Dân Việt

Một vùng đất sình, trũng ngày xưa giờ mọc lên vườn cây ăn trái nhiều tầng, toàn cây đặc sản có giá

Diệp Quỳnh 21/06/2023 12:27 GMT+7
Bàu Tùng, vùng đất trũng trên địa bàn xã Lộc Ngãi, nơi bà con thường gọi với cái tên thân thuộc “làng Tày” nay đã trù phú. Nơi đây, một người nông dân đã xây dựng được vườn cây ăn trái lớn, với những loại trái đặc sản của đất đỏ cao nguyên.

Vùng đất sình, trũng ngày xưa giờ mọc lên vườn cây ăn trái nhiều tầng

Bàu Tùng, vùng đất trũng trên địa bàn xã Lộc Ngãi, nơi bà con thường gọi với cái tên thân thuộc “làng Tày” nay đã trù phú. Nơi đây, một người nông dân đã xây dựng được vườn cây ăn trái lớn, với những loại trái đặc sản của đất đỏ cao nguyên.

Một vùng đất sình, trũng ngày xưa giờ mọc lên vườn cây ăn trái nhiều tầng, toàn cây đặc sản có giá - Ảnh 1.

Ông Chính bên vườn cây ăn trái.

Ông Ngô Quang Chính, nông dân Thôn 12, xã Lộc Ngãi, huyện Bảo Lâm vừa đưa khách đi tham quan, thưởng thức vườn cây ăn trái, vừa kể lại lịch sử mảnh đất nơi ông đang sinh sống. 

Ông Chính bảo, đây vốn là một vùng bàu, nơi đất sình, trũng. Ngày xưa, bà con người Tày vào Lộc Ngãi xây dựng kinh tế, đã lập làng ở bàu Tùng, chỉ trồng được cây lúa vì mảnh đất quá thấp, ngập nước quanh năm. Rồi dần dần, người bàu Tùng chở đất đắp cao, tạo vườn, làm nhà, biến làng Tày trở thành vùng đất đẹp Thôn 12 bây giờ. Kí ức về bàu Tùng vẫn còn với hàng loại ao, hồ chạy quanh thôn, được bà con sử dụng làm hồ nuôi cá, chứa nước phục vụ nông nghiệp.

Là nông dân gắn với đất, ban đầu ông Ngô Quang Chính cũng trồng cà phê như hầu hết cư dân xung quanh. Nhưng diện tích cà phê quá lớn đòi hỏi lượng nhân công nhiều. Thiếu hụt nhân công chăm sóc khiến ông Chính quyết định chuyển sang trồng loại cây đòi hỏi công chăm sóc ít hơn. 

Vậy là năm 2019, ông Chính và gia đình quyết tâm trục hết diện tích cà phê, chuyển sang trồng sầu riêng, vú sữa lò rèn và cây vú sữa hoàng kim, một giống cây còn khá mới với người nông dân. Trên diện tích 8 ha đất, ông Ngô Quang Chính xuống giống 1.500 cây vú sữa hoàng kim và 1.500 gốc sầu riêng. Giống sầu riêng mà ông chọn là Monthon và Musang King, hai loại sầu riêng có giá trị xuất khẩu.

Ông Ngô Quang Chính chia sẻ, khi chuyển đổi sang trồng trái cây, vấn đề người nông dân băn khoăn nhất là thời gian kiến thiết rất lâu, tới 5 năm mới có nguồn thu đầu tiên. Trong khi đầu tư cho cây sầu riêng rất tốn kém, phải chi phí 2 triệu đồng/gốc từ khi trồng cho tới khi có thu hoạch. 

Để giải quyết vấn đề này, ông Chính đã trồng xen một số loại cây ăn trái cho thu hoạch sớm vào vườn để giải quyết vấn đề thu nhập. Ông Chính chọn trồng ổi và vú sữa hoàng kim để nhanh có thu. Ông chia sẻ, cây ổi chỉ 8 tháng, vú sữa hoàng kim là 12 tháng bắt đầu cho trái bói.

Hiện tại, vườn của ông Ngô Quang Chính có 3 loài cây đã cho thu hoạch gồm ổi, vú sữa hoàng kim và vú sữa lò rèn. Vú sữa hoàng kim có 500 cây to thu 3 kì/năm, cây nhỏ năng suất thấp hơn. Riêng vú sữa hoàng kim, hàng năm ông Chính cung cấp ra thị trường Hà Nội 50-60 tấn trái/năm. Vú sữa lò rèn còn nhỏ nhưng cũng bắt đầu cho trái, được thị trường ưa chuộng. 

Ông Chính chia sẻ: “Nông dân trồng cây ăn trái cần tính toán trồng cây lấy ngắn nuôi dài, chú ý đến đặc tính sinh học của từng giống cây cho phù hợp. Đồng thời, tôi chọn trồng 3 loại cây ăn trái để tránh rủi ro thị trường, không quá phụ thuộc vào 1 loại cây duy nhất”.

Ông Ngô Quang Chính cũng là người áp dụng tiêu chuẩn canh tác VietGAP trong vườn cây ăn trái. Đầu tiên là việc không làm cỏ, chỉ dùng máy phát khi cỏ quá cao. Lớp cỏ trên mặt giúp vườn luôn giữ ẩm, tránh xói mòn; đồng thời rễ cỏ khiến hệ sinh vật phát triển cân bằng. Ông sử dụng nhiều phân hữu cơ giúp đất tơi xốp và thêm phân kali để trái ngọt, tránh rụng quả non. Trồng cây ăn trái VietGAP, trái không quá to nhưng vị đậm đà, hình thức trái vừa phải và được khách hàng ưa chuộng.

Ông Đỗ Văn Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Ngãi đánh giá, vườn trái cây rộng 8 ha của gia đình ông Ngô Quang Chính là mô hình chuyển đổi cây trồng hiệu quả của xã. Ông Chính là người áp dụng quy hoạch vườn rất tốt với việc trồng xen canh các loại cây trồng hợp lí. 

Riêng cây sầu riêng Musang King, ông Chính là hộ đầu tiên trong xã trồng thử nghiệm. Nếu có hiệu quả, bà con sẽ trồng theo bởi sầu riêng Musang King là giống đặc sản của Malaysia có chất lượng rất ngon, giá cao, được thị trường ưa chuộng. 

Hiện ông Chính đang trồng sầu Musang King thành khu riêng, có chế độ chăm sóc tuân thủ kỹ thuật do cây sầu riêng Musang King có vụ lệch với vụ sầu riêng Thái, thời gian đeo trái trên cây lâu. Ông Thanh cũng chia sẻ, nếu giống sầu riêng Musang King gia đình ông Chính thử nghiệm đạt kết quả tốt sẽ là hướng mở cho bà con Lộc Ngãi vì có sầu riêng lệch vụ, mang lại hiệu quả kinh tế rất cao.