DXY tiếp nối đà tăng đã đẩy các tiền tệ mới nổi vào thế suy yếu khiến sức mua hàng hóa sụt giảm nghiêm trọng.
Kết thúc phiên giao dịch, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London tiếp nối đà giảm. Kỳ hạn giao ngay tháng 9 giảm thêm 17 USD, xuống 2.603 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 11 giảm thêm 2 USD, còn 2.433 USD/ tấn, các mức giảm nhẹ. Khối lượng giao dịch trên mức trung bình.
Tương tự, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York kéo dài chuỗi giảm lên phiên thứ sáu. Kỳ hạn giao ngay tháng 9 giảm thêm 1,85 cent, xuống 149,25 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 12 giảm thêm 1,25 cent, còn 151,35 cent/lb, các mức giảm đáng kể. Khối lượng giao dịch duy trì rất cao trên mức trung bình.
Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên hôm nay giảm 100 đồng, xuống dao động trong khung 64.900 - 65.700 đồng/kg. Cụ thể, tỉnh Lâm Đồng và Gia Lai có giá thấp nhất là 64.900 đồng/kg. Cùng thời điểm khảo sát, tỉnh Đắk Lắk có giá thu mua là 65.500 đồng/kg. Đắk Nông ghi nhận mức giao dịch là 65.700 đồng/kg - cao nhất trong các địa phương được khảo sát.
DXY tiếp nối đà tăng trong rổ tiền tệ mạnh đã đẩy các tiền tệ mới nổi vào thế suy yếu làm giảm sức mua hàng hóa nói chung và cà phê nói riêng. Trong khi đó, đáo hạn hợp đồng quyền chọn kỳ hạn tháng 9 đã cận kề khiến các quỹ và đầu cơ điều chỉnh, cân đối, thanh lý vị thế ròng cũng khiến giá cả hàng hóa sụt giảm trên diện rộng.
Thị trường cà phê kỳ hạn thế giới cho rằng giá cà phê sàn New York suy yếu trong nhiều năm qua là do ICE chấp thuận việc đưa cà phê Arabica bán rửa (semi – wash) lên sàn để bù đắp cho lượng Arabica chế biến ướt chất lượng cao của Colombia và khối sản xuất Mexico – khu vực Trung Mỹ truyền thống bị thiếu hụt, cho dù sau hơn 10 năm đàm phán và với một mức giảm trừ cố định về chất lượng.
Theo các chuyên gia, đây là vấn đề có tính tương đối, vì với cà phê Arabica có nguồn gốc xuất xứ khác nhau đã được sàn áp dụng mức giá tăng/giảm cố định khi nhận hàng.
Theo các nhà quan sát, giá cà phê kỳ hạn trên cả hai sàn suy yếu trở lại không ngoài lý do cơ bản là nguồn cung vụ mới dồi dào từ Brazil, nhà sản xuất và xuất khẩu lớn nhất thế giới đang vào thu hoạch giai đoạn cuối và kể cả khi thị trường cà phê Sao Paulo hôm qua không mở cửa. Bất chấp dự báo toàn cầu sẽ thiếu hụt 7,26 triệu bao cà phê các loại trong niên vụ 2023/2024 và báo cáo tồn kho tại hai sàn giảm xuống “mức thấp chưa từng có”.
Công ty Cung ứng Quốc gia Brazil (CONAB) mới đây đưa ra ước tính sản lượng cà phê Arabica trên của Brazil trong niên vụ 2023/24 sẽ tăng 15,9% (5,2 triệu bao) so với niên vụ 2022/23. Còn theo Trung tâm Nghiên cứu Cao cấp về Kinh tế Ứng dụng (Cepea), nông dân Brazil dự đoán sản lượng sẽ tăng hơn 30% trong niên vụ 2023/24.
Dự báo xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong quý III/2023 sẽ chậm lại do nguồn cung không còn dồi dào. Tuy nhiên, cà phê xuất khẩu sẽ được hưởng lợi về giá do thị hiếu tiêu dùng của thế giới có xu hướng dịch chuyển sang cà phê Robusta.
Cắt tỉa cành là kỹ thuật tạo hình quan trọng và cần thiết trong quá trình chăm sóc cây cà phê giúp cây sinh trưởng khỏe mạnh cho năng suất cao. Khi cắt tỉa cành hợp lý cây sẽ cho năng suất cao, phục hồi nhanh, cho trái lớn hơn và hạn chế được một số sâu bệnh cho vườn cà phê. Sau đây là kỹ thuật cắt tỉa cành cà phê sau mỗi đợt thu hoạch đảm bảo chất lượng trái ở vụ sau.
Thời điểm cắt tỉa
Cây cà phê có 2 thời điểm cắt cành: Cắt ngay sau khi thu hoạch xong để cây khỏi mất sức và vào giữa mùa mưa khoảng tháng 6 hoặc 7 dương lịch cắt sơ lại một lần nữa.
Những cành cần được cắt tỉa ngay
Những cành khô, cành không có lá, cành già cỗi không còn khả năng cho trái hay những cành bị sâu bệnh thì cần phải loại bỏ ngay lập tức.
Cành thứ cấp mọc hướng vào bên trong tán lá mà không hướng ra ngoài, những cành mọc thẳng đứng hướng lên trên hoặc bên dưới những cành này cần phải được loại bỏ hết nếu không nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc tạo hình cũng như thu hoạch sau này, cành mọc thành chùm cũng cần phải loại bỏ ngay luôn.
Loại bỏ luôn những cành thứ cấp nằm bên trong tán để tạo điều kiện cho ánh sáng chiếu vào bên trong tán cây để vườn cây thông thoáng hơn giảm được sâu bệnh gây hại.
Với những cành già vẫn còn khả năng cho trái thì cắt ngắn lại những cành đã mang trái để cây tập trung chất dinh dưỡng vào những cành thứ cấp bên trong có khả năng cho quả sai hơn chất lượng hơn.
Đợt cắt tỉa cành lần thứ 2 diễn ra vào thời điểm tháng 6 – 7 là thời điểm mùa mưa khi cây đã được phục hồi đầy đủ và đang trong thời kì nuôi trái, bà con cần tiến hành việc cắt cành rồi tỉa thưa thoáng cho cây.
Loại bỏ hết những cành vô hiệu còn sót ở đợt cắt cành lần thứ nhất, những cành sâu bệnh cần loại bỏ hết chừa lại những cành khỏe để nuôi dưỡng cho mùa sau. Nên cắt tỉa vừa phải, không tỉa quá nhiều sẽ khiến cho cây giảm năng suất trong vụ sau.
Khi tỉa thưa cho cây hãy loại bỏ hết những cành mọc ngược và những cành thẳng đứng, cành mọc chen chúc nhau trên cùng một đốt và những cành mọc trong cùng của tán lá.
Với vườn cà phê trong thời kì kiến thiết cơ bản thì không nên quá chú trọng đến công đoạn làm cành mà chỉ nên chú trọng đến việc tạo hình cho cây nhiều hơn.
Trong quá trình cắt bỏ bớt cành cần chú ý đến những cành cây đang có dấu hiệu bị dị dạng như cong queo hoặc là xuất hiện những màu sắc khác thường thì cần phải loại bỏ nó ngay.
Khi cắt cành không được cắt quá sát gốc lá mà cách ra khoảng 2 – 3 cm, sử dụng kéo sạch không có vướng những mầm bệnh hay kéo vừa cắt cành ở những cây bị sâu bệnh để hạn chế tình trạng lây lan.
Tạo tán cho cây
Tiến hành tạo mới tán cây bằng cách cắt ngắn toàn bộ hoặc một phần cành mang trái, sâu vào phía trong tán, chỉ chừa lại các đoạn cành dài khoảng 30cm (phía trên) và 50cm (phía dưới) theo hình nón cụt, trên nhỏ dưới xòe. Các đoạn cành còn lại sẽ phát sinh hàng loạt các cành thứ cấp mới. Nên tỉa bỏ các cành mọc quá dày để lại nuôi trên mỗi đoạn cành cũ 1 - 3 cành tơ mới, sau này sẽ phát triển tạo thành một bộ tán mới, khả năng cho trái nhiều và bền hơn.
Lưu ý khi cắt tỉa cây cà phê
Điều quan trọng nhất sau khi tỉa cành tạo tán cà phê đó chính là: Cần cung cấp nước tưới, phân bón cho cây để cây tổng hợp và phát triển tốt nhất. Điều này giúp cây nuôi mầm và cho hoa cũng như trái sai, tăng năng suất và tăng kinh tế.
Đặc biệt, cần theo dõi sự phát triển của cây, khi cây bị sâu bệnh, cần kịp thời cứu chữa. Cắt tỉa cành đúng kỹ thuật để đảm bảo cây sinh trưởng, phát triển và cho ra nhiều trái.