Ngày 29/6, Cục Thống kê tỉnh Bình Dương cho biết, tình hình kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm 2023 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường.
Theo Cục Thống kê tỉnh Bình Dương, lạm phát tuy đã hạ nhiệt nhưng còn ở mức cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Nhu cầu tiêu dùng và các hoạt động kinh tế tiếp tục suy giảm. Điều này đã ảnh hưởng đến tình hình sản xuất kinh doanh trên cả nước nói chung và tỉnh Bình Dương nói riêng.
Trên địa bàn tỉnh Bình Dương, sau tết Nguyên đán năm 2023, sức mua thị trường bán lẻ trong nước phục hồi chậm. Vốn đầu tư công đạt thấp; tín dụng toàn nền kinh tế, tín dụng cho thị trường bất động sản cũng tăng trưởng thấp hơn các năm trước. Tất cả đã ảnh hưởng đến nhiều ngành có liên quan như sản xuất thép, vật liệu xây dựng, cơ khí...
Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Bình Dương đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, giảm gánh nặng cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, sau dịch Covid-19, các doanh nghiệp vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm khách hàng, tiếp cận vốn vay, thiếu nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp.
Tổng sản phẩm GRDP Bình Dương 6 tháng đầu năm 2023 chỉ tăng 3,76% so với cùng kỳ năm 2022. Theo Cục Thống kê, tốc độ phát triển của Bình Dương thấp hơn 6 tháng đầu năm của cùng kỳ các năm trước (6 tháng năm 2020 tăng 6,27%; 6 tháng năm 2021 tăng 5,91%; 6 tháng năm 2022 tăng 5,97%).
Đối với sản xuất công nghiệp, một số ngành công nghiệp của Bình Dương tăng trưởng thấp hơn so với các năm trước, đặc biệt ở một số ngành chủ lực trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.
Cụ thể, sản xuất trang phục giảm 7,4%; da và các sản phẩm có liên quan giảm 10,3%; giấy và sản phẩm từ giấy giảm 2,4%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa, sản phẩm từ rơm, rạ và vật liệu tết bện giảm 9,6%; sản phẩm từ cao su và plastic giảm 0,8%; kim loại giảm 9,1%.
Ước 6 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Bình Dương đạt 15,1 tỷ USD; giảm 17,4% so với cùng kỳ năm 2022. Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 10,78 tỷ USD, giảm 14,7%.
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương, trong 6 tháng đầu năm 2023, số doanh nghiệp đăng ký giải thể là 294 doanh nghiệp, tăng 71% so với cùng kỳ.
Theo kết quả khảo sát xu hướng kinh doanh của 413 doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, nhiều doanh nghiệp dự báo tình hình sản xuất kinh doanh quý III/2023 sẽ khó khăn hơn quý 2 vừa qua. Cụ thể:
Có 26,4% số doanh nghiệp dự báo tình hình sản xuất kinh doanh quý 3/2023 sẽ tốt hơn quý 2/2023; có 38,5% dự báo tình hình sản xuất kinh doanh quý 3/2023 ổn định như quý 2/2023; và có 35,1% dự báo tình hình sản xuất kinh doanh quý 3/2023 khó khăn hơn quý II/2023.
Dự báo về số lượng đơn hàng mới của ngành chế biến chế tạo trong quý III/2023; có 24,4% dự báo có số đơn hàng mới tăng lên so với quý II/2023; có 38,3% dự báo có số đơn hàng mới ổn định như số đơn hàng doanh nghiệp thực hiện trong quý II/2023; và có 37,3% dự báo có số đơn hàng mới tiếp tục giảm đi so với quý II/2023.