Không phải Bắc Giang hay Hải Dương, loại vải đặc sản Hưng Yên siêu to đội giá đến hơn 200 ngàn mà vẫn hiếm hàng

Thứ ba, ngày 20/06/2023 19:12 PM (GMT+7)
Giá 1 kg vải trứng Phù Cừ, Hưng Yên, loại vải đặc sản siêu to đội giá đến hơn 200 ngàn mà vẫn hiếm hàng. Loại trái cây này được người tiêu dùng săn đón, tuy nhiên chỉ chậm chân là... hết mùa.
Bình luận 0
Không phải Bắc Giang hay Hải Dương, loại vải đặc sản Hưng Yên siêu to đội giá đến hơn 200 ngàn mà vẫn hiếm hàng - Ảnh 1.

Vải trứng Phù Cừ kích cỡ to như quả trứng vịt, màu đỏ đẹp mắt, vị ngọt thanh, đặc biệt là cây không sai trái như các giống vải khác. Ảnh: TTH

Một loại vải đặc sản được nâng lên hàng trái cây cao cấp, được giới sành ăn săn đón không phải ở các vùng đất vải đã quen thị trường như Thanh Hà (Hải Dương), Lục Ngạn (Bắc Giang), Đông Triều (Quảng Ninh)... mà lại phát tích từ vùng Hưng Yên. Đấy là giống vải trứng siêu to, vỏ đỏ au, cùi dày có vị ngọt thanh chứ không ngọt sắt họng như vải thiều, không chua như vải u, không chát như vải gai, đặc biệt là kém sai trái hơn nhiều giống khác.

Ngọt ngon loại vải trứng Phù Cừ

Chúng tôi tìm về thủ phủ vải trứng Phù Cừ, nơi có cây vải tổ giống vải siêu to đã hơn 20 năm vẫn cho trái ngọt. Mặc dù đắt đỏ nhất trong các giống vải, nhưng diện tích vải trứng tại đây vẫn chỉ có khoảng 250ha. Nông dân nỗ lực nhân giống và tăng diện tích tuy nhiên, mỗi năm cũng chỉ thêm được vài cây cho trái.

"Giống vải này đã đắt, hiếm, lại khó nhân giống, khó chăm sóc hơn giống vải thường đó các nhà báo" - Ông Trần Văn Lập, thôn Tần Tiến, xã Minh Tân, Phù Cừ, Hưng Yên dừng tay hái vải tiếp chuyện chúng tôi. Ông Lập sở hữu 3 vườn vải với cỡ hơn 200 gốc vải trứng. Người đàn ông này bày tỏ mong muốn được chia sẻ kĩ thuật trồng vải mà bản thân mình đúc kết suốt 20 năm qua, liên kết các hộ trồng vải trứng lại, biến sản phẩm này thành thương hiệu riêng, chăm chút cho chất lượng mỗi mùa vải ngon hơn, được giá hơn.

Ông Trần Văn Lập cho rằng để có cây vải trứng sinh trưởng tốt, cho trái to ngon thơm ngọt, thì người trồng cây phải học hỏi không ngừng, cố gắng trau dồi, nắm bắt kỹ thuật tốt.

Vải siêu to, giờ đang có giá siêu đắt mà nông dân chưa hài lòng sao? Ông Trần Văn Lập hào hứng đáp: "Rõ ràng là vải trứng Phù Cừ quả to và chất lượng bằng chục quả vải thường thì giá cũng tầm đó. Tuy nhiên, mỗi mùa sản lượng còn ít quá, lúc nào cũng cháy hàng, thị trường cần mà nông dân cũng chỉ có chừng ấy gốc, chưa kể cách chăm không khéo thì vải càng ít. Người nào mới trồng không biết thì vải cứ năm được, năm mất, sương muối, bệnh nhám, rụng quả non, sâu đầu, nhạt vị.

Người tiêu dùng cũng nhầm tưởng trồng vải Vietgap là để hoang cho cây nó thuận tự nhiên, không phân thuốc. Nào phải, cây vải là cây vườn, muốn được mùa phải chăm vải rất kĩ, đúng quy trình, còn phải nhìn thời tiết mà chỉnh lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Chỉ người nông dân mới thấm thía, được mùa vải ngọt không dễ chút nào. Người trồng vải trứng như tôi vẫn phải thường xuyên học hỏi thêm kỹ năng bổ ích để vải trứng có hiệu quả cao, thu nhập tốt" - ông Lập chia sẻ.

Vốn là một cựu chiến binh từng thất bát với nhiều khoản đầu tư làm vườn trước đây, với đất Minh Tân nhiều cây trồng không hợp đất, hợp người, ông Trần Văn Lập rất thận trọng với cây vải trứng. Ông Lập cho biết đã mang giống cây vải trứng siêu to được chiết từ cây vải tổ tại quê mẹ ở Phan Sào Nam (Phù Cừ) mang về Minh Tiến (Phù Cừ) trồng, rồi cần mẫn nhân chiết giống tới nay được hơn 200 gốc. Ngoài tự phát triển vườn cây của mình, ông còn chiết giống bán cho những ai muốn phát triển kinh tế từ loại cây này.

Ngót nghét gần 20 năm gắn bó với cây vải trứng, ông Lập đã có những gốc cây trồng 10-17 năm, cho thu nhập 10-15 triệu đồng/cây, hiện những gốc cây trồng 3-4 năm cũng đang cho thu nhập 500 nghìn đến 2 triệu đồng/cây. Năm nay ông Lập phấn khởi chia sẻ vườn vải trứng nhà ông đậu quả cao.

Trong vườn, hệ thống dẫn nước tưới dạng kênh đào thẳng thớm, quy củ, người nông dân đã thông thạo ứng dụng công nghệ để chăm tưới cây, hạn chế sức người. Ngoài trồng vải trứng, ông Lập cũng có các ao thả cá, ốc, nuôi vịt, có các loại cây rau xen canh, cung cấp mùa nào thức nấy, đảm bảo sinh nhai, tăng nguồn thu nhập.

Người đàn ông thạo nghề nông, mỗi lần nhắc đến vải trứng thì cười sang sảng đầy tự hào, vì vải trứng ông trồng chưa bao giờ "ế", mùa vải chín là được khách đến tận vườn thu mua ngay, thậm chí có khách còn đặt trước cả cây để không bị mất cơ hội thưởng thức. Ông Lập khẳng định muốn chia sẻ kĩ thuật trồng để mở rộng vùng vải trứng Phù Cừ, cho bà con xa gần có cơ hội thưởng thức loại quả ngọt vị thơm đặc trưng này.

Mỗi năm, chỉ có một mùa vải trứng ngắn ngủi, loại vải trứng ngọt lành đã đắt lại chưa phổ biến, mãi gây thương nhớ với người sành ăn.

Vải trứng Phù Cừ Hưng Yên đội giá chính vụ - Ảnh 2.

Ông Trần Văn Lập mong muốn nhân giống vải siêu to của quê mình, để người tiêu dùng được ăn loại vải ngon. Ảnh: TTH

Vải trứng Phù Cừ Hưng Yên đội giá chính vụ - Ảnh 4.

Gương mặt mãn nguyện của người nông dân có mùa vải trứng 2023 bội thu. Ảnh: TTH

Vải trứng Phù Cừ Hưng Yên đội giá chính vụ - Ảnh 5.

Màu đỏ bắt mắt của vải trứng để phân biệt với nhiều loại vải khác. Ảnh: TTH

Vải trứng Phù Cừ Hưng Yên đội giá chính vụ - Ảnh 7.

Một quả vải siêu to tựa quả trứng vịt trong lòng bàn tay. Ảnh; TTH

Vải trứng Phù Cừ Hưng Yên đội giá chính vụ - Ảnh 8.

Ông Trần Văn Lập tiếp tục nhân giống các cây vải trứng. Ảnh: TTH

Vải trứng Phù Cừ Hưng Yên đội giá chính vụ - Ảnh 9.

Gốc vải to nhất trong vườn của ông Trần Văn Lập. Ảnh: TTH

Vải trứng Phù Cừ Hưng Yên đội giá chính vụ - Ảnh 10.

Trái ngọt đẹp mã nhìn thích mắt. Ảnh: TTH

Vải trứng Phù Cừ Hưng Yên đội giá chính vụ - Ảnh 11.

Một quả vải trứng Phù Cừ hiện có giá bằng chục quả vải thuộc giống khác. Ảnh: TTH

Vải trứng Phù Cừ Hưng Yên đội giá chính vụ - Ảnh 12.

Vải trứng chín rộ vào mùa ở Phù Cừ, Hưng Yên. Ảnh: TTH

TTH (Công dân và Khuyến học)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem