Dân Việt

An Giang có vô số núi ở 2 huyện, vì sao chỉ gọi Bảy Núi, là những ngọn núi nào, đỉnh núi nào cao nhất?

Trọng Tín 11/07/2023 15:24 GMT+7
Thiên nhiên đã ban tặng cho tỉnh An Giang rất nhiều ngọn núi lớn nhỏ giữa đồng bằng châu thổ sông Cửu Long. Người xưa đã chọn 7 ngọn núi tiêu biểu (thuộc huyện Tri Tôn và Tịnh Biên) để đặt tên cho cụm núi này là Thất Sơn hay còn gọi là Bảy Núi.

Thất Sơn hay còn gọi Bảy Núi ở An Giang là chỉ các ngọn núi có tên như sau:  Núi Thiên Cấm Sơn (núi Cấm); núi Phụng Hoàng Sơn (núi Cô Tô); núi Ngọa Long Sơn (núi Dài Lớn); núi Anh Vũ Sơn (núi Két); núi Ngũ Hồ Sơn (núi Dài Nhỏ hay núi Dài Năm Giếng); núi Liên Hoa Sơn (núi Tượng) và núi Thủy Đài Sơn (núi Nước).

Thiên Cấm Sơn còn gọi là núi Cấm thuộc xã An Hảo (huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang) cao 716m so với mặt nước biển, là ngọn núi cao nhất trong dãy Thất Sơn. 

Theo dân gian truyền lại, lúc xưa Thiên Cấm Sơn có tên là núi Gấm vì núi rất đẹp nhưng do núi hiểm trở, âm u chướng khí, nhiều thú dữ không ai dám đến nên có tên gọi là núi Cấm. 

Cũng có truyền thuyết kể rằng, do trước đây Vua Gia Long Nguyễn Ánh bị nhà Tây Sơn truy đuổi đã đến trú ngụ tại núi, để tránh tung tích bị tiết lộ nên lấy cớ nơi đây có nhiều thú dữ, yêu quái để cấm người dân lên núi, từ đó có tên gọi là núi Ông Cấm hay Thiên Cấm Sơn.

Do có địa hình cao nên Thiên Cấm Sơn được ví như “Đà Lạt của miền Tây” với khí hậu mát mẻ quanh năm, thảm thực vật phong phú, 4 mùa xanh tươi và nhiều loại cây trái đặc sản. 

Thiên Cấm Sơn còn đặc biệt nổi tiếng với nhiều hang sâu, vồ cao, như: vồ Bồ Hong có điện thờ Ngọc Hoàng Thượng Đế, vồ Thiên Tuế có dấu vết vua Gia Long, vồ Bà, vồ Ông Bướm…

An Giang có vô số núi ở 2 huyện, vì sao chỉ gọi Bảy Núi, là những ngọn núi nào, đỉnh núi nào cao nhất? - Ảnh 1.

Toàn cảnh hồ Thủy Liêm trên đỉnh Thiên Cấm Sơn (núi Cấm), một trong 7 ngọn núi cao của cụm núi thuộc 2 huyện Tịnh Biên, huyện Tri Tôn của tỉnh An Giang.


Ngoài ra, Thiên Cấm Sơn còn có suối Thanh Long như một con rồng đang uốn lượn qua từng vách đá, rồi trườn mình phun nước xuống những tản đá chồng lên nhau dưới chân suối. Hồ Thủy Liêm thơ mộng trên lưng chừng đỉnh núi tạo nên bức tranh sơn thủy hữu tình. 

Bên cạnh hồ là chùa Vạn Linh với lối kiến trúc độc đáo, nổi bật với khuôn viên rộng rãi, thoáng mát với tháp Quan Âm Cát 9 tầng cao 35m. Đối diện là chùa Phật Lớn, bảo tháp Xá lợi và tượng Phật Di Lặc cao 33,6m được công nhận là “Tượng Phật Di Lặc trên đỉnh núi” lớn nhất Châu Á năm 2013.

Ngọn núi cao thứ 2 trong Thất Sơn là Phụng Hoàng Sơn còn có tên là núi Cô Tô thuộc xã Núi Tô (huyện Tri Tôn). 

Phụng Hoàng Sơn cao 614m, không những khoác trên mình vẻ đẹp hoang sơ, kỳ vĩ của núi rừng với những hang động, lò ảng, đường ô, con suối, vồ đá… mà còn chứa đựng biết bao sự tích tu tiên, chém rắn hổ mây, thu phục mãnh thú ly kỳ ở vùng Thất Sơn kỳ bí của người xưa thời mở cõi.

Dân gian truyền rằng, xưa kia các nàng tiên nữ thường hạ phàm xuống vùng Thất Sơn vào những đêm trăng sáng để dạo chơi và vui đùa. 

Một hôm, các nàng chơi trò ném đá và sáng hôm sau nơi ấy xuất hiện một ngọn núi đá chồng chất lên nhau giống như con chim phụng hoàng khổng lồ sải cánh giữa đồng bằng.

Cũng có truyền thuyết kể rằng, núi này xưa kia là nơi có rất nhiều loài chim đẹp về trú ngụ, trong đó có chim phụng hoàng, nên gọi là Phụng Hoàng Sơn. 

Ngay dưới chân Phụng Hoàng Sơn là hồ Soài So tích nước từ những con suối vàng, suối bạc chảy từ đỉnh núi xuống, nước trong veo, mặt hồ phẳng lặng, gợn sóng lăn tăn tạo thành bức tranh sơn thủy giữa núi rừng.

Đứng hàng thứ 4 về độ cao trong Thất Sơn là Ngũ Hồ Sơn còn gọi là núi Dài Năm Giếng hay núi Dài Nhỏ thuộc xã An Phú (huyện Tịnh Biên) cao 265m. Sở dĩ có tên Ngũ Hồ Sơn vì đỉnh núi có 5 cái hố sâu nằm trên tảng đá to giống như giếng nước.

Theo truyền thuyết dân gian kể lại, thuở tạo thiên lập địa, Thái Thượng Lão Quân vân du qua vùng núi này, ông dùng năm ngón tay của mình ấn vào bãi đá để làm dấu. Những dấu ngón tay ấy biến thành 5 cái giếng nhỏ trên nền đá. 

Những giếng nước trời này “sâu không đáy” và không bao giờ cạn nước. Ngũ Hồ Sơn tuy hiểm trở nhưng có nhiều cảnh đẹp, nhiều vườn cây ăn trái trĩu quả quanh năm, như: ổi, xoài, bưởi, mận, hồng quân, thanh long…

Xếp ngay sau Ngũ Hồ Sơn là Anh Vũ Sơn còn gọi là núi Kéc thuộc xã Thới Sơn (huyện Tịnh Biên) cao 225m. Sở dĩ có tên gọi là Anh Vũ Sơn vì gần trên đỉnh núi có một tảng đá khổng lồ do thiên tạo nằm nhô ra có hình dạng như một con chim anh vũ (còn gọi là chim kéc).

Trên Anh Vũ Sơn có nhiều phiến đá lớn có hình dáng tự nhiên rất đẹp và các điện thờ do người dân lập nên, như: Sân Tiên, Giếng Tiên, điện Chư Thần, điện Phật Thầy, điện Phật Mẫu, điện Ngọc Hoàng, điện Huỳnh Long, điện Ba Cô, điện U Minh, điện Chư Vị Năm Non Bảy Núi… gắn với nhiều truyền thuyết dân gian về các tiên ông, tiên nữ dạo chơi trên núi hay các đạo sĩ tu tiên đánh đuổi thú dữ, diệt yêu quái cứu dân lành…

Và những câu truyện về Phật Thầy Tây An Đoàn Minh Huyên người khai sáng đạo Bửu Sơn Kỳ Hương cùng đệ tử và người dân khai hoang, lập làng Hưng Thới và làng Xuân Sơn (xã Thới Sơn ngày nay).

Kế đến là Liên Hoa Sơn còn gọi là núi Tượng thuộc thị trấn Ba Chúc (huyện Tri Tôn) cao 145m. 

Nhìn từ xa, núi như hình con voi phục, trên sườn núi có một vồ đá lớn nhô ra giống như đầu con voi nên gọi là núi Tượng. Liên Hoa Sơn có nhiều vồ, hang động tự nhiên, như: vồ Đá Dựng, vồ Cao (Đảnh Thượng), vồ Giếng Tiên, vô Cây Da, vồ Phụng Hoàng San, hang Tám Ất, hang Ba Lê, hang Cây Da... với những truyền thuyết thần tiên dạo chơi trên núi, linh thú tu hiền giúp đời…

Theo người xưa truyền lại, trước đây vùng này rất hoang vu, nhưng từ khi Đức Bổn sư Ngô Lợi, người khai sáng Phật hội Tứ Ân Hiếu Nghĩa dẫn đệ tử và người dân vào vùng núi Tượng khai hoang lập làng, dựng chùa Tam Bảo, chùa Phi Lai dân cư nơi đây ngày càng đông đúc, phát triển. 

Ngoài ra, Liên Hoa Sơn còn gắn liền với những dấu mốc lịch sử trong cuộc chiến bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc.

Ngọa Long Sơn còn gọi là núi Dài Lớn, cao 580m, đi qua địa phận 3 xã: Châu Lăng, Lương Phi, Lê Trì và thị trấn Ba Chúc (huyện Tri Tôn). Ngọa Long Sơn là ngọn núi dài nhất trong Thất Sơn. Nhìn từ xa núi như một con rồng đá đang nằm giữa đồng bằng nên núi được có tên là Ngọa Long Sơn.

Ngoài cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ với những dòng suối, đường ô chảy róc rách, những vườn cây ăn trái, cánh rừng tầm vong, tán cây cổ thụ, trên Ngọa Long Sơn có địa danh nổi tiếng đó là căn cứ Ô Tà Sóc (có nghĩa là suối Ông Sóc) được công nhận là Di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia. 

Ô Tà Sóc có địa hình phức tạp với nhiều hang động, hốc đá được thiên nhiên tạo ra bằng những tảng đá hàng chục, hàng trăm tấn chồng chất lên nhau xen kẻ là nhiều loại cây rừng hoang dại mọc lên từ chân đá. 

Ô Tà Sóc là căn cứ vững chắc của cách mạng, nơi Tỉnh ủy An Giang và các cơ quan trọng yếu trú đóng để chiến đấu và chỉ đạo phong trào cách mạng trong toàn tỉnh.

Thủy Đài Sơn còn gọi là núi Nước thuộc thị trấn Ba Chúc (huyện Tri Tôn) là ngọn núi nhỏ nhất trong Thất Sơn, chỉ cao 54m nhưng Thủy Đài Sơn vẫn được xếp vào Thất Sơn bởi theo người xưa nơi đây quy tụ nhiều linh khí của đất trời, như một hòn non bộ khổng lồ giữa đồng bằng mênh mông. 

Truyền thuyết dân gian kể rằng, xa xưa có một người khách trú phương Bắc là pháp sư đại phù thủy của vua được sai đi trấn yểm các long mạch của phương Nam. Khi đến Thủy Đài Sơn phát hiện long mạch nên đã trấn yểm.

Đức Bổn sư Ngô Lợi người khai sáng Phật hội Tứ Ân Hiếu Nghĩa khi đến Thủy Đài Sơn lập chùa Linh Bửu đã phát hiện ra việc bị trấn yểm nên cho đào lên phá hủy. 

Ngay chỗ huyệt bị trấn yểm, Đức Bổn sư Ngô Lợi cho đặt lên một con rùa bằng đá tượng trưng cho sự trường thọ. Ngoài ra, còn biết bao câu truyện dân gian, những dấu vết kỳ bí về các tiên gia xuống phàm trần còn để lại và lưu truyền cho đến ngày nay.

Khám phá Thất Sơn càng không thể bỏ qua các món ăn được chế biến từ cây thốt nốt, như: nước thốt nốt, đường, mứt, chè, bánh bò, rượu, thạch thốt nốt… 

Thưởng thức bánh xèo rau rừng Bảy Núi với hơn 20 loại rau rừng cùng nhiều loại trái cây đặc sản, như: nho rừng, trâm rừng, hồng quân, xoài, vải rừng, bơ, mãn cầu, vú sữa, sầu riêng đến các loại cua núi, ốc núi, cá suối…