Nhiều hộ nuôi cá lồng thiệt hại tiền trăm, tiền tỷ vì cá chết
Những ngày này, nhiều nông dân nuôi cá lồng trên sông Kinh Thầy đắng lòng vì cá chết và mất ăn mất ngủ để cứu cá. Dọc 2 bờ sông Kinh Thầy, các hộ nuôi cá lồng của huyện Nam Sách và TP Chí Linh đang chạy máy nổ chạy bằng xăng và máy bơm điện để bơm nước phun lên mặt nước của từng lồng cá nhằm tạo ô xy để cá thở. Hôm 15/6, chỉ còn một vài lồng còn lác đác có cá chết, về cơ bản các lồng cá của hộ dân không còn hiện tượng cá chết. Tuy nhiên, đó là giải pháp trước mắt của người dân để cứu cá.
Còn hôm 14/6, người dân nuôi cá lồng hai bên sông Kinh Thầy ở một số địa phương của huyện Nam Sách như An Bình, Nam Tân và 1 hộ dân ở phường Tân Dân (TP Chí Linh) bị một phen mất ngủ thất thần, đắng lòng, rớt nước mắt khi chứng kiến cá trong lồng chết hàng loạt.
Chúng tôi có mặt tại khu vực nuôi cá lồng của gia đình ông Nguyễn Danh Biểu, 48 tuổi, thôn An Đoài, xã An Bình (huyện Nam Sách) khi anh đang xoay trần, người đẫm mô hôi để bật từng máy bơm nước phun vào từng lồng cá để tạo ô xy cho cá thở. Đó là công việc mà anh làm từ hôm qua đến nay. Trên gương mặt anh vẫn chưa hết thất thần trước tai họa ấp đến với các lồng cá của gia đình.
Ông Biểu kể: Như mọi khi, tôi ngủ dậy lúc 4 giờ sáng kiểm tra lồng nuôi thấy cá cứ lờ đờ nổi lên mặt lồng. Sau đó tôi huy động anh em lắp máy sục khí, bơm nước vào lồng tạo ô xy. Tuy nhiên chỉ cứu được một ít. Hiện tượng cá lờ đờ và chết xảy ra ở cả 24 lồng cá của gia đình.
Ông Biểu cho biết, gia đình ông thiệt hại từ cá và các chi phí xăng dầu để phục vụ việc bơm, sục khí khoảng 200 triệu đồng. Còn gia đình chị gái của ông có 12 lồng cá chết hết gần 80 tấn cá, thiệt hại khoảng 5 tỷ đồng. Nhà bên cạnh là anh Nguyễn Đình Quân thiệt hại 67 tấn cá. Ở xã An Bình nhiều hộ có cá chết với số lượng nhiều nhất.
"Tôi nuôi cá lồng trên sông Kinh Thầy từ năm 2014 đến nay. Trong 9 năm nuôi chưa năm nào cá bị chết nhiều như lần này. Không biết nguyên nhân thế nào nữa", ông Biểu thảng thốt, tiếc nuối.
Theo thống kê, xã An Bình có 14 hộ nuôi cá lồng, với tổng số 231 lồng. Các hộ này chủ yêu nuôi cá chép giòn, ngoài ra còn nuôi cá trắm giòn, cá ngạnh, cá lăng. Tất cả 14 hộ nuôi ít nhiều đều có hiện tượng cá bị chết, tuy nhiên có 6 hộ thiệt hại từ 2 tấn đến hơn 70 tấn.
Ông Nguyễn Đăng Xuân, Chủ tịch UBND xã An Bình cho biết, các hộ nuôi cá lồng ở An Bình chủ yếu tập trung ở thôn An Đoài, An Định. Khi có hiện tượng cá chết, lãnh đạo xã đã cùng với ngành chức năng của huyện, của tỉnh về kiểm tra, lấy mẫu nước. Chính quyền địa phương đã khuyến cáo bà con tăng cường bơm nước, sục khí tạo ô xy cho cá thở, đồng thời có những biện pháp vệ sinh lồng nuôi.
Theo tìm hiểu, ngoài xã An Bình có nhiều hộ nuôi có cá chết nhiều, còn có một số hộ ở xã Nam Tân cùng huyện Nam Sách cũng có hiện tượng cá bị chết, trong đó đáng kể có hộ ông Nguyễn Trung Tựu cá chết ước khoảng từ 4 – 5 tấn.
Còn tại TP Chí Linh có 1 hộ nuôi cá lồng có cá bị chết. Đó là hộ ông Ất trú ở phường Tân Dân nhưng nuôi cá lồng trên địa bàn phường Văn An bị chết hơn 1 tấn cá chép giòn, thiệt hại hơn 100 triệu đồng.
Giải pháp cứu cá
Nguyên nhân ban đầu được xác định do trận mưa lớn đêm 13/6 kết hợp với nắng nóng kéo dài trước đó làm cho nguồn nước thay đổi đột ngột dẫn đến tình trạng cá bị thiếu ô xy. Ngoài ra, theo một số chuyên gia nhận định về nguyên nhân dẫn đến cá bị chết là do trong những tuần qua, thời tiết nắng nóng diễn ra nhiều ngày, nhiệt độ ở mức cao làm quá trình trao đổi chất của cá tăng, làm tăng nhu cầu sử dụng oxy.
Nhiệt độ cao cũng làm tăng cao các loại khí độc như H2S, NH3, NO2 làm thiếu oxy hòa tan vào ban đêm dẫn đến thiếu hụt oxy cho cá. Đây là nguyên nhân chính khiến cá khó hấp thụ thức ăn và dễ bị bệnh. Ngoài ra, mùa hè với thời tiết nóng và ẩm cũng là môi trường để nhiều loại dịch bệnh phát sinh, lây lan trên thủy sản.
Bà Mạc Thị Hòa, Phó trưởng phòng Nông nghiệp huyện Nam Sách cho biết, khi nhận được phản ánh của người dân và của xã, Phòng đã kịp thời đề nghị Sở Nông nghiệp, Sở Tài nguyên và Môi trường, Phòng Thuỷ sản thuộc Sở Nông nghiệp về phối hợp kiểm tra. Chi cục môi trường tỉnh đã tiến hành đo nồng độ ô xy hoà tan trong nước. Tại thời điểm đo nồng độ ô xy hoà tan quá thấp dưới 2mg/l so với sinh trưởng của thuỷ sản.
"Để giảm mức thiệt hại thấp nhất cho người nuôi trồng, Phòng Nông nghiệp và Trung tân Dịch vụ Nông nghiệp huyện Nam Sách đã trực tiếp hướng dẫn người dân chủ động tăng cường bơm nước sục khí cho thuỷ sản", bà Hòa cho hay.
Bà Lê Thị Huế, Phó trưởng phòng Kinh tế TP Chí Linh cho biết, ngay sau khi biết tin 1 hộ nuôi cá lồng ở phường Văn An có cá bị chết, các phòng chức năng của UBND TP Chí Linh cũng đã về lấy mẫu, kiểm tra. Ngay sau đó, UBND TP Chí Linh cũng đã ra văn bản chỉ đạo các địa phương có hộ nuôi cá lồng có biện pháp tăng cường bảo vệ cá lồng nuôi trên sông theo như công văn chỉ đạo của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Hải Dương.
Theo đó, công văn của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Hải Dương đề nghị UBND các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo các phòng, đơn vị cấp huyện có liên quan và UBND các xã, phường thực hiện tốt việc tuyên truyền, hướng dẫn người nuôi cá lồng.
Đó là, vệ sinh lồng bè sạch sẽ, tạo sự thông thoáng, tăng khả năng lưu thông nước trong các lồng. Khi mực nước trên sông thấp, nước chảy kém hoặc nước tĩnh cần giảm mật độ cá nuôi trong lồng; tăng cường sục khí để đảm bảo lượng oxy cho cá và hạn chế tác động xấu của khí độc.
Cần hạ thấp lồng nuôi hoặc di chuyển lồng nuôi đảm bảo đáy lồng bè phải cách đáy sông 0,5 m vào lúc mức nước thấp nhất; độ sâu lồng nuôi luôn ở mức 2,5 – 3 m, nước phải đảm bảo quy định theo Luật Đê điều, phòng chống lụt bão và giao thông đường thủy nội địa.
Tiến hành thu tỉa khi cá nuôi đã đạt kích cỡ thương phẩm để giảm mật độ nuôi trong lồng hoặc thu hoạch toàn bộ. Điều chỉnh giảm lượng thức ăn, hạn chế cho ăn khi nước sông đục, chất lượng nước kém hoặc cá có hiện tượng nổi đầu để hạn chế ô nhiễm môi trường, tránh lãng phí.
Đắng lòng nông dân nuôi cá lồng trên sông Kinh Thầy ở Hải Dương. Thực hiện: Nguyễn Việt.
Tăng cường sức đề kháng cho cá nuôi bằng cách bổ sung Vitamin C, khoáng chất, men tiêu hóa… vào thức ăn cho cá theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Chuẩn bị các trang thiết bị phụ trợ như máy phát điện, máy sục khí, máy tạo oxy để hỗ trợ xử lý trong trường hợp môi trường nước thiếu oxy, nước bị đổi màu bất thường, nước đục vào thời điểm sau những trận mưa lớn.
Tăng cường công tác quản lý nuôi thủy sản lồng bè trên sông theo thẩm quyền, không để phát sinh các lồng nuôi mới.
Box: Theo thống kê, huyện Nam Sách có khoảng 130 hộ nuôi cá lồng với 3.013 lồng cá tại 9 xã ven đê gồm: Nam Tân, Nam Hưng, Thanh Quang, An Bình, Cộng Hoà, Minh Tân, Thái Tân, Hiệp Cát, An Sơn. Còn TP Chí Linh có hơn chục hộ nuôi cá lồng với hơn 600 lồng cá tập trung ở phường Văn An, phường Cổ Thành, phường Đồng Lạc, xã Nhân Huệ.