Người dân Cần Giờ kiểm soát, giảm thiểu rác thải nhựa trên biển
Người dân Cần Giờ kiểm soát, giảm thiểu rác thải nhựa trên biển
Trần Đáng
Thứ sáu, ngày 23/06/2023 15:31 PM (GMT+7)
Những năm gần đây, nhằm tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa trên địa bàn, TP.HCM đã triển khai nhiều kế hoạch.
Vừa qua, UBND TP.HCM đã ban hành Quyết định số 1905/QĐ-UBND về Kế hoạch tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa trên địa bàn. Kế hoạch nhằm triển khai thực hiện Chỉ thị số 33/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa.
Kiểm soát chất thải nhựa tại nguồn
Với kế hoạch này, thành phố sẽ huy động sự tham gia một cách thiết thực, chủ động của các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, cán bộ và hội viên các tổ chức đoàn thể, người dân trên địa bàn thành phố trong các hoạt động quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa.
Qua đó lan tỏa và làm thay đổi nhận thức của cộng đồng về ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường do sử dụng bao bì nhựa khó phân hủy sinh học và sản phẩm nhựa dùng một lần trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt..., tiến tới từ bỏ thói quen sử dụng bao bì nhựa khó phân hủy, sản phẩm nhựa dùng một lần và thay thế bằng sản phẩm tái chế, thân thiện môi trường.
Thành phố sẽ kiểm soát chất thải nhựa từ nguồn, hạn chế tối đa và tiến tới không sử dụng bao bì nhựa khó phân hủy sinh học và sản phẩm nhựa dùng một lần trong tất cả các hoạt động hàng ngày của các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp, đoàn thể, trường học, cơ sở y tế, người lao động, người dân; tại hội nghị, hội thảo, hội họp, các ngày lễ, sự kiện khác diễn ra trên địa bàn thành phố.
Chất thải nhựa phát sinh từ hoạt động du lịch và dịch vụ biển, kinh tế hàng hải và tài nguyên khoáng sản biển, nuôi trồng và khai thác thủy sản phải được thu gom, lưu giữ và chuyển giao cho cơ sở có chức năng tái chế và xử lý. Thành phố tăng cường tổ chức phân loại, thu gom, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa…
Trước đó, nhằm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 1746/QĐ-TTg về ban hành kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030, UBND TP.HCM cũng đã ban hành kế hoạch hành động về quản lý rác thải nhựa đại dương trên địa bàn thành phố đến năm 2030.
Mục tiêu cụ thể của kế hoạch này là đến năm 2030 sẽ giảm thiểu 75% rác thải nhựa trên biển; 100% ngư cụ khai thác thủy sản bị mất hoặc bị vứt bỏ được thu gom, chấm dứt việc thải bỏ ngư cụ trực tiếp xuống biển; 100% các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch khác ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nylon khó phân hủy.
Về trách nhiệm thực hiện, ngoài các sở, ngành liên quan, thành phố giao cho UBND huyện Cần Giờ tổ chức tuyên truyền, vận động cư dân ven biển và ngư dân, thủy thủ, khách du lịch và các tổ chức, doanh nghiệp có hoạt động ven hoặc trên biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nylon khó phân hủy; không vứt bỏ ngư cụ khai thác thủy sản ở ven và trên biển...
Việc tổ chức này có thể lồng ghép vào các chương trình, sự kiện về bảo vệ môi trường, biển và hải đảo diễn ra trên địa bàn huyện Cần Giờ, như Ngày Môi trường thế giới, Tuần lễ Biển và Hải đảo...).
Ngoài ra, UBND các quận - huyện: 1, 2, 4, 7, 8, 9, 12, Bình Thạnh, Thủ Đức, Nhà Bè, Hóc Môn, Bình Chánh, Củ Chi... tổ chức tuyên truyền, vận động người dân không đổ, vứt chất thải, rác thải nhựa xuống các tuyến sông, kênh, rạch này.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.