Giá sầu riêng Thái, sầu riêng Ri6, sầu riêng Musangking, sầu riêng Chuồng Bò khu vực miền Tây Nam bộ, miền Đông Nam bộ, Tây Nguyên hôm nay vẫn đứng ở mức cao. Riêng loại sầu riêng Ri6 hàng đẹp lẫn hàng xô tăng đến 3.000-5.000 đồng/kg; sầu Thái còn tăng giá "khủng" hơn, hôm nay.
Cụ thể: Tại khu vực miền Tây Nam bộ, sầu riêng Musangking đẹp lựa có giá 57.000-60.000 đồng/kg. Sầu riêng Ri6 đẹp lựa có giá 50.000-55.000 đồng/kg, mức giá này tăng 3.000-5.000 đồng/kg so với hôm qua; sầu riêng Ri6 xô có giá 40.000-47.000 đồng/kg, tăng từ 3.000-5.000 đồng/kg so với hôm qua.
Sầu Thái hàng đẹp lựa có giá 90.000-95.000 đồng/kg, loại này tăng tới 1.000-4.000 đồng/kg so với cuối tuần trước; sầu riêng Thái mua xô có giá 80.000-85.000 đồng/kg, cũng tăng mạnh so với mức 66.000-72.000 đồng cuối tuần qua.
Tại khu vực miền Đông Nam bộ, sầu riêng Ri6 đẹp lựa có giá 47.000-53.000 đồng/kg, tăng 2.000-3.000 đồng/kg; sầu riêng Ri6 xô có giá 40.000-45.000 đồng/kg, tăng mạnh so với giá 34.000-39.000 đồng/kg của tuần trước. Sầu Thái đẹp lựa có giá 90.000-95.000 đồng/kg so với mức 78.000-84.000 đồng/kg so với cách đây 3 hôm; sầu riêng Thái mua xô có giá 80.000-85.000 đồng/kg tăng mạnh so với mức giá 64.000-73.000 đồng/kg cuối tuần trước.
Tại khu vực Tây Nguyên, sầu riêng Ri6 đẹp lựa có giá 47.000-53.000 đồng/kg, tăng 2.000-3.000 đồng/kg so với hôm qua; sầu riêng Ri6 xô có giá 40.000-45.000 đồng/kg tăng mạnh so với mức 34.000-39.000 đồng/kg của tuần trước.
Sầu Thái đẹp lựa có giá 90.000-95.000 đồng/kg, cũng tăng mạnh so với mức 78.000-84.000 đồng/kg hôm qua; sầu riêng Thái mua xô có giá 80.000-85.000 đồng/kg; tăng mạnh so với mức giá 64.000-73.000 đồng/kg cuối tuần trước. Sầu riêng Musangking đẹp lựa vẫn có giá ổn định từ 130.000-150.000 đồng/kg.
Dưới đây là bảng giá sầu riêng tham khảo được thương lái thu mua tại vườn ở miền Tây Nam bộ, miền Đông Nam bộ, khu vực Tây Nguyên ngày 24/7. Tùy theo độ dài đường vận chuyển hay khu vực vận chuyển mà giá sầu riêng sẽ có sự chênh lệch ít nhiều.
Sầu riêng tăng giá mạnh một phần do các thương lái đang ráo riết đặt cọc mua gom sầu riêng từ các nhà vườn. Trao đổi với PV Dân Việt, ông Anh Lê Văn Trung (xã Ea Yông, huyện Krông Pắk, Đắk Lắk) có hơn 1 ha sầu riêng cho biết, cứ trước vụ thu hoạch khoảng 1-2 tháng, thương lái sẽ về vườn sầu riêng đặt vấn đề thu mua toàn bộ quả tươi của vườn. Theo anh Trung, năm nay, họ đặt mua sầu riêng với giá khá cao bởi đầu ra của sản phẩm đã được rộng mở khi được đi chính ngạch vào Trung Quốc. Đây là tín hiệu đáng mừng cho người trồng sầu riêng.
Tuy nhiên, nhiều hộ chưa đồng ý chốt giá, bởi giá sầu riêng sẽ còn biến động theo chiều hướng tích cực nên nông dân chưa vội chốt. Nếu chốt sớm, về sau họ sẽ không được hưởng lợi khi giá tăng. Ngoài ra, bà con nông dân cũng phòng trường hợp, thương lái sẽ chậm tới thu mua khi vườn cây đã đến ngày thu hoạch.
Tại Lâm Đồng, theo ghi nhận, giá sầu riêng cũng đang ở mức rất cao, dao động từ 70.000-100.000 đồng/kg. Đặc biệt, do loại quả đặc sản này đang hút hàng, nhiều thương lái còn đến tận vườn người dân hỏi mua theo vạt (đặt mua trước cả vườn theo mức giá chung, sau đó thu hoạch từng đợt để xuất đi).
Nhiều nhà vườn sầu riêng cho hay họ mới thu hoạch lác đác nhưng đã có nhiều mối đến hỏi mua trước cả vườn. Bà con chưa đồng ý bán do giá bán lẻ sầu riêng đang ở mức cao trong khi giá thương lái mua cả vườn lại khá thấp.
Trước việc giá sầu riêng tăng mạnh, ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, khuyến cáo bà con nông dân không tự ý thu hoạch sầu riêng non để bán với mong muốn kết thúc mùa vụ sớm, trái non cũng nặng hơn nên bán được giá.
Điều này rất nguy hiểm cho ngành sầu riêng Việt Nam nói chung, vì khi người tiêu thụ bỏ tiền ra thì lại gặp phải ngay trái chưa chín, ăn không ngon sẽ tẩy chay thương hiệu doanh nghiệp Việt Nam và cả thương hiệu sầu riêng quốc gia của chúng ta.
Được biết, Bộ NN&PTNT mới đây cũng đã nhận được một số thông báo của Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) liên quan đến vi phạm yêu cầu về kiểm dịch thực vật của các lô hàng chuối, mít, xoài, nhãn, thanh long và sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam sang thị trường Trung Quốc.
Theo Bộ NN&PTNT, việc buông lỏng công tác kiểm tra, giám sát tại các vùng trồng, cơ sở đóng gói dẫn đến tình trạng kiểm soát không hiệu quả các đối tượng kiểm dịch thực vật mà nước nhập khẩu quan tâm và làm gia tăng số lượng các lô hàng vi phạm quy định của Trung Quốc, thậm chí có nguy cơ làm mất thị trường xuất khẩu quan trọng này.
Do đó, Bộ NN&PTNT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tại địa phương bảo đảm việc tuân thủ quy định và tránh nguy cơ bị áp các biện pháp kiểm soát chặt chẽ từ phía Trung Quốc, đồng thời phải quản lý tốt và hiệu quả các đối tượng kiểm dịch thực vật ngay từ các vùng trồng và cơ sở đóng gói đã được cấp mã số.
Hiện nay, cây sầu riêng đang trong giai đoạn mang quả, qua quá trình khảo sát và thăm vườn các chuyên gia khuyến nông thấy hiện tượng rụng trái rất nhiều. Hiện tượng rụng trái non có thể do nhiều nguyên nhân gây ra như: Rụng trái non sinh lý, rụng do cây thiếu dinh dưỡng, do thời tiết bất lợi như mưa nhiều, nắng to,…
Để hạn chế hiện tượng rụng trái non thì việc chăm sóc đúng kỹ thuật và kịp thời sẽ giúp cây sầu riêng sinh trưởng và phát triển tốt, đồng thời sẽ khắc phục được hiện tượng rụng trái non đang xảy ra rất nhiều trong giai đạon hiện nay.
Trung tâm khuyến nông Lâm Đồng có hướng dẫn tới bà con như sau: Tỉa quả: Nên cần thiết phải tỉa bớt quả nhằm tạo cho quả đảm bảo về chất lượng cũng như trọng lượng quả.
Cách tỉa và thời điểm tỉa quả: Lần 1: Quả được 3-4 tuần sau khi hoa nở, tỉa những quả có cuống nhỏ, chen chúc trong chùm quả, trái méo, trái bị sâu bệnh (để lại 6-8 quả/chùm). Lần 2: Quả được 8 tuần sau khi hoa nở: Tỉa quả cong vẹo, dị dạng (để lại 3-4 quả/chùm). Lần 3: Quả được 10 tuần sau khi hoa nở: Cắt tỉa những trái có hình dạng không đặc trưng của giống. Tạo thuận lợi cho phát triển cơm, kích thước và hình dáng trái. Chỉ để 2-3 quả/chùm, khoảng 70-120 quả/cây (tùy theo từng cây).
Phun phân qua lá để dưỡng quả: Từ giai đoạn nuôi hoa đến khi quả được 60 ngày tuổi. Phun định kỳ 7-15 ngày/lần bằng phân bón lá NPK 20-20-20+TE để cung cấp dinh dưỡng nuôi quả. Trong thời điểm này cây có hiện tượng ra đọt non thì phun MKP (10g/lít nước, 2kg/phuy) hoặc KNO3 (200-300g/bình 16 lít) định kỳ 3 ngày/lần (có thể phun luân phiên 2 loại phân này) để hạn chế đọt non, lá non phát triển để tránh tình trạng cạnh tranh dinh dưỡng giữa lá và quả non gây rụng quả non. Cần phối hợp với thuốc Agri - Fos 400 để kháng lại bệnh thối trái, xì mủ thân (giai đoạn này quả nở gai rất mẫn cảm với bệnh thối quả do nấm phát triển).
Bón phân nuôi quả: Lần 1: Thời điểm: Khi quả được 60 ngày tuổi (quả sầu riêng bằng quả trứng gà). Loại phân bón: Bón phân NPK 15-15-15. Lượng bón: Bón 0,5kg/cây/lần/2 lần, cách nhau 10-15 ngày. Cách bón: Lần 1 bón 200-300g/cây/lần rắc quanh tán cây. Nếu đất không đủ ẩm phải tưới nước để phân tan. Sau 10-15 ngày bón tiếp lần 2 với lượng phân còn lại.
Lần 2: Khi đậu trái được 80-85 ngày: Loại phân bón: NPK có công thức 12-12-17+TE hoặc 12-7-17+TE. Cách bón: Lượng phân bón 0,15-0,25kg/cây/lần, bón lần tiếp theo sau đó 10-15 ngày.
Lần 3: Loại phân: K2SO4 (kali trắng). Lượng phân và thời điểm bón: Lần 1: Khi quả được 100-105 ngày, bón 0,3kg/cây, tùy lượng quả trên cây. Lần 2: Sau khi bón lần 1 được 7 ngày, bón 0,3-0,5kg/cây.
Lưu ý: Đối với giống sầu riêng Ri6 do thời gian thu hoạch sớm hơn sầu riêng Monthong 15-20 ngày. Vì vậy thời gian bón phân cho cây Ri6 giai đoạn nuôi trái cần sớm hơn so với giống Monthong khoảng 10-15 ngày.