"Cơn bĩ cực" của người chăn nuôi gia cầm (Bài 2): Trại nhỏ lỗ ít, trại lớn lỗ tiền tỷ
"Cơn bĩ cực" của người chăn nuôi gia cầm (Bài 2): Trại nhỏ lỗ ít, trại lớn lỗ tiền tỷ
Thiên Trang
Thứ hai, ngày 19/06/2023 09:50 AM (GMT+7)
Đối với người chăn nuôi, khoản chi phí nặng nhất là thức ăn (chiếm 60-70%), sau đó đến các thứ khác như thuốc men, lãi suất ngân hàng, tiền điện nước… Trong bối cảnh giá bán thịt, trứng thấp như hiện nay, mỗi ngày có trại phải gánh khoản lỗ hàng trăm triệu, không ít hộ phải bắt gà vịt nhịn ăn 1 bữa để giảm thua lỗ…
Lời tòa soạn: Thê thảm, khủng hoảng, nợ ngập đầu, chết hết rồi, lỗ banh xác, phá sản, treo chuồng... là những từ mà chúng tôi nghe được từ bà con nông dân chăn nuôi gia cầm thời gian qua. Đáng nói đó chẳng phải chuyện mới mẻ gì, nhưng bà con vẫn đang loay hoay, xoay xở trong cảnh giá bán thấp, trong khi mọi chi phí từ thức ăn, vaccine, thuốc men đều tăng lên, chưa kể tình trạng cắt điện, thiếu điện còn làm nhiều trang trại bị thiệt hại nghiêm trọng.
5 tháng, lỗ 20 tỷ đồng
Vừa gọi điện hỏi thăm tình hình chăn nuôi, ông Đinh Ngọc Khương (ngụ ấp Nước Vàng, xã An Bình, huyện Phú Giáo, Bình Dương) đã than thở: "Từ đầu năm đến giờ nhà tôi lỗ mất 20 tỷ đồng rồi. Đang cố duy trì chăn nuôi, gắng tới quý III-IV xem tình hình thế nào rồi tính tiếp".
Ông Khương cho biết: "Giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, kéo theo mọi chi phí đầu vào lên cao mà mãi không giảm. Giá trứng tại trại hiện 1.400 đồng/quả, trong khi giá bán phải đạt gần 2.000 đồng/quả mới đạt điểm hòa vốn. Giá gà thịt (gà tam hoàng) đang nhích lên, đạt 38.000 – 39.000 đồng/kg, nhưng vẫn dưới giá thành, tức phải đạt từ 44.000 đồng/kg trở lên mới có lãi".
Đáng nói, theo ông Khương có lúc giá gà thịt xuống rất sâu, chỉ còn 22.000 – 25.000 đồng/kg. Tình trạng giá bán thấp không phải dăm ba ngày mà đã kéo dài hàng tháng trời.
Ông Khương tiết lộ: "Trung bình 1 tháng, tôi xuất bán 400 tấn gà thịt, tương đương 250.000 con gà. Một con gà xuất chuồng nặng khoảng 1,7kg, giá thành 74.800 đồng, nhưng thu về chỉ được 64.000 – 65.000 đồng. Lỗ khủng khiếp, càng nuôi lớn càng lỗ nhiều".
Ông Khương được bình chọn là Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2021, nuôi gà đến nay gần 20 năm, đã trải qua không ít khó khăn nhưng chưa lúc nào đến mức bế tắc như bây giờ. Thời điểm làm ăn có lãi, ông nuôi 700.000 con gà thịt (giống tam hoàng), 40.000 con gà bố mẹ, nhưng giờ phải giảm xuống 300.000 con gà thịt và 30.000 gà bố mẹ. "Tình cảnh này tôi buộc phải giảm gà bố mẹ, vì bán giống cũng không ai mua, không có người nuôi, các công ty khác tôi được biết cũng đang phải giảm đàn. Hiện gà thịt tôi vẫn cung cấp đều đặn cho các đối tác lớn, ngoài ra có một số khách hàng quen khác mua từ 500-1.000 con/lần. Nhưng các công ty này cũng đang gặp khó khăn do lượng tiêu thụ ít đi. Chẳng hạn trước đây bán được 7.000 con gà/ngày, nhưng giờ chỉ được 5.000 con" – ông Khương nói.
"Treo chuồng", bắt gà nhịn đói
Ngay những HTX chăn nuôi có liên kết với đơn vị tiêu thụ cũng không thoát được thảm cảnh thua lỗ kéo dài. Là đơn vị có quy mô chăn nuôi gà ta lớn nhất nhì tỉnh Lào Cai, HTX chăn nuôi Xuân Tiến ở xã Xuân Quang (huyện Bảo Thắng) thường xuyên bắt tay với các nhà hàng, cơ sở chế biến thực phẩm và tiểu thương tại thị xã Sa Pa, TP.Lào Cai nên việc tiêu thụ khá thuận lợi. Nhưng từ đầu năm đến nay, thị trường tiêu thụ chậm nên đàn gà thịt của HTX cũng bị tồn đọng, thời gian nuôi gà phải kéo dài hơn bình thường.
Ông Phan Nhật Quang - Giám đốc HTX chăn nuôi Xuân Tiến cho biết: Từ đầu năm 2023 đến nay, giá gà ta liên tục giảm, từ 90.000 đồng/kg xuống 52.000 đồng/kg, có lúc chỉ được 47.000 đồng/kg. Giờ đúng vào thời gian các trường học nghỉ hè nên một số đơn vị dừng hợp đồng thua mua, nhiều hộ xã viên phải "treo chuồng". Những hộ đang còn duy trì thì buộc phải giảm khẩu phần ăn cho gà, lỗ càng thêm lỗ. Trước đây, HTX có 13 hộ xã viên nuôi gà thương phẩm, quy mô 160.000 con gà/năm, nay chỉ còn 5 hộ nuôi với 60.000 con gà.
Thậm chí, các doanh nghiệp lớn vừa có con giống, vừa có nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi cũng đang đứng trước cảnh tiền tỷ ra đi vì giá bán sản phẩm thấp. Như Tập đoàn Dabaco – một trong những "đại gia" nuôi gà phía Bắc báo lỗ kỷ lục 321 tỷ đồng trong quý I/2023. Trước đó, quý IV/2022 công ty này cũng lỗ gần 80 tỷ đồng.
Ông Bùi Đức Huyên – Tổng Giám đốc Công ty CP Dinh dưỡng Việt Tín thông tin: "Năm 2021, chúng tôi nuôi gà tổng đàn 4 triệu con. Do 3 năm liền thua lỗ, giờ chúng tôi chỉ còn duy trì 2 trại, trong đó tại Bắc Giang nuôi 60.000 con. Trước đây chúng tôi sản xuất và cung ứng thức ăn chăn nuôi tới 12.000 tấn/tháng, giờ chỉ còn 3.000 tấn/tháng".
Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Hùng (xã Tân An, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) cho biết, có thời điểm bất đắc dĩ ông phải cho gà ăn cầm chừng, hoặc nhịn đói 1-2 ngày để giảm thua lỗ. Và sau khi bán lứa gà gần đây nhất, ông cũng chưa thả nuôi lứa mới. Theo ông Hùng, trước đây, 1kg cám gà giá chỉ khoảng 9.000 đồng, còn bây giờ lên 13.500 đồng/kg. Với những trang trại lớn, mỗi lần nhập cám hết từ vài trăm triệu tới cả tỷ đồng.
Theo tính toán của người chăn nuôi gà công nghiệp (gà trắng), để nuôi được 1kg gà công nghiệp cần khoảng 1,6kg thức ăn. Như vậy con gà thương phẩm 2kg sẽ cần khoảng 43.000 đồng tiền cám, cộng với 5.000 đồng tiền con giống, thêm phí thú y, điện, nước, lao động từ 53.000 - 55.000 đồng. Đó là chưa kể nhiều hộ phải thêm chi phí trả lãi suất vay ngân hàng, tiền thuê chuồng trại. Trong khi thời điểm này, giá gà công nghiệp lông trắng chỉ dao động ở mức 23.000 – 25.000 đồng/kg, tức là người chăn nuôi đang lỗ ít nhất 5.000 đồng/con gà.
Mời bạn tham gia Giải báo chí toàn quốc viết về "Nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam"
- Tác phẩm dự thi phải viết về "Nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam", ưu tiên cho chủ đề về "Nông nghiệp xanh, kinh tế tuần hoàn, gắn với chuyển đổi số", là những tác phẩm phản ánh đúng sự thực khách quan. Ban Tổ chức Giải báo chí không nhận các tác phẩm hư cấu, tác phẩm văn học.
- Thể loại của các phẩm dự thi là ký sự, phóng sự, bút ký, bài phản ánh, bài phản biện viết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam.
- Bài gửi dự thi trên báo in (đăng trên Báo Nông thôn Ngày nay): Bài viết có dung lượng 1.000-1.500 chữ + 2-3 ảnh, không vi phạm bản quyền hình ảnh.
- Bài dự thi trên báo điện tử (đăng trên Báo điện tử Dân Việt- Danviet.vn): Bài viết có dung lượng tối đa không quá 2.500 từ + 3-4 ảnh + clip, không vi phạm bản quyền hình ảnh.
- Đối với các tác phẩm từ các cơ quan báo chí khác, bài dự thi là một tác phẩm hoặc một chùm bài được đăng tải trên báo, tạp chí in hoặc báo, tạp chí điện tử.
- Mỗi cơ quan báo chí được gửi tối đa 05 tác phẩm về Ban Tổ chức Giải báo chí viết về "Nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam" để chấm giải (với báo, tạp chí in, phải gửi tác phẩm, kèm số báo đăng tác phẩm, có xác nhận của cơ quan; bài đăng trên báo, tạp chí điện tử phải in tác phẩm ra và gửi kèm đường link, có xác nhận của cơ quan).
- Thời gian: Từ tháng 4 đến tháng 12/2023. (Trong đó, thời gian nhận bài bắt đầu từ tháng 4 và kết thúc ngày 15/11/2023 để Ban Tổ chức tổng hợp, chấm Giải).
Địa chỉ nhận tác phẩm:
Các tác phẩm gửi về để đăng trên Báo Nông thôn Ngày nay/điện tử Dân Việt gửi về hòm thư điện tử nhận bài dự thi: buihongliendv@gmail.com.
Điện thoại: 0902026692 (Nhà báo Bùi Hồng Liên- Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt, thư ký Giải).
Vui lòng nhập nội dung bình luận.