Vụ chuyến bay giải cứu: Doanh nghiệp nói là nạn nhân của văn hóa phong bì

Bách Thuận - Gia Bình Thứ năm, ngày 20/07/2023 06:31 AM (GMT+7)
Tổng Giám đốc Công ty Bluesky - doanh nghiệp đưa hối lộ cho các cựu quan chức để xin cấp phép các chuyến bay giải cứu nói trước tòa, rằng doanh nghiệp là nạn nhân của cơ chế xin cho, nạn nhân của văn hóa phong bì.
Bình luận 0

Nạn nhân của cơ chế xin cho

Lê Hồng Sơn cùng Nguyễn Thị Thanh Hằng là lãnh đạo của Công ty Bluesky, trong đó Sơn là Tổng Giám đốc, Hằng giữ vị trí Phó Tổng Giám đốc. 2 người này bị cáo buộc từ tháng 11/2020 đến tháng 12/2022 đã đưa hối lộ 76 lần, số tiền hơn 100 tỷ đồng.

Lo sợ hành vi đưa hối lộ bị xử lý, họ đã nhờ người "chạy án", và chính cuộc nhờ vả này đã khiến 1 cựu Thiếu tướng công an vướng vòng lao lý vì "giúp em gái". Đó chính là cựu Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn – cựu Phó Giám đốc Công an TP.Hà Nội.

Nguyễn Thị Thanh Hằng bị VKS đề nghị xử phạt từ 10 – 11 năm tù; Lê Hồng Sơn bị đề nghị từ 11 – 12 năm tù cùng với tội danh "Nhận hối lộ".

Bào chữa trước tòa, bị cáo Lê Hồng Sơn nói sau khi nghe phần luận tội, đề nghị mức án của đại diện Viện Kiểm sát nhân dân TP.Hà Nội đã rất sốc.

Vụ chuyến bay giải cứu: Doanh nghiệp nói là nạn nhân của văn hóa phong bì - Ảnh 1.

Bị cáo Lê Hồng Sơn nói qua vụ án thấy rằng doanh nghiệp là nạn nhân của cơ chế xin cho, của văn hóa phong bì. Ảnh: NH

"Với 11, 12 năm tù, tức là đầu khoản 4, như vậy nếu nói về khung, bị cáo chỉ sau mỗi anh Kiên (Phạm Trung Kiên – cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế, người bị VKS đề nghị tử hình – PV), đấy là nói về khung.

Bị cáo rất là sốc vì khi bị cáo nhận được bản cáo trạng cũng như kết luận điều tra, bị cáo nghĩ rằng mình phạm tội, tội đến đâu mình nhận đến đấy, mình chấp nhận, nhưng cũng mong muốn VKS cũng như tòa án xem xét một cách thỏa đáng, một thời gian phù hợp với độ tuổi của bị cáo để bị cáo sớm trở về với gia đình" – Sơn nói.

Theo lời bị cáo là Tổng Giám đốc Công ty Bluesky, trước thời gian dịch bệnh, doanh nghiệp của bị cáo này có uy tín trong ngành, doanh thu hàng năm hơn 1.000 tỷ, với gần 100 cán bộ, công nhân viên. Nhưng khi xảy ra dịch bệnh Covid-19 đã khiến tất cả các công ty kinh doanh lĩnh vực và công ty của Sơn rơi vào gần như phá sản vì mất công ăn việc làm, khó khăn.

Sơn trình bày, tháng 5/2020, với uy tín của công ty, công ty của Sơn được chỉ định phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam ở Mỹ thực hiện 10 chuyến bay giải cứu, và từ đó cũng được chứng kiến nhiều nụ cười, giọt nước mắt của sự hạnh phúc, sự đoàn tụ.

"Bản thân bị cáo cũng có con ở bên Úc. Cháu có gọi về, cháu bảo là ba làm nhiều chuyến bay giải cứu thế, tại sao ba lại để con ở đây. Để con chết ở bên này à.

 Clip bị cáo Lê Hồng Sơn nói doanh nghiệp là nạn nhân của cơ chế xin cho, văn hóa phong bì và sự thiếu hiểu biết. 

Từ những việc như thế bị cáo rất đồng cảm với những người ở bên nước ngoài phải cách xa gia đình, bị cáo cũng biết nhiều người vì chậm chuyến bay mà không được gặp người thân, mất ở bên đó. Có những người mất ở trên máy bay… rất đau xót" – bị cáo Lê Hồng Sơn trình bày trong phần tự bào chữa của mình.

Lê Hồng Sơn cũng bày tỏ quan điểm về việc có thể nhiều người nghĩ doanh nghiệp chỉ quan tâm đến lợi nhuận. Bị cáo này thừa nhận đúng là doanh nghiệp thì quan tâm đến lợi nhuận, điều đấy không thể chối cãi nhưng nếu nói chỉ quan tâm đến lợi nhuận vào thời điểm đấy (dịch Covid-19) thì hoàn toàn không đúng.

"Bị cáo cũng có tình người, cũng cảm nhận được những nỗi đau của đồng bào mình. Bị cáo cũng biết được nhiều hoàn cảnh khó khăn… thôi thúc bị cáo cùng với chị Hằng quyết tâm thực hiện càng nhiều càng tốt các chuyến bay" – Tổng Giám đốc Công ty Bluesky nói.

Trình bày về việc đưa hối lộ, Sơn nói thực ra cũng không tham gia nhiều nhưng không phủ nhận sai phạm của mình. Thời điểm đứng trước tòa để tự bào chữa, Sơn chỉ muốn nói về sự vất vả, khó khăn ở thời điểm thực hiện công việc.

Vụ chuyến bay giải cứu: Doanh nghiệp nói là nạn nhân của văn hóa phong bì - Ảnh 3.

Nguyễn Thị Thanh Hằng nói mình không hiểu biết pháp luật nhưng chỉ nói lên sự thật và sự thật chỉ có một. Ảnh: Trần Phan/ThanhNien

Những khó khăn được nam bị cáo đưa ra liên quan đến thực hiện các chuyến bay là ngoài vất vả, khó khăn làm văn bản xin cấp phép, bị cáo này với bị cáo Hằng có thống nhất mềm là Hằng phục vụ việc đó; còn việc xây dựng giá thành, tham gia vào việc khảo sát các dịch vụ lưu trú để công dân về thì sẽ được an toàn nhất, mặc dù có chỉ thị giãn cách, nhưng hàng tuần, hàng tháng Sơn và các nhân viên phải đi các tỉnh, thành phố khảo sát, đến những nơi hoàn toàn có thể gây cho mình nhiễm bệnh ngay lập tức và khi về nhà không dám tiếp xúc mẹ già, con cái.

"Qua việc này bị cáo cũng nghĩ rằng doanh nghiệp vừa là nạn nhân của cơ chế xin cho, nạn nhân của văn hóa phong bì, nạn nhân của sự thiếu hiểu biết. Vụ án này cũng lấy đi của bị cáo rất nhiều thứ" – Lê Hồng Sơn nói trước tòa. Sơn mong HĐXX có mức án khoan hồng cho mình và bị cáo Nguyễn Thị Thanh Hằng cũng như khối doanh nghiệp.

Cựu điều tra viên bị tố dàn dựng câu chuyện không có thật

Tự bào chữa trước tòa, liên quan đến việc đưa tiền cho bị cáo Nguyễn Anh Tuấn để đưa cho Hoàng Văn Hưng – cựu điều tra viên Cục An ninh điều tra, Bộ Công an, Nguyễn Thị Thanh Hằng nói thực tế bị cáo Hưng là điều tra viên cao cấp, là người đã được đào tạo rất bài bản, là người hiểu biết rất rõ về mặt pháp luật. 

"Vì có hiểu biết về pháp luật nên Hoàng Văn Hưng đã dựng ra một câu chuyện hoàn toàn không có thật. Thế còn bị cáo ở đây chỉ là một người dân bình thường, là người không hiểu biết về pháp luật nhưng bị cáo chỉ nói lên sự thật, và sự thật chỉ có một thôi" – Nguyễn Thị Thanh Hằng nói.

Trong phần tự bào chữa của mình, Hằng trình bày các thông tin để chứng minh rằng cựu điều tra viên Hoàng Văn Hưng đã hướng dẫn mình khai báo trước khi làm việc với cơ quan điều tra.

 Clip bị cáo Nguyễn Thị Thanh Hằng nói cựu điều tra viên Hoàng Văn Hưng dựng lên câu chuyện không có thật.

Theo Hằng, khi nhờ cựu Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn, ông này đã kết nối Hằng với Hưng và sau đó Hưng là người hướng dẫn cho Hằng việc khai báo chứ không phải là ông Nguyễn Anh Tuấn.

Hằng đưa ra viện dẫn, trong một buổi gặp ở nhà ông Tuấn, Hằng có trình bày ở công ty có 2 người, Hằng và Sơn và nói chức vụ của 2 người. Hưng có nói đã nghe nhiều thông tin về Sơn và muốn gặp Sơn để xem tư cách Sơn như thế nào mới giúp. Theo lời Hằng, sau đó Sơn đã được gặp Hưng.

Sau buổi đó, Hằng khai Hưng đã hướng dẫn mình nhận toàn bộ trách nhiệm việc đưa hối lộ, còn Sơn không biết gì, chỉ có đi uống rượu và tiếp khách.

Tiếp tục chứng minh, Hằng nói trong lời khai của mình có phần gặp bên Văn phòng Chính phủ do bị cáo Sơn có mối quan hệ với người quen dẫn lên gặp một quan chức.

Vụ chuyến bay giải cứu: Doanh nghiệp nói là nạn nhân của văn hóa phong bì - Ảnh 5.

Phó Tổng giám đốc Công ty Bluesky Nguyễn Thị Thanh Hằng cho rằng bị cáo Hoàng Văn Hưng (ảnh) dựng ra một câu chuyện hoàn toàn không có thật. Ảnh: Phạm Dự/VNEXPRESS

Khi cơ quan điều tra gọi Sơn lên làm việc (trước đó Hưng đã dặn lên làm việc không nói gì, không trình bày gì), tuy nhiên sau khi làm việc với điều tra viên cả ngày về, Sơn lo lắng, có nói đã khai có biết bị cáo Hằng chuẩn bị tiền và quà để đưa cho Văn phòng Chính phú. Việc này Hằng sau đó đã thông báo lại cho ông Nguyễn Anh Tuấn.

Ông Tuấn sau đó gọi cho Hoàng Văn Hưng, sau đó ở buổi gặp ở nhà ông Tuấn, Hằng khai rằng Hưng đã mắng rằng có mỗi việc bảo không biết gì thôi mà không làm được.

"Cũng hướng dẫn bị cáo về nói với Sơn viết một bản tường trình, bị cáo cũng về nói với bị cáo Sơn và Sơn viết. Sau đó đưa cho anh Tuấn, anh Tuấn đưa cho bị cáo Hưng xem, bị cáo Hưng đồng ý.

Sau đó khi điều tra viên gọi lên thì Sơn đã nộp luôn bản tường trình đấy cho điều tra viên. Đó là điều thứ 2 chứng minh bị cáo Hoàng Văn Hưng là có hướng dẫn bị cáo" – Nguyễn Thị Thanh Hằng bào chữa.

Tiếp tục trình bày, bị cáo Hằng nói, ở cuộc gặp Hưng tại nhà ông Tuấn vào ngày 26/12/2022, Hằng nói rất lo lắng khi Sơn bị điều vào trong Củ Chi, liệu Hưng có kiểm soát được tình hình.

Trước thông tin này, theo bị cáo Hằng, cựu điều tra viên Hoàng Văn Hưng đã nói có 2 điều tra viên tên là Tuấn Anh sẽ hỏi Sơn, 2 điều tra viên này rất là trẻ và non, nếu Sơn mà có bản lĩnh sẽ không khai.

"Thực ra bị cáo và anh Tuấn cũng không thể biết được là trong đó điều tra viên tên là gì và ai là người hỏi bị cáo Sơn, cái đấy chỉ có nội bộ ở bên trong mới biết được.

Đấy là cái bị cáo chứng minh… tất cả những gì bị cáo Hưng nói không hướng dẫn bị cáo là hoàn toàn sai sự thật" – Hằng khẳng định ở tòa.

Về khoản tiền 350 nghìn đô la Mỹ mà Hưng đề nghị, bị cáo Hằng nói nhớ rất rõ bởi lúc đó thực sự hết tiền nên phải đi chuẩn bị và chỉ chuẩn bị được 250 nghìn.

Sau khi đưa 350 nghìn đô la Mỹ, ở buổi bị cáo Hằng gặp bị cáo Hưng ở nhà ông Tuấn, Hưng nói 350 nghìn đô la Mỹ này đã đưa cho VKS, nhưng mà VKS "õng ẹo chê ít" vì công ty của Hằng làm chuyến bay như thế chắc là lợi nhuận được nhiều, đấy mới chỉ có một nửa.

"Anh Hưng nói nguyên văn là đấy mới chỉ được có một nửa" – Hằng nhắc lại.

Hằng khai Hưng sau đó lại yêu cầu một số tiền cụ thể là 450 nghìn đô la Mỹ để tiếp tục đưa cho VKS và lãnh đạo của Cục.

Xác nhận trước HĐXX, Hằng nói số tiền mình chuyển cho ông Tuấn đã được chuyển cho Hưng như đã khai. Với tư cách bị hại, Hằng cũng yêu cầu xử lý người lừa đảo chiếm đoạt tài sản của mình.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem