành giá xăng dầu nêu trên nhằm góp phần bảo đảm biến động giá xăng dầu trong nước cơ bản phù hợp với biến động của giá xăng dầu thế giới; tiếp tục duy trì mức chênh lệch giá giữa xăng sinh học E5 RON 92 và xăng khoáng RON 95 ở mức hợp lý để khuyến khích sử dụng xăng sinh học nhằm bảo vệ môi trường theo chủ trương của Chính phủ; bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường, giúp hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu duy trì, cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước; hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế xã hội, hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân.
Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát việc thực hiện trách nhiệm bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường của các thương nhân kinh doanh xăng dầu và sẽ xử lý nghiêm các hành vi vi phạm (nếu có).
Tính từ đầu năm 2023 đến nay, giá xăng đã có 15 đợt điều chỉnh, trong đó có 8 đợt tăng, 6 đợt giảm và 1 đợt giữ nguyên.
Được biết, với diễn biến giá dầu trên thế giới, doanh nghiệp đầu mối dự báo giá bán lẻ xăng dầu trong nước có thể sẽ được điều chỉnh tăng vài trăm đồng/lít trong kỳ điều hành ngày 1/6. Tuy nhiên, việc điều chỉnh giá xăng dầu kỳ này thế nào còn phụ thuộc vào việc trích lập Quỹ BOG xăng dầu và các loại phí có điều chỉnh khác nếu có.
Tuy nhiên, với sự biến động mạnh của giá xăng dầu trên thế giới hiện nay thì giá bán lẻ xăng dầu trong nước (tăng, giảm hay giữ nguyên) đang trở nên khó dự đoán, các doanh nghiệp vẫn cho rằng, giá xăng dầu kỳ này có thể được điều chỉnh tăng. Cụ thể, nếu cơ quan điều hành không thay đổi các mức chi, trích Quỹ BOG xăng dầu, giá xăng E5 RON 92 có thể tăng từ 600-800 đồng/lít; giá xăng RON 95 có thể tăng từ 700-900 đồng/lít. Nhưng nếu cơ quan điều hành thay đổi mức chi Quỹ BOG, giá xăng có thể tăng ít hơn. Tương tự, giá dầu cũng sẽ được điều chỉnh tăng mạnh.
Dữ liệu cập nhật từ Bộ Công Thương đến 29/5 cho thấy giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường Singapore có xu hướng tăng mạnh so với kỳ điều hành trước. Cụ thể, giá xăng RON 92 dùng để pha chế xăng E5 RON 92 bình quân trên thị trường Singapore là 88,13 USD/thùng; còn giá xăng RON 95 là 93,07 USD/thùng.
Giá dầu cũng có xu hướng tăng mạnh trong kỳ điều hành này. Tại kỳ điều hành ngày 22/5, bình quân giá xăng RON 92 dùng để pha chế xăng E5 RON 92 được ghi nhận là 85,146 USD/thùng; giá xăng RON 95 là 89,633 USD/thùng; giá dầu hỏa là 89,187 USD/thùng; giá dầu diesel là 89,184 USD/thùng; giá dầu mazut 180CST 3,5S là 435,577 USD/tấn.
Tại cuộc họp về bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước vừa qua, cho rằng nguồn cung trong nước vẫn còn bị động, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên yêu cầu các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối cần thực hiện nghiêm túc, đầy đủ tổng nguồn tối thiểu đã được Bộ Công Thương phân giao từ đầu năm (cả về số lượng và chủng loại) để đảm bảo cung cấp liên tục xăng dầu cho khách hàng; phải chủ động nguồn hàng trong mọi tình huống (cả nguồn trong nước và nhập khẩu).
Bộ trưởng cũng lưu ý, các doanh nghiệp đầu mối cần có sự trao đổi thống nhất, phối hợp thường xuyên, chặt chẽ với thương nhân phân phối và doanh nghiệp bán lẻ để có được tiếng nói chung và hài hòa về lợi ích.
Theo báo cáo của Vụ Dầu khí và Than (Bộ Công Thương) 4 tháng đầu năm, Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn sản xuất hơn 2,2 triệu tấn xăng dầu các loại, chiếm tới 35-40% tổng nguồn cung xăng dầu.
Tính đến giữa tháng 5, tình hình hoạt động của các nhà máy vẫn ổn định. Trong tháng 6 và quý III, quý IV, Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn dự kiến vận hành sản xuất như sản lượng đã đăng ký với Bộ Công Thương.
Điểm khó khăn nhất là Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn chiếm 35-40% thị phần, nhưng thường xuyên không ổn định, trong khi chúng ta phải ưu tiên sử dụng sản phẩm của nhà máy này.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng giải pháp lúc này là cần có phương án dự phòng nếu nhà máy tiếp tục bị trục trặc, làm thế nào để các đầu mối khác kịp nhập khẩu, nhất là trong bối cảnh địa chính trị có nhiều bất ổn, giá cả thất thường.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.