Dân Việt

10 ngày xét xử, cứ gặp luật sư thì Phạm Trung Kiên đều hỏi 1 câu đầu tiên giống nhau

Bách Thuận 25/07/2023 19:00 GMT+7
Luật sư bào chữa cho cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Trung Kiên cho biết, từ khi nhận tội và trong thời gian xét xử, Phạm Trung Kiên thể hiện thái độ ăn năn, hối cải "vô cùng lớn".

Luật sư nói Phạm Trung Kiên đã rất tích cực phối hợp với cơ quan điều tra

Hội đồng xét xử (HĐXX) sơ thẩm vụ chuyến bay giải cứu đang nghị án trước khi tuyên án vào chiều 28/7 tới đây.

Vụ án này, HĐXX sơ thẩm đã đưa 54 bị cáo ra xét xử, trong đó có các cựu quan chức như cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng, cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự; các cựu Phó Chủ tịch UBND 2 địa phương là Hà Nội, Quảng Nam; cựu Phó Giám đốc Công an TP.Hà Nội, cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Trung Kiên… và hàng chục bị cáo là đại diện các doanh nghiệp đưa hối lộ.

Trong 54 bị cáo, Phạm Trung Kiên bị đại diện Viện Kiểm sát nhân dân TP.Hà Nội đề nghị tử hình bởi hành vi vi phạm của mình. Trong lời nói sau cùng, Kiên tỏ ra vô cùng ăn năn, hối cải, xin HĐXX cho mình mức án khoan hồng, xin được mức án để sớm trở về với gia đình.

Trở lại diễn biến trước khi các bị cáo nói lời sau cùng, trình bày tại tòa, luật sư bào chữa cho bị cáo Phạm Trung Kiên đề nghị HĐXX áp dụng thêm tình tiết người phạm tội tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án cho thân chủ mình.

Vị luật sư cho biết, liên quan khoản tiền 15 tỷ Kiên nhận của các khách lẻ, Kiên là người chủ động khai báo và trong lời khai của Kiên đã giúp cơ quan điều tra và các cơ quan tiến hành tố tụng quan trọng trong việc điều tra giai đoạn 2 của vụ án sau này.

Luật sư bào chữa cho bị cáo Kiên cũng nhấn mạnh, thái độ của Phạm Trung Kiên trong quá trình giải quyết vụ án rất ăn năn, hối lỗi.

10 ngày xét xử, cứ gặp luật sư thì Phạm Trung Kiên đều hỏi 1 câu đầu tiên giống nhau - Ảnh 1.

Theo luật sư bào chữa của bị cáo Phạm Trung Kiên, trong những ngày xét xử, nếu có cơ hội gặp được bị cáo Kiên, câu đầu tiên Kiên bao giờ cũng hỏi ông về tình hình khắc phục hậu quả của vụ án. Ảnh: Bảo vệ pháp luật

"Những ngày 30, 31/3/2023 là ngày bị cáo Kiên khai nhận toàn bộ hành vi liên quan sự việc. Và buổi đó có cả đại diện VKS tham gia trong buổi lấy lời khai của bị cáo, buổi đấy làm đến 20-21 giờ tối.

Tôi thấy khi bị cáo Kiên khai nhận hành vi phạm tội của mình, kể cả điều tra viên, kiểm sát đều thấy nhẹ nhõm, bản thân bị cáo cũng thấy nhẹ nhõm…

Sau khi bị cáo đã nhận tội, bị cáo liên tục tác động đến gia đình thông qua luật sư. Cụ thể, ngoài việc làm việc ở trong trại giam ra, trong gần 10 ngày xét xử tại phiên tòa, ngày nào tôi có điều kiện gặp được bị cáo, bao giờ câu đầu tiên bị cáo cũng hỏi là "Gia đình em khắc phục đến đâu rồi?". Điều đó thể hiện thái độ ăn năn, hối cải vô cùng lớn với bị cáo Phạm Trung Kiên" – luật sư nhìn nhận.

Về việc đại diện VKS cho rằng Phạm Trung Kiên trốn tránh trách nhiệm, hành vi khi trả lại tiền mà lại nói cho vay, luật sư bào chữa cho bị cáo này nói diễn biến tâm lý, hành vi của bị cáo Kiên rất khó lường.

Luật sư bào chữa nói về thái độ của Phạm Trung Kiên. Clip: Bách Thuận

"Sau khi bị cáo nhiễm Covid-19, bản thân bị cáo có hành vi tự sát. Nếu không có sự ngăn chặn kịp thời của gia đình để đưa đi chữa trị thì có lẽ chưa biết ngày hôm nay Kiên có mặt ở phiên tòa này hay không, đó là điều chắc chắn.

Do diễn biến tâm lý phức tạp như thế, nhận thức hiểu biết như vậy, nhưng khi bị cáo nhận thức được hành vi phạm tội, sự sai lầm, đã khẳng định tất cả khoản tiền ấy liên quan tiền phạm tội, tôi đề nghị HĐXX ghi nhận cho bị cáo, không nhắc lại sự việc, đánh giá hành vi này của bị cáo như phần đối đáp mà đại diện VKS đã đối đáp" – luật sư tranh luận.

Về vấn đề khắc phục hậu quả, ở diễn biến mới nhất, thông tin từ luật sư Hà Mạnh Huy - luật sư bào chữa cho Phạm Trung Kiên, chị gái của Kiên đã nộp thêm 7 tỷ đồng để khắc phục hậu quả trong vụ án chuyến bay giải cứu. Như vậy, đến thời điểm hiện tại, Phạm Trung Kiên đã khắc phục khoảng 42 tỷ đồng trong số 42,6 tỷ đồng người này bị cáo buộc nhận hối lộ.

Những cựu quan chức từng thoát án tử vì khắc phục toàn bộ hậu quả

Cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son bị cáo buộc nhận hối lộ 3 triệu USD trong vụ MobiFone đầu tư 8.900 tỷ đồng mua 95% cổ phần AVG.

Theo đó, Nguyễn Bắc Son với tư cách Bộ trưởng là người trực tiếp thành lập, đánh giá dự án, định hướng cho MobiFone mua cổ phần AVG, đồng ý bản ghi nhớ, ký quyết định thành lập tổ thẩm định, thống nhất giá mua 95% cổ phần là hơn 8.900 tỷ đồng, thương vụ phải được triển khai ngay trong năm 2015.

Ông Son là người có chức vụ quyền hạn cao nhất, có vai trò quyết định trong thực hiện dự án MobiFone mua 95% cổ phần AVG bất chấp quy định của pháp luật. Hành vi của ông Son và đồng phạm gây thiệt hại 6.500 tỷ đồng.

10 ngày xét xử, cứ gặp luật sư thì Phạm Trung Kiên đều hỏi 1 câu đầu tiên giống nhau - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Bắc Son bị VKS đề nghị án tử hình, tuy nhiên trước 1 ngày tuyên án sơ thẩm, gia đình ông này khắc phục hoàn toàn số tiền 3 triệu USD ông Son bị cáo buộc nhận hối lộ. Tòa sau đó tuyên ông này mức án chung thân. Ảnh: TTXVN

Quá trình thực hiện dự án, bị cáo Son nhiều lần trao đổi với Phạm Nhật Vũ – cựu Chủ tịch AVG có mục đích tư lợi chỉ đạo cấp dưới thực hiện dự án. Sau khi MobiFone chuyển tiền cho AVG, bị cáo Son đã nhận được 3 triệu USD tiền hối lộ từ Phạm Nhật Vũ.

Trong phiên tòa sơ thẩm diễn ra vào cuối năm 2019, với tổng hợp 2 tội danh "Vi phạm các quy định về quản lý đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng" và "Nhận hối lộ", đại diện Viện Kiểm sát đề nghị tòa cấp sơ thẩm tuyên phạt ông Nguyễn Bắc Son tử hình.

Phiên sơ thẩm dự kiến tuyên án vào ngày 28/12/2019. Tuy nhiên trước đó 1 ngày, gia đình cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son đã khắc phục hậu quả hoàn toàn với hành vi nhận hối lộ bằng cách nộp 66 tỷ đồng tiền mặt.

Vào ngày tuyên án sơ thẩm, HĐXX ghi nhận bị cáo Nguyễn Bắc Son đã giao nộp số tiền nhận hối lộ nên không cần phải tuyên án tử hình như đề nghị của Viện kiểm sát. Vì các lẽ đó, HĐXX quyết định xử phạt Nguyễn Bắc Son 16 năm tù về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng vốn đầu tư công", tù chung thân cho tội "Nhận hối lộ", tổng hợp hình phạt là tù chung thân. Ông Son sau đó kháng cáo, tuy nhiên tòa phúc thẩm tuyên y án chung thân với ông này.

Một bị cáo khác cũng bị tuyên án tử hình nhưng nhờ khắc phục toàn bộ hậu quả nên được giảm án xuống tù chung thân, đó là cựu Tổng Giám đốc OceanBank Nguyễn Xuân Sơn.

10 ngày xét xử, cứ gặp luật sư thì Phạm Trung Kiên đều hỏi 1 câu đầu tiên giống nhau - Ảnh 3.

Nguyễn Xuân Sơn cũng bị tuyên án tử hình, tuy nhiên sau khi gia đình khắc phục 3/4 số tiền bị cáo buộc tham ô, ông này đã được Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao quyết định giảm án xuống chung thân. Ảnh: Lao Động

Cụ thể, cuối tháng 9/2017, TAND TP.Hà Nội tuyên bản án với Nguyễn Xuân Sơn – cựu Tổng Giám đốc OceanBank cùng các đồng phạm trong đại án thất thoát hơn 2.000 tỷ đồng tại OceanBank.

Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn bị tòa sơ thẩm tuyên án tử hình về 3 tội cố ý làm trái, lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản và tham ô tài sản.

Theo bản án sơ thẩm, cựu Tổng Giám đốc Oceanbank bị tuyên phạt án tử hình về hành vi tham ô 49 tỷ đồng. Số tiền này theo cáo buộc là 20% trong số 246 tỷ đồng Hà Văn Thắm – cựu Chủ tịch HĐQT Oceanbank đã chi lãi ngoài cho PVN thông qua Nguyễn Xuân Sơn, theo tỷ lệ 20% vốn góp của PVN vào Oceanbank.

Ngoài mức án trên, bị cáo Sơn còn bị tuyên phạt 17 năm tù về tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng"; tù chung thân về tội "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản". Tổng hợp hình phạt, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn phải chấp hành hình phạt chung của 3 tội là tử hình. 

Sơn kháng cáo bản án sơ thẩm, phiên tòa phúc thẩm sau đó được mở vào năm 2018. Tại phiên phúc thẩm, luật sư của Sơn cho biết, một doanh nhân là bạn thân của bị cáo Sơn sẵn sàng chi 32 tỷ đồng để "cứu" bị cáo này thoát án tử hình.

Theo đó, gia đình bị cáo Sơn sẽ tự lo 5 tỷ đồng, một doanh nhân là bạn thân của bị cáo Sơn sẽ cho vay 32 tỷ đồng để chuộc tài sản đã bị cơ quan điều tra kê biên. Số tiền 37 tỷ đồng vừa đủ để nộp khắc phục hậu quả, đúng bằng 3/4 số tiền 49 tỷ đồng bị cáo Sơn bị quy kết tham ô.

Chiều 4/5/2018, TAND Cấp cao tại Hà Nội tuyên y án tử hình bị cáo Nguyễn Xuân Sơn, tuy nhiên ghi nhận cam kết khắc phục hậu quả của gia đình bị cáo nên kiến nghị Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao sớm xem xét, giảm nhẹ hình phạt từ tử hình xuống chung thân cho bị cáo này.

Sau phiên phúc thẩm, gia đình Nguyễn Xuân Sơn đã khắc phục hơn 3/4 số tiền, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao đã giảm hình phạt xuống tù chung thân cho bị cáo Sơn.