"Đánh liều" nuôi loài chim khổng lồ chạy nhanh nhất thế giới, anh nông dân Ba Vì thành tỷ phú

Vũ Phúc Thứ sáu, ngày 16/06/2023 15:09 PM (GMT+7)
Cả trang trại như yên ắng và tôi có cảm giác dường như đang sống giữa một châu Phi hoang dã có thật ở Việt Nam. Chưa nói đến lợi ích kinh tế, tôi cũng biết trang trại này đang tạo ra một “vương quốc” trải nghiệm khép kín của một miền quê ẩn sau chân núi...
Bình luận 0
"Đánh liều" nuôi chim khổng lồ, anh nông dân Ba Vì không ngờ lãi lớn - Ảnh 1.

Để trở thành tỉ phú, người ta có nhiều cách. Còn với anh Nguyễn Văn Trung, thôn Tam Mỹ, xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì ( TP. Hà Nội), tôi lại nhìn thấy anh bắt đầu từ những con đà điểu, một giống vật hoang dã và khó thuần phục. 

Vậy điều gì kích thích một chàng trai ở xóm núi xa xôi và hẻo lánh nghĩ đến việc đưa đà điểu về Việt Nam? Để rồi, sau nhiều năm vật lộn với con vật nuôi khổng lồ này, anh đã biến cả vùng núi ở thôn Tam Mỹ, xã Tản Linh, Bà Vì (Hà Nội) thành một "vương quốc" chuyên cung cấp "thịt đà điểu". 

Cứ mỗi vụ đà điểu như thế, anh thu về khoảng 2-3 tỉ đồng/năm. 

"Đánh liều" nuôi chim khổng lồ, anh nông dân Ba Vì không ngờ lãi lớn - Ảnh 2.

Để làm một trang trại đà điểu, anh Trung phải đầu tư chuồng trại, lán kiên cố để đảm bảo đà điểu luôn sinh trưởng.

Mang loài chim từ châu Phi về Ba Vì

Đi suốt nửa ngày đường, tôi đến trang trại đà điểu của anh Trung, một trang trại kiên cố, trong đó có hàng trăm con đà điểu mỗi con nặng ước chừng 1 tạ vừa đi lại vừa xòe những đôi cánh như những vũ công của núi rừng. Thỉnh thoảng, chúng lại phát ra những tiếng gọi đàn khiến không gian núi rừng nơi đây trở nên xáo động. 

"Anh bạn nhà báo đi khẽ chứ, những con đà điểu hoang dã tính tình nhút nhát chỉ cần nghe một tiếng động nhỏ cũng bỏ chạy tán loạn", anh Trung dặn dò. 

Tôi để ý thấy hầu như bất cứ địa điểm nào ở trang trại cũng có hệ thống những "mắt thần" cảnh báo. Cứ mỗi khi có một chú đà điểu nào "nhớ bạn", tiếng gọi đàn của chúng đã trở thành một thứ quen thuộc đối với tất cả người dân dưới dãy núi Tản Lĩnh này.

Tôi quan sát thấy một chú đà điểu con đói bụng, thỉnh thoảng lại rống lên một tiếng kêu như thể gọi mẹ. Ở phía ngoài một đoàn khách thăm quan với những cái nhìn thích thú. Có lẽ tôi là vị khách duy nhất ngày hôm ấy được anh Trung dẫn đi thị sát cặn kẽ từng góc của trang trại hôm ấy.

Tôi đi vòng quanh đó giữa những chú đà điểu nghễn nghện, liên tục chụp ảnh, thỉnh thoảng ánh đèn flash khiến những chú đà điểu thu mình lại một góc. Anh Trung lấy thức ăn và cỏ dại có sẵn trong kho rồi ném về phía chúng, nghe thấy tiếng gọi quen thuộc mấy trăm "cỗ máy" di động đổ dồn về một phía. Khoảng mười phút sau, khi thức ăn đã vãn, và như cần thứ gì đó, chúng đi vào cái máng đựng đầy nước của trang trại rồi uống ừng ực.

Cũng có những khi cả trang trại như yên ắng và tôi có cảm giác dường như đang sống giữa một châu Phi hoang dã có thật ở Việt Nam. Chưa nói đến lợi ích kinh tế, tôi cũng biết trang trại này đang tạo ra một "vương quốc" trải nghiệm khép kín ở một miền quê ẩn sau chân núi. 

"Nuôi bất kỳ con gì cũng kỳ công, nhưng đà điểu khiến tôi mất ít thời gian. Với cái tính cách ăn uống "đạm bạc", tôi chỉ cần trồng rau, ngô, khoai, sắn, thóc, là chúng có thể yên tâm lớn lên. Một mình tôi có thể "quản" 200-300 con đà điểu cùng một lúc. Đôi khi tôi làm trang trại mà cứ ở nhà trông con hay xem tin tức thời sự khiến người ta phải giật mình. Riêng về cái khoản chuồng trại thì khỏi bàn, chỉ nói là "rẻ" và "tiết kiệm" - anh Trung nói.

Tôi nhìn theo hướng chỉ dẫn của anh Trung và thấy phía đó là một cái mái che kiên cố. Hầu như nền sân không hề lát gạch, nếu có thì cũng chỉ đổ thêm một ít cát mịn để đà điểu đi lại không trượt ngã. Không gian xung quanh được che chắn bằng tấm lưới sắt và một vài cọc bê tông. Ở đây, trong diện tích 1.000m2, gia đình anh Trung nuôi 100 con đà điểu. 

Cứ sau 8-10 tháng, đà điểu lớn nhanh như thổi, mỗi con nặng ước chừng 1 tạ. Có năm thị trường được giá, mỗi lứa anh thu về chừng 2-3 tỉ đồng. Đà điểu vốn được biết đến là loài chim lớn nhất trên Trái đất hiện nay và là loài chim nhanh nhất trên mặt đất (tới 70km/h) vì chúng không bay. 

Năm 2007, anh Trung bắt đầu nhập 50 con đà điểu giống đầu tiên với mức chi phí là 2,7 triệu đồng/con và nuôi kèm với lợn siêu lạc. 

"Tôi nhớ rất rõ năm đó vẫn còn chưa có phong trào nuôi đà điểu như bây giờ, thế là tôi tính đến việc đầu tư, nhưng cái khó là đầu ra không có. Lúc bấy giờ tuy thịt đà điểu được coi là đặc sản nhưng rất hiếm nơi bán. Tôi cố gắng vỗ béo cho đà điểu, nhưng cứ đạt đến ngưỡng 1-1,1 tạ, thì chúng chẳng chịu lớn thêm. Người ta tìm mua thịt đều không có, gia đình tôi phải mất gần 100 kg thức ăn để chờ bán. Cộng thêm lúc đó các thương lái gây sức ép khiến giá tụt xuống kinh khủng", ông chủ trang trại đà điểu nhớ lại.

Hai năm đầu dù lỗ nặng nhưng vẫn không khiến anh Trung nản lòng. Thậm chí, có những lúc thị trường  chao đảo, một vài người thử nghiệm với mô hình trang trại này đã tìm đường rút lui vì thiếu vốn, đầu ra và kinh nghiệm thì anh Trung vẫn kiên định với con đường mà mình đã chọn. 

"Hồi đầu tôi cũng loay hoay với cách làm trang trại như thế này. Bởi trong đầu tôi lúc đó, đà điểu chỉ có ở nước ngoài, vả lại dù có tính đến việc làm trang trại thì đưa chúng về bằng cách nào. Rồi vốn, đầu ra và nhiều cái khó của thị trường nữa nhưng sau cùng tôi vẫn cương quyết làm vì dù sao với người nông dân không nuôi gia súc, gia cầm thì nuôi gì cho phù hợp", anh Trung giãi bày.

Anh Trung sinh ra trong một gia đình bình thường, ít được đến trường và cũng không biết nhiều chữ nghĩa. Khi ấy, anh tìm đến nghề thợ hồ để giải quyết nhu cầu tạm thời cuộc sống. 

Cho đến một ngày, bất chấp sự phản đối của mọi người, anh cương quyết từ bỏ nghề thợ hồ, vay vốn ngân hàng để khởi nghiệp chỉ với 4 con bò sữa. Ở thời điểm đó, bò sữa cho thu nhập khá và mở ra một tương lai mà nhiều người mơ ước. Thế nhưng tiền thuê nhân công, rồi quỹ đất của gia đình eo hẹp nên không đủ diện tích trồng cỏ,... tất cả khiến anh phải dừng lại. Đến năm 2006, anh phải bán thốc bán tháo số bò trong chuồng.

Anh ngồi đọc hết những cuốn sách của các chuyên gia Trung tâm Nghiên cứu gia cầm Thụy Phương (Hà Nội). Khi đã thấm mệt vì đọc sách mà trong lòng cứ rối tinh rối mù vì cơm áo, gạo, tiền, anh ngồi bên cạnh mẹ trên mảnh đất gò đồi mà bấm bụng thở dài. 

"Đánh liều" nuôi chim khổng lồ, anh nông dân Ba Vì không ngờ lãi lớn - Ảnh 3.

Bây giờ anh Trung đã có một cơ ngơi khang trang nhờ nuôi con vật này.

Đến khi bắt tay vào làm, anh cũng không hề thảo luận với ai về việc gây dựng trang trại vì anh cảm thấy việc mình mình cứ làm. Anh luôn tin rằng đà điểu sẽ mang đến cho anh một cuộc đời mới. 

Nghĩ là làm, anh Trung đem sổ đỏ đi thế chấp ngân hàng để có được một khoản tiền nhằm đầu tư vào trang trại. "Lúc cầm số tiền trên tay từ ngân hàng trở về nhà, mình bắt đầu thấy lo lắng. Ban đầu, để mọi người có chút lòng tin, tôi nuôi lợn rồi nuôi bò, nhưng ngặt nỗi chất thải chăn nuôi gây ô nhiêm nặng nề, thêm vào đó, do không có tiền đầu tư hệ thống bể chứa xử lý nước thải nên làng xóm kêu như vạc đồi. Cuối cùng, tôi nghĩ đến con đà điểu, phần vì nó "độc" và "lạ", phần nữa nó rất hợp với quy mô trang trại gia đình, không hề gây ô nhiễm mà giá trị kinh tế lại cao thay vì hướng làm với lợn và bò", anh Trung tâm sự.

Bí quyết để nuôi đà điểu thành công

Bây giờ, đà điểu trong trang trại của anh Trung đã trở thành một "thương hiệu" nức tiếng ở vùng núi Ba Vì. Sản phẩm muốn được ổn định thì phải có một đầu ra ổn định. Anh Trung nghĩ đến việc bao tiêu sản phẩm bằng cách mở một cửa hàng phân phối thịt và các sản phẩm từ đà điểu ngay trên trục đường cạnh nhà mình, rồi cung cấp cho những cửa hàng trong khu du lịch Ba Vì. 

"Dần dà, nhiều người tìm đến mua các đến sản phẩm từ đà điều của tôi nhiều hơn. Có thời điểm, cung không đủ cầu, thịt đà điểu "hot" đến mức dù tôi đã cố "vỗ béo" cho đà điểu hết cỡ nhưng cũng không đáp ứng kịp nhu cầu của thị trường", anh Trung kể.

Để mở rộng thêm mô hình, anh Trung không ngần ngại chuyển giao giống và kỹ thuật chăn nuôi đà điểu cho bà con trong vùng để xây dựng nguồn sản phẩm tại chỗ.

Cứ sau 2-3 tháng được chăm sóc và nuôi nấng kĩ lưỡng, đà điểu con sẽ đạt trọng lượng khoảng 10-15kg, lúc đó cơ thể khỏe mạnh có thể "kháng" lại với mọi loại hình thời tiết. Anh Trung đem những con đà điểu giống tốt đi cung cấp cho các trang trại quanh vùng và các tỉnh lân cận như Hải Phòng, Việt Trì, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh...với giá ban đầu là 2,5 triệu đồng/con. Đến khi đà điểu đạt đủ số tuổi và cân nặng cho phép, anh Trung lại nhập số đà điểu đó trở lại và đảm bảo đầu ra cho những hộ chăn nuôi.

Theo anh Trung, đà điểu có thuộc tính vừa là gia cầm và vừa là gia súc. Khi đã lớn đến trọng lượng khoảng 15kg, chúng sẽ đủ khả năng chống chọi được với nhiều môi trường sống và không còn lo sợ thời tiết khắc nghiệt nữa. 

Bằng chứng là Việt Nam trong những năm trở lại đây chưa ghi nhận những đợt dịch bùng phát đối với giống đà điều ngoại lai này. Nói một cách chính xác thì so với những loại gia cầm khác như gà, vịt, ngan, ngỗng, thì nuôi đà điểu là một ý tưởng không tồi.

Được chia sẻ kinh nghiệm nuôi đà điểu từ anh Trung, anh Phùng Quốc Việt - một nông dân cũng ở Ba Vì kể lại việc đã cùng lúc thử nghiệm nuôi với 80 chú đà điểu đầu tiên, và kết quả đáng ngờ là sau đó vài năm, anh Việt không những huề vốn mà còn có được cuộc sống đầy đủ và sung túc. Hay như anh Chu Quang Khải (cũng ở Ba Vì) đã tin tưởng và chọn nuôi 20 con đà điểu và nhận ra đó một hướng chăn nuôi hiệu quả.

Vậy là sau cùng, ước mơ của anh Trung đã trở thành hiện thực, không những làm giàu cho gia đình mà còn giúp đỡ bà con xung quanh. "Đà điểu! Con vật khiến chúng tôi đổi đời thật rồi!" - Anh Trung reo lên trong niềm vui sướng. 

"Đánh liều" nuôi loài chim khổng lồ chạy nhanh nhất thế giới, anh nông dân Ba Vì thành tỷ phú - Ảnh 4.

Mời bạn tham gia Giải báo chí toàn quốc viết về "Nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam"

- Tác phẩm dự thi phải viết về "Nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam", ưu tiên cho chủ đề về "Nông nghiệp xanh, kinh tế tuần hoàn, gắn với chuyển đổi số", là những tác phẩm phản ánh đúng sự thực khách quan. Ban Tổ chức Giải báo chí không nhận các tác phẩm hư cấu, tác phẩm văn học.

- Thể loại của các phẩm dự thi là ký sự, phóng sự, bút ký, bài phản ánh, bài phản biện viết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam.

- Bài gửi dự thi trên báo in (đăng trên Báo Nông thôn Ngày nay): Bài viết có dung lượng 1.000-1.500 chữ + 2-3 ảnh, không vi phạm bản quyền hình ảnh.

- Bài dự thi trên báo điện tử (đăng trên Báo điện tử Dân Việt- Danviet.vn): Bài viết có dung lượng tối đa không quá 2.500 từ + 3-4 ảnh + clip, không vi phạm bản quyền hình ảnh.

- Đối với các tác phẩm từ các cơ quan báo chí khác, bài dự thi là một tác phẩm hoặc một chùm bài được đăng tải trên báo, tạp chí in hoặc báo, tạp chí điện tử.

- Mỗi cơ quan báo chí được gửi tối đa 05 tác phẩm về Ban Tổ chức Giải báo chí viết về "Nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam" để chấm giải (với báo, tạp chí in, phải gửi tác phẩm, kèm số báo đăng tác phẩm, có xác nhận của cơ quan; bài đăng trên báo, tạp chí điện tử phải in tác phẩm ra và gửi kèm đường link, có xác nhận của cơ quan).

- Thời gian: Từ tháng 4 đến tháng 12/2023. (Trong đó, thời gian nhận bài bắt đầu từ tháng 4 và kết thúc ngày 15/11/2023 để Ban Tổ chức tổng hợp, chấm Giải).

Địa chỉ nhận tác phẩm:

Các tác phẩm gửi về để đăng trên Báo Nông thôn Ngày nay/điện tử Dân Việt gửi về hòm thư điện tử nhận bài dự thi: buihongliendv@gmail.com.

Điện thoại: 0902026692 (Nhà báo Bùi Hồng Liên- Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt, thư ký Giải).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem