Đây là thứ quả ngon đặc sản Hải Dương to đến lạ, đơn từ Hà Nội xuống "tơi tới" mà chả đủ để bán

Thứ năm, ngày 01/06/2023 05:06 AM (GMT+7)
Giống vải "lạ" cho quả "khủng" được ông Phạm Văn Giang (thôn Thúy Lâm, xã Thanh Sơn, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương) đặt tên là "Đệ nhất vải Thanh Hà". Ông cũng là người đầu tiên trong tỉnh phát triển giống vải này. Tuy giá bán cao, 100 nghìn đồng/kg, nhưng ông không có đủ hàng cung cấp cho khách ở Thủ đô.
Bình luận 0
Vải gì to như quả trứng, ông nông dân Thanh Hà bán giá cao ngất ngưởng, không đủ hàng giao khách Thủ đô - Ảnh 1.

Vải gì to như quả trứng, ông nông dân Thanh Hà bán giá cao ngất ngưởng, không đủ hàng giao khách Thủ đô - Ảnh 2.

Vải gì to như quả trứng, ông nông dân Thanh Hà bán giá cao ngất ngưởng, không đủ hàng giao khách Thủ đô - Ảnh 3.

Giống vải cho quả to như quả trứng, giá bán cao ngất ngưởng.

Đến nhà ông Phạm Văn Giang, 53 tuổi, thôn Thúy Lâm, xã Thanh Sơn, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương đúng lúc vợ chồng ông đi thu hoạch vải về. Mặt mũi, áo quần của hai vợ chồng ông đẫm mồ hôi. Trên xe máy của vợ chồng ông còn có một làn vải đầy chặt, căng đốp.

Ông Giang mở làn vải lấy ra một vài quả mời tôi thưởng thức. Nhìn quả vải này, tôi thấy quả to hơn các giống vải U sớm. Kích cỡ ước chừng to như quả trứng vịt. Độ "khủng" này, tôi chưa tứng thấy ở các vườn vải, ruộng vải ở Thanh Hà hay các đổi vải ở TP Chí Linh của tỉnh Hải Dương trước đó.

Vải gì to như quả trứng, ông nông dân Thanh Hà bán giá cao ngất ngưởng, không đủ hàng giao khách Thủ đô - Ảnh 4.

Thùng vải đã được bẻ gọn để ông Giang kịp giao cho khách ở Thủ đô. Ảnh: Nguyễn Việt.

Cầm quả vải "khủng" trên tay, cảm nhận đầu tiên quả vải khá "đầm tay", khi bóc vỏ quả vải này dày, bên trong là phần thịt và cùi vải cũng dày hơn các giống vải khác. Ăn thấy có vị ngọt thanh, hạt nhỏ hơn giống vải U sớm.

Quả vải to "khủng" này, ông Giang đặt tên thương hiệu "Đệ Nhất Vải Thanh Hà". Ông Giang lý giải cho việc đặt tên này, bởi giống vải này cho quả to nhất trong các giống vải đã trồng tại Thanh Hà.

Ông Giang cho biết, đây là giống vải mới được nghiên cứu và được công nhận là giống cây trồng Quốc gia. Hiện nhà ông là hộ đầu tiên và duy nhất ở tỉnh Hải Dương trồng giống vải này.

Vải gì to như quả trứng, ông nông dân Thanh Hà bán giá cao ngất ngưởng, không đủ hàng giao khách Thủ đô - Ảnh 5.

Hai quả vải "Đệ nhất vải Thanh Hà" đã đầy bàn tay. Ảnh: Nguyễn Việt.

Ông Giang kể, năm 2020, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Hải Dương đưa về cho gia đình ông mấy cành giống vải mới để ghép trồng thử nghiệm giống vải này. Là một người đam mê nông nghiệp và cây trồng, ưa tìm tòi các giống cây trồng mới có giá trị kinh tế cao, ông Giang hào hứng thử nghiệm giống vải mới này.

Ông Giang đã lựa chọn những cây vải U trứng đã trưởng thành, cưa cắt các cành lá của cây rồi thực hiện ghép mắt giống vải mới. Nhờ có kỹ thuật chăm sóc theo quy trình VietGap và GlobalGap nên các mắt vải giống mới được ghép trên thân cây vải U Trứng phát triển tốt. Chỉ sau 1 năm, các mắt ghép đã trở thành cành vải và bắt đầu bói quả.

Vải gì to như quả trứng, ông nông dân Thanh Hà bán giá cao ngất ngưởng, không đủ hàng giao khách Thủ đô - Ảnh 6.

Giống vải "Đệ nhất vải Thanh Hà" được ông Giang ghép với vải U sớm và cây phát triển tốt, cho bói quả sau 1 năm ghép. Ảnh: Nguyễn Việt.

Ông Giang nhận thấy giống vải này cho quả to hơn nhiều so với các giống vải mà ông từng thấy, khi chín mã quả có màu đỏ. Thưởng thức "quả ngọt đầu mùa", ông Giang nhận thấy quả vải này thịt cùi vải dày, ngọt thanh chứ không chua và hạt nhỏ hơn các giống vải U.

Nhận thấy kích thước, chất lượng của quả vải giống mới này hơn hẳn so với các giống vải sớm khác nên năm tiếp theo ông Giang tiếp tục ghép mắt giống vải mới để phát triển vườn vải với giống này. Năm thứ 2 (tức năm 2022), vườn vải giống "Đệ nhất vải Thanh Hà" thêm nhiều cây ra quả. Ngoài làm quà biếu, quà tặng, ông Giang cũng bán để "dò" thị trường. Ai ngờ quả "Đệ nhất vải Thanh Hà" lại có giá bán rất cao, gấp hơn 3 lần so với các giống vải U sớm, với giá 100 nghìn đồng/kg.

Ông Giang hào hứng tiếp tục ghép cho các cây vải khác. Hiện nay, ông có 2 sào vải giống "Đệ nhất vải Thanh Hà".

Vải gì to như quả trứng, ông nông dân Thanh Hà bán giá cao ngất ngưởng, không đủ hàng giao khách Thủ đô - Ảnh 7.

Quả vải "Đệ nhất vải Thanh Hà" chín đỏ được thu hoạch. Ảnh: Nguyễn Việt.

Mùa vải 2023 này, ông Giang đã thu hoạch được 1 tạ vải này và đã bán cho khách hàng là một công ty có chuỗi cửa hàng hoa quả sạch cao cấp ở Hà Nội. Năm nay, ông vẫn giao cho khách hàng này với giá 100 nghìn đồng/kg.

Ông Giang cho biết: "Bán cho công ty này đòi hỏi rất khắt khe, tôi phải làm xét nghiệm cho quả vải để chứng minh chỉ số bảo đảm không còn tồn dư hàm lượng thuốc Bảo vệ thực vật. Để được họ đưa vải vào chuỗi cửa hàng hoa quả sạch bán nên chất lượng phải bảo đảm, nhất là vệ sinh an toàn thực phẩm."

Cũng theo ông Giang cho biết, vì trọng lượng quả nặng hơn so với giống vải khác nên chỉ cần 16 quả đã đạt trọng lượng 1 kg.

Theo ước tính, với 2 sào giống "Đệ nhất vải Thanh Hà" (còn nhiều cây vải ghép chưa ra quả), vụ vải năm nay ông Giang dự tính thu được 5 tạ vải. Tuy chưa thể tính cụ thể về năng suất nhưng theo ước tính giống "Đệ nhất vải Thanh Hà" có năng suất tương đương hoặc cao hơn các giống vải U sớm.

Vải gì to như quả trứng, ông nông dân Thanh Hà bán giá cao ngất ngưởng, không đủ hàng giao khách Thủ đô - Ảnh 8.

Theo ông Phạm Văn Giang cho biết chỉ cần 16 quả vải to giống"Đệ nhất vải Thanh Hà" đã đạt trọng lượng 1 kg. Ảnh: Nguyễn Việt.

"Mặc dù giá vải giống "Đệ nhất vải Thanh Hà" giá rất cao nhưng hiện tại vườn nhà  tôi không đủ hàng để giao cho khách", ông Giang cho hay.

Nhẩm tính, với 2 sào vải thu 5 tạ quả nhân với giá 100 nghìn đồng/kg, ông Giang thu được 50 triệu đồng. Với số tiền này, có thể nói khá hiệu quả và bước đầu cho thấy "Đệ nhất vải Thanh Hà" là cây có tiềm năng cho giá trị kinh tế cao.

Khi được hỏi, ông có kế hoạch nhân rộng diện tích giống "Đệ nhất vải Thanh Hà" không? Ông Giang cho biết, nhà ông có diện tích 2 mẫu trồng vải, trồng táo. Để qua vụ vải này. ông cũng đang tính mở rộng diện tích vải mới bằng cách ghép trên thân các cây vải U khác để đa dạng các loại vải phục vụ nhu cầu của khách hàng và gia tăng giá trị thu nhập cho gia đình.

"Đệ nhất vải Thanh Hà" tên gốc là gì, đến từ đâu, có phát triển nhân rộng được không?

Để tìm hiểu giống "Đệ nhất vải Thanh Hà" có tên gốc là gì, nguồn gốc từ đâu, chúng tôi đã trao đổi với ông Trần Văn Quân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương và bà Lương Thị Kiểm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Hải Dương. Cả ông Quân và bà Kiểm đều xác nhận và khẳng định đúng là giống vải này được Sở đưa về cho ông Giang ghép trồng thử nghiệm.

Bà Kiểm cho biết: "Giống vải đó tên là PH40 do Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Rau hoa quả (Viện Khoa học kỹ thuật Nông lập nghiệp miền núi phía Bắc (địa chỉ xã Phú Hộ, thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ) nghiên cứu và nhân lên giống này. Khi họ tham gia đề tài khoa học và phát triển giống này, họ có mang về Bắc Giang và một số nơi để trồng, chúng tôi cũng đề xuất trồng thử nghiệm ở Hải Dương nữa".

Vải gì to như quả trứng, ông nông dân Thanh Hà bán giá cao ngất ngưởng, không đủ hàng giao khách Thủ đô - Ảnh 9.

Giống "Đệ nhất vải Thanh Hà" thực ra có tên là PH40 do Trung tâmTrung tâm Nghiên cứu và Phát triển Rau hoa quả (Viện Khoa học kỹ thuật Nông lập nghiệp miền núi phía Bắc nghiên cưu và tạo ra giống vải này. Ảnh: Nguyễn Việt.

Sau đó, giống vài này được đưa về nhà ông Giang để ghép giống PH40 vào thân cây vải U sớm. Khi mang về Thanh Hà là đất của vải nên rất phù hợp, cây vải này sinh trưởng và phát triển tốt, quả to và rất ngon.

Theo bà Kiểm, giống vải này có ưu điểm quả rất to, chín sớm, vị ngọt, không có vị chua, hạt nhỏ hơn so với các giống vải chín sớm khác và năng suất cũng khá. Về nhược điểm, vải này không có vị thơm đặc trưng như vải thiều Thanh Hà, quả to nhưng độ bóng, độ lây không đều, phần đuôi quả hơi hóp, các giống vải khác của Thanh Hà nó lây đều hơn, mẫu mã khi chín mầu sắc không tươi lắm.

Cũng theo bà Kiểm, năng suất vải PH40 tương đương và cao hơn không nhiều so với các giống vải chín sớm khác vì quả vải này tuy to nhưng thưa quả. Tuy nhiên điều này còn tùy thuộc vào trình độ kỹ thuật canh tác, chăm sóc của bà con.

Clip: Giống vải thiều to như quả trứng, ông nông dân Thanh Hà (Hải Dương) bán giá cao ngất ngưởng, không đủ hàng giao khách Thủ đô

Nói về việc phát triển nhân rộng giống vải PH40 đại trà, bà Kiểm chia sẻ: "Hiện nay, chúng tôi đang theo dõi tính thích ứng của giống vải này. Nếu phù hợp sẽ nhân rộng đại trà để thay thế một tỷ lệ nhất định đối với giống vải chín sớm. Hiện nay vải chín sớm của Hải Dương còn ít so với nhu cầu thị trường. Chúng tôi vẫn đang trong giai đoạn theo dõi. Như anh Giang kỹ thuật rất tốt nên tỷ lệ ra hoa đậu quả tốt và bán được giá cao". 

Tuy nhiên, bà Kiểm cũng đôi chút băn khoăn khi phát triển đại trà, bởi theo bà lo ngại vì giống vải này ra hoa tốt nhưng đậu quả cũng không phải dễ, rồi còn nhiều vấn đề khác như câu chuyện thị hiếu của người tiêu dùng, hay tính thích ứng của giống vải này. "Vì vậy, cũng cần thận trọng khi nhân rộng", bà Kiểm cho hay.

Theo thông tin từ Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Rau hoa quả (Viện Khoa học kỹ thuật Nông lập nghiệp miền núi phía Bắc: Giống vải PH40 được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn công nhận giống cây trồng Quốc gia mới năm 2019 và cũng đã được bổ sung vào cơ cấu giống vải chín sớm giúp rải vụ thu hoạch tăng khả năng tiêu thụ và tăng hiệu quả kinh tế. Giống vải PH40 thời gian ra hoa tập trung từ 10/1 đến 12/1 hàng năm, thời gian thu hoạch 20/5 - 24/5 (sớm hơn giống vải thiều chính vụ khoảng 20 - 30 ngày). Giống vải PH40 đạt năng suất 17-18 kg/cây (5 tuổi), quả hình tim, màu đỏ nhung, khối lượng quả đạt 50 - 55 g/quả. Năng suất vải PH40 đạt hơn 18 tấn/ha.


Nguyễn Việt (Sản xuất)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem