Dâu tây được xem là đặc sản nức tiếng của TP. Đà Lạt. Khi đến Đà Lạt du lịch, khách tham quan thường mua vài kg dâu về để làm quà cho người thân. Dâu tây Đà Lạt cũng có nhiều loại từ bình dân đến cao cấp, từ giống bản địa cho đến giống nước ngoài, từ trồng theo cách truyền trống cho đến công nghệ cao, áp dụng chuyển đổi số.
Được sự giới thiệu từ Phòng Kinh tế TP về mô hình của một cán bộ Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Lạt, tôi đã có cơ hội tiếp cận được mô hình trồng dâu tây có thể nói hiện đại, hiệu quả bậc nhất tại TP. Đà Lạt. Đó là mô hình trồng dâu tây Nhật Bản công nghệ cao của anh Trần Đức Nam. Mô hình này đang mang lại lợi nhuận hàng tỷ đồng mỗi năm cho chủ nhân và là vườn dâu được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao từ năm 2020.
Đón tôi trong trang phục của một anh nông dân, nhưng anh Trần Đức Nam tay chẳng dính chút đất, bởi vườn dâu hoàn toàn được trồng bằng giá thể xơ dừa trộn với các loại phân, dưỡng chất riêng. Hơn nữa, dâu tây được trồng cách mặt đất gần 1 mét, mặt đất cũng được lót bạt rất kín, các loại côn trùng cũng khó có thể xâm nhập để gây hại cho cây dâu tây.
Từ từ dẫn tôi đi bên luống dâu tây sai trĩu quả, anh Trần Đức Nam cho biết: "Làm việc ở Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Lạt, năm 2018, tôi có cơ hội được đi học và công tác tại tỉnh Osaka của đất nước Nhật Bản. Sau thời gian ở trên lớp học, tôi thường đi dạo và có lần đi vào những vườn dâu tây của người dân tại Osaka. Những vườn dâu ở Nhật Bản họ chăm sóc bài bản, phát triển rất tốt, những quả dâu rất đẹp và to. Quan trọng nhất, khí hậu ở đó tương đồng với Đà Lạt, đây chính là xuất phát điểm khiến tôi về trồng dâu sau này.
Chính vì vậy, sau thời gian học xong, tôi vào những vườn dâu của họ để xin làm thuê, từ đó tôi học luôn cách chăm sóc và công nghệ trồng dâu của họ. Đến năm 2019, khi về nước, tôi đã ấp ủ mô hình trồng dâu công nghệ cao tại TP. Đà Lạt. Mới bắt đầu, tôi cũng lên internet xem những mô hình áp dụng công nghệ cao tại Đà Lạt rồi lên ý tưởng cho một phần mềm riêng để quản lý vườn dâu tây của mình. Cuối cùng, tôi thuê một đơn vị lập trình để viết một app điện tử trên điện thoại phù hợp với cây dâu tây".
Bằng phần mềm và hệ thống máy móc được lắp đặt trong trang trại 2 ha của mình, ngay cả khi ngồi trong nhà trò chuyện với tôi, anh Trần Đức Nam vẫn có thể tưới nước, phân bón cho vườn dâu. Anh Nam tự tin nói: "Ngồi ở đây với anh nhưng tôi có thể biết được nhiệt độ, độ ẩm trong vườn dâu, biết được độ EC, PH trong giá thể trồng dâu, đó là cái lợi của hệ thống điều khiển của tôi".
Tự tin giới thiệu với tôi hệ thống điều khiển của mình, sau đó anh Nam dẫn tôi ra ngay khu vực có thiết bị cảm biến. Thiết bị cảm biến này được anh Nam lắp đặt tại nhiều khu vực trong vườn. Thiết bị cảm biến có nhiệm vụ lấy thông tin về độ ẩm, nhiệt độ trong nhà kính cũng như trong đất để truyền về trung tâm điều khiển.
"Khi các thông số được truyền từ thiết bị cảm biến về trung tâm điều khiển, hệ thống sẽ tự động điều chỉnh rồi xử lý nhằm cho cây dâu phát triển tốt nhất. Ví dụ, ở một khu vực trồng dâu nào đó của tôi có tình trạng thiếu nước, các thiết bị cảm biến sẽ truyền thông tin về hộp điều khiển, từ đó trung tâm điều khiển sẽ tự động tưới nước bằng hệ thống nhỏ giọt ở khu vực đó cho đến khi đạt yêu cầu đã lập trình sẵn. Thiếu phân, nhiệt độ, độ ẩm quá cao hoặc quá thấp cũng tương tự như vậy, hệ thống này hoàn toàn có thể xử lý được với những số liệu đã được lập trình sẵn", anh Nam giới thiệu chi tiết với tôi.
Không những thế, mọi thông số về độ EC, PH, nhiệt độ, độ ẩm được hiển thị trên những hộp máy trong vườn đồng thời cũng được truyền về app điện tử trong điện thoại của chủ vườn. Ngoài ra, qua phần mềm ở điện thoại, anh Nam cũng thấy được lượng nước, phân mà máy đã tưới cho dâu tây trong 1 lần tưới là bao nhiêu.
Chính vì những điều khó nhất trong vườn đã được hệ thống máy móc tự động điều khiển nên công nhân trong trang trại của anh Trần Đức Nam chỉ cần tỉa lá già và thu hoạch dâu. Trung bình, với 2ha dâu tây của anh Nam cho thu hoạch khoảng 200kg dâu/ngày khi dâu vào mùa, khi không đúng mùa, vườn dâu cho thu hoạch khoảng 100kg/ngày. Với giá dâu tây được bán từ 300 – 500 ngàn đồng/kg cho các đối tác tại TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, hàng năm anh Nam có thu nhập hàng tỷ đồng.
Không những thu hoạch dâu bán cho đối tác, anh Nam còn dành 200m2 trong vườn để trồng dâu tây phục vụ khách du lịch tự hái khi tham quan. Khi khách tự tham quan, trải nghiệm hái dâu thì có thể mua thêm dâu tây tại vườn do công nhân thu hoạch.
Thực tế hái dâu trong vườn của anh Nam, chị Ngọc Ngà cho biết: "Tôi đã từng hái dâu tây ở rất nhiều vườn tại TP. Đà Lạt, nhưng vườn dâu của anh Nam rất đặc biệt. Trái dâu trong vườn to, bóng, ăn ngọt thanh và đặc biệt là chủ vườn rất thoải mái, có khu vực cho khách trải nghiệm. Giá bán dâu cũng không cao lắm, tôi sẽ giới thiệu cho đồng nghiệp, người thân đến thăm khi tới Đà Lạt".
Thực tế từ kinh nghiệm của mình, anh Nam cho biết: "Dâu tây khi thu hoạch yêu cầu độ chín chỉ từ 50-60%. Khi giao dâu cho cửa hàng, siêu thị thì thời gian lên đến 10 ngày, độ chín lúc đó mới lên được 90-100%. Nếu để chín quá thì trái dâu sẽ bị hỏng trong quá trình vận chuyển. Vì vậy, khi đóng gói dâu cho khách, công nhân của tôi sẽ gói từng trái dâu bằng những lớp giấy xốp nhỏ bằng 2 ngón tay. Điều này sẽ giúp cho những trái dâu khi vận chuyển không bị cọ xát vào nhau gây hư hỏng".
Theo anh Nam, mặc dù là hệ thống điều khiển tự động nhưng khi máy có trục trặc, hư hỏng sẽ được báo ngay về app trên điện thoại để chủ vườn xử lý. Để hạn chế thấp nhất hư hỏng, hàng tháng trong những ngày nghỉ anh vẫn phải bảo dưỡng, súc rửa các hệ thống ống lọc cặn của hệ thống tưới để hệ thống vận hành một cách tốt nhất.
"Trong những năm trở lại đây, nông nghiệp công nghệ cao phát triển rất mạnh ở Đà Lạt. Chúng tôi sẽ xây dựng và phát triển chuỗi liên kết đồng thời chuyển giao công nghệ này cho người dân tại TP. Đà Lạt có nhu cầu. Từ đó nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như công nghệ làm nông nghiệp tại địa phương. Đặc biệt là dần thay đổi cách làm truyền thống của người dân sang cách làm hiện đại giúp nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống", anh Nam chia sẻ.
Mời bạn tham gia Giải báo chí toàn quốc viết về "Nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam"
- Tác phẩm dự thi phải viết về "Nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam", ưu tiên cho chủ đề về "Nông nghiệp xanh, kinh tế tuần hoàn, gắn với chuyển đổi số", là những tác phẩm phản ánh đúng sự thực khách quan. Ban Tổ chức Giải báo chí không nhận các tác phẩm hư cấu, tác phẩm văn học.
- Thể loại của các phẩm dự thi là ký sự, phóng sự, bút ký, bài phản ánh, bài phản biện viết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam.
- Bài gửi dự thi trên báo in (đăng trên Báo Nông thôn Ngày nay): Bài viết có dung lượng 1.000-1.500 chữ + 2-3 ảnh, không vi phạm bản quyền hình ảnh.
- Bài dự thi trên báo điện tử (đăng trên Báo điện tử Dân Việt- Danviet.vn): Bài viết có dung lượng tối đa không quá 2.500 từ + 3-4 ảnh + clip, không vi phạm bản quyền hình ảnh.
- Đối với các tác phẩm từ các cơ quan báo chí khác, bài dự thi là một tác phẩm hoặc một chùm bài được đăng tải trên báo, tạp chí in hoặc báo, tạp chí điện tử.
- Mỗi cơ quan báo chí được gửi tối đa 05 tác phẩm về Ban Tổ chức Giải báo chí viết về "Nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam" để chấm giải (với báo, tạp chí in, phải gửi tác phẩm, kèm số báo đăng tác phẩm, có xác nhận của cơ quan; bài đăng trên báo, tạp chí điện tử phải in tác phẩm ra và gửi kèm đường link, có xác nhận của cơ quan).
- Thời gian: Từ tháng 4 đến tháng 12/2023. (Trong đó, thời gian nhận bài bắt đầu từ tháng 4 và kết thúc ngày 15/11/2023 để Ban Tổ chức tổng hợp, chấm Giải).
Địa chỉ nhận tác phẩm:
Các tác phẩm gửi về để đăng trên Báo Nông thôn Ngày nay/điện tử Dân Việt gửi về hòm thư điện tử nhận bài dự thi: buihongliendv@gmail.com.
Điện thoại: 0902026692 (Nhà báo Bùi Hồng Liên- Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt, thư ký Giải).