Năm 2015, Hoàng Hải – chàng trai 23 tuổi hớn hở cầm trên tay tấm bằng cử nhân đại học thể dục thể thao, lái chiếc xe máy cà tàng chạy quanh thành phố Đà Nẵng xin việc. Hải dừng chân tại một trường học sau khi chấp nhận ký vào làm giáo viên hợp đồng.
Buổi ban đầu, Hải tin rằng, sau vài năm chăm chỉ, dạy tốt thì bản thân sẽ được đền đáp. Thế nhưng, mức lương 3,2 triệu đồng mỗi tháng không đủ cho Hải đắp đổi chuyện cơm áo, nhà trọ…, chưa kể cần duy trì các mối quan hệ xã hội.
Sau nhiều đêm trằn trọc suy nghĩ, Hải đưa ra quyết định khó khăn của cuộc đời – bỏ phố về quê lập nghiệp.
"Hải ơi, suy nghĩ lại thử xem. Mất bao công đèn sách, chẳng lẽ bây giờ chấp nhận bỏ đi. Người ta muốn lên phố tìm cơ hội đổi đời, sao Hải lại bỏ phố về quê" – đó là những lời khuyên của người thân, bạn bè khi nhận được tin.
Thế nhưng, Hải có suy nghĩ khác. Học để hiểu biết kiến thức, để rèn luyện bản thân trở thành người tốt. Còn công việc không phải lúc nào cũng như ý muốn, phải tuỳ duyên và sự phù hợp với mỗi người. Sau 3 năm bươn chải ở TP Đà Nẵng, Hải nhận ra bản thân phù hợp với nông nghiệp. Bởi Hải sinh ra từ làng, nghề nông đã ngấm vào máu. Và quan trọng hơn, nếu biết cách, làm nông vẫn giàu có, đủ đầy.
Năm 2018, cũng trên chiếc xe máy cà tàng, Hải gói ghém hành trang vào chiếc ba lô, vượt 200km trở về nơi chôn nhau cắt rốn, thôn Long Thành, xã Tân Long, huyện Hướng Hoá, tỉnh Quảng Trị.
Sẵn có 6ha đất vườn của gia đình, cộng thêm kiến thức từng học được từ sách, báo, mạng internet và các lớp tập huấn, Hải quyết định mở gia trại trồng chuối, nuôi heo.
Để khởi nghiệp, Hải tìm đến ngân hàng Agribank chi nhánh Lao Bảo (huyện Hướng Hoá) vay 600 triệu đồng. Số tiền này, Hải dùng để cải tạo vườn tạp, trồng 2ha chuối mật mốc, xây dựng chuồng trại nuôi 20 con heo nái sinh sản. Nhờ nắm vững kiến thức, kỹ thuật chăn nuôi cùng với sự may mắn, Hải nuôi heo nhanh lớn, được giá nên lãi to.
Không tự mãn, Hải tiếp tục vay 500 triệu đồng từ Agribank để đầu tư nuôi dê, bò. Trong chuồng, Hải luôn duy trì nuôi từ 50 đến 70 con dê/lứa và 25 con bò và 42 heo nái, mỗi năm cho ra khoảng 600 heo con nuôi bán thịt.
Quá trình chăn nuôi, Hải nhận thấy khu vực đồng bằng nông dân nuôi gà, vịt khá nhiều, nhưng vùng miền núi còn ít. Nắm bắt cơ hội, Hải học hỏi kinh nghiệm rồi mạnh dạn bỏ ra 200 triệu đồng đầu tư chuồng trại, nuôi vịt trên sàn. Tuy là mô hình mới nhưng nhờ áp dụng đúng khoa học kỹ thuật, vịt Hải nuôi lớn nhanh, thơm ngon, mỗi năm xuất bán ra thị trường 8.000 con.
Không chỉ nuôi trồng đơn thuần, Hải còn tìm hiểu trên sách, báo, đặc biệt là các chương trình hướng dẫn cách làm nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ, thoát nghèo bền vững.
Ông Võ Văn Cương – Chủ tịch UBND xã Tân Long đánh giá, mô hình sản xuất và nghị lực vượt khó của Hoàng Hải là tấm gương để nhiều người học tập. Không chỉ làm giàu cho bản thân, Hoàng Hải còn tích cực trong các hoạt động xã hội, đặc biệt là sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm sản xuất cho nông dân học hỏi, cùng nhau thoát nghèo.
Cũng theo ông Cương, xã Tân Long có 1.137 hộ/4.800 nhân khẩu, sản xuất nông nghiệp chiếm 50%. Hiện nay, xã có hàng trăm hộ được cho vay vốn phát triển sản xuất, trong đó có vay vốn Agribank với dư nợ khoảng 70 tỷ đồng.
Từ vốn vay quý giá này, nông dân có cơ hội khởi nghiệp, mở rộng sản xuất, góp phần xoá đói giảm nghèo. Mỗi năm, xã Tân Long giảm khoảng 0,6% số hộ nghèo. Tuy nhiên, hiện tại tỷ lệ hộ nghèo của xã còn rất cao, chiếm 5,2%. Vì vậy, thời gian tới vẫn cần sự đồng hành, hỗ trợ nhiều hơn của các cấp Đảng, chính quyền và đặc biệt là của các ngân hàng, tổ chức tín dụng cho nông dân vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất. Đó là hướng đi bền vững giúp người dân xoá đói giảm nghèo, cải thiện cuộc sống.