"Cơn bĩ cực" của người chăn nuôi gia cầm: Điêu đứng vì thua lỗ, để mặc cho gà chết (Bài 1)
"Cơn bĩ cực" của người chăn nuôi gia cầm: Điêu đứng vì thua lỗ, để mặc cho gà chết (Bài 1)
Tiến Dũng – Thiên Hương
Thứ sáu, ngày 16/06/2023 18:44 PM (GMT+7)
Hai xã Tiến Thành và Mã Thành (huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An) là nơi có số hộ nuôi gà nhiều nhất tỉnh. Thế nhưng, hiện nay bà con nông dân ở 2 xã này đang lâm cảnh điêu đứng vì giá gà rẻ, thua lỗ nặng, một số hộ chán nản không cho gà ăn, để tự chết hàng loạt…
Lời tòa soạn: Thê thảm, khủng hoảng, nợ ngập đầu, chết hết rồi, lỗ banh xác, phá sản, treo chuồng... là những từ mà chúng tôi nghe được từ bà con nông dân chăn nuôi gia cầm thời gian qua. Đáng nói đó chẳng phải chuyện mới mẻ gì, nhưng bà con vẫn đang loay hoay, xoay xở trong cảnh giá bán thấp, trong khi mọi chi phí từ thức ăn, vaccine, thuốc men đều tăng lên, chưa kể tình trạng cắt điện, thiếu điện còn làm nhiều trang trại bị thiệt hại nghiêm trọng.
Tiêu điều những trang trại gà
Chúng tôi đến trang trại gà của anh Phạm Văn Chính (ở xóm Nhân Tiến, xã Tiến Thành), thấy anh đang ngồi bệt dưới đất, bó gối thẫn thờ như người mất hồn. Anh Chính cho biết, gia đình anh đã phải "gồng lỗ" từ năm ngoái tới nay. Dù lỗ nhưng anh vẫn phải tái đàn vì đầu tư chuồng trại rất tốn kém mà không hoạt động thì xuống cấp rất nhanh.
Thế nhưng, từ đầu năm đến nay, giá thức ăn chăn nuôi tăng mạnh, trong khi giá gà thì không những không tăng tương ứng mà còn rớt giá thê thảm. Hiện 1 bao cám 25kg giá 360.000 đồng, tăng 15% so với năm ngoái. Trong khi đó, giá gà hiện nay là 38.000 – 40.000 đồng/kg. Giá gà thịt phải đạt 70.000 đồng/kg thì người nuôi mới có lãi.
Theo Cục Chăn nuôi, Việt Nam là một trong những nước có tổng đàn gia cầm lớn nhất thế giới, riêng đàn thuỷ cầm lớn thứ hai thế giới. Giai đoạn từ năm 2018 - 2022, đàn gia cầm nước ta tăng nhanh từ 435,9 triệu con lên 557,3 triệu con. Tốc độ tăng trưởng bình quân là 6,3%/năm. Tuy nhiên, do nhu cầu tiêu dùng tăng chậm, cộng với những khó khăn hậu Covid-19 đã khiến giá các mặt hàng gia cầm liên tục giảm.
"Từ đầu năm đến nay tôi lỗ cả tỷ đồng rồi. Trang trại của tôi đầu năm đã có thời điểm bất đắc dĩ phải cho gà ăn cầm chừng hoặc nhịn đói 1 - 2 ngày. Nhưng hiện nay tiền mua cám đắt hơn tiền bán gà nên tôi chán nản cũng không muốn cho gà ăn nữa. Giờ ngân hàng họ giục trả lãi suốt, không biết gia đình chúng tôi sống ra làm sao đây" - anh Chính than thở.
Chị Trần Thị Mai – chủ trại gà quy mô hơn 10.000 con ở kế bên trại của anh Chính - cũng đang điêu đứng như ngồi trên đống lửa. Chị cho biết không chỉ lỗ vì giá thức ăn chăn nuôi tăng cao mà còn lỗ vì lãi suất ngân hàng cũng tăng. Bên cạnh đó, mọi chi phí khác trong quá trình chăn nuôi như thuốc men, điện nước, nhân công cũng có chiều hướng tăng khiến việc duy trì trang trại càng thêm khó.
Hiện nay, xã Tiến Thành có 50 trang trại, gia trại lớn nhỏ chăn nuôi gia súc, gia cầm. Ông Phan Văn Vũ - Chủ tịch UBND xã cho biết: Thực trạng thức ăn gia súc, gia cầm tăng cao, gà rớt giá, đầu ra khó khăn đã khiến cho các hộ dân lao đao vì khi xây dựng trang trại, hầu hết mọi người đều phải vay vốn.
Thời điểm vay để đầu tư, lãi suất thấp nên tính toán thấy có lời, nhưng giờ lãi ngân hàng đã tăng nên lỗ càng thêm lỗ. Hiện nay, trên địa bàn xã không chỉ những trang trại nuôi gà, mà những hộ chăn nuôi lợn cũng cùng chung cảnh ngộ.
Tại xã Mã Thành, thời điểm này không khí chăn nuôi cũng rất ảm đạm. Đứng trước trang trại gà xác xơ, anh Trần Mạnh Linh (ở xóm Đồng Bàu) cho biết: Xã Tiến Thành được tách ra từ xã Mã Thành, nên gia đình anh có 2 trang trại chăn nuôi gà ở hai xã. Thế nhưng từ năm ngoái đến nay việc chăn nuôi gà của gia đình anh liên tiếp lỗ nặng.
"Sức cùng lực kiệt, chả còn tiền mua cám nên tôi cứ để mặc kệ cho gà chết rồi đem đi chôn. Chôn hết rồi. Giờ nợ nần chồng chất, tui giờ chẳng biết làm sao đây nữa" - anh Linh rơm rớm nước mắt nói.
Ông Trần Đình Cảnh - Chủ tịch UBND xã xác nhận trên địa bàn có 40 trang trại, gia trại. Nhiều hộ chăn nuôi do thức ăn tăng cao, gà rớt giá thảm hại nên đã mặc cho gà chết hàng loạt. Nhiều hộ đã vỡ nợ thê thảm hàng tỷ đồng.
"Hai xã Tiến Thành và Mã Thành là vùng đất cao cưỡng, hạn hán quanh năm, trồng cây nông nghiệp, lâm nghiệp luôn thất bát. Giờ chăn nuôi cũng thất bại thì cuộc sống của người dân bị đảo lộn và sẽ kéo theo nhiều hệ lụy" - ông Cảnh cho biết.
Quả thật, chúng tôi đến một số trang trại tại hai xã này và chứng kiến cảnh trời nắng nóng trên 40 độ C nhưng hệ thống làm mát đã bị rút điện, cứ chốc chốc lại thấy những con gà lăn ra chết. Chúng tôi hỏi đó có phải là gà bị dịch bệnh không? Những chủ trang trại đều khẳng định, nguyên nhân là do giá thức ăn chăn nuôi tăng mạnh; giá bán gà thấp; nhu cầu tiêu thụ gà của các nhà hàng, quán ăn hay kể cả trong dân cũng xuống rất thấp, đầu ra rất khó khăn. Trong khi đó, giờ cho gà ăn vài ngày thì tiền thức ăn cao hơn tiền bán gà nên mới xảy ra thực trạng đau lòng trên. Người nuôi gà chỉ còn nước giải tán chuồng.
Mặc dù không đến mức mặc kệ đàn gà như một số hộ ở huyện Yên Thành, nhưng ông Nguyễn Văn Mùi – Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2022, ở xã Tân Liễu, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang, cũng đang ăn ngủ không yên vì mỗi ngày mở mắt ra đều đối mặt với nguy cơ thua lỗ.
Chia sẻ với phóng viên, ông Mùi cho biết: May mắn là nhà tôi có đầu mối tiêu thụ lớn là Công ty Samsung nên vẫn còn trụ được đến giờ này, trung bình mỗi ngày bán cho họ khoảng 4.000 – 5.000 quả trứng vịt lộn và trứng thường. Nhưng so với 4-5 tháng trước, giá thu mua trứng đã giảm 700 – 800 đồng/quả, khiến doanh thu của gia đình cũng giảm từ 70 – 80 triệu đồng/tháng.
Về giá thành sản xuất trứng vịt lộn, ông Mùi nhẩm tính khoảng 2.500 đồng/quả, nhưng hiện nay giá bán chỉ được 2.300 đồng/quả. "Năm ngoái tôi vẫn còn thu lãi, nhưng từ đầu năm đến giờ căng quá. Nhà tôi là đầu mối tiêu thụ lớn, không bị gặp cảnh ứ đọng nhiều nhưng các hộ chăn nuôi khác thì thực sự vô cùng khó khăn, căng thẳng cả đầu ra lẫn đầu vào" – ông Mùi nói.
Ông Lê Phương Hải - chủ trang trại chăn nuôi 500.000 con gà công nghiệp ở Long Thành (Đồng Nai) buồn rầu cho biết: "Những ngày vừa qua, thời tiết nắng nóng, gà tiêu thụ chậm phải chen chân trong chuồng nên chết la liệt. Hôm qua, tôi vừa phải nhặt đem đi chôn hơn 1.000 con".
Gia đình ông Hải bắt đầu nuôi gà từ năm 1994, chừng ấy năm nhưng chưa bao giờ ông Hải thấy khó khăn như bây giờ. Thậm chí, ngay cả khi xảy ra dịch Covid-19, tiêu thụ gà cũng chỉ khó một thời gian rồi hồi phục ngay. Còn hiện tại, ông liên tục phải bán gà dưới giá thành, gà công nghiệp (loại lông trắng) giá bán chỉ 19.000-21.000 đồng/kg. Mức giá này, ông lỗ 12.000-13.000 đồng/kg gà lông khi xuất chuồng.
Hiện gia đình ông Hải có tổng cộng 5 trại, nuôi gối nhau nên tháng nào cũng có gà bán. Mỗi lần xuất bán khoảng 300 tấn gà/trang trại. "Nhưng gà tiêu thụ rất chậm. Trước đây, một trại gà xuất bán chỉ một tuần là hết, nay kéo dài tới 5 tuần. Có lứa bán chậm, thời gian nuôi lên tới 55 ngày, chi phí thức ăn tăng thêm nên càng lỗ nặng" - ông kể.
Mời bạn tham gia Giải báo chí toàn quốc viết về "Nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam"
- Tác phẩm dự thi phải viết về "Nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam", ưu tiên cho chủ đề về "Nông nghiệp xanh, kinh tế tuần hoàn, gắn với chuyển đổi số", là những tác phẩm phản ánh đúng sự thực khách quan. Ban Tổ chức Giải báo chí không nhận các tác phẩm hư cấu, tác phẩm văn học.
- Thể loại của các phẩm dự thi là ký sự, phóng sự, bút ký, bài phản ánh, bài phản biện viết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam.
- Bài gửi dự thi trên báo in (đăng trên Báo Nông thôn Ngày nay): Bài viết có dung lượng 1.000-1.500 chữ + 2-3 ảnh, không vi phạm bản quyền hình ảnh.
- Bài dự thi trên báo điện tử (đăng trên Báo điện tử Dân Việt- Danviet.vn): Bài viết có dung lượng tối đa không quá 2.500 từ + 3-4 ảnh + clip, không vi phạm bản quyền hình ảnh.
- Đối với các tác phẩm từ các cơ quan báo chí khác, bài dự thi là một tác phẩm hoặc một chùm bài được đăng tải trên báo, tạp chí in hoặc báo, tạp chí điện tử.
- Mỗi cơ quan báo chí được gửi tối đa 05 tác phẩm về Ban Tổ chức Giải báo chí viết về "Nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam" để chấm giải (với báo, tạp chí in, phải gửi tác phẩm, kèm số báo đăng tác phẩm, có xác nhận của cơ quan; bài đăng trên báo, tạp chí điện tử phải in tác phẩm ra và gửi kèm đường link, có xác nhận của cơ quan).
- Thời gian: Từ tháng 4 đến tháng 12/2023. (Trong đó, thời gian nhận bài bắt đầu từ tháng 4 và kết thúc ngày 15/11/2023 để Ban Tổ chức tổng hợp, chấm Giải).
Địa chỉ nhận tác phẩm:
Các tác phẩm gửi về để đăng trên Báo Nông thôn Ngày nay/điện tử Dân Việt gửi về hòm thư điện tử nhận bài dự thi: buihongliendv@gmail.com.
Điện thoại: 0902026692 (Nhà báo Bùi Hồng Liên- Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt, thư ký Giải).
Vui lòng nhập nội dung bình luận.