Dân Việt

Rác thải chất thành "núi" khắp nơi: Doanh nghiệp "hiến kế" tái chế thành một loại vật liệu quý

Trần Quang 28/06/2023 18:42 GMT+7
Bà Hồ Thị Thúy, đại diện Công ty Green Futune cho biết, hiện nay công ty đang tổ chức thu gom rác thải nhựa mềm (bao bì, túi nilon) đưa về nhà máy ở Hưng Yên để tái chế thành vật liệu xây dựng, cách làm này có thể giúp giảm tải các "núi rác" tại các địa phương.
Rác thải chất thành núi khắp nơi: Doanh nghiệp "hiến kế" tái chế thành vật liệu xây dựng quý - Ảnh 1.

Bà Hồ Thị Thúy, đại diện Công ty Green Futune chia sẻ việc tái chế rác thải thành vật liệu xây dựng tại hội thảo “Góp ý Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về định mức chi phí tái chế thực hiện trách nhiệm EPR của nhà sản xuất, nhập khẩu”, ngày 28/6. Ảnh: TQ

Chia sẻ tại hội thảo “Góp ý Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về định mức chi phí tái chế thực hiện trách nhiệm EPR của nhà sản xuất, nhập khẩu”, ngày 28/6, bà Thúy cho biết, trong dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về định mức chi phí tái chế có nêu việc thu gom bao bì nhựa mềm đơn giản và dễ hơn bao bì nhựa cứng nhưng thực tế thì ngược lại.

Theo bà Thúy, thông thường người đi nhặt, thu lượm rác không bao giờ lấy các bao bì nhựa mềm mà chỉ lượm bao bì nhựa cứng như vỏ chai, lon bia... vì loại rác này có lợi nhuận, giá trị cao hơn. Chính vì thế, rác nhựa mềm đang chất thành "núi" tại các tỉnh, thành gây ô nhiễm môi trường rất nghiêm trọng.

"Trước thực tế trên, chúng tôi đã lập dự án "Rác thải nhựa tương lai xanh" và thực hiện tại 3 tỉnh Hưng Yên, Nam Định, Hải Phòng. Công ty phối hợp với Hội Phụ nữ tại các địa phương tổ chức truyền thông cho chị em phụ nữ phân loại rác thải từ nguồn và tại gia đình, rác hữu cơ dùng để ủ để làm phân bón, rác nhựa vô cơ sẽ được thu gom đưa về nhà máy ở Hưng Yên để tái chế.

Đến nay, công ty đã tổ chức cho trên 1.000 người thu gom rác nhựa mềm đưa về nhà máy ở Hưng Yên để tái chế thành vật liệu xây dựng. Sau đó, chúng tôi đã đưa sản phẩm tái chế đi xây dựng các điểm trường, nhà tình nghĩa tặng cho người dân, vừa qua công ty đã xây được một điểm trường cho các học sinh vùng cao ở Lào Cai. Đặc biệt, thông qua các hoạt động này chúng tôi đã góp phần giúp các địa phương giảm tải được 60-70% rác thải", đại diện Công ty Green Futune nói.

Bà Thúy cho biết thêm, hiện nay Green Futune đang ký hợp đồng với trên 1.000 người thu gom rác nhựa mềm với giá 2.000 đồng/kg, tương đương 2 triệu đồng/tấn, chi phí vận chuyển 950.000 đồng/tấn; chi phí phân loại tại điểm tập kết 150.000 đồng/tấn; chi phí tái chế khoảng 7,5 triệu đồng/tấn. Tổng chi phí khoảng 10,6 triệu đồng/tấn.

"Tuy nhiên, trong 2 đề xuất của chuyên gia tư vấn và Hiệp hội Tái chế Việt Nam, chi phí tái chế đều thấp hơn chi phí mà doanh nghiệp đang làm, nhất là bên hiệp hội đưa ra chi phí hỗ trợ chỉ khoảng trên 3 triệu đồng/tấn là rất thấp.

Thứ 2 là chi phí hỗ trợ tái chế nhựa cứng đang là 10.250 đến 11.750 đồng/kg, trong khi đó loại nhựa bao bì thấp hiện không có giá trị trên thị trường khiến loại rác thải này tràn ngập khắp nơi chỉ được hỗ trợ 7.350 đồng đến 7.450 đồng/kg", bà Thúy nói và cho rằng, các cơ quan cần có cách tính lại chi phí thu gom, tái chế với các rác thải nhựa mềm, không thể thấp hơn nhựa PET, HDPE, LDPE, PP, PS, EPS, PVC cứng.

Rác thải chất thành núi khắp nơi: Doanh nghiệp "hiến kế" tái chế thành vật liệu xây dựng quý - Ảnh 3.

Theo bà Thúy, hiện Green Futune đang thu gom tái chế khoảng 20.000 tấn rác thải nhựa mềm thành vật liệu xây dựng. Ảnh: TQ

Hạch toán chi phí, doanh thu của Green Futune trong tái chế rác thải nhựa mềm hiện gồm chi phí trực tiếp cho hoạt động thu gom, vận chuyển, tái chế khoảng 10,6 triệu đồng/tấn; chi phí quản lý 10% khoảng 1,6 triệu đồng/tấn; thu từ bán gạch/tấn nhựa mềm (bằng giá thị trường gạch không nung) 1,3 triệu đồng. Theo đó, bà Thúy cho rằng, kinh phí cần được hỗ trợ tái chế phải đạt 10.360.000 đồng/tấn thì mới giúp công ty đủ khả năng tồn tại.

Đến thời điểm này, Green Futune đang phải nhờ nguồn xã hội hóa để tái chế rác thải khoảng 20.000 tấn/năm, dự kiến đến năm 2025, công ty sẽ tái chế khoảng 100.000 tấn rác thải nhựa mềm nên rất cần được "tiếp sức".

Hiện nay công việc thu gom rác thải nhựa mềm rất vất vả nhưng người thu gom chỉ được trả 2.000 đồng/kg, mỗi người dân nông thôn chỉ thu về khoảng 3 - 5 triệu đồng/tháng. Tại các địa phương, chính quyền cũng rất ủng hộ nhưng không có nguồn lực để hỗ trợ công ty. 

Để công việc thu gom, tái chế rác nhựa mềm hiệu quả hơn, đại diện Green Futune đề nghị các doanh nghiệp sản xuất liên quan đến lĩnh vực trên cùng vào cuộc với nhà nước để có mức hỗ trợ cho doanh nghiệp tái chế đỡ thiệt thòi.

Góp ý với Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về định mức chi phí tái chế, bà Thúy đề xuất đưa danh mục tái chế rác thải nhựa là túi nilon vào danh mục rác thải được hỗ trợ theo Điều 82, Nghị định 08/2022/NĐ-CP.

Bên cạnh đó, bà Thúy cũng đề nghị Hội đồng EPR quốc gia xây dựng một sàn giao dịch tín chỉ nhựa. "Dự kiến năm 2028, chúng ta sẽ có sàn giao dịch tín chỉ carbon, chúng ta cũng cần xây dựng sàn tín chỉ nhựa để giúp minh bạch và để các doanh nghiệp mua bán tín chỉ nhựa với nhau. Hiện tại ở các nước Pháp, Singapore... đang vận hành sàn này rất hiệu quả", bà Thúy nói thêm.

Hiện Dự thảo về định mức chi phí tái chế (Fs) bao bì đang được xây dựng, song nhiều doanh nghiệp, hiệp hội cho rằng định mức đang quá cao có thể làm tăng áp lực chi phí sản xuất và giá bán hàng hóa.

Cụ thể, mới đây 14 hiệp hội doanh nghiệp có văn bản ký gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường, các thành viên Hội đồng EPR Quốc gia, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) góp ý với Dự thảo này.

Theo văn bản kiến nghị, công thức tính Fs như trong dự thảo hiện nay hoàn toàn bỏ qua yếu tố lợi nhuận của doanh nghiệp tái chế từ vật liệu tái chế, hay giá trị thu hồi của bao bì. Fs đề xuất chưa theo nguyên tắc kinh tế tuần hoàn do chưa trừ đi giá trị vật liệu thu hồi được.

Ngoài ra, định mức Fs rất cao như đề xuất có thể dẫn đến nguy cơ gây tăng giá lớn đối với rất nhiều sản phẩm, hàng hóa. Ví dụ, giá có thể tăng thêm 1,36% với nước uống đóng chai; 0,6% với bia lon; 0,2% đối với bịch sữa. Từ đó, gây khó khăn cho doanh nghiệp cũng như cho người tiêu dùng, nhất là trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay.