Tại hội thảo, lãnh đạo Sở Xây dựng TP.HCM đã lý giải hàng loạt vấn đề, vướng mắc khiến thành phố 2 năm qua không triển khai được dự án nhà ở xã hội nào theo chủ trương.
Theo ông Khiết, hiện TP.HCM có khoảng 9 triệu người dân chính thức (người có hộ khẩu, đăng ký thường trú). Tuy nhiên, đối tượng cư trú, sống và làm việc mà không đăng ký thường trú tại TP.HCM lên đến 13,5 triệu người, trong đó có khoảng 1,3 triệu người ở nhà trọ.
"Theo thống kê của Sở Xây dựng, Liên đoàn Lao động TP.HCM, những người lao động có nhu cầu nhà ở thì chỉ một phần có nhu cầu mua nhà, phần đông còn lại mong muốn thuê hoặc thuê mua vì không đủ khả năng mua đứt hoặc không có nhu cầu sinh sống dài hạn tại TP.HCM", ông Thiết thông tin.
Theo lãnh đạo Sở Xây dựng TP.HCM, từ khi Luật Nhà ở năm 2005 có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 07 năm 2006, giai đoạn 2006 - 2010, TP.HCM xây dựng hoàn thành đưa vào sử dụng 02 dự án với quy mô sử dụng đất 0,4486 ha, diện tích sàn xây dựng 10.090 m2, quy mô 118 căn hộ. Giai đoạn 2011 - 2015: Xây dựng hoàn thành đưa vào sử dụng 10 dự án với quy mô sử dụng đất 10,1 ha, diện tích sàn xây dựng 347.184 m2, quy mô 3.768 căn hộ. Giai đoạn 2016 - 2020: Xây dựng hoàn thành, đưa vào sử dụng 19 dự án, với tổng diện tích đất 24,67 ha, diện tích sàn xây dựng 1,23 triệu m2, quy mô 14.954 căn hộ. Đây là giai đoạn nhà ở xã hội được phát triển mạnh mẽ nhất tại thành phố Hồ Chí Minh qua các giai đoạn.
Mục tiêu của TP.HCM, giai đoạn 2021 - 2025: dự kiến phát triển khoảng 2,5 triệu m2 sàn nhà ở xã hội tương ứng khoảng 35.000 căn nhà. Trong đó, nhà ở cho thuê phấn đấu đạt khoảng 500.000 m2 sàn, tương ứng khoảng 7.000 căn hộ; nhà ở lưu trú công nhân phấn đấu đạt trên 220.000 m2 sàn, tương ứng khoảng 4.500 căn hộ. Giai đoạn 2026 - 2030: dự kiến phát triển khoảng 4,08 m2 sàn nhà ở xã hội tương ứng khoảng 58.000 căn nhà. Trong đó, nhà ở cho thuê phấn đấu đạt khoảng 816.000 m2 sàn, tương ứng khoảng 11.600 căn hộ; nhà ở lưu trú công nhân phấn đấu đạt trên 480.000 m2 sàn, tương ứng khoảng 8.000 căn hộ.
Theo ông Khiết, hiện có nhiều vướng mắc trong các quy định pháp luật, chồng lấn nhau: "Pháp luật đất đai không có chuyện giao đất để xây dựng nhà ở xã hội mà phải đấu giá, đấu thầu. Không có cơ chế giao cho liên đoàn lao động làm, dẫn đến 1 bên có tiền, một bên có đất, có nhu cầu rất lớn mà không giải quyết được".
Về thủ tục, ông Khiết nêu vấn đề đáng báo động là chỉ trong một dự án phát triển nhà ở xã hội, nhà đầu tư phải rất vất vả để hoàn tất cả thủ tục pháp lý. "Cộng tất cả các thủ tục hành chính, pháp lý liên quan đến dự án, nếu suôn sẻ chủ đầu tư cũng phải mất 360 ngày mới hoàn thành thủ tục pháp lý. Còn nếu có vướng mắc, vấn đề thì ít nhất phải lên đến trên 500 ngày", ông Khiết nói.
Liên quan đến vấn đề thuế, ông Khiết cho rằng dự án nhà ở xã hội nhiêu khê hơn nhiều so với thương mại. Trong đó có liên quan đến việc rà soát miễn thuế tiền, chủ đầu tư phải hoàn tất các thủ tục, nghĩa vụ thuế đất, tiền sử dụng đất.
Đặc biệt, ông Khiết cho rằng: Về đối tượng mua nhà ở xã hội, quy định luật hiện nay đang rất vướng: "Các quy định luật yêu cầu đối tượng người có thu nhập thuộc điện phải đóng thuế thu nhập cá nhân thì không được mua nhà ở xã hội. Trong khi một số cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang có thể có mức lương đến 11 triệu đồng/tháng, nhưng không có nhà ở, thì họ không thể mua được nhà. Điều này phát sinh thực tế, nếu 1 lần phải đóng thuế thu nhập cá nhân, thì muôn đời không mua được nhà ở xã hội", ông Khiết thông tin.
Một vấn đề liên quan khác là quy định người mua nhà ở xã hội chưa từng sở hữu nhà ở, điều này vô tình tạo khó cho các cơ quan Sở Xây dựng địa phương.
"Chúng tôi không thể xác định được đối tượng mua nhà ở xã hội có nhà ở TP.HCM bởi vì nếu họ không có nhà ở quận này, sẽ có nhà ở quận khác hoặc địa phương khác. Sở Xây dựng TP.HCM đề nghị các cơ quan trung ương nên làm rõ, cụ thể các quy định này", ông Khiết nói.
Về giải pháp thời gian tới, ông Khiết nhấn mạnh, TP.HCM sẽ yêu cầu rà soát, ban hành quy trình giải pháp cụ thể, rút ngắn thủ tục hành chính trong thủ tục đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án nhà ở, dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, sẽ bổ sung các dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân vào chương trình kích cầu đầu tư của thành phố để tổ chức triển khai thực hiện sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh.
Về Xây dựng, lãnh đạo Sở Xây dựng TP.HCM nhấn mạnh, để đạt được mục tiêu, TP.HCM sẽ đôn đốc chủ đầu tư các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị triển khai đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên quỹ đất 20% của các dự án này theo tiến độ được phê duyệt; trường hợp chủ đầu tư không thực hiện thì tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố để thu hồi quỹ đất 20% để lựa chọn, giao cho các chủ đầu tư khác.
Liên quan đến tài chính cho nhà ở xã hội, theo ông Huỳnh Thanh Khiết hiện hạn mức vay mua nhà ở xã hội của Ngân hàng Chính sách xã hội là không vượt qúa 80% giá trị căn hộ, đối tượng cho vay không vượt qua 500 triệu đồng.
"Tính bình quân, giá căn hộ nhà ở xã hội của TP.HCM hiện nay là 18 triệu đồng đến 20 triệu đồng/m2. Nếu căn hộ 50m2, giá bán lên đến gần 900 triệu đồng/căn, người được cho vay chỉ được vay trong hạn mức 500 triệu đồng, vậy khoản còn lại, họ sẽ phải vay ở đâu? Chính sách thu hẹp phạm vi, nên đối tượng cho vay rất hẹp", ông Khiết phân tích.
Theo ông Khiết, TP.HCM có Chương trình vay từ quỹ phát triển nhà ở TP.HCM với lãi suất 4,8%, thời gian vay 25 năm, nhưng đối tượng chỉ giới hạn hưởng lương ngân sách TP.HCM, không cho vay quá 900 triệu đồng, lãi suất vay 7%/năm. Tuy nhiên đối tượng cũng khá hạn hẹp.