Từ vụ chuyến bay giải cứu, điều ít người biết về việc nộp tiền khắc phục hậu quả thay bị can/bị cáo
Từ vụ chuyến bay giải cứu, điều ít người biết về việc nộp tiền khắc phục hậu quả thay bị can/bị cáo
Gia Bình
Thứ năm, ngày 27/07/2023 06:44 AM (GMT+7)
Luật sư cho hay, trong các vụ án, việc gia đình khắc phục hậu quả thay sẽ tạo tình tiết giảm nhẹ cho bị can/ bị cáo nhưng nhiều trường hợp, việc nộp tiền không đúng cách gây khó khăn tới quá trình xác minh của cơ quan tố tụng. Trong vụ chuyến bay giải cứu đã xảy ra việc này.
Trong phiên tòa xét xử 54 bị cáo trong vụ án chuyến bay giải cứu, nhiều bị cáo được gia đình nộp tiền khắc phục hậu quả thay nhằm giúp họ được hưởng tình tiết giảm nhẹ.
Như Phạm Trung Kiên, cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế được gia đình nộp 30 tỷ đồng, cộng 12 tỷ anh ta trả lại là khắc phục gần hết số 42,6 tỷ nhận hối lộ. Các bị cáo Chử Xuân Dũng, cựu Phó chủ tịch Hà Nội; Trần Văn Tân, cựu Phó chủ tịch Quảng Nam đã cùng gia đình nộp hết số hưởng lợi bất chính nên được Viện kiểm sát đề nghị giảm án tù…
Tuy nhiên, chủ tọa Vũ Quang Huy cho hay, nhiều gia đình các bị cáo nộp tiền khắc phục hậu quả thay nhưng không ghi nội dung, không thể hiện khắc phục cho bị cáo nào… dẫn tới khó khăn cho tòa án.
Nhiều bị cáo trong vụ chuyến bay giải cứu được gia đình nộp tiền khắc phục hậu quả.
Trao đổi với Dân Việt, luật sư Dương Kim Sơn, Công ty luật Sen Vàng, phân tích, việc gia đình người phạm tội nộp tiền khắc phục hậu quả thay sẽ giúp thân nhân được hưởng tình tiết giảm nhẹ theo Điều 51, Bộ luật Hình sự.
Với những người bị kết án tử hình vì tham ô, nhận hối lộ, người phạm tội nếu nộp trên 3/4 số hưởng lợi bất chính và tích cực hợp tác, còn có thể được chuyển thành án tù chung thân.
Ngoài ra, ở một số tòa án có tình trạng không thông báo ngày xét xử cho người thân của bị cáo để họ đến theo dõi. Nếu nộp tiền thay bị cáo, người thân chắc chắn được tòa gửi giấy mời nên chủ động biết ngày xét xử.
Theo luật sư Sơn, pháp luật chưa quy định cụ thể về việc gia đình nộp khắc phục hậu quả thay nhưng nó diễn ra phổ biến, nhất là với các bị can/bị cáo chịu tạm giam. Luật hình sự có quy định tình tiết giảm nhẹ là người phạm tội tự nguyện hoặc tác động gia đình khắc phục hậu quả.
Ở giai đoạn điều tra, cơ quan điều tra có tài khoản tạm giữ nên người thân bị can nếu muốn, có thể nộp tiền khắc phục hậu quả thay vào tài khoản này. Việc nộp tiền sẽ được ghi nhận là tình tiết giảm nhẹ cho bị can, thể hiện trong kết luận điều tra.
Giai đoạn truy tố của viện kiểm sát hoặc xét xử của tòa án, tiền khắc phục hậu quả phải nộp vào tài khoản tại kho bạc Nhà nước của cơ quan thi hành án dân sự. Sau khi nhận biên lai, tình tiết này sẽ được viện kiểm sát hoặc tòa ghi nhận, tương ứng trong cáo trạng hoặc bản án.
Về lý thuyết, viện kiểm sát hoặc tòa án sẽ gửi văn bản tới cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp, nội dung đang giải quyết vụ án với các bị can/bị cáo nào? trách nhiệm dân sự của họ ra sao? Phía thi hành án sau đó sẽ đối chiếu, xem từng bị can/bị cáo phải khắc phục hậu quả dân sự bao nhiêu rồi mới cho người thân của họ nộp tiền.
Thực tế, các cơ quan thi hành án dân sự cũng "tạo điều kiện" cho người thân của bị can/bị cáo, theo luật sư Sơn. Cụ thể, vụ án khi chuyển sang viện kiểm sát, đã có kết luận điều tra hoặc cáo trạng nên phía thi hành án chỉ cần căn cứ vào đó để xác định bị can nào phải khắc phục bao nhiêu tiền rồi cho người thân của họ nộp thay.
Lưu ý khi nộp tiền khắc phục hậu quả thay, người thân của bị can/bị cáo cần ghi rõ nội dung nộp theo 2 trường hợp. Nếu bị hại cần là cá nhân, gia đình người phạm tội phải ghi nộp tiền bồi thường cho bị hại là cá nhân đó. Ngược lại, nếu khoản tiền cần xung công (tham ô, nhận hối lộ…), gia đình bị can/bị cáo phải ghi rõ nội dung nộp khắc phục thay người phạm tội là thân nhân của mình.
Ví dụ trong vụ án cố ý gây thương tích với bị cáo là A, nạn nhân là B, gia đình A phải ghi rõ nộp tiền bồi thường dân sự (viện phí, tổn hại tinh thần, sức khỏe…) cho B.
Còn trong vụ án nhận hối lộ với bị cáo tên C, tiền bất chính phải xung công nên gia đình người này cần ghi trong biên lai nội dung khắc phục hậu quả cho C.
Lưu ý tiếp theo là sau khi nộp tiền tại kho bạc, người thân của bị can/bị cáo cần đưa biên lai cho viện kiểm sát hoặc tòa án để được ghi nhận.
Luật sư Dương Kim Sơn lấy ví dụ, trong một vụ án hành chính tại Hà Nội, một Bộ từng thua kiện ở cấp sơ thẩm và có kháng cáo. Nhân viên Bộ này sau đó nộp tiền tạm ứng vào kho bạc nhưng quên không đưa biên lai cho tòa án nhân dân cấp cao dẫn tới kháng cáo không hợp lệ, không được xét xử phúc thẩm.
Việc nộp tiền khắc phục hậu quả thay người thân là tự nguyện. Tại các phiên xét xử, nếu gia đình đổi ý, không khắc phục thay người thân nữa, tòa sẽ tuyên trả lại họ số tiền đã nộp. Trường hợp nộp thừa, số thừa ra cũng phải được trả lại.
Còn có trường hợp người thân nộp tiền thay nhưng bị cáo không đồng ý dùng số tiền này để bồi thường thiệt hại, như trường hợp bị cáo kêu oan, nói không có tội nên không bồi thường dân sự nhưng gia đình không biết người thân kêu oan nên vẫn nộp. Khi đó, kể cả tòa tuyên bị cáo này có tội, khoản tiền nộp thay vẫn được trả lại gia đình.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.